Các giám mục Công Giáo đã chỉ trích tuyên bố của Nghị viện Âu Châu cho rằng phá thai là “chăm sóc sức khỏe thiết yếu” và sự phản đối vì lý lương tâm bị tái định nghĩa là “từ chối chăm sóc y tế”.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, nói rằng việc Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ báo cáo Matić báo hiệu rằng Liên minh Âu Châu đang chấp nhận “một nền văn hóa của cái chết và sự loại trừ”.

“Tôi vô cùng đau buồn trước nghị quyết của Nghị viện Âu Châu kêu gọi việc giết chết những đứa trẻ chưa sinh ra đời là một quyền thiết yếu của phụ nữ” Đức Tổng Giám Mục Poznań viết trên tài khoản Twitter của mình ngày 24/6.

“Nền văn hóa cuộc sống được các Tổ phụ sáng lập của Liên minh Âu Châu hình dung đang biến thành một nền văn hóa của cái chết và sự loại trừ, trong đó ý thức hệ được ưu tiên hơn lý trí”.

Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo, nói với hãng thông tấn Kathpress rằng cuộc bỏ phiếu là “vô cùng đáng tiếc”.

Theo CNA Deutsch, việc xếp loại phá thai như một biện pháp sức khỏe và như một thứ nhân quyền xói mòn quyền sống của đứa trẻ chưa sinh ra và là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.

Đức Cha Kevin Doran nói rằng ngài chết điếng trong lòng khi biết rằng tất cả thành viên Ái Nhĩ Lan của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ báo cáo.

Viết trên phương tiện truyền thông xã hội, ngài nói: “Rất thất vọng khi thấy rằng tất cả thành viên Ái Nhĩ Lan của Nghị viện Châu Âu ngày hôm nay đều bỏ phiếu chống lại quyền tự do lương tâm là điều đã được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu; và ủng hộ cho cái quyền không hế tồn tại là quyền được phá thai. Xin Chúa phù hộ cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của chúng ta”.

Trong một thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu, Nghị viện Châu Âu nói rằng họ lấy làm tiếc rằng một số quốc gia Âu Châu có “cái gọi là điều khoản lương tâm” công nhận quyền không thể bị buộc tham gia phá thai của các y tá và bác sĩ.

Nghị viện Châu Âu cho rằng:

“Điều này dẫn đến việc từ chối chăm sóc phá thai vì lý do tôn giáo hoặc lương tâm và khiến cuộc sống của phụ nữ gặp nguy hiểm”.

Thông cáo báo chí dẫn lời Predrag Fred Matić, chính trị gia người Croatia đã trình bày báo cáo trước Nghị viện châu Âu, cho biết: '' Cuộc bỏ phiếu này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong Liên minh châu Âu và là sự phản kháng thực sự đầu tiên đối với một chương trình nghị sự thoái trào đã chà đạp lên quyền của phụ nữ ở Âu Châu trong nhiều năm”.

Các thành viên của Nghị viện Âu Châu, cơ quan xây dựng luật của Âu Châu, đã bỏ phiếu với 378 phiếu thuận, 255 phiếu chống và 42 phiếu trắng, để thông qua báo cáo tại phiên họp toàn thể ở Brussels, Bỉ.

Chỉ có hai trong số 27 quốc gia thành viên của Âu Châu - là Ba Lan và Malta - không cho phép phá thai theo yêu cầu.
Source:National Catholic Register