Theo tin Vatican News, trong buổi yết kiến chung thứ Tư, ngày 8 tháng 9, tại Đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục trình bầy loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Đây là bài thứ 8 của ngài về Thư này, tập chú vào khía cạnh Chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta hãy tiếp tục hành trình đào sâu đức tin - đức tin của chúng ta - dưới ánh sáng Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Thánh Tông đồ khăng khăng với những Kitô hữu đó để họ không quên sự mới mẻ trong mặc khải của Thiên Chúa đã được công bố cho họ. Hoàn toàn nhất trí với thánh sử Gioan (x. 1 Ga 3: 1-2), thánh Phaolô nhấn mạnh rằng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô đã cho phép chúng ta thực sự trở thành con cái Thiên Chúa và cũng là người thừa kế của Người. Kitô hữu chúng ta thường coi thực tại làm con cái Thiên Chúa này là chuyện đương nhiên. Thay vào đó, điều tốt là ghi nhớ với lòng biết ơn khoảnh khắc trong đó, chúng ta đã trở nên như vậy, lúc chúng ta chịu Phép Rửa, để sống một cách có ý thức hơn ơn phúc lớn lao chúng ta đã lãnh nhận được. Nếu hôm nay tôi hỏi anh chị em, "ai trong số anh chị em biết chính xác ngày lãnh nhận phép rửa của mình?" Tôi không nghĩ sẽ có quá nhiều người giơ tay…. Tuy nhiên, đó là ngày mà chúng ta được cứu rỗi, đó là ngày chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Bây giờ, những người không biết điều đó nên hỏi cha mẹ đỡ đầu, cha, mẹ, chú, dì của họ: “con được rửa tội khi nào”? Và ngày đó nên được tưởng niệm mỗi năm: đó là ngày chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Anh chị em có đồng ý không? Tất cả anh chị em có làm điều này không? [đám đông đáp lời]. Trời, đó là một câu "có" vầy vậy thôi. [Cười]. Chúng ta hãy tiếp tục.

Thực thế, một khi “đức tin đã đến” nơi Chúa Giêsu Kitô (câu 25), một điều kiện hoàn toàn mới đã được tạo ra dẫn đến tư cách làm con của Thiên Chúa. Tư cách làm con được Thánh Phaolô nói đến không còn là mối liên hệ chung chung liên quan đến mọi người đàn ông và đàn bà bao lâu họ là con trai và con gái của cùng một Đấng Tạo Dựng. Không, trong đoạn văn chúng ta đã nghe, ngài khẳng định rằng đức tin cho phép chúng ta làm con cái của Thiên Chúa “trong Chúa Kitô” (câu 26). Đây là những gì mới mẻ. Kiểu nói “trong Chúa Kitô” là điều tạo nên sự khác biệt. Không chỉ là con cái của Thiên Chúa, giống như mọi người: mọi người đàn ông và đàn bà đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả họ, không phân biệt tôn giáo mà chúng ta theo đuổi. Nhưng “trong Chúa Kitô”, đây là điều tạo nên sự khác biệt cho các Kitô hữu, và điều này chỉ xẩy ra khi tham gia vào ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, và nơi chúng ta trong bí tích rửa tội: đây là cách nó bắt đầu. Chúa Giêsu đã trở thành anh của chúng ta, và bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha.

Bất cứ ai tiếp nhận Chúa Kitô đều “mặc lấy” Chúa Kitô và phẩm giá con thảo của Người qua phép rửa (xem câu 27). Đây là những gì lá thư nói trong câu 27.

Trong các Thư của mình, Thánh Phaolô đề cập đến phép rửa không phải chỉ có một lần. Đối với ngài, chịu phép rửa cũng giống như tham gia một cách hữu hiệu và thực sự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài thậm chí còn đi xa đến mức nói rằng trong phép rửa, chúng ta đã chết với Chúa Kitô và được chôn cất với Người để được sống với Người (xem 6: 3-14). Chết với Chúa Kitô, chôn cất với Người để được sống với Người. Đây là ân sủng của phép rửa: tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Do đó, phép rửa không chỉ đơn thuần là một nghi thức bên ngoài. Những ai lãnh nhận nó được biến đổi sâu xa từ bên trong, trong hữu thể thẳm sâu nhất của họ, và sở hữu sự sống mới, đó chính là điều cho phép họ hướng về Chúa và kêu cầu Người với tên “Abba”, tức là “bố ơi”. "Cha"? Không: “bố ơi” (x. Gl 4: 6).

