Theo Tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung ngày 24 tháng 11 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thánh Giuse, tập trung vào khía cạnh Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu một chu kỳ giáo lý về Thánh Giuse - năm dành riêng kính ngài sắp kết thúc. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình này, tập chú vào vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ.

Chúa Giêsu trong các Tin Mừng được gọi là “con ông Giuse” (Lc 3:23; 4: 22; Ga 1:45; 6:42) và “con bác thợ mộc” (Mt 13:55; Mc 6: 3). Thuật lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các Thánh sử Mátthêu và Luca dành chỗ nói về vai trò của Thánh Giuse. Cả hai thánh sử đều thu thập một “gia phả” nhằm làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Ngỏ lời trước hết với những người theo Kitô giáo gốc Do Thái, Thánh Mátthêu bắt đầu từ Ápraham và kết thúc ở Thánh Giuse, được xác định là “chồng của bà Maria, là người mà từ ngài Chúa Giêsu đã sinh ra, Đấng được gọi là Kitô” (1:16). Thánh Luca, mặt khác, đã ngược trở lại tới tận Ađam, bắt đầu trực tiếp với Chúa Giêsu, Đấng “là con trai của Giuse”, nhưng nói rõ hơn: “thiên hạ vốn coi” như thế (3:23). Do đó, cả hai Thánh sử đều trình bầy Thánh Giuse không như cha đẻ, nhưng dù sao, hoàn toàn là cha của Chúa Giêsu. Qua thánh nhân, Chúa Giêsu hoàn thành lịch sử giao ước và cứu rỗi giữa Thiên Chúa và loài người. Đối với Thánh Mátthêu, lịch sử này bắt đầu với Ápraham; đối với thánh Luca, lịch sử này bắt đầu với nguồn gốc loài người, nghĩa là, với Ađam.

Thánh sử Mátthêu giúp chúng ta hiểu rằng con người của Thánh Giuse, tuy bề ngoài có vẻ ở ngoài lề, kín đáo và ở hậu trường, nhưng thật ra là một yếu tố trung tâm trong lịch sử cứu độ. Thánh Giuse sống vai trò của mình mà không bao giờ tìm cách chiếm lãnh khung cảnh. Nếu chúng ta suy nghĩ thì hẳn thấy, “Cuộc sống của chúng ta được dệt nên và duy trì bởi những người bình thường, những người thường bị bỏ qua. Những người không xuất hiện trên hàng tít lớn của báo chí và tập san. … Có biết bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà và thầy cô đang chỉ cho con cái chúng ta, bằng những cách nhỏ nhặt và hàng ngày, biết cách chấp nhận và xử lý cuộc khủng hoảng bằng cách điều chỉnh các thông lệ, nhìn về phía trước và khuyến khích việc thực hành cầu nguyện. Biết bao người đang cầu nguyện, hy sinh và cầu bầu cho thiện ích của mọi người ”(Tông thư Patris corde, 1). Như thế, ai cũng có thể tìm thấy nơi Thánh Cả Giuse, con người không ai lưu ý, con người hiện diện hằng ngày, hiện diện kín đáo và giấu ẩn, một vị cầu thay nguyện giúp, một vị nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người xem ra bị che giấu hoặc ở “hàng ghế thứ hai” đều là những nhân vật chủ đạo vô song trong lịch sử cứu độ. Thế giới cần những người đàn ông và đàn bà này: những người đàn ông và đàn bà ở hàng ghế thứ hai, nhưng là những người hỗ trợ sự phát triển cuộc sống của chúng ta, của mọi người trong chúng ta, và là những người, bằng việc cầu nguyện và bằng gương sáng của họ, bằng sự dạy dỗ của họ, đang nâng đỡ chúng ta trên nẻo đường cuộc sống.

Trong Tin Mừng thánh Luca, thánh Giuse xuất hiện như là người bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria. Và vì lý do này, ngài cũng là “Người bảo vệ Giáo Hội”: nhưng, nếu ngài là người bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria, ngài vẫn làm việc, dù nay ngài đang ở trên trời, và vẫn tiếp tục là người bảo vệ, trong trường hợp này là bảo vệ Giáo hội, vì Giáo hội là sự nối dài của Nhiệm thể Chúa Kitô trong lịch sử, ngay cả tình mẫu tử của Đức Maria cũng được phản ảnh trong tình mẫu tử của Giáo hội. Trong việc tiếp tục bảo vệ Giáo hội, xin anh chị em đừng quên điều này: ngày nay, Thánh Giuse vẫn đang bảo vệ Giáo hội, và bằng cách tiếp tục bảo vệ Giáo hội, ngài tiếp tục bảo vệ cả con lẫn mẹ của con”(sđd, 5). Khía cạnh này trong vai trò bảo vệ của Thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho câu chuyện của sách Sáng thế. Khi Thiên Chúa yêu cầu Cain giải trình về mạng sống của Abel, anh ta trả lời: " Con là người giữ em con hay sao?" (4: 9). Với cuộc đời của mình, dường như thánh Giuse muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi cảm nhận rằng chúng ta là người canh giữ anh chị em của chúng ta, những người bảo vệ những người thân cận với chúng ta, những người mà Chúa đã trao phó cho chúng ta trong nhiều hoàn cảnh của đời sống.

Một xã hội như xã hội của chúng ta, vốn được định nghĩa là “lỏng”, dường như nó không có tính nhất quán… Tôi xin điều chỉnh nhà triết học đã đưa ra câu định nghĩa này bằng cách nói rằng: hơn cả lỏng, nó là khí, một xã hội khí đúng nghĩa. Cái xã hội lỏng và khí này tìm thấy nơi câu chuyện của Thánh Giuse một dấu chỉ rất rõ ràng về tầm quan trọng của mối liên hệ giữa con người với nhau. Thật vậy, Tin Mừng cho chúng ta biết gia phả của Chúa Giêsu, không những chỉ vì lý do thần học, mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi những mối dây liên kết đến trước và đồng hành với chúng ta. Con Thiên Chúa đã chọn đến thế gian bằng con đường của những ràng buộc như vậy, con đường của lịch sử: Người không xuống thế gian bằng ma thuật, không. Người đã đi theo con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đều đi.

Anh chị em thân mến, tôi nghĩ đến rất nhiều người khó tìm thấy mối dây liên kết có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, và vì điều này mà họ lao đao, cảm thấy đơn độc, thiếu sức mạnh và dũng khí để tiếp tục bước đi. Tôi muốn kết thúc bằng một lời cầu nguyện để giúp họ, và tất cả chúng ta, tìm thấy nơi Thánh Giuse một đồng minh, một người bạn và một chỗ dựa.

Lạy Thánh Giuse,
ngài là người đã bảo vệ mối liên hệ với Đức Maria và Chúa Giêsu,
xin giúp chúng con biết quan tâm đến các mối liên hệ trong cuộc sống của chúng con.

Xin cho không một ai phải trải nghiệm cảm giác bị bỏ rơi vì cô đơn.

Xin cho mỗi người chúng con được hòa giải với lịch sử của chính chúng con,
với những người đã đi trước,
và nhận ra cả trong các sai lầm đã mắc phải
một con đường qua đó Chúa Quan phòng đã mở ra,
và cái ác không có lời quyết định cuối cùng.

Xin ngài tỏ mình là bạn của những người đang lao đao nhất,
và như ngài từng nâng đỡ Đức Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn,
Xin nâng đỡ chúng con trong cuộc lữ hành của chúng con. Amen.