Ngày 09-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hai cái nhìn khác tầm nhìn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:28 09/10/2021

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
HAI CÁI NHÌN KHÁC TẦM NHÌN

Thánh Marcô cho biết: "Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương" anh ta. Từ cái nhìn của Chúa Giêsu, tôi thấy không chỉ một mà là hai cái nhìn: của Chúa Giêsu và của người thanh niên. Nhưng không dừng ở cái nhìn, mà trong từng cái nhìn còn cho thấy tầm nhìn.

Tầm nhìn của Chúa Giêsu là hướng người thanh niên về cùng chính Chúa, là dẫn anh ta đi tới tột đỉnh của sự sống, đó là sống đời đời trong Chúa, có chính Chúa là gia nghiệp vĩnh cửu.

Còn người thanh niên, dẫu đã là người tốt, anh không thể phóng tầm nhìn xa hơn mớ vật chất mà anh đang sở hữu. Anh sụ mặt bỏ đi ngay sau lời mời gọi của Chúa: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta", đến nỗi Chúa phải thốt lên lời xót xa: "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa".

1. NGƯỜI THANH NIÊN - GIỚI HẠN CỦA MỘT CÁI NHÌN.

Người thanh niên đã thật sự tốt. Anh giàu nhưng cái giàu của anh chân chính, không tội lỗi, không hoen ố. Anh đã có thói quen giữ trọn giới răn của Chúa từ thuở nhỏ. Lối sống lành mạnh, gieo nhiều thiện cảm của anh đã là sự ngưỡng mộ của bao nhiêu người.

Chúa trao cho anh cái nhìn. Đó là cái nhìn của Đấng Cứu chuộc trên thụ tạo của mình. Đó cũng là cái nhìn của lòng thương yêu, sự thấu hiểu, sự chúc lành và trao ban ân phúc...

Trên tất cả, cái nhìn của Chúa còn mời gọi anh bước tiếp, bước xa, bước dài trên con đường thánh thiện, con đường của sự hoàn hảo, con đường đích thực, con đường đưa tới hạnh phúc khôn cùng, đưa tới chiếm lĩnh trọn vẹn sự sống trong Chúa, không chỉ nơi trần thế, mà còn trong "trời mới đất mới", nơi không còn lo lắng, đau thương, chết chóc...

Chúa không bằng lòng với cái nhìn chỉ bằng đôi mắt, dù cái nhìn của Chúa dành cho anh là "nhìn chăm chú". Chúa muốn anh, qua đôi mắt ấy, anh hãy tiến tới trong cùng một TẦM NHÌN của chính Chúa.

Tầm nhìn ấy chính là biết nhận ra siêu nhiên quý hơn phàm trần; đường đi lên trời là mang lấy trọn đời mình niềm phó thác chứ không trông vào vật chất; theo Chúa bằng một trái tim không san sẻ là phải cho người nghèo tất cả, để trở nên như Chúa là người nghèo giữa mọi người nghèo.


Để sống với Chúa, để đi cùng Chúa, con người ta đâu chỉ hoàn thành một vài giới răn, đâu chỉ là không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt, và đã thảo kính đối với cha mẹ là đủ!

Để đi cùng Chúa, kẻ được gọi là người tốt, người thánh thiện còn phải sống như chính Chúa đã sống, yêu như Chúa đã yêu, hy sinh và hiến dâng mình như Chúa đã hy sinh và hiến dâng. Và nếu cần, chấp nhận chết như Chúa đã chết vì ích lợi thiêng liêng của anh chị em mình.

Vì thế, muốn theo Chúa, anh cần vượt xa vài giới răn đã từng sống, vượt xa cái tư tưởng cho rằng, như thế là mình đã tốt. Anh phải trở nên bần cùng, phải trở nên không còn gì, không có gì, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, đau khổ của người mang lấy phận nghèo.

Anh cần phải giẫm lên sự bám víu vật chất, vượt trên cái nhìn hoàn toàn trần trụi, nhỏ bé của một con người để có thể nhận ra "một kho báu trên trời", như khởi điểm cho việc anh mặc lấy tầm nhìn của Chúa.

Một khi có được khởi điểm của một tầm nhìn mới, Chúa sẽ tiếp tục mời gọi anh: "Rồi đến theo Ta”.

Nhưng anh thất bại. Đó cũng là sự thất bại của lời Chúa mời gọi: Người thanh niên không thể vượt qua cái nhìn của mình để có thể mặc lấy tầm nhìn của Chúa. Anh không dám phó mình trong tay Chúa. Anh không thể nhìn thấy Chúa là bảo đảm của sự sống bản thân. Anh chấp nhận thua cuộc để trở về với căn nhà và mớ vật chất mà anh đã từng đổ mồ hôi lẫn công sức để tạo ra.

2. HÃY MẶC LẤY TẦM NHÌN CỦA CHÚA.

Mỗi tín hữu cần đinh ninh lời này của Chúa: "Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi; đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. Trời cao hơn đất thế nào, đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy" (Is 55, 8-9).

Chúa là thượng trí. Chúa nhìn mọi sự khác chúng ta nhìn. Chúa nhìn mọi sự trong chiều kích siêu việt và khôn ngoan. Không có bất cứ ai, không có bất cứ cái gì thoát được tầm nhìn của Chúa.

Chúa đã nhìn thấy sự cuối cùng ngay lúc khởi đầu. Chúa luôn đi bước trước và muốn ta theo Chúa, phó mình cho Chúa. Nói mạnh hơn, ta hãy ném mình vào vòng tay của Chúa, chấp nhận để Chúa hoàn toàn lo liệu và dẫn dắt.

Đàng khác, Chúa yêu ta, hiểu ta hơn ta có thể yêu và hiểu chính mình. Trong tình yêu ấy, Chúa có kế hoạch tốt lành cho cuộc đời ta. Ta không bao giờ đơn độc vì có Chúa luôn ở cùng như chính Chúa đã từng hứa: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).
Hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu mà Chúa dành cho, để bước đi cùng Chúa trong đường lối, trong tầm nhìn hoàn hảo của Chúa. Chỉ khi nhìn sự việc bằng cái nhìn của Chúa, ta mới không nản lòng, không thất vọng, không mất niềm vui khi phải đối diện cùng thử thách trong đời.

Hãy nhớ lại hoàn cảnh và ơn gọi của thánh Phaolô để thêm mạnh mẽ tín thác vào lòng thương yêu của Chúa, mạnh mẽ để Chúa dẫn dắt, cùng quyết bước đi với Chúa trong chính tầm nhìn của Chúa.

Chính thánh Phaolô cũng xác nhận trong thư gởi tín hữu Philipphê: "Tôi muốn anh em biết là những gì xảy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển" (1, 12).

Bởi từ khi thánh Phaolô trở thành Kitô hữu, ngài ôm giấc mơ lớn: Rao giảng tại Rôma, thành phố quan trọng nhất thế giới, trung tâm của thế giới thời bấy giờ. Vì thế, sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng ngài có mặt tại Rôma.

Nhưng thánh ý và tầm nhìn của Chúa hoàn toàn khác. Sau khi đến Rôma, thay vì truyền giáo, thánh nhân lại bị cầm tù. Thánh nhân trở thành kẻ thù của triều đình Ceasar, lúc đó là Nero, một trong những khuôn mặt xấu xa và độc ác nhất của lịch sử loài người.

Là tù nhân hoàng gia, thánh Phaolô bị xiềng chung với một người lính canh cũng của hoàng gia suốt 24 giờ trong một ngày. Cứ sau bốn giờ người ta lại thay đổi phiên lính canh. Việc này diễn ra ròng rã suốt gần ba năm. Có ai ngờ, trong chừng ấy thời gian, thánh Phaolô đã làm chứng về Chúa Kitô cho khoảng 4.380 người lính canh.

Ai mới thực sự là tù nhân của ai? Ai mới thật sự bị giam cầm?

Chương 4 thơ gởi tín hữu Philipphê còn cho biết: Trong hơn hai năm bị xem là tù nhân, thánh Phaolô còn được tiếp xúc với nhiều thành viên trong gia đình Nero. Một số trong họ, nhờ lời chứng của thánh nhân tại tòa án ở Rôma, đã trở thành Kitô hữu.

Chưa hết, là con người của sự hăng say ra đi, thực tế đã nhiều lần lao mình vào cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi sóng gió, vượt trên mọi thác ghềnh, khó có thể khiến một người như thánh Phaolô ngồi yên.

Chỉ có trong nhà tù, thánh nhân bị buộc phải ngồi yên. Kết quả của những ngày tháng lao lý ấy, thánh nhân đã viết nhiều bức thơ không phải chứa đựng tư tưởng của một tù binh, không hề chứa đựng cái đầu của kẻ mất tự do, nhưng chất chứa sứ mạng của một tông đồ, chất chứa tinh thần của người chỉ biết tùng phục Chúa Kitô.

Điều gì có sức tác động lớn hơn: lời rao giảng của thánh Phaolô ở đấu trường La mã, chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc nhất thời hay những lá thơ, đúng hơn là những quyển sách nhân danh Chúa Kitô, có giá trị rao giảng về Chúa Kitô suốt hơn hai mươi thế kỷ qua và sẽ còn về sau cho hết thế hệ loài người này đến thế hệ loài người khác!

Đây hoàn toàn không phải kế hoạch của tông đồ Phaolô. Tất cả đều được sắp xếp trong thánh ý quan phòng và khôn ngoan của Chúa. Chúng thể hiện đường lối của Chúa, tình yêu của Chúa, tầm nhìn kỳ vỹ và nhiệm lạ của Chúa.

Bản thân thánh Phaolô cũng là tấm gương hoàn bị cho mỗi Kitô hữu hôm nay. Thánh nhân luôn tin tưởng, Chúa có chương trình lớn hơn có lợi cho bản thân mình và cho danh Chúa.

Dù ngược ý mình, thánh nhân không tìm cách nổi loạn, hay kháng cự, nhưng luôn hạnh phúc giao phó bản thân, giao phó hoàn toàn hoàn cảnh mà chính mình đang rơi vào để chỉ một mình Chúa tùy nghi quyết định.

Bạn thân mến, như người thanh niên xưa trong Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên không còn gì, không có gì, để hoàn toàn nghèo khó nhằm cùng Chúa bước đi trong tầm nhìn của Chúa.

Nhưng đừng như người thanh niên ấy. Bạn và tôi không "sụ mặt bỏ đi" nhưng trao đời mình cho Chúa để Chúa dẫn dắt, để đi cùng Chúa trong tầm nhìn mới mà Chúa hoạch định.

Hãy nhớ, Chúa luôn ban ơn giúp sức cho ta, nhưng Chúa không thay ta chọn lựa và quyết định. Từng người đều có quyền tiếp tục hay bỏ cuộc. Chúa mời gọi, nhưng đứng vững trong lòng tin, trong sự cậy trông hay không là tùy ở ta. Ta có quyền quyết định vận mạng đời mình y như trường hợp của người thanh niên trong Tin Mừng.

