1. Người di cư tập trung tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ đang ở mức cao nhất trong suốt 21 năm qua

Cơ quan Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ báo cáo gần 200,000 người di cư đang tập trung dọc biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ trong tháng Bảy, là con số cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Số lượng người di cư hàng tháng đã giảm xuống còn 16,182 vào tháng 4 năm 2020, ngay sau khi dịch coronavirus bùng phát khiến chính quyền Mỹ đóng cửa biên giới phía tây nam và làm chậm tiến trình di cư từ nhiều nơi trên thế giới. Nhưng số lượt người di cư đã tăng mạnh kể từ đó, đạt 199,777 người vào tháng 7, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.

Con số tháng 7 là con số người di cư hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2000 và vượt xa mức cao nhất trong làn sóng di cư lớn cuối cùng tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ, xảy ra vào tháng 5 năm 2019.

Những người di dân từ Trung Mỹ ở biên giới Mỹ đang được lưu trú tại tỉnh Tijuana của Mễ Tây Cơ. Một số đông đang tạm trú tại Trung tâm Tỵ nạn của các cha dòng Scalabrinian.

Trong suốt 31 năm qua nhà dòng Scalabrinian đã cung cấp nơi trú ẩn và nhiều dịch vụ cho những người di dân bị trục xuất cũng như đang chờ đợi tại Tijuana, Mễ Tây Cơ. Kể từ ngày xuất hiện đoàn di dân từ Trung Mỹ, phần lớn những người di dân này đang được cư trú tại Trung tâm Di dân với hy vọng được nhận vào tị nạn tại Hoa Kỳ.
Source:Pew Research

2. Ghi danh hành hương kính Đức Mẹ lại bị buộc phải hành hương các di tích của cộng sản

Các giáo phận Công Giáo trên khắp Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay, và phải đưa ra các chỉ thị cấm các cuộc hành hương kính Đức Mẹ nhân dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Cha Bernardo Cervellera, một linh mục truyền giáo và là một nhà báo, người đã bảo vệ Giáo hội ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua với tư cách là tổng biên tập của AsiaNews, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng:

“Mọi cộng đoàn, mọi giáo phận đều phải tổ chức đại hội, các cuộc hội diễn văn nghệ, và cả những cuộc hành hương đến những địa danh lịch sử của Đảng Cộng sản”.

Hăng hái nhất trong các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc là Giám Mục Giuse Lý Sơn (Li Shan, 李山) của Bắc Kinh. Trong khi tại Vatican nhiều người coi Lý Sơn là một lựa chọn tốt, Cha Bernardo Cervellera, người từng là Giáo sư tại Hoa Lục đã gọi Lý Sơn là một “tai ương của Giáo Hội tại Trung Quốc.” Thực tế đã cho thấy nhận xét của Cha Cervellera là đúng.

Lý Sơn đã tổ chức một bữa tiệc tại Tòa Giám Mục của mình để các thực khách được mời theo dõi cho bài phát biểu ngày 1 tháng 7 của Đại Đế Tập Cận Bình đánh dấu một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo trang web của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, tại tỉnh Giang Tây, 40 linh mục và tín hữu đã tham dự một hội nghị chuyên đề để nghiên cứu làm thế nào để “thực hiện theo tinh thần” của bài phát biểu do Tập Cận Bình đưa ra. Và những người Công Giáo ở Hồ Bắc đã tổ chức lễ chào cờ và mừng Đảng.

“Nhưng họ bị cấm không được hành hương đến Đức Mẹ Xà Sơn, là thánh địa quốc gia dành cho Đức Mẹ ở Trung Quốc,” Cha Cervellera nói.

Trong một trường hợp thật đau lòng, các tín hữu ở Hồ Bắc đóng tiền tham dự hành hương Đức Mẹ Xà Sơn để tạ ơn sống sót sau đại dịch lại bị chở đi thăm con đường vạn lý trường chinh một cộng sản.

Theo Cha Cervellera, tình hình này cho thấy những thách thức hiện các tín hữu Công Giáo đang phải đối mặt tại Hoa Lục: bọn cầm quyền ra sức o ép dưới sự tiếp tay của nhiều mục tử đang hoạt động không khác gì chó sói.

Trong gần ba năm kể từ khi Tòa thánh ký thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018, tình hình của những người Công Giáo thầm lặng càng ngày càng trở nên khó khăn.

Cuộc sống “rất khắc nghiệt” đối với họ, Cha Cervellera giải thích.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số hội dòng của các nữ tu bị giải thể, các nhà thờ bị đóng cửa. Chúng tôi đã thấy các linh mục bị đuổi khỏi giáo xứ của các ngài và một số chủng sinh bị cấm học thần học. Các giám mục bị bắt hoặc bị quản thúc tại gia, 24 giờ một ngày”.

Các linh mục Công Giáo tham gia vào Giáo Hội quốc doanh ở Trung Quốc bị yêu cầu ký vào một tờ giấy, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi những nơi thờ tự được công nhận, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

“Và trên hết, họ phải ca ngợi vinh quang của Đảng Cộng sản”, Cha Cervellera chua chát nói.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Giáo chủ bị hăm dọa lấy mạng vì kêu gọi hòa bình

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Giáo chủ Công Giáo Maronite đã bị những người ủng hộ Hezbollah đe dọa lấy mạng sau khi kêu gọi người Li Băng nên theo đuổi một chính sách trung lập trong khu vực.

Vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Maronite đã nhận được những lời đe dọa từ những người ủng hộ Hezbollah trong tuần này sau khi kêu gọi chấm dứt các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Li Băng.

Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai đã kêu gọi hòa bình, nói rằng Li Băng nên giữ thái độ trung lập trong các cuộc xung đột khu vực trong bài giảng ngày Chúa Nhật 8 tháng 8 của ngài, hai ngày sau khi Hezbollah bắn 19 quả hỏa tiễn vào Israel từ miền nam Li Băng.

Không nhắc tên Hezbollah, Thượng phụ Maronite của Antiôkia nói rằng không thể chấp nhận được tình trạng “một bên đơn phương đưa ra quyết định về chiến tranh” mà không có đủ số lượng 2/3 theo quy định của hiến pháp đất nước.

“Chúng tôi kêu gọi quân đội Li Băng ngăn chặn việc phóng tên lửa từ lãnh thổ Li Băng, không phải vì sự an toàn của Israel, mà là vì sự an toàn của người Li Băng”, Đức Hồng Y Rai nói.

Những người ủng hộ Hezbollah đã đáp trả bằng cách đe dọa lấy mạng của vị Hồng Y với các bài đăng trên mạng xã hội có hình Đức Hồng Y Rai với một chiếc thòng lọng quanh cổ.

Trong một bài đăng trên Facebook, một người sống ở vùng ngoại ô phía nam của Beirut đã viết bằng tiếng Ả Rập như sau: “Ông nghĩ rằng chúng tôi không biết cách treo cổ hay sao?” Và “Mắt đền mắt, răng đền răng. Giáo chủ sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Một tổ chức nhân quyền ở Lebanon, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng đã có những cuộc biểu tình trên các đường phố trong những khu vực chủ yếu là người Shiite chống lại Đức Hồng Y Rai, gọi ngài là kẻ phản quốc và cộng tác viên của Do Thái.

Hezbollah là một nhóm chiến binh và chính trị Hồi giáo dòng Shiite được chính phủ Hoa Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Các nhà lãnh đạo chính trị ở Li Băng và nước ngoài đã gửi thông điệp đoàn kết tới Đức Hồng Y Giáo Chủ Maronite sau những lời đe dọa công khai.

Tổng thống Michel Aoun đã gặp Đức Hồng Y Rai vào ngày 13 tháng 8 sau khi lên án những lời đe dọa nhắm vào Đức Hồng Y vì sự khác biệt về quan điểm. Nghị sĩ Li Băng Simon Abi Ramia cũng bày tỏ sự đoàn kết với ngài, cũng như các nghị sĩ Hoa Kỳ Brad Sherman và Tim Burchett.
Source:Catholic News Agency

4. Phi Luật Tân tổ chức Đại Hội Thánh Thể trực tuyến vì đại dịch ngăn cản việc đi đến Budapest

Các hạn chế liên quan đến đại dịch sẽ ngăn cản người Công Giáo ở Phi Luật Tân đến Budapest tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 vào tháng tới. Vì thế, các giám mục Phi Luật Tân đã quyết định tổ chức Đại Hội Thánh Thể trực tuyến của riêng mình.

Các giám mục Phi Luật Tân đã có ý định cử một phái đoàn gồm 500 người Công Giáo đến đại hội từ ngày 5-12 tháng 9 tại Hung Gia Lợi, như một phần trong các cử hành đánh dấu 500 năm Kitô giáo ở Phi Luật Tân.

Các giám mục của quốc gia Đông Nam Á này đã phải hủy bỏ kế hoạch đó do đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Đầu tháng này, các ngài đã thông báo rằng thay vào đó, các ngài sẽ tổ chức một đại hội Thánh Thể toàn quốc trực tuyến trong tình đoàn kết với cuộc họp Budapest.

Sự kiện quốc gia sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Santa Cruz, ở Manila vào ngày 11 tháng 9. Nhà thờ là Đền thờ Thánh Thể của Tổng Giáo phận Manila.

“Nhà thờ Santa Cruz sẽ là trung tâm của hoạt động nhưng tất cả các cuộc nói chuyện sẽ được ghi âm trước và sẽ được phát trực tuyến”, thư ký điều hành của ủy ban giám mục về các đại hội Thánh Thể quốc tế nói với CBCP News.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hung Gia Lợi để cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest vào ngày 12 tháng 9.

Đại hội kéo dài một tuần đã bị hoãn so với dự kiến ban đầu là vào tháng 9 năm 2020 do đại dịch coronavirus.

Đức Tổng Giám Mục Jose Palma của Cebu, Phi Luật Tân, đang có kế hoạch tham dự sự kiện Thánh Thể toàn cầu ở Budapest. Theo truyền thống, một giám mục từ nước chủ nhà trước đó của đại hội sẽ cử hành một thánh lễ trong tuần tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế tiếp theo.
Source:Catholic News Agency