Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 01/04: Chúa Giêsu chết thay cho toàn dân – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
02:08 31/03/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Đó là lời Chúa
Thập giá đời và Thánh giá phúc
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
15:13 31/03/2023
THẬP GIÁ ĐỜI VÀ THÁNH GIÁ PHÚC
TUẦN THÁNH 2023
Đức Thánh Cha Phaolô VI cho biết: Không thể có một Kitô giáo mà không có đổ máu.
Đổ máu là dấu của chết chóc, của thất bại. Việc đổ máu của Chúa Kitô, trước mặt người đời, trước mọi phù phím của thế gian mang vỏ bộc khôn ngoan, tiến bộ, văn minh…, cũng chỉ là thất bại lớn, một sự bị đốn ngã nhục nhã.
Nhưng dưới dòng lịch sử của ơn Thánh - một dòng lịch sử chỉ có thể khám phá bởi lòng tin, bởi sự đơn thành, bởi cái nhìn thoát tục không bao giờ bị rào bị cản của tiến bộ, của văn minh mà con người theo đuổi - việc đổ máu của Chúa Kitô là sự tôn vinh Thiên Chúa, là ơn cứu độ vĩnh cửu của loài người.
Đó cũng là niềm sung sướng của Hội Thánh, bởi không chỉ ngày đổ máu của Chúa Kitô là ngày Hội Thánh được khai sinh, mà còn là ngày Hội Thánh sung sướng tiến vào cuộc sống mới của Thiên Chúa, được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa.
Càng suy niệm, chúng ta thấy nơi Thánh giá, Chúa như tóm gọn cảnh một hành trình dài của con người đầy trắc trở, đầy mâu thuẫn, đầy xót xa, biến động. Và những gì diễn ra nơi Thánh giá cũng như nơi cuộc đời con người vừa như tương tác lẫn nhau, vừa như hoàn toàn đối nghịch nhau.
Thánh giá như tóm gọn hành trình kiếp người, như diễn tả toàn bộ mọi trạng thái mà nhân sinh trải qua: Yêu thương và thù hận, thành công và thất bại, hy vọng và thất vọng, tin tưởng và sợ hãi, tự do và trói buộc, trung thành và phản bội, hạnh phúc và đau khổ, sự sống và giết chóc…
Đặc biệt, mỗi khi dừng lại ở từng chặng Đường Thánh giá, Hội Thánh mời gọi mỗi người, không chỉ làm dấy lên trong tâm hồn cảm xúc đối với cuộc khổ nạn, mà còn là ý thức hồng ân đã được lãnh nhận qua Đường Thương Khó, qua cây Thánh giá của Chúa Giêsu, và qua đau khổ là mỗi cây thánh giá trong đời từng người, để xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách mang tình yêu vào giữa lòng thế giới, làm cho con người được sống và sống dồi dào.
Chính vì sự liên quan mật thiết giữa Thánh giá và những gì diễn ra trong đời người, cho ta hiểu rằng, cuộc sống hôm nay không tách rời Thánh giá. Thánh giá sẽ biến cuộc sống thành hoa quả ngày mai trong hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi Thánh giá bao trùm trên cuộc sống hôm nay, nên ta tin tưởng, giá trị cuộc sống không là những thực tại trần gian nhưng là thực tại Nước Trời.
Chính nơi đó mới là quê hằng sống. Chính nơi đó mới là quê bình yên. Chính nơi đó mới là quê của niềm hy vọng. Chỉ có nơi quê Trời ấy, ta mới thực sự thoát ly bất trung và bội phản, oán ghét và thù hận. Sẽ không bao giờ còn giết chóc, lừa lọc, gian dối. Sẽ tiêu tan hết những áp bức, những chà đạp, những độc ác… Và lúc đó, công lý được giương cao, hòa bình được trao tặng, sự thật được hoàn lại cho những ai đã từng bị cuộc sống hôm nay giày vò, ức hiếp.
Bởi đó là Nước mà lòng xót thương của Thiên Chúa ngự trị. Mọi người là anh chị em có Thiên Chúa là Cha chung.
Nước mà giờ đây Thánh giá đã chiến thắng. Chúa Kitô sẽ giương cao ngọn cờ Thánh giá như biểu tượng của một tình yêu tuyệt đỉnh, của một sự bình an không cùng mà chính Người đã đi qua cuộc đời này và nay trao lại cho chúng ta trong Nước hằng sống ấy.