Vì thế, một khi quyết theo Chúa, mỗi người hãy cùng với thánh Phaolô, từng ngày sống là từng ngày tập nhìn bằng tầm nhìn của Chúa. Hãy luôn tự hỏi: “Chúa muốn gì nơi con? Chúa đang thực hiện điều gì trên cuộc đời con? Có phải đây là cách Chúa đưa con đi về phía Chúa?”.

Hãy tự hỏi để khám phá đường lối và tầm nhìn của Chúa. Hãy quyết bước theo, đừng cưỡng lại, dẫu phải đối diện cùng nhiều khó khăn, ngang trái, nghịch cảnh, thậm chí cả đến đau đớn, trầy xướt, rát buốt...

 
Cứ tin vào Mẹ thì các con sẽ biết phép lạ là gì!
Giáo Hội Năm Châu
05:15 09/10/2021
 
Những Chiếc Áo Khoác Ngoài
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:31 09/10/2021
Những Chiếc Áo Khoác Ngoài

Tin mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu khiển trách, đúng hơn là sửa bảo nhiều vị biệt phái về thói sống giả hình. Theo văn mạch câu chuyện kể thì Chúa Giêsu cố tình không giữ “luật sạch nhơ” rồi nhân cơ hội đó để “mở dạy kẻ mê muội” là nhiều biệt phái thời bấy giờ. Tuy nhiên điều cần lưu ý là bối cảnh mà Chúa Giêsu có những lời “gay gắt” thoạt xem ra không mấy phù hợp. Người ta mời mình dùng bữa mà đang khi ăn lại không chút nễ nang gì! Phải tôn trọng tấm lòng người mời mình dùng bữa chứ. Nếu có gì đi nữa thì cũng nên nhớ câu “trời đánh tránh bữa ăn”! Thế mà Chúa Giêsu vẫn cứ “thẳng thừng ruột ngựa” thì ắt hẳn vấn đề phải rất nghiêm trọng.

Tính nghiêm trọng của vấn đề là ở “những chiếc áo khoác đạo đức”. Tâm lý “xấu che – tốt khoe” là chuyện thường tình của kiếp người. Khi bản thân chúng ta vướng nhiều điều xấu và đã có nhiều hành vi sai trái thì việc tìm cách che đậy là lẽ thường tình. Tuy nhiên khi cái điều xấu là kết quả của sự kết hợp giữa “tham lam” và “gian dối” thì thật đáng sợ vì hai phạm trù này thường sánh đôi và bất trị. Tham lam càng vô độ thì dối gian càng tinh quái, đủ đầy “tính mỹ thuật và cả đạo đức”, dĩ nhiên chỉ là hình thức bên ngoài.

Không riêng gì với chủ nhà mà với cả số người cùng dự tiệc là nhóm biệt phái Chúa Giêsu đã thẳng thừng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác”(Lc 11,39). Khi mặc chiếc áo khoác bên ngoài là dáng vẻ đạo đức cùng với việc giữ luật lệ tôn giáo người ta dễ lừa gạt tha nhân, nhất là những người nghèo hèn để trục lợi cho bản thân. Mục đích trục lợi có thể là danh phận, chức vị này kia và cũng có thể là vật chất tiền bạc mà thảy đều khởi đi từ việc lôi kéo lòng mộ mến của tha nhân dành cho mình. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mt 23,14).

Chước cám dỗ giả hình có thể xuất hiện cách tinh vi khiến tha nhân khó nhận ra mà lắm khi chính đương sự không dễ phát hiện nếu thiếu sự phản tỉnh và “lương thiện” thực sự. Đây là chước cám dỗ muốn làm hài lòng mọi người. Họ là những người thường nhún nhường trước các thế lực xã hội với nhiều lý lẽ biện minh là phải tôn trọng luật pháp và người thực thi pháp luật dẫu cho có nhiều trường hợp các luật lệ ấy là bất công, thậm chí là “phi pháp” và người thực thi pháp luật lại đang lạm quyền và lộng quyền. Với những người thuộc quyền thì họ vuốt ve bằng những lời lẽ yêu thương, cảm thông, an ủi, và cả động viên thường bằng công thức: “hãy cố nhẫn nại, hy sinh chịu khó…”, nhưng chủ yếu chỉ bằng ngôn từ. Mục đích chính của những vị này là dứt khoát “không để mất lòng ai” và cố gắng “được lòng” hầu hết mọi người. Trong tâm lý học số người này thường được xếp vào hạng “tâm lý cầu toàn”. Đã là cầu toàn thì thế nào cũng khó sống thật.

Trong sản xuất, kinh doanh, để trục lợi người ta thường qua mặt thiên hạ bằng mẫu mã bao bì, nhãn mác bên ngoài. Tuy nhiên người tiêu dùng bị lừa như chỉ một hai lần thôi vì sự giả dối sẽ bị phát hiện ngay. Trái lại trong các tương quan giao tiếp hay quản trị thì sự giả dối lại được khoác những chiếc áo đẹp và tinh xảo hơn khiến không chỉ tha nhân mà lắm khi cả đương sự cũng dễ bị lầm. Đó là sự tế nhị, sự tôn trọng, vẻ đạo đức… Vậy làm sao để có thể phân biệt thật giả để phong ngừa. Chúa Kitô cho chúng ta một tiêu chí để biện phân: “Xem quả thì biết cây”. “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt (Mt 7,15-17). Và “quả” ở đây chủ yếu là nơi những người nghèo hèn, kém phận.

Thực tiển cuộc sống cho chúng ta thấy chính đám đông dân chúng, nhất là những người nghèo, đơn sơ chất phác thường hứng chịu hậu quả do sự giả dối trong sản xuất, kinh doanh buôn bán. Và họ cũng là đối tượng hàng đầu gánh hậu quả xấu trong việc quản trị, điều hành của những người có trách nhiệm thiếu sự trung thực. Xin đừng quên hậu quả trong lãnh vực này di hại lâu dài khó khắc phục ngày một ngày hai. Chính vì lý do này mà Chúa Giêsu thường nghiêm khắc lên án và có khi xem như là “thiếu tế nhị” kể cả với những người có vai vế lãnh đạo hàng đầu lúc bấy giờ. Bạn và tôi, chúng ta đang khoác những chiếc áo nào đây?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
CN 28 B : Có 2 Cách Để Lạc Đà Chui Qua Lỗ Kim
LM. Anphong Nguyễn Công Minh
10:47 09/10/2021
CN 28 B : Có 2 Cách Để Lạc Đà Chui Qua Lỗ Kim

Nếu Bill Gates hôm nay đi lễ tại các Nhà Thờ Công Giáo, chắc hẳn phải giật mình vì một so sánh Chúa Giêsu dùng quả là gây thất vọng cho kẻ có tiền. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng. Con lạc đà, dẫu là con con, nhỏ xíu, cũng không thể chui qua lỗ kim, ấy vây mà Chúa nói con lạc đà lớn chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa. Có người đã cố mài dũa cho dễ nuốt trôi câu sánh ví trên, bằng cách sử dụng từ ngữ học. Họ nói, con lạc đà và sợi dây thừng trong tiếng Do Thái, đọc na ná giống nhau, cho nên, có lẽ Chúa nói: cuộn dây thừng chui qua lỗ kim. Thánh Cyrillo ủng hộ lối giải thich này. Còn giả như cứ để con lạc đà, chứ không phải dây thừng, thì lại có một mài dũa khác: lỗ kim là tên một cổng thành hẹp tại Giêrusalem. tức là con lạc đà chui qua cổng hẹp…

Nhưng những lối giải thích đó đều không đúng. Thật ra những hình ảnh tương tự cũng đã có trong loại trình thuật của các thầy Rabbi. Ví dụ để đánh dấu một việc không thể làm nổi, bộ Talmud Babylon dùng lối ví von : voi chui qua lỗ kim. Ngay chính Chúa Giêsu trong diễn từ nhắm tới nhóm Biệt phái đã trách cứ họ “kinh kệ dài dòng lại nuốt chửng gia tài những bà góa” (Mt 23,14). Và Chúa nói thêm “các ngươi gạn lọc từng con muỗi nhưng lại nuốt chửng cả con lạc đà” (Mt 23,24).

Vì thế đích thị là Chúa muốn nói lạc đà—chứ không phải dây thừng; và lỗ kim—chứ không phải cổng hẹp của Thành. Vậy là: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.

Nhưng, có 2 cách để con lạc đà có thể chui qua lỗ kim:

(1) làm cho lỗ kim thật to.

(2) thu con lạc đà lại thật nhỏ.

1. Lỗ kim to

Ta từng thấy thế giới của những vật khổng lồ, như chiếc bánh Trung Thu năm nào tại Maximart đủ cho 10 ngàn người. Bánh tét tại Nha Trang dài đủ cho 5000 người, thì một cây kim khổng lồ, với lỗ kim thật to, thì có đến 2 con lạc đà, một bướu hay hai bướu cũng băng qua lọt, chứ đừng nói gì một con.

Vậy người giàu có nếu muốn lọt vào Nước Trời, thì cũng hãy làm cho lỗ kim rộng ra. Rộng ra là quảng đại. Tiền chỉ lo thu vào mà không cho đi, thì chẳng khác gì làm lỗ kim thu nhỏ lại. Một ngón tay cũng không chui lọt, chứ đừng nói cả bàn tay, cả con người.

Giakêu Trưởng Ty Quan Thuế, giàu nứt đố đổ vách, làm sao chui lọt lỗ kim, nếu ông không thưa với Chúa rằng : "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." Giakêu đã nới rộng lỗ kim 4 lần, nên dễ dàng để ơn cứu độ lọt vào nhà.

Trên bia mộ trong một nghĩa trang kia có khắc mấy giòng chữ sau đây cũng đáng cho chúng ta suy nghỉ:

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi.

Chính những cái mình cho đi, mình quảng đại ban phát, thì mới làm cho lỗ kim rộng rãi ra thêm, hầu con lạc đà có thể chui lọt. Và như thế, người càng giàu có càng ban phát càng dễ vào Nước Chúa. Khi cho đi là khi nhận lãnh. (Phanxicô)



2. Thu nhỏ con lạc đà lại

Chắc một số người trong chúng ta đã từng đi xem triển lãm về thế giới thu nhỏ lại gọi là miniature, nơi mà trên một cọng tóc, người ta khắc được cả một đoàn lạc đà, và ở đầu một cây kim khâu, nằm gọn 3 chú lạc đà nơi lỗ kim nhỏ. Dĩ nhiên muốn xem chúng phải dùng kính lúp hoặc hiển vi. Vậy muốn lạc đà chui qua lỗ kim khâu, hãy thu nhỏ con lạc đà lại.

Thu nhỏ lại là nó đang lớn biến nó thành nhỏ. Có một bộ phim mang tựa đề tương tự: Tôi đã thu nhỏ con tôi. Có nhiều cách thu. Có nhiều cách biến. Riêng đối với tiền của, có một cách biến nó thành nhỏ là: đổi ngôi cho nó. Nó đang làm chủ, oai nghi bệ vệ, hãy biến nó làm tôi, làm đầy tớ trong tay. Nếu để tiền của làm chủ, đừng hòng chui lọt lỗ kim. Nhưng nếu biến nó thành tên đầy tớ hèn mọn, nhỏ bé, ta sử dụng thế nào tuỳ ý ta, ta sai nó đi đâu nó đi đó, ta chuyển nó cho ai, nó nghe theo, vậy là ta có thể cho nó đi qua lọt tủm vào lỗ kim nhỏ.

