Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến việc thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ với tựa đề “Inaugural Reflections on American Renewal”, nghĩa là “Những Suy Tư Về Sự Đổi Mới Của Hoa Kỳ Nhân Lễ Nhậm Chức”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Do cuộc tấn công ngày 6 tháng Giêng vào Điện Capitol của Hoa Kỳ bởi một đám đông, mà trong đó có các thành viên bạo lực tuyên bố rằng họ đã lấy hứng từ tổng thống thứ bốn mươi lăm của Hoa Kỳ, vị tổng thống thứ bốn mươi sáu sẽ được nhậm chức tại một thành phố trong đó các vị trí chính phủ và các quảng trường hoành tráng giờ đây gần giống với một kho vũ khí hơn là thủ đô của một nước cộng hòa dân chủ trưởng thành.

Ngay sau lễ nhậm chức, chính quyền của tổng thống mới sẽ bắt đầu một cuộc tấn công tổng lực vào quyền lương tâm của các chuyên gia y tế, quyền bất khả xâm phạm được sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên và quyền tự do tôn giáo, là điều mà người được đề cử làm tổng trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh cho chính quyền mới tin tưởng rằng có thể giản lược thành sự bao dung cho phép của nhà nước đối với một số hoạt động giải trí cuối tuần nào đó.

Trong tình huống chưa từng có này, những dấn thân nào cần phải được tái khẳng định bởi những người muốn thúc đẩy một triết lý công cộng giầu thông tin về tôn giáo cho cuộc thử nghiệm của người Mỹ về quyền tự do trong trật tự? Đây là gợi ý của tôi.

Chúng ta nên khẳng định rằng Hoa Kỳ là một cộng đồng quốc gia có xác tín về đạo đức và chính trị, chứ không phải là một chính thể dựa trên huyết thống và thổ nhưỡng, sắc tộc hay chủng tộc.

Chúng ta nên khẳng định rằng nền dân chủ không thể tự duy trì trên cơ sở một ý tưởng sai lầm về con người trong đó giản lược những người nam, nữ đến mức đơn thuần chỉ là những bó ham muốn, mà thỏa mãn là chức năng chính của nhà nước. Chúng ta nên khẳng định rằng chủ nghĩa cá nhân được công khai thể hiện và bạn đi đôi với nó, là chủ nghĩa tương đối về đạo đức, không tương thích với sự tự quản dân chủ trong một thời gian dài. Và chúng ta nên cam kết nâng cao tầm nhìn chân thực hơn, tinh tế hơn về tình trạng con người, một cái nhìn dựa trên cả lý trí và mặc khải.

Chúng ta nên khẳng định bằng những điều kiện mạnh mẽ nhất có thể được rằng phương pháp thuyết phục là mệnh lệnh đạo đức và dân chủ, và chúng ta nên nhấn mạnh rằng bạo lực không phải là phương pháp phản đối chính trị có thể chấp nhận được trong một nền dân chủ.

Chúng ta nên khẳng định rằng không có nỗi sầu khổ nào hoặc ý thức hệ nào biện minh được cho một cuộc tấn công bạo lực vào con người hoặc các hành vi đập phá tài sản, công cộng hay tư nhân.

Chúng ta nên khẳng định rằng các quan chức nhà nước có nghĩa vụ nghiêm túc trong việc duy trì trật tự công cộng để có không gian công cộng rộng rãi, được bảo vệ nhằm tiến hành các cuộc tranh luận mạnh mẽ, thẳng thắn và văn minh vốn là mạch máu của nền dân chủ.

Chúng ta nên khẳng định rằng văn hóa loại trừ là sản phẩm phụ của ý tưởng hủy diệt về “sự khoan dung áp chế” và không có chỗ đứng trong một nước cộng hòa dân chủ.

Chúng ta nên khẳng định rằng mọi quốc gia — và đặc biệt là một quốc gia “suy nghĩ chín chắn và nhiệt thành” như Hoa Kỳ — cần một câu chuyện có thật về bản thân mình để hiểu được gốc rễ của những thách thức hiện tại, và do đó, sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ của công lý trong một cộng đồng chính trị có trật tự đúng đắn. Do đó, chúng ta cần phải bác bỏ mọi sự xuyên tạc lịch sử nhân danh các ý thức hệ. Và vì điều đó, chúng ta phải khẳng định bổn phận của chúng ta là làm việc với đồng bào của mình để sự thật về nước Mỹ, một sự thật đầy đủ, được truyền dạy cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Chúng ta nên khẳng định tính chất cấp bách của một nền chính trị dựa trên thực tại và bác bỏ các thuyết âm mưu dựa trên sự bóp méo thực tại cho phù hợp với ý thức hệ: bất kể những người theo thuyết âm mưu ấy là các nhà lãnh đạo tôn giáo hay các công chức, và bất kể những lý thuyết đó xuất hiện từ cơn sốt truyền thông xã hội hay được thúc đẩy bởi những thành kiến không thể phủ nhận của các phương tiện truyền thông chính thống. Đặc biệt, chúng ta nên bác bỏ các thuyết âm mưu được quảng bá bởi các chính trị gia quan tâm đến việc duy trì hoặc nắm giữ quyền lực hơn là sự thật. Những kẻ phá hoại như vậy xuất hiện ở từng điểm trên quang phổ các quan điểm chính trị, và tất cả đều nên bị bác bỏ bởi lý do là họ quá ám ảnh về bản thân mình, đến mức nhầm lẫn tư lợi với thiện ích chung.