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, nói với các giám mục Đức: ‘Không’ để giáo dân thường xuyên rửa tội và giảng trong Thánh Lễ
Vu Van An
13:17 31/03/2023
Theo Luke Copen của tạp chí mạng The Pillar, Bộ trưởng Thánh bộ Phụng tự của Vatican đã phản đối kế hoạch cho giáo dân thường xuyên rửa tội và giảng thuyết trong các Thánh lễ được “Con đường Đồng nghị” gây tranh cãi của Đức tán thành.

Trang mạng tin tức chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đưa tin: ngày 30 tháng Ba, Đức Hồng Y Arthur Roche đã đưa ra những phản đối của ngài trong một lá thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing.
Katholisch.de nói rằng họ đã xem bức thư, bức thư chưa được Vatican hay hội đồng giám mục Đức công bố vào thời điểm viết bài này.
Con đường Đồng nghị — một sáng kiến kéo dài ba năm tập hợp các giám mục Đức và một số giáo dân chọn lọc để thảo luận về những thay đổi đối với giáo huấn và thực hành của Giáo hội — chính thức kết thúc vào ngày 11 tháng 3 sau khi phê chuẩn một tài liệu có tựa đề là “Việc giáo dân rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và bí tích”.
Bản văn kêu gọi hội đồng giám mục Đức khai triển các quy định “về tư cách và ủy quyền cho các giáo dân nam nữ chủ trì việc cử hành bí tích rửa tội”.
Nó cũng yêu cầu các giám mục Đức “vạch ra một quy tắc cụ thể và xin phép Tòa thánh về việc này, theo đó bài giảng lễ (homily) cũng có thể được đảm nhận trong các cử hành Thánh Thể vào các Chúa nhật và các ngày lễ bởi các tín hữu có trình độ thần học và tâm linh được giám mục ủy quyền.”
Theo katholisch.de, trong bức thư của mình, Đức Hồng Y Roche đã đề cập đến giáo luật, trong đó nói rằng các giám mục, linh mục hoặc phó tế là “thừa tác viên bình thường” của phép rửa tội, và các ngoại lệ chỉ có thể được thực hiện khi họ “vắng mặt hoặc bị cản trở,” hoặc “trong trường hợp cần thiết.”
Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích được cho là đã nói rằng các trường hợp ngoại lệ được áp dụng khi không thể tìm thấy một thừa tác viên bình thường trong vòng một tháng.
Ngài nói rằng những điều kiện như vậy “dường như không hiện hữu ở bất cứ giáo phận nào trong khu vực của hội đồng giám mục Đức, dựa trên dữ kiện từ niên giám của giáo hoàng về hàng giáo sĩ có sẵn”.
Ngài nói thêm rằng “Dù sao, vẫn có đủ thừa tác viên thụ phong để đối phó với số lượng người rửa tội hàng năm tại các giáo phận Đức, một số lượng đang giảm sút”.
Về việc rao giảng của giáo dân, Đức Hồng Y cũng tham chiếu giáo luật, trong đó nói rằng “giáo dân có thể được phép giảng trong nhà thờ hoặc nhà nguyện, nếu cần thiết trong một số trường hợp nào đó hoặc có vẻ thuận lợi trong những trường hợp đặc thù,” nhưng việc giảng lễ (homily) “là dành riêng cho linh mục hoặc phó tế.”
Đức Hồng Y Roche viết, “Đây không phải là việc loại trừ giáo dân, dĩ nhiên, cũng không phải là phủ nhận quyền và nghĩa vụ của mọi người đã được rửa tội, nam hay nữ, trong việc loan báo Tin Mừng, nhưng đúng hơn là một sự xác nhận tính chuyên biệt của hình thức công bố này, đó là việc giảng lễ.”
Ngài gợi ý rằng “những hiểu lầm về hình ảnh và căn tính của linh mục” có thể “nảy sinh trong ý thức của cộng đồng Kitô hữu” nếu giáo dân giảng trong Thánh lễ.
Ngài nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là có sự bất bình đẳng giữa những người Công Giáo đã được rửa tội, nhưng đúng hơn là “có các biện phân do Thần Khí thực hiện, vốn tạo ra các đặc sủng khác nhau nhưng bổ sung cho nhau”.
“Lời và bí tích là những thực tại không thể tách rời, và bao lâu chúng còn là những biểu thức chính thức của việc thực thi sacra potestas [quyền lực thánh thiêng], chúng không tách rời nhau và cũng không thể tách rời nhau.”
Đức Hồng Y nhấn mạnh việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mở vào năm 2021 các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho phụ nữ.
“Sự cởi mở này mang đến cho giáo dân cơ hội tham gia vào thừa tác phụng vụ có ý nghĩa trong việc thi hành thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ,” ngài viết như thế, bày tỏ sự quan tâm đến việc “khả thể này đã được đón nhận ra sao trong các giáo phận ở Đức.”