Một người giàu có nọ thường đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Có tiền, có thiện chí, nhưng người này cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa.

Ngày nọ, thánh nhân tìm gặp ông, sau một hồi chuyện vãn, thánh nhân nhìn lên cây thánh giá treo trên tường, ngài ước tính độ cao của Thánh giá, rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: "Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không?".

Người đàn ông đứng dậy giơ cánh tay lên, nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ, thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu có đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với cây Thánh giá. Người đàn ông làm theo ý thánh nhân, ông đã sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.

Thánh nhân đưa ra bài học như sau: "Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải" Sai tiền bạc đi, chứ không phải để nó sai ta đi kiếm nó.

Địa chỉ mà đồng tiền đi tới, Chúa đã nói rõ trong đoạn Tin Mừng khi âu yếm nhìn chàng thanh niên giàu có: Anh chỉ thiếu một điều, là bán hết của cải đem phân phát cho kẻ nghèo. Địa chỉ là kẻ nghèo chứ không phải cửa sau của các nhà cầm quyền, e sẽ theo Năm Cam tròng đầu vào lỗ giây thừng, chứ không phải chui qua lỗ kim nữa.

Vậy là, thu nhỏ con lạc đà, đối với tiền của, sẽ là câu nói ta thường nghe: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu.” Mà không chỉ xấu, ông chủ này còn ác độc nữa, có thể giết chết ta như chơi.

Có ba người bộ hành, bạn chí thân với nhau, trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ từ trong núi chạy ra: Chết! Chết! Chết! Tôi đã gặp thần chết! Ba người bộ hành trên yêu cầu vị đạo sĩ dẫn mình vào hang để xem thần chết. Vào hang đá sâu, vị đạo sĩ chỉ cho ba người thấy một kho vàng chôn giấu. Vị đạo sĩ lại kêu to: Thần chết! Thần chết! Thần chết! rồi bỏ chạy.

Ba người quá đỗi bàng hoàng vì kho vàng quá lớn. Họ cùng nhau hối hả đào. Nhưng cần phải có lương thực ăn hầu đủ sức mà tiếp tục đào chứ. Một người tình nguyện đi mua thức ăn. Nhưng bất hạnh thay, khi ông ta đi mua thức ăn thì hai người ở lại tìm cách giết ông. Quả nhiên, khi mang thức ăn về, ông đã bị giết như kế hoạch và số vàng ấy được chia đôi và cho vào bao cẩn thận. Bấy giờ hai người cùng nhau ăn trước khi xuống núi. Nhưng không ngờ trong thức ăn ấy đã có thuốc độc của gã đàn ông kia muốn số vàng ấy thuộc trọn về riêng mình.

Cả nới rộng lỗ kim hay thu nhỏ con lạc đà cũng qui về điểm này: đổi tiền. Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại học Urbanô: lần đầu tiên Tổng thư ký là một nữ tu, một nhà truyền giáo dòng Scalabrini
Đặng Tự Do
16:54 09/10/2021


Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Sơ Pietra Luana Etra Modica, dòng Scalabrini, là Tổng thư ký mới của Đại học Giáo hoàng Urbanô ở Rôma. Việc bổ nhiệm đã được ký bởi Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và là Hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Urbanô. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1627, vị trí này được giao cho một người phụ nữ.

“Tôi muốn cảm ơn Đức Hồng Y Tagle và Hội các Nữ tu Truyền giáo Scalabrini - Sơ Etra giải thích trong một bức thư gửi cho thông tấn xã Fides – “Tôi mang đặc sủng phục vụ những người di cư, bởi vì sự đào tạo là một trong những chìa khóa để hội nhập và cũng là cơ hội mới cho các nữ tu đến từ các quốc gia khác nhau và đang theo học tại Đại học Urbanô”.

Trường được thành lập vào thế kỷ 17 với mục đích sâu xa: đào tạo các nhà truyền giáo và do đó quan tâm đến các dân tộc trên thế giới. Về cơ bản, một “đài quan sát toàn cầu” đã được tạo ra ở Rome vào thời điểm này, có khả năng tập trung vào các con đường giáo dục để tăng cường đối thoại.

“Trong tình hiệp thông với gia đình Scalabrini, tôi cảm ơn Đức Hồng Y Tagle đã bổ nhiệm Nữ tu Etra Luana Modica,” Sơ Neusa de Fatima Mariano, Bề trên Tổng quyền của các chị em Scalabrini - cho biết. “Đối với chúng tôi, đó là một sự công nhận về sứ mệnh của chúng tôi với những người di cư và tị nạn. Chúng tôi hoan nghênh điều đó như một sự phục vụ Giáo hội, với tầm nhìn quốc tế”. Sơ Etra Modica có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và chăm sóc mục vụ cho người di cư, đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong Hội dòng của mình và các cơ quan giáo hội khác nhau
Source:Fides
 
Lễ tuyên Chân phước cho Pauline Jaricot được công bố
Đặng Tự Do
16:55 09/10/2021


Pauline Jaricot sẽ được tuyên Chân Phước vào ngày 22 tháng 5 năm 2022. Điều này đã được Tổng thư ký Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Pháp, Gaëtan Boucharlat de Chazotte, thông báo qua một tin nhắn video được gửi tới Fides. Người sáng lập Hiệp hội Truyền bá Đức tin và Phong trào Kinh Mân Côi sẽ được nâng lên hàng Chân Phước ở Lyon vào ngày 22 tháng 5 tới, nhân kỷ niệm hai năm ngày thành lập Hiệp hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin, trong buổi cử hành Thánh Thể do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc chủ tế.

Pauline-Marie Jaricot, sinh năm 1799 và qua đời năm 1862, là người sáng lập Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin, được Thánh Gioan XXIII tuyên bố là Đáng kính vào ngày 25 tháng 2 năm 1963. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép công bố sắc lệnh công nhận phép lạ do sự chuyển cầu của cô.

Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Lyon, sau 15 năm sống sung túc, cô đã trải qua những đau khổ về thể xác và tinh thần, trong bối cảnh đó, qua các bí tích, cô trải qua một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa. Sự tha thứ và lời cầu nguyện sâu sắc đã giúp cô vượt qua một chấn thương nghiêm trọng và từ thời điểm đó, cuộc sống của cô đã thay đổi hoàn toàn. Pauline đã dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa bằng một lời thề long trọng trong nhà nguyện của Đức Trinh Nữ Fourvière ở Lyon và tận tụy phục vụ Thiên Chúa cho người nghèo và người bệnh, hàng ngày đến thăm bệnh viện và những người mắc bệnh nan y, băng bó vết thương cho họ và dâng những lời an ủi.

Việc giúp đỡ những người khốn khó của cô được đi kèm với một đời sống cầu nguyện mãnh liệt. Cô đã lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hàng ngày, để xin ơn hoán cải những người tội lỗi và cho việc loan báo Tin Mừng trên thế giới. Nhận thấy những khó khăn kinh tế của các cơ quan truyền giáo, Pauline đã thúc đẩy các sáng kiến để gây quỹ: do đó đã ra đời “Hiệp hội Truyền bá Đức tin”, được chính thức thành lập vào ngày 3 tháng 5 năm 1822.
Source:Fides
 
Một cô gái hỏi một tổng giám mục tại sao Chúa để xảy ra tình trạng có người lành mạnh lại có người bị khuyết tật. Đây là câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục
Đặng Tự Do
16:55 09/10/2021


Một vị tổng giám mục ở Kentucky vẫn nhớ như in câu chuyện một cô bé 6 tuổi hỏi ngài “Tại sao em con chào đời với chứng tự kỷ?”

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, người lãnh đạo tổng giáo phận Louisville, gần đây đã chia sẻ câu trả lời của mình với EWTN News In Depth.

“Tôi nói, ‘Chà, con biết khi nào con và cha lên thiên đường, và cha hy vọng cả hai chúng ta sẽ làm được điều đó, chúng ta sẽ có rất nhiều câu để hỏi’,” Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên hôm 24 tháng 9.

Vị tổng giám mục nói rằng ngài đã hỏi cô gái rằng cô có thương em mình không; cô ấy nói có. Khi ấy, ngài nói thêm, “Một điều mà chúng ta biết rằng chúng ta không cần phải hỏi là con và cha sẽ được thay đổi vì tình yêu mà chúng ta dành cho anh chị em của mình.”

Ngài nhấn mạnh: “Đó là món quà mà con có thể bắt đầu nói 'cảm ơn' với Chúa”.

Đức Tổng Giám Mục nói từ kinh nghiệm cá nhân. Anh trai của ngài, George, sống với hội chứng Down. Đó cũng là lý do chính tại sao Đức Tổng Giám Mục phục vụ với tư cách là người điều hành Hiệp hội Đối tác Công Giáo Quốc gia về Người khuyết tật ngày nay.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz nói: “Tôi không thể tưởng tượng được có hai anh em nào lại hòa thuận với nhau hơn hai anh em chúng tôi. Một trong những điều tôi học được, như tôi đã nói trước đây, là 'cuộc sống không phải là một vấn đề cần giải quyết mà là một bí ẩn được sống',” ngài nói thêm, trích dẫn lời nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard sống ở thế kỷ 19.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng những người dành thời gian cho người khuyết tật sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi.

Ngài kết luận: “Thực tế là khi chúng ta dành thời gian ở lại với một ai đó, và đặc biệt là với một ai đó chúng ta phải lao động giúp họ vì khuyết tật của họ, thì người đó có rất nhiều điều để dạy chúng ta”.

Giáo hội đánh giá cao vẻ đẹp của mỗi con người.

“Nền tảng giáo huấn của Giáo hội chúng ta rất đơn giản và đó là phẩm giá cao cả của mỗi người. Chúng ta không đánh giá mọi người bằng số tiền họ có hay công việc chính xác của họ là gì, và vì vậy cho dù một người có phải sống với khuyết tật hay không, thì người đó vẫn tuyệt vời trong mắt Chúa và vì vậy chúng ta coi mỗi người đều là quý giá”.

Người khuyết tật thuộc Giáo Hội Công Giáo cũng giống như những người khác. Đức Tổng Giám Mục chỉ ra Tuyên bố Mục vụ năm 1978 của các Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về Người khuyết tật. Năm 2018, các giám mục tái khẳng định tuyên bố kêu gọi Giáo hội chào đón và bao gồm những người khuyết tật.

Thay đổi lớn nhất đến vào năm 2018, đó là khi “chúng ta bắt đầu ngừng nói về khuyết tật như một vấn đề, nhưng nhấn mạnh rằng con người là một ân sủng”.

Ngài giải thích: “Thực tế là người đó lãnh nhận các bí tích không chỉ tốt cho đời sống thiêng liêng, sức khỏe và linh hồn bất tử của người đó, mà còn tốt cho thân thể của Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô”.

