1. Đức Giáo Hoàng quyết định tham dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận rằng ngài có kế hoạch đến thăm Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungari để tham dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, diễn ra vào ngày 12 tháng 9 tại Quảng trường Anh hùng của Budapest.

Trên máy bay trở về từ Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những điểm ngài có thể viếng thăm trong tương lai.

Ngài nói rằng việc tham dự Thánh lễ ngày 12 tháng 9 ở Hungary sẽ không bao gồm một chuyến thăm đất nước. Nhưng Ngài lưu ý rằng Budapest cách thủ đô Bratislava của Slovakia hai giờ lái xe và đặt ra câu hỏi liệu chuyến đi có nên được kết hợp với một chuyến thăm ở đó hay không.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 sẽ diễn ra tại Budapest vào ngày 5-12 tháng 9 sau khi nó bị trì hoãn một năm vì đại dịch coronavirus.

Đức Hồng Y Péter Erdő, tổng giám mục của Esztergom-Budapest, nói với CNA vào tháng Hai rằng đại hội “sẽ là một dấu chỉ hy vọng lớn cho người Công Giáo trên toàn thế giới”.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Pháp vào năm 1881. Sự kiện này nhằm mục đích cung cấp một chứng tá về sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về phụng vụ và Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội. Đại hội thường được tổ chức bốn năm một lần.

Erdő, Giáo chủ Công Giáo Hung Gia Lợi, nói rằng mục đích của đại hội năm nay được tóm tắt bằng lời cầu nguyện chính thức, trong đó nói rằng sự kiện này nhằm “phục vụ sự đổi mới tinh thần của cộng đồng, thành phố, quốc gia, Âu Châu và thế giới của chúng ta”.

Trong một tuyên bố ngày 8 tháng 3, Đức Hồng Y hoan nghênh thông báo của Giáo hoàng.

“ Chúng tôi rất vui khi biết rằng Đức Thánh Cha đã công bố quyết định đến Budapest để tham dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52”, ngài nói trong tuyên bố, cũng được ký bởi Giám mục András Veres, chủ tịch hội đồng giám mục Hung Gia Lợi.

“Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là một sự khích lệ to lớn và củng cố tinh thần cho tất cả chúng tôi và cho những người tham dự Đại hội Thánh Thể trong tương lai”.

Các nước Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm trong tương lai gần

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra bình luận của mình về các chuyến tông du trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về sau chuyến thăm lịch sử ba ngày tới Iraq, nơi ngài gặp gỡ các nhà chức trách chính trị, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng Kitô Giáo.

Vị giáo hoàng 84 tuổi nói rằng ngài cảm thấy mệt mỏi hơn trong chuyến tông du Iraq so với những lần trước và không biết liệu lịch trình di chuyển của mình có nên chậm lại trong tương lai hay không.

Trước khi đại dịch coronavirus hủy bỏ các chuyến đi có thể có của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea vào năm 2020, Đức Phanxicô đã giữ một lịch trình tông du bận rộn, thực hiện 32 chuyến đi quốc tế đến 51 quốc gia khác nhau trong bảy năm.

Đức Phanxicô nói với các nhà báo ngày 8 tháng 3 rằng ngài “nhận thức được những rủi ro” khi đi tông du trong khi đại dịch coronavirus đang diễn ra, nhưng quyết định đến Iraq “xuất phát từ bên trong”.

“Tôi đã cầu nguyện rất nhiều về điều này, và cuối cùng, tôi đã tự do đưa ra quyết định”.

Đức Giáo Hoàng đã nhận được vắc-xin coronavirus trước khi đến Iraq, những người cùng thực hiện chuyến hành trình với ngài cũng vậy.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Maronite của Li Băng, đã yêu cầu ngài thêm một chặng dừng chân tại thủ đô Beirut của Li Băng trong chuyến thăm Iraq của ngài.

Ngài đã quyết định không làm vậy vì ngài cảm thấy đất nước này xứng đáng có một chuyến thăm quan trọng hơn.

“Tôi đã viết một lá thư và hứa sẽ thực hiện một chuyến đi đến Li Băng”, ngài nói, ca ngợi đất nước vì sự hào phóng trong việc chào đón những người tị nạn.

Sau chuyến thăm Iraq, Đức Thánh Cha chưa nghĩ ngay đến một chuyến đi đến Syria. Ngài cũng sẽ không đến thăm Á Căn Đình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài thường nói đùa rằng ở quê hương đến 76 năm là quá đủ.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngài đã lên kế hoạch đến thăm đất nước này vào tháng 11 năm 2017, cùng với Chí Lợi và Uruguay. Nhưng ý tưởng này đã bị bỏ dở vì nó sẽ đụng độ với một mùa bầu cử ở Chí Lợi. Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Chí Lợi vào tháng Giêng năm 2018, nhưng ngài giải thích rằng đó là mùa hè ở Á Căn Đình và Uruguay, vì thế, ngài đã đến thăm Peru.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng ngài sẽ đến thăm Á Căn Đình khi có cơ hội và ám chỉ rằng chuyến đi cũng có thể bao gồm Uruguay và miền nam Brazil.