Cả các bài giảng lễ và việc giáo dân rửa tội đã là một thông lệ được thiết lập ở một số giáo phận của Đức. Katholisch.de lưu ý rằng một tài liệu năm 1999 đã đặt ra các điều kiện cho việc thuyết giảng của giáo dân trong các Thánh lễ ở Giáo phận Rottenburg-Stuttgart. Tháng 10 năm ngoái, Giám mục hiện tại của giáo phận Gebhard Fürst đã ban hành sắc lệnh cho phép các nhà thần học giáo dân chủ trì các lễ rửa tội.
Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen đã chính thức ủy quyền cho giáo dân thực hiện phép rửa tội vào tháng 3 năm 2022.
Lá thư của Đức Hồng Y Roche là lá thư mới nhất trong một chuỗi dài những can thiệp của Vatican liên quan đến Con đường Đồng nghị.
Nó diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cho biết rằng Vatican phản đối một nghị quyết của Con đường Đồng nghị ủng hộ việc ban phép lành cho các cuộc kết hợp đồng tính trong các nhà thờ.
Ngài nói với các phóng viên bên lề một sự kiện ở Rôma vào ngày 13 tháng 3 rằng “Tòa Thánh đã phát biểu rất rõ ràng bằng văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin.” Ngài có ý nói đến tuyên bố năm 2021 của Vatican rằng “Giáo hội không có, và không thể có, quyền chúc lành cho sự kết hợp của những người đồng tính”.
Theo báo cáo, Đức Hồng Y Roche đã kết thúc bức thư của ngài gửi Giám mục Bätzing bằng cách nhấn mạnh rằng Vatican vẫn sẵn sàng đối thoại.
Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Đức cho katholisch.de hay: “Chúng tôi hiểu ra rằng lá thư của thánh bộ mô tả tình hình hiện tại về các vấn đề được thảo luận. Cuối cùng, có một lời mời đối thoại thêm, mà chúng tôi vui vẻ chấp nhận. Thật tốt khi chúng ta giữ liên lạc với Rôma theo cách này.”
Một phát ngôn viên của Ủy ban Giáo dân Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) đầy quyền lực nói với trang mạng rằng bức thư của Vatican là một dấu hiệu đáng hoan nghênh về sự quan tâm của Rôma đối với những hậu quả của Con đường Đồng nghị ở Đức.
Britta Baas nói: “Các cuộc đàm phán ở Rôma đã quá hạn và là mối quan tâm chân thành của xã hội dân sự Công Giáo ở đất nước này”.
Cô nói thêm: “Chỉ trong vài năm nữa, sẽ không ai có thể nghiêm túc phản đối các bài giảng và lễ rửa tội của giáo dân nếu Giáo hội vẫn muốn có nghĩa đối với người dân địa phương. Chúng ta vốn thiếu các linh mục một cách rõ rệt.”
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh biến cố sau cùng đời Chúa Giêsu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
13:31 31/03/2023
Hình ảnh biến cố sau cùng đời Chúa Giêsu
Hằng năm vào Chúa nhật đầu tuần thánh, ngày lễ Lá, có tập tục lễ nghi phụng vụ rước Lá, nơi các thánh đường.
Lễ nghi phụng vụ này có nền tảng trong kinh thánh do Thánh sử Matheo ( 21,1-11, Marco ( 11,1-11), và Gioan ( 12,12-15) viết phúc âm Chúa Giêsu Kitô tường thuật lại.
Từ giữa thế kỷ 9. sau Chúa giáng sinh tập tục phụng vụ đạo đức này bắt đầu ở Jerusalem nơi các cộng đòan đầu tiên rồi dần lan rộng trong toàn Giáo Hội Công Giáo.
Trong ngày này nhắc nhớ lại kỷ niệm những biến cố Chúa Giêsu ngày xưa trước khi dấn thân chịu khổ hình chết trên thập gía, đi vào thành Jerusalem được dân chúng nồng nhiệt tung hô vạn tuế:” Hosianna”( Mt 211-11), nhưng sau đó lại bị chính dân chúng kêu la lên án” đóng đinh nó vào thập gía!” (Mt 26, 14 - 27, 66. Những lời trái nghịch nhau này được long trọng đọc lên trong thánh lễ ngày lễ Lá.
Hai biến cố với hai lời trái nghịch nhau này nhắc nhớ hình ảnh gì cho đời sống đức tin đạo giáo?
Hai bài phúc âm tường thuật về hai biến cố trái ngược nhau vẽ lên hai hình ảnh ánh sáng có cành lá lời tung hô chào mừng “Hosianna!”, và bóng tối với lời nhục mạ kết án số phận “đóng đinh vào thập gía!”.