“Và do đó, sự nhấn mạnh rất nhiều trong tài liệu mới là về sự thuộc về - không chỉ bao gồm những người bị loại trừ - nhưng thực sự là mỗi người trong chúng ta đều thấy rằng tất cả chúng ta đều có một ước muốn sâu sắc là thuộc về Chúa Kitô và thuộc về nhau, về một gia đình của đức tin”.

“Chúng ta hãy can đảm nhìn khuyết tật một cách nhẹ nhàng hơn,” chứ đừng xem đó như một tai họa.
Source:Catholic News Agency
 
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược: Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Nancy Pelosi
Đặng Tự Do
17:28 09/10/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào hôm thứ Bảy.

Theo thông lệ đối với các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với những người không phải là nguyên thủ quốc gia, vào thời điểm công bố, Vatican đã không cho biết chi tiết về những gì Đức Giáo Hoàng và Pelosi đã thảo luận.

Trong bản tin hàng ngày hôm 9 tháng 10, Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng Chủ tịch Hạ viện đã đi cùng chồng của bà, doanh nhân Paul Pelosi, và đoàn tùy tùng.

Các bức ảnh do Vatican công bố cho thấy Pelosi cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao.

Chủ tịch Hạ viện là người Mỹ gốc Ý có mặt tại Rôma để có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các diễn giả G20. Bà ta cũng đã gặp Thủ tướng Ý Mario Draghi.

Một ngày trước khi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, bà Pelosi, năm nay 81 tuổi, đã thảo luận về môi trường, di cư và nhân quyền trong chuyến thăm Vatican.

Hồng Y Peter Turkson tiếp bà Nancy Pelosi tại Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện

Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã ra một thông báo về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi vào ngày 8 tháng 10 trong một bài đăng trên tài khoản Twitter của mình.

Pelosi đã được tháp tùng đến Vatican vào thứ Sáu bởi Patrick Connell, phụ tá của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh.

Cùng ngày, Tòa Bạch Ốc thông báo rằng cựu thượng nghị sĩ Mỹ Joe Donnelly của tiểu bang Indiana đã được Tổng thống Joe Biden đề cử vào chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ cạnh tại Tòa thánh.

Pelosi, một bà mẹ Công Giáo có 5 con, đã nhiều lần xung đột với Đức Tổng Giám Mục của giáo phận quê hương về việc bà ủng hộ việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã phát động một chiến dịch cầu nguyện vào tháng trước nhằm mục đích truyền cảm hứng cho sự “hoán cải tâm hồn” của các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói: “Cần có sự hoán cải trái tim của đa số đại diện Quốc hội của chúng ta về vấn đề này, bắt đầu từ lãnh đạo Hạ viện, Nancy Pelosi”.

“Do đó, tôi mời tất cả những người Công Giáo tham gia vào một chiến dịch cầu nguyện và ăn chay quy mô lớn và tỏ tường cho Chủ tịch Hạ Viện Pelosi. Xin anh chị em cầu nguyện một chuỗi mân côi mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải trái tim bà ấy.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone cũng kêu gọi những người Công Giáo và những người thiện chí ghi danh tham gia chiến dịch “Bông hồng và chuỗi hạt cho Nancy Pelosi”


Source:Catholic News Agency
 
Văn Hóa
Tiểu luận I của Edith Stein về Phụ nữ:Triết lý thực hành của Nghề nghiệp Phụ nữ, tiếp
Vũ Văn An
21:50 09/10/2021
III. Ơn gọi Siêu nhiên của Phụ nữ

Chúng ta đã khảo sát hoạt động của người phụ nữ trong đời sống tư và công và nhận thấy hoạt động đó rất phong phú và sinh hoa trái. Nhưng không hoạt động nào làm cạn kiệt tiềm năng của họ.



Ngày nay, cũng như mọi thời kể từ khi Giáo Hội của Chúa Kitô lần đầu tiên hiện hữu, Chúa kêu gọi từ các gia đình và cuộc sống nghề nghiệp bất cứ ai được Người chọn để phục vụ Người. Ơn gọi tu trì có thể khẳng định là một ơn gọi nữ tính không? Chắc chắn ơn gọi này được ban cho nam giới và nữ giới. Và đó là một ơn gọi siêu nhiên, vì nó phát xuất từ bên trên, từ thế giới khác, mời gọi hữu thể nhân bản nâng mình lên trên bình diện tự nhiên của trần thế. Và vì vậy, có vẻ như các khác biệt tự nhiên giữa hai giới không còn liên quan gì ở đây. Tuy nhiên, mặt khác, nguyên tắc vẫn đúng là: "Ân sủng hoàn thiện bản nhiên - nó không phá hủy bản nhiên". Vì vậy, có thể mong đợi rằng bản chất nam cũng như bản chất nữ không bị loại bỏ trong đời sống tu trì nhưng được lồng vào đó một cách đặc thù và nhờ đó đơm bông kết trái. Ngoài ra, còn có khả thể này là ơn gọi tu trì, tương tự như các nghề nghiệp thế gian, có những đòi hỏi độc đáo và phù hợp với cả bản chất nam lẫn bản chất nữ theo cách đặc thù của nó.

Ơn gọi tu trì là sự phó thác hoàn toàn trọn con người và trọn cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa. Người được gọi có nghĩa vụ sử dụng các phương thế thích hợp để hoàn thành ơn gọi của mình: từ bỏ mọi sở hữu, mọi ràng buộc và mối quan hệ thiết yếu của con người, và ngay cả ý chí của mình. Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau; nghĩa là, sự phục vụ mà Chúa yêu cầu từ các tạo vật của Người có thể thuộc nhiều loại khác nhau: chìm đắm trong sự thật thần linh, những lời ca ngợi Thiên Chúa cách long trọng, truyền bá đức tin, công việc thương xót, sự cầu bầu, và sự đền tội thay.

Do đó, tính thống nhất của dòng đơn tu được phát biểu bằng tính đa dạng của các thành viên cá thể của nó. Khi chúng ta xem xét các loại hoạt động tôn giáo khác nhau và sự tham gia vào đó theo giới tính, chúng ta thực sự thấy rằng mỗi loại hoạt động đều được thực hiện bởi cả nam lẫn nữ: tuy nhiên, mối liên hệ của hoạt động với bản chất của các giới có khác nhau. Trong yếu tính, chúng ta rất có thể tin rằng việc chiêm niệm và tham gia vào phụng vụ, một việc phục vụ đầy tính thiên thần thực sự, vượt quá sự khác biệt giới tính. Việc truyền bá đức tin, một sứ mệnh có tính tư tế, chủ yếu là quan tâm của nam giới, mặc dù nó cũng được thực hiện bởi phụ nữ, đặc biệt trong các Dòng giảng dạy. Mặt khác, các công việc bác ái và hy sinh được hiến dâng trong tinh thần đền tội thay chắc chắn là phù hợp với bản chất nữ.

Quy tắc của các Dòng xưa hơn, tức các dòng vốn có nhánh nam và nhánh nữ, công việc được phân chia đến nỗi các hoạt động hữu hiệu ở bên ngoài, chẳng hạn như rao giảng, làm các tuần đại phúc [giving missions], v.v., chủ yếu thuộc về nam giới. Phụ nữ thực hiện việc tông đồ thầm lặng hy sinh và cầu nguyện; tuy nhiên, ở giai đoạn tiên khởi, họ từng dấn thân làm việc với giới trẻ như một bổn phận tông đồ. Và tất cả cộng đoàn nữ đương thời, không trừ cộng đoàn nào, đều quan tâm đến các hoạt động giáo dục và từ thiện. Vì vậy, ngày nay, vì công việc của phần lớn các cộng đồng tu trì nữ hiện có tác dụng ở bên ngoài, nên hoạt động của Nữ tu hầu như không thể phân biệt được về mặt vật chất với công việc của phụ nữ “trong trần gian”. Ở đâu có sự khác biệt, đó chỉ có thể là sự khác biệt chính thức, nghĩa là trong đời sống tu trì, tất cả phải được thực hiện trong tinh thần vâng lời và yêu mến Thiên Chúa.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét cách các yếu tố thiết yếu của các Dòng tu liên hệ đến bản chất nữ giới. Động cơ, nguyên tắc và mục đích của đời sống tu trì là hiến dâng tuyệt đối bản thân cho Thiên Chúa trong một tình yêu quên mình, chấm dứt đời sống riêng của mình để dành chỗ cho đời sống của Thiên Chúa. Điều này càng được thực hiện một cách hoàn hảo, thì sự sống của Thiên Chúa sẽ càng tràn đầy tâm hồn một cách phong phú hơn. Như thế, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu tràn đầy, không muốn gì cho riêng mình mà tự ban đi một cách tự do; Một cách đầy thương xót, tình yêu này cúi xuống mọi con người đang thiếu thốn, chữa lành người bệnh..., che chở, nâng niu, nuôi dưỡng, dạy dỗ, tạo dựng; đó là một tình yêu biết buồn với người buồn và hân hoan với người hân hoan; nó phục vụ mỗi con người nhân bản đạt được mục đích do Chúa Cha định cho họ. Nói tóm lại, đó là tình yêu của Trái tim thần linh. Niềm khao khát sâu sắc nhất trong trái tim người phụ nữ là được trao thân một cách yêu thương, được thuộc về người khác và sở hữu hoàn toàn hữu thể này. Niềm khao khát này được bộc lộ trong cách nhìn của họ, mang tính bản vị và bao trùm tất cả, mà đối với chúng ta dường như đặc biệt có tính nữ giới. Nhưng sự trao thân này trở thành một sự tự bỏ mình có tính thoái hóa và một hình thức nô lệ khi nó được trao cho người khác chứ không phải cho Thiên Chúa; đồng thời là một đòi hỏi không được biện minh, một điều không con người nào có thể chu toàn. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nghinh đón sự trao thân hoàn toàn của một con người mà người đó không đánh mất linh hồn họ trong diễn trình này nhưng chiếm được nó. Và chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng chính Người cho một người để Người đổ đầy hữu thể này một cách trọn vẹn và không mất gì của chính Người khi làm như vậy. Đó là lý do tại sao việc trao thân hoàn toàn, vốn là nguyên tắc của đời sống tu trì, đồng thời là sự hoàn thành thỏa đáng duy nhất đối với hoài bão của người phụ nữ.

Như thế, sự sống thần linh nhập vào hữu thể phó mình cho Thiên Chúa là tình yêu, sẵn sàng phục vụ, cảm thương, thức tỉnh và phát huy sự sống; nó hoàn toàn tương ứng với điều chúng ta đã thấy là triết lý thực hành nghề nghiệp cần có của người phụ nữ.