Thánh Tông đồ mạnh dạn xác nhận rằng căn tính nhận được khi chịu phép rửa là hoàn toàn mới đến nỗi nó vượt thắng các khác biệt hiện hữu trên bình diện sắc tộc-tôn giáo. Nghĩa là, ngài giải thích như thế này: “Không có người Do Thái hay người Hy Lạp”, ngay cả trên bình diện xã hội, “không có nô lệ cũng không có tự do, không có nam cũng không nữ” (Gl 3,28). Chúng ta thường đọc những cách diễn đạt này quá nhanh mà không nắm được giá trị cách mạng mà chúng sở hữu. Đối với Thánh Phaolô, viết cho người Galát rằng trong Chúa Kitô “không có người Do Thái hay người Hy Lạp” tương đương với một cuộc lật đổ đích thực trong lãnh vực sắc tộc - tôn giáo. Do sự kiện thuộc về một dân tộc được tuyển chọn, người Do Thái có đặc quyền hơn người ngoại giáo (x. Rm 2, 17-20). - như Thư gửi người Rôma, chương 2, câu 17 đến câu 20 vốn nói; Chính thánh Phaolô đã khẳng định điều này (x. Rm 9: 4-5). Do đó, không ngạc nhiên khi giáo huấn mới này của Thánh Tông đồ nghe có vẻ dị giáo. “Cái gì, mọi người đều bình đẳng? Chúng ta khác nhau!" Nghe có vẻ hơi dị giáo, phải không? Ngay cả cặp bất bình đẳng thứ hai, giữa những người “tự do” và những người “nô lệ”, đã đưa ra một viễn cảnh gây ngỡ ngàng. Sự phân biệt giữa nô lệ và công dân tự do là yếu tố sống còn trong xã hội cổ xưa. Theo luật, các công dân tự do được hưởng mọi quyền lợi, trong khi nhân phẩm của nô lệ thậm chí không được công nhận. Điều này xảy ra ngay cả ngày hôm nay. Có rất nhiều người trên thế giới, rất nhiều, hàng triệu người không có quyền ăn, không có quyền được giáo dục, không có quyền làm việc. Họ là những nô lệ mới. Họ là những người sống bên lề, bị mọi người lợi dụng. Chế độ nô lệ vẫn tồn tại cho đến ngày nay - chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này. Nhân phẩm bị phủ nhận đối với những người này. Họ là nô lệ. Vì vậy, cuối cùng, sự bình đẳng trong Chúa Kitô đã vượt qua những khác biệt xã hội giữa hai giới tính, thiết lập một sự bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà, một điều có tính cách mạng vào thời điểm đó và ngày nay, nó cần được khẳng định lại. Điều này cần được tái khẳng định ngay cả ngày hôm nay. Đã bao lần chúng ta nghe thấy những câu nói hạ phẩm giá phụ nữ! Chúng ta thường nghe: “Nhưng không, đừng làm gì cả, đó là những mối quan tâm của đàn bà”. Nhưng, này, đàn ông và đàn bà đều có cùng nhân phẩm như nhau. Và đã xảy ra trong lịch sử, thậm chí cả ngày nay, một kiểu chế độ nô lệ của phụ nữ: phụ nữ không có cùng những cơ hội như nam giới. Chúng ta phải đọc những gì Thánh Phaolô nói: chúng ta bình đẳng trong Chúa Giêsu Kitô.

Như chúng ta thấy, Thánh Phaolô xác nhận sự hợp nhất sâu xa giữa tất cả những người đã chịu phép rửa, trong bất cứ điều kiện bị ràng buộc nào, dù là nam hay nữ - đều bình đẳng vì mỗi người trong số họ đều là tạo vật mới trong Chúa Kitô. Mọi sự phân biệt đều trở thành thứ yếu đối với phẩm giá làm con cái của Thiên Chúa, Đấng, nhờ tình yêu thương của Người, đã tạo ra một sự bình đẳng đích thực và có thực chất. Tất cả mọi người, nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận, tất cả chúng ta đều bình đẳng: là con cái của Thiên Chúa. Bình đẳng.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta được kêu gọi một cách tích cực hơn để sống một đời sống mới bắt nguồn từ biểu thức nền tảng của nó được làm con cái của Thiên Chúa. Bình đẳng vì chúng ta là con Thiên Chúa; và con cái của Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và chúng ta đạt được phẩm giá này qua phép rửa. Ngay cả đối với mọi người chúng ta ngày nay, điều quyết định là phải khám phá lại vẻ đẹp của việc làm con Thiên Chúa, trở thành anh chị em với nhau, bởi vì chúng ta đã được hợp nhất trong Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Các khác biệt và tương phản mà việc tách biệt tạo ra không nên tồn tại giữa các người tin vào Chúa Kitô. Và một trong các Tông đồ, trong Thư Thánh Giacôbê, đã nói điều này: “Hãy coi chừng các khác biệt, vì điều không đúng là khi ai đó bước vào buổi họp (tức là Thánh lễ) đeo nhẫn vàng và ăn mặc đẹp đẽ, 'À, lên đây, lên đây!', và bạn nhường cho anh ta một trong những chiếc ghế ở hàng đầu. Rồi, nếu một người khác bước vào, rõ ràng là nghèo, người chỉ có thể đủ che thân và bạn thấy anh ta nghèo, nghèo, tội nghiệp, ‘à, à, bạn nên lùi lại phía sau’". Chúng ta tạo nên những khác biệt này, nhiều lần một cách vô ý thức như vậy. Không, chúng ta bình đẳng! Đúng hơn, ơn gọi của chúng ta là thực hiện cụ thể và rõ ràng lời kêu gọi hợp nhất toàn thể nhân loại (xem Công đồng Vat. II, Hiến chế Lumen gentium, 1). Mọi điều làm trầm trọng thêm các khác biệt giữa người ta, thường gây ra sự kỳ thị - tất cả những điều này, trước mặt Thiên Chúa, không còn cơ sở nào nữa, nhờ ơn cứu rỗi đã được thực hiện trong Chúa Kitô. Điều quan trọng là đức tin ấy, đức tin vốn vận hành theo con đường hợp nhất do Chúa Thánh Thần chỉ dẫn. Và trách nhiệm của chúng ta là trách nhiệm hành trình dứt khoát trên con đường bình đẳng này, nhưng là một sự bình đẳng được nâng đỡ, được tạo ra bởi ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Và đừng quên khi anh chị em về nhà: "Tôi đã chịu phép rửa khi nào?" Anh chị em hãy tìm hiểu cho rõ để luôn ghi nhớ ngày tháng. Và khi đến ngày đó, thì có thể cử hành nó. Cảm ơn anh chị em.