Con đường đời sống của Chúa Giêsu Kitô trên trần gian là con đường thập gía, con đường bóng tối sự đau khổ sự chết bao phủ.
Trên con đường thập gía bóng tối âm u có những khuôn mặt cùng tích cực góp phần tham gia vào. Đó là Juda Iscariot, người phản bội bán Chúa Giêsu, thầy mình
những khách qua đường bị lôi kéo vào la ó phản đối Chúa Giêsu,
những quân lính nhục mạ người tù tội Giesu,
quan tổng trấn Pilatus, người đã nhượng bộ, chạy trốn trách nhiệm để mặc cho Chúa Giêsu bị kết án đóng đinh vào thập gía,
Ông Phero đã công khai chối Chúa Giêsu ba lần,
và các môn đệ của chính Chúa Giêsu đã bỏ trốn khi thấy Chúa Giêsu thầy mình bị bắt đem đi xử án.
Nhưng con đường cuộc đời Chúa Giêsu Kitô trên trần gian dẫu vậy cũng vẫn có ánh sáng tỏa chiếu nơi bóng tối bao phủ. Đó là những khuôn mặt giữ lòng trung tín với Chúa Giêsu, dù hoàn cảnh con đường của Chúa Giêsu có nguy hiểm đau khổ:
Maria, người mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng Chúa Giêsu ngày xưa trên trần gian, cùng chịu đựng đau khổ hằng theo sát bên con mình cho tới giờ phút cuối cùng con mình chết trên thập gía.
Ông Gioan, người môn đệ duy nhất đã cùng với mẹ Maria đứng dưới chân thập gía Chúa Giêsu,
những người phụ nữ đã cùng thương cảm tuôn đổ những dòng nước mắt than khóc đi theo lúc Chúa Giêsu vác thập gía chịu khổ hình,
bà Veronica, người phụ nữ thần thoại bỗng xuất hiện đã can đảm, vì lòng thương cảm trắc ẩn, chen lướt rẽ đám đông quân lính đến trao tấm khăn cho Chúa Giêsu lau khô dòng giọt máu và mồ hôi đang tuôn chẩy trên khuôn mặt,
Ông Simon Syrene, người đi đường bị bắt cùng vác nâng đỡ cây thập tự nặng nề cho Chúa Giêsu,
và giờ sau cùng trên thập gía bỗng còn có thêm ông Giuse Arimathia, Ông Nicodemo cùng đến hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập gía, tẩm liệm và mang đi an táng trong mộ huyệt.
Kỷ niệm biến cố con đường đời sống sau cùng của Chúa Giêsu với những đau khổ buồn tủi. Nhưng có gía trị mang đến ân đức chúc lành thần thánh ơn cứu chuộc cho con người trần gian.
Những khuôn mặt sống trung thành có lòng can đảm thương cảm với Chúa Giêsu trên con đường đau khổ của Ngài là mẫu gương hình ảnh sống động nhắc nhớ đến cung cách nếp sống nhân đức ngay chính tốt lành với tình yêu Thiên Chúa,
với những người gặp hoàn cảnh đau khổ trong xã hội,
và với những nghịch cảnh hoạn nạn luôn hằng xảy ra xưa nay trong dòng lịch sử đời sống vũ trụ.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Hằng năm vào Chúa nhật đầu tuần thánh, ngày lễ Lá, có tập tục lễ nghi phụng vụ rước Lá, nơi các thánh đường.
Lễ nghi phụng vụ này có nền tảng trong kinh thánh do Thánh sử Matheo ( 21,1-11, Marco ( 11,1-11), và Gioan ( 12,12-15) viết phúc âm Chúa Giêsu Kitô tường thuật lại.
Từ giữa thế kỷ 9. sau Chúa giáng sinh tập tục phụng vụ đạo đức này bắt đầu ở Jerusalem nơi các cộng đòan đầu tiên rồi dần lan rộng trong toàn Giáo Hội Công Giáo.
Trong ngày này nhắc nhớ lại kỷ niệm những biến cố Chúa Giêsu ngày xưa trước khi dấn thân chịu khổ hình chết trên thập gía, đi vào thành Jerusalem được dân chúng nồng nhiệt tung hô vạn tuế:” Hosianna”( Mt 211-11), nhưng sau đó lại bị chính dân chúng kêu la lên án” đóng đinh nó vào thập gía!” (Mt 26, 14 - 27, 66. Những lời trái nghịch nhau này được long trọng đọc lên trong thánh lễ ngày lễ Lá.