Hậu quả thực tế của việc này là gì? Tất cả phụ nữ có phải trở thành tu sĩ để chu toàn ơn gọi làm phụ nữ của họ không? Chắc chắn không. Nhưng chắc chắn điều đó có nghĩa: bản chất nữ giới đã sa ngã trụy lạc có thể được khôi phục trở lại sự tinh ròng của nó và được dẫn tới các đỉnh cao của triết lý thực hành nghề nghiệp mà bản chất tinh ròng này chỉ ra chỉ khi nào nó hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa. Bất kể họ là một người mẹ trong nhà, hoặc chiếm một vị trí trong ánh đèn sân khấu của cuộc sống công cộng, hoặc sống sau những bức tường tu viện yên tĩnh, họ vẫn phải là một người tớ gái của Chúa ở mọi nơi. Mẹ Thiên Chúa đã như thế trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời ngài, như một trinh nữ trong Đền thờ được bảo bọc trong khuôn viên linh thiêng ấy, bởi công việc thầm lặng của ngài ở Bêlem và Nadarét, như hướng dẫn viên cho các tông đồ và cộng đồng Kitô hữu sau cái chết của con trai ngài. Nếu mỗi người phụ nữ đều là hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa, Người phối ngẫu của Chúa Kitô, tông đồ của Trái tim thần linh, thì mỗi người sẽ hoàn tất ơn gọi nữ giới của mình bất kể các hoàn cảnh trong đó họ sống ra sao và bất kể hoạt động trần thế nào thu hút hết đời sống họ.

Tôi không được giao cho việc giải thích cách triết lý thực hành như được mô tả đã được thành hình ra sao trong cuộc sống nghề nghiệp thực tế. Nhưng nếu tôi phải kết thúc ở đây, thì các yêu cầu do tôi trình bày dường như là một thứ lý tưởng lập dị, chúng quá khác biệt so với cuộc sống trung bình của người phụ nữ đương thời. Nền cần phải nói thêm ít lời về việc việc này để có thể thực sự được áp dụng nó vào thực tế.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách bình tĩnh so sánh cuộc sống thực tế của phụ nữ nói chung ngày nay với những yêu cầu của chúng ta. Nhiều phụ nữ giỏi nhất gần như bị choáng ngợp bởi gánh nặng kép của nhiệm vụ gia đình và cuộc sống nghề nghiệp - hoặc thường chỉ là để kiếm được việc làm có thu nhập. Luôn luôn phải chuyển dịch, họ bị xách nhiễu, lo âu và cáu kỉnh. Họ kiếm ở đâu để có được sự bình yên và vui vẻ cần thiết bên trong để mang lại sự ổn định, hỗ trợ và hướng dẫn cho người khác? Ngay cả khi có được tình yêu thương lẫn nhau và công nhận thành quả, thì vẫn có những va chạm nhỏ nhặt hàng ngày giữa người phụ nữ với chồng con; điều này dẫn đến trạng thái bực bội trong toàn bộ hộ gia hộ và việc tháo bỏ các mối liên hệ trong gia đình. Cùng với điều này, có nhiều phụ nữ hời hợt và không ổn định, chạy theo khoái cảm để lấp đầy khoảng trống nội tâm của họ, họ kết hôn rồi ly hôn; thường là nhà cửa và con cái bị bỏ rơi hoặc để mặc chúng hoặc phó chúng cho các gia nhân, những người xa lạ không có lương tâm hơn chính những người mẹ. Nếu cần thiết phải tìm kiếm công việc có lợi nhuận, họ chỉ làm như vậy như một phương tiện đạt cứu cánh, nghĩa là để kiếm sống và nắm được những khoái lạc của cuộc sống đến một mức độ nào đó; trong trường hợp của họ, người ta không thể nói gì về cả nghề nghiệp lẫn triết lý thực hành. Chúng giống như đống cát lún đang lún. Sự đổ vỡ của cuộc sống gia đình và sự sa sút về đạo đức thực sự có liên hệ đến sự gia tăng con số phụ nữ như vậy và chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách giảm số lượng của họ; điều này chỉ có thể được thực hiện nhờ sự trợ giúp của một hệ thống giáo dục đủ tiêu chuẩn dành cho các cô gái trẻ. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét nhóm phụ nữ, không hề không đáng kể, những người chọn một nghề phù hợp với khả năng và xu hướng của họ. Trong số họ ta có thể tìm thấy một số ít người, sau những thỏa mãn ban đầu của họ, phát hiện ra rằng hoài vọng của họ không được thực hiện và họ mong muốn được ở nơi khác. Thông thường, điều này là do họ đã cất công chu toàn chức vụ của họ "giống như một người đàn ông". Họ đã không tìm kiếm cũng như không tìm thấy những cách thức và phương tiện để làm cho bản chất nữ giới của họ sinh hoa kết quả trong cuộc sống nghề nghiệp; và bản chất bị phủ nhận, bị bóp nghẹt tự khẳng định chính nó.

Ngay cả khi chúng ta nhìn vào phía sau những bức tường tu kín, chúng ta cũng có thể phát hiện ra rằng một nữ tu trung bình không sống đúng lý tưởng của mình. Chắc chắn thời nào cũng thế, vẫn có những tu sỹ không chắc chắn về ý nghĩa đầy đủ của lời khấn của họ hoặc không thể duy trì sự hy sinh hoàn toàn cần thiết cho ơn gọi của họ sau khi nhiệt huyết tuổi trẻ ban đầu của họ đã suy giảm; đời họ thường chỉ là một hiện hữu hấp hối, và cộng đồng gặp rắc rối do sự có mặt của họ. Hơn nữa, có những khó khăn trước tiên do điều kiện sống hiện đại tạo ra: bận bịu hai chiều của những nữ tu vừa phải đáp ứng các yêu cầu đương thời như một y tá, giáo viên, và nhân viên phục vụ xã hội vừa phải chu toàn các nhiệm vụ của Dòng tu mình. Khá thường xuyên, thái độ tâm linh đúng đắn bị mất đi dưới sức đè thái quá, tương tự như thái độ của người vợ và người mẹ đi làm có lợi nhuận.

Trái ngược với hình ảnh đáng buồn này về người phụ nữ trung bình, người ta vẫn có thể tìm thấy những nữ anh thư đích thực ở mọi tầng lớp xã hội. Họ thực hiện nhiều kỳ công đối với việc làm trong gia đình, nghề nghiệp và khi ẩn dật trong tu viện kín. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với họ từ các hồ sơ ghi chép của Giáo Hội và cả từ kinh nghiệm bản thân. Có những bà mẹ, những người tỏa rạng mọi ấm áp và ánh sáng trong nhà, nuôi dạy đến chín người con và ban cho chúng những ân phước trọn vẹn suốt cuộc đời của chúng; và những người phụ nữ này cũng hào hiệp đối với tất cả những người xa lạ đang cần sự giúp đỡ. Có những cô giáo và viên chức cấp dưới nuôi sống cả một gia đình bằng đồng lương của họ và trông coi việc nhà trước và sau công việc chuyên môn; tuy nhiên, họ cũng có thể tìm được thời gian và tiền bạc cho các các nhà thờ và cơ quan bác ái khác nhau. Có những nữ tu đấu tranh cho những linh hồn đang gặp nguy hiểm bằng lời cầu nguyện ban đêm, tự nguyện làm việc đền tội cho họ. Đâu là nguồn sức mạnh của họ? Làm thế nào giải thích được mọi thành tựu của họ điều mà người ta thường tuyên bố là bất khả từ bản chất? Làm thế nào để giải thích cho sự bình an và vui vẻ không gợn sóng đó ngay trong khi có sự căng thẳng sâu xa nhất về thần kinh và cảm xúc?

Chỉ nhờ quyền năng của ân sủng, bản chất mới được giải phóng khỏi rác rưởi của nó, được phục hồi trở lại sự tinh ròng của nó, và được tự do đón nhận sự sống thần linh. Và sự sống thần linh này chính là động lực bên trong nhờ đó các hành động yêu thương được xuất hiện. Bất cứ ai muốn duy trì sự sống này một cách liên tục bên trong mình, phải nuôi dưỡng nó không ngừng từ cội nguồn khi nó tuôn chảy bất tận — từ các bí tích thánh thiêng, trước hết là từ bí tích tình yêu. Muốn có được tình yêu thương thần linh làm mô thức bên trong, cuộc sống của người phụ nữ phải là cuộc sống Thánh Thể. Chỉ trong mối liên hệ kín đáo hàng ngày với Chúa trong nhà tạm, người ta mới có thể quên bản thân mình, thoát khỏi mọi ước muốn và kỳ vọng của mình, và có được một trái tim rộng mở đón nhận mọi nhu cầu và mong muốn của người khác. Bất cứ ai tìm cách hỏi ý kiến Chúa Thánh Thể trong mọi mối bận tâm của mình, bất cứ ai để mình được thanh tẩy bởi quyền năng thánh hóa phát xuất từ lễ hy sinh trên bàn thờ, dâng mình cho Chúa trong hy lễ này, bất cứ ai đón nhận Chúa vào những tầng sâu thẳm nhất của linh hồn khi Rước Lễ chỉ có thể được lôi kéo ngày một sâu xa và mạnh mẽ hơn vào dòng sống thần linh, được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, trái tim của họ được hoán cải nên giống như trái tim thần linh.

Một điều khác có liên quan chặt chẽ với điều này. Khi chúng ta phó thác mọi rắc rối của cuộc đời trần thế cho trái tim thần linh, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm về chúng. Khi đó linh hồn chúng ta được tự do tham gia vào sự sống thần linh. Sau đó, chúng ta đi bên cạnh Đấng Cứu Rỗi trên con đường Người đã đi qua trên trái đất này trong suốt cuộc đời trần thế của Người và vẫn còn đi trong thế giới huyền nhiệm bên kia của Người. Thật vậy, với con mắt đức tin, chúng ta rõi nhìn vào những tầng sâu bí mật của cuộc sống giấu ẩn của Người bên trong sự mờ nhạt của thần tính. Mặt khác, việc tham dự vào đời sống thần linh này tự nó có một sức mạnh giải phóng; nó làm giảm bớt sức nặng của những mối quan tâm trần thế của chúng ta và cho chúng ta một chút vĩnh cửu ngay cả trong sự hữu hạn này, một sự phản chiếu hạnh phúc, một sự biến đổi thành ánh sáng. Nhưng lời mời bước vào sự biến đổi này trong bàn tay Thiên Chúa là do chính Thiên Chúa ban cho chúng ta trong phụng vụ của Giáo Hội. Vì vậy, đời sống của một phụ nữ Công Giáo đích thực cũng là một đời sống phụng vụ. Bất cứ ai cầu nguyện cùng với Giáo Hội trong tinh thần và sự thật đều biết rằng toàn bộ cuộc sống của họ phải được hình thành bởi đời sống cầu nguyện này.

Hãy để chúng ta tóm tắt. Mỗi nghề trong đó linh hồn người phụ nữ trở nên chính nó và có thể hình thành bởi linh hồn người phụ nữ đều là nghề của người phụ nữ chân chính. Nguyên tắc đào tạo sâu xa nhất của linh hồn phụ nữ là tình yêu phát xuất từ trái tim thần linh. Linh hồn người phụ nữ chiếm được nguyên tắc đào tạo này nhờ sự kết hợp mật thiết nhất với trái tim thần linh trong đời sống Thánh Thể và phụng vụ.