Chúng ta nên khẳng định rằng chỉ có một dân tộc có đạo đức mới có thể duy trì thể chế dân chủ và kinh tế tự do. Chúng ta nên khẳng định rằng tự do không thể bị giản lược thành một điều tùy ý; tự do phải được gắn liền với chân lý và phải được thực hiện vì thiện ích chung nếu không tự do chỉ đơn thuần là giấy phép. Chúng ta nên khẳng định rằng từ “lựa chọn” không còn có thể được dùng để kết thúc mọi cuộc đối thoại và tranh luận trong đời sống công chúng Hoa Kỳ, vì một nền dân chủ trưởng thành là một thực thể trong đó người dân luôn phải vật lộn với câu hỏi thực sự quan trọng, đó là chọn cái gì?

Chúng ta nên khẳng định rằng tự do tôn giáo là một vấn đề liên quan đến các quyền được bảo vệ theo hiến pháp trong đời sống của các cộng đồng và thể chế, cũng như các quyền của lương tâm và niềm tin cá nhân.

Chúng ta nên khẳng định rằng các nghĩa vụ đạo đức quốc gia không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia, và một nền đạo đức tự cung tự cấp là điều không thể xảy ra trong thế giới thế kỷ 21 như trong trường hợp của nền kinh tế tự cung tự cấp. Vì vậy, chúng ta nên tái khẳng định chính sách hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ đối với quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền cơ bản khác.

Chúng ta nên khẳng định phẩm giá của công việc. Chúng ta nên khẳng định nghĩa vụ xây dựng một nền kinh tế trong đó đồng bào chúng ta có cơ hội làm việc, và do đó thực hiện khả năng sáng tạo và tiềm năng của họ. Chúng ta nên ủng hộ một cuộc tranh luận cởi mở, nghiêm túc và thấu đáo về việc tạo ra cơ hội trong thế giới hậu công nghiệp, trong một thế giới được lèo lái bởi công nghệ thông tin mà chúng ta đang sống, trong khi thừa nhận rằng thế giới đó sẽ không biến mất và sự xuất hiện của nó đã dẫn đến những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng đối với nhiều người mà chúng ta có nghĩa vụ phải liên đới với họ.

Chúng ta nên khẳng định rằng nền giáo dục Hoa Kỳ phải được cải cách để chuẩn bị cho những người trẻ vào đời, làm việc hiệu quả và bổ ích — một cuộc cải cách sẽ bao gồm việc mở ra các cơ hội giáo dục cho trẻ em nghèo ngoài những cơ hội được cung cấp bởi các hệ thống giáo dục nhà nước thường xuyên rối loạn.

Chúng ta nên khẳng định rằng chúng ta không có câu trả lời cho mọi vấn đề về chính sách công đang gây tranh cãi — và cũng không ai có câu trả lời. Vì vậy chúng ta nên khẳng định khả năng rằng những người chúng ta thường xét thấy về mặt chính trị “khác” với chúng ta có thể có lý của họ, ngay cả khi chúng ta nhấn mạnh rằng những “người khác” cũng phải thừa nhận bổn phận chấp nhận giải pháp của chúng ta khi chúng ta có lý.

Chúng ta nên khẳng định rằng quản trị đòi hỏi cả chuyên môn và sự phán đoán chín chắn đến từ kinh nghiệm. Đồng thời, chúng ta nên tái khẳng định rằng “ý kiến chuyên gia” không phải là không thể sai lầm và những người chịu trách nhiệm quản trị phải lắng nghe tiếng nói của những người cảm thấy mình bị những người có quyền lực chính trị và kinh tế phớt lờ.

Và cuối cùng, chúng ta nên tái khẳng định niềm tin của mình vào năng lực đổi mới đất nước Hoa Kỳ. Chúng tôi khẳng định rằng chính trị luôn thoát thai từ văn hóa. Do đó, sự bất mãn của chúng ta cùng với sự bối rối của chúng ta trước tình trạng hiện tại, và bẩn thỉu của nền chính trị đòi hỏi chúng ta phải đi đến một quyết tâm mới: đó là xây dựng lại một nền văn hóa đạo đức công cộng có khả năng duy trì một nền chính trị dân chủ thúc đẩy được cả phúc lợi con người lẫn sự hiệp nhất xã hội.


Source:First Things