Hai biến cố với hai lời trái nghịch nhau này nhắc nhớ hình ảnh gì cho đời sống đức tin đạo giáo?
Hai bài phúc âm tường thuật về hai biến cố trái ngược nhau vẽ lên hai hình ảnh ánh sáng có cành lá lời tung hô chào mừng “Hosianna!”, và bóng tối với lời nhục mạ kết án số phận “đóng đinh vào thập gía!”.
Con đường đời sống của Chúa Giêsu Kitô trên trần gian là con đường thập gía, con đường bóng tối sự đau khổ sự chết bao phủ.
Trên con đường thập gía bóng tối âm u có những khuôn mặt cùng tích cực góp phần tham gia vào. Đó là Juda Iscariot, người phản bội bán Chúa Giêsu, thầy mình
những khách qua đường bị lôi kéo vào la ó phản đối Chúa Giêsu,
những quân lính nhục mạ người tù tội Giesu,
quan tổng trấn Pilatus, người đã nhượng bộ, chạy trốn trách nhiệm để mặc cho Chúa Giêsu bị kết án đóng đinh vào thập gía,
Ông Phero đã công khai chối Chúa Giêsu ba lần,
và các môn đệ của chính Chúa Giêsu đã bỏ trốn khi thấy Chúa Giêsu thầy mình bị bắt đem đi xử án.
Nhưng con đường cuộc đời Chúa Giêsu Kitô trên trần gian dẫu vậy cũng vẫn có ánh sáng tỏa chiếu nơi bóng tối bao phủ. Đó là những khuôn mặt giữ lòng trung tín với Chúa Giêsu, dù hoàn cảnh con đường của Chúa Giêsu có nguy hiểm đau khổ:
Maria, người mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng Chúa Giêsu ngày xưa trên trần gian, cùng chịu đựng đau khổ hằng theo sát bên con mình cho tới giờ phút cuối cùng con mình chết trên thập gía.
Ông Gioan, người môn đệ duy nhất đã cùng với mẹ Maria đứng dưới chân thập gía Chúa Giêsu,
những người phụ nữ đã cùng thương cảm tuôn đổ những dòng nước mắt than khóc đi theo lúc Chúa Giêsu vác thập gía chịu khổ hình,
bà Veronica, người phụ nữ thần thoại bỗng xuất hiện đã can đảm, vì lòng thương cảm trắc ẩn, chen lướt rẽ đám đông quân lính đến trao tấm khăn cho Chúa Giêsu lau khô dòng giọt máu và mồ hôi đang tuôn chẩy trên khuôn mặt,
Ông Simon Syrene, người đi đường bị bắt cùng vác nâng đỡ cây thập tự nặng nề cho Chúa Giêsu,
và giờ sau cùng trên thập gía bỗng còn có thêm ông Giuse Arimathia, Ông Nicodemo cùng đến hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập gía, tẩm liệm và mang đi an táng trong mộ huyệt.
Kỷ niệm biến cố con đường đời sống sau cùng của Chúa Giêsu với những đau khổ buồn tủi. Nhưng có gía trị mang đến ân đức chúc lành thần thánh ơn cứu chuộc cho con người trần gian.
Những khuôn mặt sống trung thành có lòng can đảm thương cảm với Chúa Giêsu trên con đường đau khổ của Ngài là mẫu gương hình ảnh sống động nhắc nhớ đến cung cách nếp sống nhân đức ngay chính tốt lành với tình yêu Thiên Chúa,
với những người gặp hoàn cảnh đau khổ trong xã hội,
và với những nghịch cảnh hoạn nạn luôn hằng xảy ra xưa nay trong dòng lịch sử đời sống vũ trụ.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
VietCatholic TV
Khôi hài: Quân Nga tấn công Wagner. Cả 2 tuyến hỏa xa, và kho đạn của Putin gần Bakhmut nổ tan tành
VietCatholic Media
03:14 31/03/2023
1. Quân đội Ukraine báo cáo ít cuộc tấn công của Nga hơn và tình hình được cải thiện đôi chút xung quanh Bakhmut vào thứ Năm. Quân chính quy Nga tấn công tàn bạo quân Wagner
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 31 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi gần 50 cuộc tấn công của Nga trên khắp chiến tuyến ở khu vực phía đông Donetsk trong ngày qua – đặc biệt số lượng hỏa tiễn và không kích ít hơn nhiều so với bình thường.
Các cuộc pháo kích của Nga tập trung vào thành phố Bakhmut, cũng như Avdiivka và Mariinka ở Donetsk, và Kupyansk ở khu vực Kharkiv.