Để kết luận, tôi muốn nêu ra một câu hỏi vẫn xuất hiện đi xuất hiện lại trong tâm trí tôi: chương trình hội nghị chỉ định rõ ràng các loại nghề nghiệp khác nhau (bác sĩ, linh mục, v.v.). Cần gì phải có một loại đặc biệt cho nghề nghiệp phụ nữ? Ngoài ra, tại sao lại có những cuộc thảo luận thường xuyên về nghề nghiệp của phụ nữ mà hầu như không cuộc thảo luận nào về nghề nghiệp của nam giới? Há đàn ông cũng như đàn bà đều ý thức được sự đồng hiện hữu giữa các khuynh hướng cá nhân và nam giới và rồi thực sự có sự đối lập giữa chúng đó sao? Há cũng không đúng hay sao khi nói rằng bản chất người đàn ông là hay nên là một nhân tố cùng có tính quyết định đối với việc lựa chọn và đào tạo ơn gọi của họ?

Hơn nữa, há chúng ta đã không tìm thấy ở đây phản đề giữa bản chất bị biến thái bởi cuộc Sa Ngã và bản chất đã được khôi phục trong nét tinh ròng của nó đó sao?

Tôi tin rằng sẽ rất đáng giá nếu một lúc nào đó những câu hỏi này được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo. Vì sự hợp tác lành mạnh của các giới trong cuộc sống nghề nghiệp sẽ chỉ khả hữu nếu cả hai đều đạt tới một ý thức bình thản và khách quan về bản chất của họ và rút ra những kết luận thiết thực từ đó. Thiên Chúa đã tạo ra loài người như đàn ông và đàn bà, và Người đã tạo dựng cả hai theo hình ảnh của chính Người. Chỉ có bản chất nam và nữ được phát triển tinh ròng mới có thể mang lại sự giống với Thiên Chúa cao nhất có thể. Chỉ bằng cách này, mới có thể mang lại sự hòa nhập mạnh mẽ nhất của mọi cuộc sống trần thế và thần linh.

Kỳ tới: Tiểu luận II về Phụ nữ: Các Ơn gọi Tách biệt của Đàn ông và Đàn bà Theo Bản nhiên và Ơn thánh
 
VietCatholic TV
Ngoạn mục: Từ đạo sĩ Sa tan trở thành Tông Đồ Kinh Mân Côi. Báo cáo lạm dụng ở Pháp quá sức vô lý!
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:20 09/10/2021

1. Các con số trong báo cáo lạm dụng tính dục tại Pháp là quá sức vô lý!

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE, đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

Trước con số kinh khủng 330,000 nạn nhân, các giới chức trong Giáo Hội chới với, trong khi các phương tiện truyền thông thế tục bài Công Giáo nhào vào chế nhạo. Tuy nhiên, sau khi hoàn hồn, người Công Giáo đã bắt đầu thấy con số 330,000 nạn nhân là cực kỳ vô lý.

Ký giả Peter Anderson có bài viết nhan đề “French report -- average Church abuser abused over 100 children?” trên tờ Sismografo.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

French report -- average Church abuser abused over 100 children?

Báo cáo của Pháp – Chả nhẽ trung bình những kẻ lạm dụng trong Giáo hội đã lạm dụng hơn 100 trẻ em à?

Peter Anderson


Báo cáo của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội, do Giáo Hội Công Giáo ở Pháp ủy nhiệm, được trình bày vào ngày 5 tháng 10. Đây là một diễn biến gây sốc khác trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của Giáo hội và giới truyền thông đã rầm rộ loan tin. Theo báo cáo, có khoảng từ 2,900 đến 3,200 kẻ lạm dụng trong Giáo hội ở Pháp, bao gồm chung các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2020. Con số các linh mục, nam nữ tu sĩ phạm vào tội lỗi lạm dụng tình dục này từ 2.5 đến 2.8 phần trăm tổng số của các linh mục và tu sĩ ở Pháp trong khoảng thời gian này. (Xem tóm tắt chính thức của báo cáo). Tuy nhiên, con số gây sốc nhất do Ủy ban đưa ra là những kẻ này đã lạm dụng một con số ước tính lên đến khoảng 330,000 trẻ em. Đây là con số thu hút sự quan tâm lớn nhất của giới truyền thông.

Khi thực hiện một phép chia đơn giản, người ta thấy rằng điều này có nghĩa là trung bình một kẻ lạm dụng trong Giáo hội đã lạm dụng hơn 100 trẻ em. Điều này thật khó tin. Báo cáo năm 2018 do Giáo hội ở Đức ủy quyền cho thấy khoảng 1,670 giáo sĩ có liên quan đến việc lạm dụng 3,677 trẻ em. Báo cáo chi tiết từ đại bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ đã tìm thấy hơn 300 linh mục lạm dụng tính dục và hơn 1,000 nạn nhân trẻ em được biết đến, nhưng họ tin rằng số nạn nhân thực tế là “hàng nghìn”. Cả hai báo cáo này đều cho thấy một kẻ lạm dụng trung bình chỉ tấn công từ 2 đến 4 nạn nhân. Phải thừa nhận rằng số nạn nhân trên thực tế và tổng số kẻ lạm dụng có lẽ lớn hơn những con số thống kê đã được biết. Các báo cáo của Đức và Pennsylvania nêu rõ điều này. Tuy nhiên, nhảy một phát từ mức trung bình là 2 đến 4 nạn nhân lên hơn 100 nạn nhân xem ra không hợp lý và không thế nào biện minh được. Cho dù người ta cho rằng số kẻ lạm dụng thực tế trong Giáo Hội ở Pháp cao gấp đôi so với báo cáo đã nêu, thì điều đó vẫn có nghĩa là trung bình một kẻ lạm dụng đã tấn công 50 trẻ em - một con số quá cao để có thể tin nổi.

Các con số thống kê liên quan đến số nạn nhân trong báo cáo của Pháp được xác định bằng một cuộc khảo sát trong đó các bảng câu hỏi được gửi đến 243,601 cá nhân và 28,010 người đã hồi đáp các phiếu trả lời có thể sử dụng được. Kết quả phần trăm của các hồi đáp này sau đó đã được nhân lên theo tỷ lệ dân số chung ở Pháp.

Thật không may, các phương tiện truyền thông không đề cập đến các vấn đề như đối chiếu số lượng những kẻ lạm dụng trong Giáo hội và số nạn nhân đã được tuyên bố. Bởi vì báo cáo này do chính Giáo hội ủy quyền và vì báo cáo rất dài, đến 2,500 trang, nên người ta có thể cho rằng ước tính 330,000 trẻ em bị lạm dụng tính dục phải là con số đúng. Tôi chưa thấy bài báo nào trên các phương tiện truyền thông đặt câu hỏi về con số đó. Theo ý kiến của tôi, dường như Giáo hội ngần ngại không dám đặt câu hỏi dưới bất kỳ hình thức nào về các báo cáo như cái báo cáo này. Có lẽ, người ta lo sợ rằng việc đặt câu hỏi về một khía cạnh nào đó của báo cáo sẽ gây ấn tượng rằng Giáo hội vẫn đang trong tình trạng phủ nhận đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Thay vào đó, thường chỉ có thái độ “cúi đầu nhận tội” từ phía Giáo Hội. Sự thật vẫn là điều quan trọng, và những khẳng định chống lại Giáo hội đáng nghi vấn cần được xem xét cẩn thận.
Source:Sismografo

2. Từ đạo sĩ thờ Satan trở thành Tông đồ của Kinh Mân Côi

Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như một số vị tiền nhiệm của ngài, đã đến thăm thành phố cổ kính Pompeii ở miền Nam nước Ý: không phải để thăm tàn tích bị chôn vùi bởi tro của Núi Vesuvius, nhưng để tôn vinh những điều kỳ diệu của Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi, được thành lập vào thế kỷ 19 bởi một người từng là đạo sĩ thờ Satan, nhưng đã hoán cải và đang trên đường được tuyên thánh.

Chân phước Bartolo Longo được coi là người sáng lập thành phố Pompeii hiện đại, một thị trấn phát triển về phía Đông của khu di tích nổi tiếng vào năm 1891, sau khi ngài được ủy thác xây dựng đền thờ Đức Trinh Nữ Maria của Thành phố.

Ngôi đền là nơi có bức ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ Mân Côi, được trao cho Longo bởi cha giải tội của ngài, là Cha Alberto Radente, vào năm 1875.

Ban đầu sinh ra trong một gia đình Công Giáo sùng đạo, Longo đã xa rời đức tin của mình khi học luật ở Naples vào những năm 1860 - thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo phải đối mặt với sự phản đối của một phong trào dân tộc chủ nghĩa đấu tranh cho sự thống nhất của Ý, và coi Quốc gia của Đức Giáo Hoàng và cả chính Đức Giáo Hoàng như những thế lực chống lại chính nghĩa của họ. Hầu hết các nhà lãnh đạo chính của phong trào “Thống nhất” là những Người theo chủ nghĩa Tự do và có tư tưởng bài Công Giáo rất mạnh.

Giáo Hội Công Giáo cũng đang chiến đấu chống lại sự tham gia ngày càng phổ biến vào những trò huyền bí, vào thời điểm đó đã có sự hiện diện mạnh mẽ ở Naples.

Bản thân Longo cũng tham gia vào một giáo phái theo chủ nghĩa Satan, và cuối cùng tuyên bố đã được “tấn phong” làm “đạo sĩ” đạo Satan.

Tuy nhiên, sau khi vật lộn với những lo lắng và trầm cảm, thậm chí có lúc có ý định tự tử, trong vài năm sau đó, một giáo sư đại học từ quê hương anh đã thúc giục Longo từ bỏ Satan và giới thiệu anh với cha giải tội tương lai của mình, là Cha Radente.

Dưới sự chỉ đạo của Cha linh hướng Radente, Longo bắt đầu lần hạt và trở lại đạo Công Giáo.

Anh đã phát triển một lòng sùng kính đối với chuỗi Mân Côi, và trở thành một tu sĩ dòng Ba Đa Minh vào năm 1871, làm việc để khôi phục đức tin của người dân ở Pompeii bằng cách thúc đẩy một lòng sùng kính mới đối với chuỗi hạt.

Anh đã nhận được bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii miêu tả Đức Mẹ ngồi trên ngai ôm Hài Nhi Giêsu và trao chuỗi hạt cho Thánh Đa Minh và Thánh Catarina Siena – là hai trong số những vị Thánh Dòng Đa Minh tiêu biểu nhất - đang đứng dưới chân Mẹ.

Bức ảnh là một bức tranh cũ nát thuộc Tu viện Rosariello ở Naples, được Cha Radente tặng cho anh.

Vài tháng sau khi anh nhận được ảnh Đức Mẹ Mân Côi các phép lạ bắt đầu xảy ra liên tiếp.

Phép lạ đầu tiên diễn ra cùng ngày Longo trưng bày bức ảnh với công chúng sau khi gây quỹ để trùng tu nó. Cô bé 12 tuổi Clorinda Lucarelli đã hoàn toàn khỏi bệnh động kinh, sau khi một số bác sĩ cho là không thể chữa khỏi.