Source:Catholic News Agency

2. Nhà văn viết vắn tắt quá khiến người đồng hương bất bình với Đức Giáo Hoàng

Trong khi Đức Thánh Cha đang ở thăm Iraq, dư luận tại Á Căn Đình đã tỏ ra bất bình vì có một số phương tiện truyền thông quốc tế gần đây đã đưa tin rằng Đức Thánh Cha nói đi đâu thì đi, ngài không muốn về thăm quê hương Á Căn Đình.

Tác giả của cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha, là nguồn gốc gây ra tin đồn tai hại này đã làm rõ bối cảnh và ý nghĩa của lời nói của Đức Thánh Cha.

Nhà báo kỳ cựu người Á Căn Đình và nhà thần kinh học Nelson Castro đã phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô để viết cuốn sách “Sức khỏe của các Giáo hoàng”.

Nhật báo La Nación của Á Căn Đình đã xuất bản một đoạn của Castro vào ngày 27 tháng 2 bao gồm một phần cuộc phỏng vấn của ông với Đức Giáo Hoàng. Câu cuối cùng là: “Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình”, khiến một số người cho rằng điều đó có nghĩa là “không bao giờ”.

Vào cuối cuộc phỏng vấn cho cuốn sách của mình về sức khỏe của các Đức Giáo Hoàng, Castro hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô “Ngài tưởng tượng cái chết của mình như thế nào?” Và ngài trả lời “Tôi sẽ là giáo hoàng, dù là đương nhiệm hay danh dự. Và ở Rome. Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhà báo đồng nghiệp Tito Garabal trên Radio Grote, Castro đã làm rõ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài sẽ không trở lại Argentina “đó là nói về việc sống ở Á Căn Đình nếu ngài từ chức, chính là như vậy”.

“Ngài không nói ‘Tôi sẽ không đến thăm Á Căn Đình nữa’. Khi tôi hỏi ngài hình dung ra cái chết của mình như thế nào ngài nói: ‘Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình để chết ở đó’”

“Điều này là không thể chối cãi. Và vấn đề có hai khía cạnh: vì cuộc phỏng vấn được tường trình nguyên văn nên chúng tôi muốn trích một cách trung thành nhất có thể, và tôi không đoán trước được điều này, cho nên trong ấn bản thứ hai của cuốn sách, tôi sẽ giới thiệu điều này, làm rõ hơn,” Castro giải thích.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài thường nói đùa rằng ở quê hương đến 76 năm là quá đủ.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cuốn sách cầu nguyện lâu đời cho đồng bằng Ninivê

Trong chuyến đi tới Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lại một cuốn sách cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập rất lâu đời đã được phục chế sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào ngôi nhà thờ Công Giáo nơi cuốn sách từng được lưu trữ.

Có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ 14 và 15, cuốn sách bao gồm những lời cầu nguyện phụng vụ bằng tiếng Aramaic cho mùa Phục sinh trong truyền thống Syriac.

Cuốn sách trước đây được lưu giữ trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Al-Tahira ở Bakhdida, còn được gọi là Qaraqosh. Nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac này đã bị cướp bóc khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nắm quyền kiểm soát thị trấn từ năm 2014 đến năm 2016.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm nhà thờ vào ngày 7 tháng 3 và đọc kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu Kitô địa phương từ các thị trấn và làng mạc trên khắp Đồng bằng Ninivê. Nhà thờ đã được phục hồi hoàn toàn bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Trong khi đến thăm Nhà thờ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã trả lại cuốn sách cho Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Syria Yohanna Boutros Mouche của Mosul.

Cuốn sách được các nhà báo phát hiện ở miền bắc Iraq vào tháng Giêng năm 2017 - khi Mosul vẫn còn nằm trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS - và được gửi cho vị giám mục địa phương, là Đức Tổng Giám Mục Mouche. Ngài đã giao nó cho một liên đoàn các tổ chức phi chính phủ Kitô Giáo để bảo quản an toàn.

Cuốn sách đã được giấu trong tầng hầm của nhà thờ cùng với những cuốn sách quan trọng khác, nhưng cuối cùng được chuyển đến Erbil trước khi được gửi ra nước ngoài để trùng tu.

Viện Bảo tồn Sách Trung ương (ICPAL) ở Rome đã giám sát việc khôi phục bản thảo, được tài trợ bởi Bộ Di sản Văn hóa Ý.

Quá trình trùng tu kéo dài 10 tháng bao gồm việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tại Thư viện Vatican, nơi có các tập sách tiếng Syriac có cùng thời kỳ.


Source:Catholic News Agency