“Đối phương tiếp tục tấn công thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, những người bảo vệ của chúng ta đang dũng cảm giữ thành phố và đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của đối phương”
Cô cho biết các báo cáo từ các đơn vị ở Bakhmut cũng cho rằng Thứ Năm yên tĩnh hơn hầu hết các ngày khác. Cơ quan Biên phòng Nhà nước cho biết hai nhóm tấn công Wagner của Nga đã bị tiêu diệt khi cố gắng xâm nhập vào thành phố Bakhmut.
Lữ Đoàn Dù số 46 của quân Ukraine nói rằng trong khi các đơn vị Nga hoạt động tích cực hơn trong thành phố, áp lực đối với các khu định cư xa xôi ở phía tây và tây bắc đã giảm bớt. Nói cách khác, khả năng quân phòng thủ Ukraine trong thành phố Bakhmut bị bao vây gần như không còn. Báo cáo của Lữ Đoàn Dù cũng nói rằng có rất ít sự phối hợp giữa lính đánh thuê Wagner và lực lượng chính quy, đồng thời nhấn mạnh rằng, trong ngày thứ Năm 30 tháng Ba, một biệt đội Wagner trong thành phố đã bị quân chính quy Nga tấn công tàn bạo. Vì đòn tấn công bất ngờ này, quân Wagner đã bị thiệt hại nặng. Quân chính quy Nga cũng thiệt hại không kém.
Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Donetsk, cho biết tiền tuyến xung quanh Bakhmut, Chasiv Yar, Avdiivka và Mariinka vẫn đang bị pháo kích liên tục.
Tại thị trấn Avdiivka, tình hình “thực sự căng thẳng”, Vitalii Barabash, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố nói với truyền thông Ukraine. Tuy nhiên, ông nói rằng theo ý kiến của mình, “không thể gọi nó là hoàn toàn nguy hiểm, đặc biệt là vì người Nga hiện đang ở những vị trí không mấy thuận lợi cho họ, nhưng lại thuận lợi hơn cho chúng ta.”
Theo Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng Nga đã nỗ lực đáng kể để bao vây Avdiivka, nhưng các cuộc tấn công gần đây nhất của họ không đạt được kết quả nào.
Tại các vùng khác của Ukraine: Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết các cuộc pháo kích xuyên biên giới ở phía bắc vẫn tiếp diễn, với các khu định cư ở Chernihiv, Sumy và Kharkiv đang bị tấn công. Cô nói rằng các lực lượng Ukraine tiếp tục tấn công vào các điểm tập trung quân đội Nga, kho vũ khí và đạn dược phía sau chiến tuyến.
Trong 24 giờ qua, 560 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với một xe tăng, 8 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, một hệ thống phòng không, và 11 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 30 Tháng Ba, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 172.900 quân Nga tại Ukraine.
Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.610 xe tăng, 6.974 xe thiết giáp, 2.671 hệ thống pháo, 526 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 278 hệ thống phòng không, 306 máy bay, 291 máy bay trực thăng,, 2.239 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.518 xe chuyển quân và nhiên liệu, 291 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Valerii Zaluzhnyi nhận định Ukraine cần máy bay chiến đấu F-16
Cho đến nay, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, là người hô hào hăng say nhất cho việc cung cấp F-16 cho Ukraine. Ông lý luận rằng trong khi các hệ thống Patriot có thể bảo vệ vùng trời một số khu vực trọng yếu, nhưng phải cần nhiều hệ thống như thế mới bảo vệ được hết các nơi cần phải bảo vệ. F-16 có khả năng cơ động cao hơn. Nó có thể được dùng để tấn công hay xua đuổi các máy bay ném bom của Nga.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi cũng đã tuyên bố rằng Ukraine cần máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây.
Ông cũng công bố một video cho thấy công việc của Lực lượng Không quân Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.
Trong video, là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, chỉ huy lữ đoàn không quân chiến thuật Oleksiy Maniushkin nhấn mạnh rằng máy bay MiG-29 của Liên Xô mà các phi công Ukraine hiện đang sử dụng đã lỗi thời. Thay vào đó, F-16 có thể sử dụng toàn bộ các loại vũ khí đang có trong kho của các nước NATO.
“Chúng ta đang sử dụng một số vũ khí phương Tây như HARM. Nó là một hỏa tiễn chống radar, nhưng hiệu quả của nó sẽ cao hơn nhiều nếu chúng ta sử dụng nó cùng với F-16”, Maniushkin lưu ý.
Phát biểu tại phiên điều trần tại Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể nhận được máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 trong tương lai.
Cho đến đầu năm nay, khả năng Ukraine nhận được xe tăng phương Tây rất mịt mờ, nhưng ngày nay xe tăng đang lũ lượt đến Ukraine. Có lẽ F-16 cũng sẽ tương tự như thế.