Đền thờ Đức Mẹ đã trở nên phổ biến trong khu vực và bắt đầu thu hút hàng chục nghìn người Ý trong năm đó.

Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục đã đội vương miện cho bức ảnh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, và sau đó đã được các Bảo tàng Vatican trùng tu. Công việc hoàn tất vào năm 2012.

Longo qua đời tại Pompeii vào năm 1926, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 1980. Anh được biết đến với biệt danh “Tông đồ của Kinh Mân Côi”. Những lời cuối cùng của anh ấy là: “Mong muốn duy nhất của tôi là được nhìn thấy Đức Maria, người đã cứu tôi và sẽ cứu tôi khỏi nanh vuốt của Satan.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm thánh địa vào năm 2015, trở thành vị Giáo hoàng thứ ba dừng lại để cầu nguyện. Vị đầu tiên là Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1979, tiếp theo là Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2008.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Vui: Sắp có thần dược trị cô vít, Úc đã mua ngay 300,000 hộp. Kinh Mân Côi và phép lạ Lepanto
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:27 09/10/2021


1. Úc chi tiền mua ngay thần dược chữa coronavirus

Sau khi đã tham khảo rộng rãi ý kiến các khoa học gia và các chuyên gia y tế, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã quyết định đặt mua trước 300,000 liệu trình thuốc uống kháng vi-rút Molnupiravir.

Kết quả tạm thời do công ty dược phẩm Merck của Mỹ công bố cho thấy loại thuốc này đã làm giảm một nửa số bệnh nhân phải nhập viện do COVID. Không có bệnh nhân nào dùng thuốc này chết vì vi rút.

Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn chưa có sẵn để phân phối tại các tiệm thuốc tây vì nó chưa nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý dược phẩm của Úc, gọi tắt là TGA.

Một khi được chấp thuận, nó có thể được sử dụng trong cộng đồng để ngăn chặn khả năng phải vào bệnh viện hoặc thậm chí là tử vong của những bệnh nhân coronavirus.

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị hợp pháp, hiệu quả và an toàn nào mà những người bị COVID có thể thực hiện tại nhà. Vì thế, bộ y tế Úc khuyến khích người dân cần tiếp tục tiêm chủng để để đạt được mức bao phủ tối đa trong cộng đồng.

Molnupiravir là gì?

Molnupiravir là một loại thuốc kháng vi-rút vẫn còn trong vòng thử nghiệm có tác dụng chống lại một loạt vi-rút đường hô hấp, bao gồm cả vi-rút gây ra COVID.

Đối với COVID, các hướng dẫn để tạo thêm vi rút được chứa trong RNA của vi rút. RNA này cần được đọc và sao chép để tạo ra các hạt virus mới.

Molnupiravir hoạt động bằng cách phá vỡ sự nhân lên của vi rút. Nó thực hiện điều này bằng cách giả mạo hai hợp chất tự nhiên gọi là cytidine và uridine cần thiết để tạo ra RNA. Khi cơ thể cố gắng tái tạo vi rút, nó sẽ kết hợp molnupiravir vào cấu trúc RNA thay vì các phiên bản thứ thiệt của cytidine và uridine. Kết quả trong RNA của vi rút có một sự tích tụ các đột biến, và như thế ngăn chặn nó gây bệnh.

Loại công nghệ này không phải là mới. Trên thực tế, trong hơn 50 năm qua, chúng ta đã sử dụng các loại thuốc hóa trị trong đó giả mạo các thành phần RNA và DNA. Một loại thuốc, được gọi là fluorouracil hoạt động bằng cách ngăn chặn việc sản xuất DNA bên trong tế bào ung thư bằng cách giả mạo các thành phần DNA thymine. Australia orders 300,000 doses of antiviral pill Molnupiravir
Source:The Conservation

2. Cuộc đời là chuỗi dài các cơn bão. Kinh Mân Côi là một con tàu tuyệt vời cho ta nương ẩn.

Hôm 7 tháng 10, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có đăng bài của Cha Patrick Briscoe, về lịch sử và các ơn ích của việc lần chuỗi Mân Côi.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa.

Các mô tả phổ biến nhất về Đức Mẹ Mân Côi cho thấy Đức Mẹ đang trao tràng chuỗi cầu nguyện của mình cho Thánh Đa Minh và Thánh Catarina Siena. Theo truyền thống, Thánh Đa Minh, người sáng lập Dòng Đa Minh, đã nhận Chuỗi Mân Côi từ Đức Mẹ để giúp đỡ công việc rao giảng của ngài ở Pháp vào thời Trung cổ. Thánh Catherine thành Siena, một vị thánh Đa Minh vĩ đại khác thời Trung Cổ, là người ủng hộ việc cải cách và được nhiều người biết đến vì lòng mộ đạo và lòng sùng kính Đức Mẹ của thánh nữ.

Trận chiến Lepanto

Ngày lễ 7 tháng 10, lễ Đức Mẹ Mân Côi, có mối liên hệ với một vị thánh Đa Minh khác. Cách đây 450 năm, vào năm 1571, Đức Thánh Cha Piô Đệ Ngũ, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã kêu gọi thế giới phương Tây theo Kitô Giáo hãy lần chuỗi Mân Côi trong một cuộc chiến quyết định vận mệnh của Âu Châu. Đức Giáo Hoàng đã điều động một lực lượng hải quân, gọi là Liên Minh Thánh, ra khơi để gặp hải quân Ottoman ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, tại Lepanto.

Mặc dù có một số lợi thế chiến lược - bao gồm một loại pháo đài mới, nổi trên biển, được đặt tên là galleasses - hạm đội Kitô Giáo phải đối diện với hạm đội Hồi Giáo đông hơn. Ngoài ra, phía Kitô Giáo còn phải đối mặt với những bất lợi đáng kể khác.

Đức Mẹ Chiến thắng

Như lịch sử cho chúng ta biết, hạm đội Kitô Giáo đã thắng trận ngày hôm đó. Thánh Piô Đệ Ngũ đã có một tầm nhìn tiếp sức cho sự thành công của Liên đoàn Thánh. Ngài cho rằng chiến thắng là nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ, và ngài đã yêu cầu các Kitô hữu ở khắp mọi nơi hãy cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi.

Sau đó, Thánh Piô đã đưa vào lịch Phụng Vụ ngày lễ hôm nay, lễ Đức Mẹ Mân Côi, từng được gọi là lễ “Đức Mẹ Chiến Thắng”, để tưởng nhớ sự bảo vệ của Mẹ.

Một con tàu cho linh hồn

Ngày nay, chúng ta nên nghĩ về Kinh Mân Côi như một con tàu tuyệt vời cho các linh hồn. Lời cầu nguyện truyền thống này cùng Đức Mẹ là một chiếc thuyền có thể đưa chúng ta vượt qua biển cả đầy bão tố của cuộc đời.

Thánh Catherine thành Siena từng mô tả Dòng Đa Minh giống như một con tàu. Tác phẩm Cuộc Đối thoại của thánh nhân kể lại việc Chúa Giêsu dạy bảo cô,

Bây giờ người ta đã tìm thấy những nơi thích hợp cho sự vâng lời, cụ thể là những con tàu này do Chúa Thánh Thần chỉ huy qua trung gian của các bề trên, vì như Cha đã nói với con, Chúa Thánh Thần là Chủ nhân thật sự của những con tàu này, được đóng trong ánh sáng của đức tin thánh thiện nhất bởi những ai có ánh sáng để hiểu rằng Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, sẽ hướng dẫn họ.

Kinh Mân Côi là một con tàu vâng phục tuyệt vời khác. Trung thành cầu nguyện Kinh Mân Côi uốn nắn tâm hồn. Những gương của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và các vị thánh vĩ đại khác được bao gồm trong các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, là la bàn chỉ đường cho các Kitô hữu giữa biển đời bão tố.

Các mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi là những cánh buồm, đưa đường đón gió của Chúa Thánh Thần. Những chuỗi Kinh Kính Mừng là giá đỡ, buộc luồng gió của Chúa Thánh Thần vào boong của trái tim chúng ta. Và cuối cùng, thập tự giá là mỏ neo, là nguồn hy vọng thực sự của chúng ta.
Source:Aleteia

3. Thẩm phán liên bang đã ra lệnh ngăn chặn lệnh cấm phá thai ở Texas

Đáp lại yêu cầu từ Chính quyền Biden, Thẩm phán Robert L. Pitman của Tòa án Quận Tây Tây Texas đã tạm thời đình chỉ việc thực thi Dự luật số 8 của tiểu bang, chấm dứt 5 tuần liên tiếp không có một vụ phá thai nào tại tiểu bang Texas.

Hôm thứ Năm 8 tháng 9, chính quyền Biden đã kiện tiểu bang Texas về luật mới trong đó cấm hầu hết các trường hợp phá thai sau khi phát hiện ra nhịp tim của thai nhi.

Trong một đơn khiếu nại gửi lên một tòa án cấp liên bang ở Tây Texas, Bộ Tư pháp cho biết tiểu bang đã hành động “ngang nhiên bất chấp Hiến pháp” khi hạn chế “hầu hết các trường hợp phá thai”.

“Đạo luật rõ ràng là vi hiến theo tiền lệ của Tòa án Tối cao đã có từ lâu”, Tổng trưởng Tư Pháp Merrick Garland tuyên bố hôm thứ Năm.

“Hoa Kỳ có thẩm quyền và trách nhiệm bảo đảm rằng không tiểu bang nào có thể tước bỏ các quyền hiến định của cá nhân thông qua một chương trình lập pháp được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn việc thực thi tự do các quyền đó”.

Khiếu nại này, được Bloomberg News đưa tin, tìm kiếm một lệnh cấm vĩnh viễn đối với các quan chức nhà nước và các bên tư nhân muốn kiện những người cung cấp dịch vụ phá thai theo luật mới của Texas, thường được gọi là Đạo luật Nhịp tim.

Đạo luật Nhịp tim Texas, SB 8, yêu cầu các bác sĩ kiểm tra nhịp tim của thai nhi trước khi thực hiện phá thai. Nếu phát hiện nhịp tim - có thể sớm nhất là khi thai được sáu tuần - luật nghiêm cấm phá thai, trừ trường hợp cấp cứu y tế.

Tuy nhiên, điểm độc đáo là luật được thực thi thông qua các vụ kiện dân sự của tư nhân chứ không phải qua các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước.

Đối diện với nguy cơ sạt nghiệp vì các vụ kiện cáo, các nhà cung cấp dịch vụ phá thai đã thách thức luật này trước tòa, nhưng Tòa án Tối cao vào ngày 1 tháng 9 đã bác bỏ kiến nghị của họ muốn ngăn hiệu lực của luật này.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris nhận ra tức khắc tác dụng phò sinh của luật nhịp tim của Texas; và họ tìm mọi cách để ngăn chặn. Biden gọi đạo luật này là “ một cuộc tấn công chưa từng có đối với quyền hiến định của phụ nữ, “và hứa sẽ nỗ lực toàn chính phủ” để duy trì việc phá thai ở Texas.

Ông đã chỉ đạo các cơ quan liên bang, bao gồm Bộ Tư pháp, xem xét những hành động có thể được thực hiện “để bảo đảm rằng phụ nữ ở Texas được tiếp cận với phương pháp phá thai an toàn và hợp pháp theo phán quyết Roe chống Wade”.

Theo luật Texas, nguyên đơn không được kiện người phụ nữ phá thai bất hợp pháp. Họ có thể kiện những người thực hiện phá thai bất hợp pháp và bất kỳ ai “cố ý” hỗ trợ vụ phá thai bất hợp pháp đó. Người khởi kiện có thể là bất cứ ai phát hiện ra hoạt động phá thai bất hợp pháp không nhất thiết phải là thân nhân của người phụ nữ phá thai.

Các vụ kiện thành công có thể được bồi thường ít nhất 10,000 đô la, cộng với chi phí tòa án và luật sư.

Các quan chức Bộ Tư pháp Liên bang cáo buộc trong đơn khiếu nại của họ rằng thay vì thực thi luật pháp, bang Texas “đã cử các công dân bình thường làm thợ săn tiền thưởng.”

Bộ Tư pháp Liên bang viết: “Không cần nhiều tưởng tượng, người ta cũng nhận ra rằng mục tiêu của Texas là làm cho các phòng khám phá thai hoạt động trong tiểu bang trở nên quá sức rủi ro. Cho đến nay, luật đã có hiệu lực như mong muốn. Các nhà cung cấp dịch vụ phá thai đã ngừng cung cấp các dịch vụ bị cấm bởi SB 8, khiến phụ nữ ở Texas bị tước đoạt dịch vụ phá thai một cách không thể chấp nhận và vi hiến”.

Texas tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này. SB 8 có một điều khoản nói rằng những người thực hiện hoặc hỗ trợ và tiếp tay cho việc phá thai có thể bị khởi kiện trở lại, cho dù hành động phá thai được thực hiện trong thời gian SB 8 bị ngăn chặn.

John Seago, giám đốc lập pháp của Texas Right to Life, nói với New York Times: “SB 8 nói rõ rằng trong trường hợp lệnh này bị ngăn chặn, ai tham gia vào hành động phá thai vẫn phải chịu trách nhiệm về việc phá thai mà bạn đã thực hiện trong thời gian SB 8 bị ngăn chặn, nếu sau đó sự ngăn chặn này được dỡ bỏ”.
Source:Aleteia
 
Phụ nữ Pháp bỏ gia tài kếch xù, đi cổ vũ Kinh Mân Côi. Sao Chúa để xảy ra có người bị khuyết tật?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:53 09/10/2021


1. Đại học Urbanô: lần đầu tiên Tổng thư ký là một nữ tu, một nhà truyền giáo dòng Scalabrini

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Sơ Pietra Luana Etra Modica, dòng Scalabrini, là Tổng thư ký mới của Đại học Giáo hoàng Urbanô ở Rôma. Việc bổ nhiệm đã được ký bởi Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và là Hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Urbanô. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1627, vị trí này được giao cho một người phụ nữ.

“Tôi muốn cảm ơn Đức Hồng Y Tagle và Hội các Nữ tu Truyền giáo Scalabrini - Sơ Etra giải thích trong một bức thư gửi cho thông tấn xã Fides – “Tôi mang đặc sủng phục vụ những người di cư, bởi vì sự đào tạo là một trong những chìa khóa để hội nhập và cũng là cơ hội mới cho các nữ tu đến từ các quốc gia khác nhau và đang theo học tại Đại học Urbanô”.

Trường được thành lập vào thế kỷ 17 với mục đích sâu xa: đào tạo các nhà truyền giáo và do đó quan tâm đến các dân tộc trên thế giới. Về cơ bản, một “đài quan sát toàn cầu” đã được tạo ra ở Rome vào thời điểm này, có khả năng tập trung vào các con đường giáo dục để tăng cường đối thoại.

“Trong tình hiệp thông với gia đình Scalabrini, tôi cảm ơn Đức Hồng Y Tagle đã bổ nhiệm Nữ tu Etra Luana Modica,” Sơ Neusa de Fatima Mariano, Bề trên Tổng quyền của các chị em Scalabrini - cho biết. “Đối với chúng tôi, đó là một sự công nhận về sứ mệnh của chúng tôi với những người di cư và tị nạn. Chúng tôi hoan nghênh điều đó như một sự phục vụ Giáo hội, với tầm nhìn quốc tế”. Sơ Etra Modica có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và chăm sóc mục vụ cho người di cư, đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong Hội dòng của mình và các cơ quan giáo hội khác nhau
Source:Fides

2. Lễ tuyên Chân phước cho Pauline Jaricot được công bố

Pauline Jaricot sẽ được tuyên Chân Phước vào ngày 22 tháng 5 năm 2022. Điều này đã được Tổng thư ký Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Pháp, Gaëtan Boucharlat de Chazotte, thông báo qua một tin nhắn video được gửi tới Fides. Người sáng lập Hiệp hội Truyền bá Đức tin và Phong trào Kinh Mân Côi sẽ được nâng lên hàng Chân Phước ở Lyon vào ngày 22 tháng 5 tới, nhân kỷ niệm hai năm ngày thành lập Hiệp hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin, trong buổi cử hành Thánh Thể do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc chủ tế.

Pauline-Marie Jaricot, sinh năm 1799 và qua đời năm 1862, là người sáng lập Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin, được Thánh Gioan XXIII tuyên bố là Đáng kính vào ngày 25 tháng 2 năm 1963. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép công bố sắc lệnh công nhận phép lạ do sự chuyển cầu của cô.

Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Lyon, sau 15 năm sống sung túc, cô đã trải qua những đau khổ về thể xác và tinh thần, trong bối cảnh đó, qua các bí tích, cô trải qua một kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa. Sự tha thứ và lời cầu nguyện sâu sắc đã giúp cô vượt qua một chấn thương nghiêm trọng và từ thời điểm đó, cuộc sống của cô đã thay đổi hoàn toàn. Pauline đã dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa bằng một lời thề long trọng trong nhà nguyện của Đức Trinh Nữ Fourvière ở Lyon và tận tụy phục vụ Thiên Chúa cho người nghèo và người bệnh, hàng ngày đến thăm bệnh viện và những người mắc bệnh nan y, băng bó vết thương cho họ và dâng những lời an ủi.

Việc giúp đỡ những người khốn khó của cô được đi kèm với một đời sống cầu nguyện mãnh liệt. Cô đã lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hàng ngày, để xin ơn hoán cải những người tội lỗi và cho việc loan báo Tin Mừng trên thế giới. Nhận thấy những khó khăn kinh tế của các cơ quan truyền giáo, Pauline đã thúc đẩy các sáng kiến để gây quỹ: do đó đã ra đời “Hiệp hội Truyền bá Đức tin”, được chính thức thành lập vào ngày 3 tháng 5 năm 1822.
Source:Fides

3. Một cô gái hỏi một tổng giám mục tại sao Chúa để xảy ra tình trạng có người lành mạnh lại có người bị khuyết tật. Đây là câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục

Một vị tổng giám mục ở Kentucky vẫn nhớ như in câu chuyện một cô bé 6 tuổi hỏi ngài “Tại sao em con chào đời với chứng tự kỷ?”

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, người lãnh đạo tổng giáo phận Louisville, gần đây đã chia sẻ câu trả lời của mình với EWTN News In Depth.

“Tôi nói, ‘Chà, con biết khi nào con và cha lên thiên đường, và cha hy vọng cả hai chúng ta sẽ làm được điều đó, chúng ta sẽ có rất nhiều câu để hỏi’,” Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên hôm 24 tháng 9.

Vị tổng giám mục nói rằng ngài đã hỏi cô gái rằng cô có thương em mình không; cô ấy nói có. Khi ấy, ngài nói thêm, “Một điều mà chúng ta biết rằng chúng ta không cần phải hỏi là con và cha sẽ được thay đổi vì tình yêu mà chúng ta dành cho anh chị em của mình.”

Ngài nhấn mạnh: “Đó là món quà mà con có thể bắt đầu nói 'cảm ơn' với Chúa”.

Đức Tổng Giám Mục nói từ kinh nghiệm cá nhân. Anh trai của ngài, George, sống với hội chứng Down. Đó cũng là lý do chính tại sao Đức Tổng Giám Mục phục vụ với tư cách là người điều hành Hiệp hội Đối tác Công Giáo Quốc gia về Người khuyết tật ngày nay.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz nói: “Tôi không thể tưởng tượng được có hai anh em nào lại hòa thuận với nhau hơn hai anh em chúng tôi. Một trong những điều tôi học được, như tôi đã nói trước đây, là 'cuộc sống không phải là một vấn đề cần giải quyết mà là một bí ẩn được sống',” ngài nói thêm, trích dẫn lời nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard sống ở thế kỷ 19.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng những người dành thời gian cho người khuyết tật sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi.

Ngài kết luận: “Thực tế là khi chúng ta dành thời gian ở lại với một ai đó, và đặc biệt là với một ai đó chúng ta phải lao động giúp họ vì khuyết tật của họ, thì người đó có rất nhiều điều để dạy chúng ta”.

Giáo hội đánh giá cao vẻ đẹp của mỗi con người.

“Nền tảng giáo huấn của Giáo hội chúng ta rất đơn giản và đó là phẩm giá cao cả của mỗi người. Chúng ta không đánh giá mọi người bằng số tiền họ có hay công việc chính xác của họ là gì, và vì vậy cho dù một người có phải sống với khuyết tật hay không, thì người đó vẫn tuyệt vời trong mắt Chúa và vì vậy chúng ta coi mỗi người đều là quý giá”.

Người khuyết tật thuộc Giáo Hội Công Giáo cũng giống như những người khác. Đức Tổng Giám Mục chỉ ra Tuyên bố Mục vụ năm 1978 của các Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về Người khuyết tật. Năm 2018, các giám mục tái khẳng định tuyên bố kêu gọi Giáo hội chào đón và bao gồm những người khuyết tật.

Thay đổi lớn nhất đến vào năm 2018, đó là khi “chúng ta bắt đầu ngừng nói về khuyết tật như một vấn đề, nhưng nhấn mạnh rằng con người là một ân sủng”.

Ngài giải thích: “Thực tế là người đó lãnh nhận các bí tích không chỉ tốt cho đời sống thiêng liêng, sức khỏe và linh hồn bất tử của người đó, mà còn tốt cho thân thể của Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô”.

“Và do đó, sự nhấn mạnh rất nhiều trong tài liệu mới là về sự thuộc về - không chỉ bao gồm những người bị loại trừ - nhưng thực sự là mỗi người trong chúng ta đều thấy rằng tất cả chúng ta đều có một ước muốn sâu sắc là thuộc về Chúa Kitô và thuộc về nhau, về một gia đình của đức tin”.

“Chúng ta hãy can đảm nhìn khuyết tật một cách nhẹ nhàng hơn,” chứ đừng xem đó như một tai họa.
Source:Catholic News Agency