3. Các vụ nổ được báo cáo ở Zaporizhzhia khi quan chức Ukraine kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn. Cả hai tuyến đường tiếp tế của Nga cho miền Nam Ukraine bị cắt đứt.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 31 tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết có hai vụ nổ ở thành phố Zaporizhzhia phía nam Ukraine ngay sau nửa đêm ngày thứ Năm rạng sáng thứ Sáu theo giờ địa phương.
Khi còi báo động vang lên trong thành phố, người dân đã được kêu gọi ngay lập tức đến nơi trú ẩn và ở lại đó.
Người đứng đầu một hội đồng quản trị do Nga cài đặt tại các khu vực bị xâm lược của vùng Zaporizhzhia cũng báo cáo về các vụ nổ.
“Thật ồn ào ở Zaporizhzhia!” quan chức được Nga hậu thuẫn, Vladimir Rogov, cho biết trên kênh Telegram của mình.
Rogov cho biết “một số vụ nổ đã được nghe thấy ở trung tâm khu vực.”
Trước đó, Rogov cho biết hôm thứ Năm rằng sáu hỏa tiễn HIMARS của Ukraine đã tấn công cơ sở hạ tầng đường sắt trong một cuộc tấn công trước bình minh.
Rogov cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 3 quả hỏa tiễn và 3 quả còn lại trúng mục tiêu ở thành phố Melitopol: một đường sắt, trạm biến áp và nhà kho đường sắt.
Rogov nhấn mạnh rằng do hậu quả của cuộc tấn công này, hệ thống đường sắt phải tạm ngừng hoạt động.
Quân Nga có hai tuyến đường sắt tiếp tế cho quân xâm lược ở Ukraine. Một tuyến qua Dzhankoy vào vùng Donbas. Tuyến thứ hai qua Melitopol vào vùng Kherson và Zaporizhzhia.
Tối 20 tháng Ba, các vụ nổ đã làm rung chuyển thị trấn Dzhankoy nằm ở phía bắc bán đảo Crimea bị quân Nga tạm chiếm. Sức công phá kinh hoàng đến mức cửa kính của nhiều tòa nhà trong thị trấn vỡ vụn, và người dân mô tả cảm nghiệm của họ như một trận động đất kéo dài. Chiếc xe lửa chở hàng trăm hỏa tiễn hàng trình Kalibr nổ tung, phá hủy tuyến đường sắt này.
Tuy Nga vẫn có khả năng tiếp tế cho các đơn vị xâm lược bằng các phương tiện khác nhưng sẽ tốn kém hơn.
4. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Von der Leyen cảnh cáo rằng thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến Ukraine sẽ là 'yếu tố quyết định quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Trung Quốc'
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết Trung Quốc phải góp phần thúc đẩy một “nền hòa bình chính đáng” ở Ukraine và vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột sẽ rất quan trọng trong việc định hình quan hệ với Liên minh Âu Châu.
Trung Quốc, với tư cách là thành viên thường trực của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong đó quan trọng nhất việc rút hết quân xâm lược Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.
“Bất kỳ kế hoạch hòa bình nào mà trên thực tế là củng cố sự thôn tính của Nga đơn giản không phải là một kế hoạch khả thi. Chúng ta phải thẳng thắn về điểm này,” Von der Leyen nói trong một bài phát biểu tại Brussels trước thềm chuyến đi tới Bắc Kinh.
“Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với cuộc chiến của Putin sẽ là yếu tố quyết định cho quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Trung Quốc trong tương lai,” cô nói.
Ngoại trưởng Blinken cũng công kích kế hoạch hòa bình 12 điểm của Tập Cận Bình. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta phải nhận thức rất rõ ràng và cẩn thận với những gì có vẻ là những nỗ lực có thiện chí, chẳng hạn như kêu gọi ngừng bắn, điều này có khả năng làm đóng băng xung đột tại chỗ, cho phép Nga củng cố những thành tựu đã đạt được và tận dụng thời gian để nghỉ ngơi, trang bị lại, rồi tấn công lại. Và vì vậy, những gì bề ngoài có vẻ hấp dẫn — ai lại không muốn súng im lặng? — cũng có thể là một cái bẫy rất hoài nghi mà chúng ta phải hết sức cẩn thận”
Nga cũng tỏ ra không hứng thú với đề nghị 12 điểm của Trung Quốc, vì họ hiểu rằng Ukraine chắc chắn sẽ không chấp nhận ngưng bắn tại chỗ, theo đề xuất của Tập Cận Bình. Trong một thái độ đầy ngạo mạn, cựu tổng thống Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev, nay là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia của Nga nói rằng 12 điểm hay 10 điểm là nhiều quá, Nga chỉ cần một điểm là Ukraine đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức.
5. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập NATO, dọn đường cho tư cách thành viên
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thông qua việc Phần Lan gia nhập NATO sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm, mở đường cho quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên thứ 31 của NATO.
Cuộc bỏ phiếu thực hiện lời hứa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc cho phép Phần Lan tham gia liên minh quốc phòng. Diễn biến này xảy ra sau khi quốc hội Hung Gia Lợi thông qua dự luật hôm thứ Hai phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan.
Cuộc bỏ phiếu của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ là trở ngại lớn cuối cùng mà Phần Lan phải đối mặt trong nỗ lực gia nhập liên minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh quyết định của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm.
“Tôi hoan nghênh cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn tất việc phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan. Điều này sẽ làm cho cả gia đình NATO mạnh hơn và an toàn hơn,” ông Stoltenberg nói.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã ăn mừng tin này, nói rằng “Phần Lan hiện đã sẵn sàng gia nhập NATO.” Niinistö nói thêm rằng ông hy vọng quốc gia láng giềng Thụy Điển cũng sẽ có thể tham gia càng sớm càng tốt.
Tưởng cũng nên nhắc lại là Phần Lan đã tuyên bố ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022, cùng với Thụy Điển, sau khi Nga xâm lược Ukraine khiến hai nước từ bỏ tình trạng không liên kết từ lâu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đình trệ quá trình phê duyệt sau khi cáo buộc cả hai nước là nơi trú ngụ của “các tổ chức khủng bố” người Kurd. Vào cuối tháng 2, Stoltenberg cho biết có vẻ như sự trì hoãn ngoại giao chủ yếu liên quan đến Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cho biết liệu họ có chấp nhận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển hay không.
Thông tin cơ bản khác: NATO có chính sách mở cửa, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể được mời tham gia nếu họ bày tỏ sự quan tâm, miễn là họ có thể và sẵn sàng duy trì các nguyên tắc của hiệp ước thành lập khối. Tuy nhiên, theo các quy tắc gia nhập, bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể phủ quyết việc một quốc gia mới tham gia.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên hùng mạnh của NATO với quân đội lớn thứ hai ngay sau Mỹ. Vị trí của nó ở sườn đông nam của liên minh khiến nó trở thành một thành viên quan trọng về mặt chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một vùng đệm giữa phương Tây và một loạt các quốc gia Trung Đông có lịch sử bất ổn chính trị và là nơi các quốc gia phương Tây có lợi ích lớn. Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập liên minh vào năm 1952, chỉ ba năm sau khi NATO được thành lập, làm tăng thêm ảnh hưởng của nó.
Người dân Phần Lan chắc chắn là vui mừng trước tin này, nhưng các quan sát viên tin rằng người Ukraine cũng vui không kém. Phần Lan đã rất tích cực ủng hộ Ukraine. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết đất nước của cô có thể sẵn sàng tặng máy bay chiến đấu F18 biệt danh “Hornet” hay “Ong bắp cày” cho Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói rằng chừng nào Phần Lan chưa gia nhập NATO, ông không muốn trao bất kỳ chiếc Hornet nào của nước mình cho Ukraine.
6. Số lượng trung bình các cuộc tấn công hàng ngày của Nga vào tiền tuyến của Ukraine đã giảm
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 31 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết:
Số vụ tấn công trung bình hàng ngày của Nga vào tiền tuyến của Ukraine đã giảm trong 4 tuần lễ liên tiếp kể từ đầu tháng 3, xuống còn 69 vụ trong 7 ngày qua so với 124 vụ trong tuần từ ngày 1-7 tháng 3. Chỉ có 57 cuộc tấn công đã được báo cáo vào thứ Tư.
Các nhà báo của Reuters ở gần mặt trận phía tây Bakhmut và xa hơn về phía bắc cũng báo cáo sự suy giảm đáng kể về cường độ các cuộc tấn công của Nga vào tuần trước.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết các lực lượng của Nga vẫn đang chiếm được đất trong các cuộc giao tranh trên từng con phố bên trong Bakhmut. Reuters cho biết họ không thể xác minh các báo cáo chiến trường của phía Nga.
Dù vậy, trong báo cáo sáng thứ Sáu, Thứ trưởng Hanna Maliar thừa nhận rằng “Các lực lượng của đối phương đã đạt được một mức độ thành công nhất định trong hành động tấn công thành phố Bakhmut của chúng”.
7. Video cho thấy pháo binh Ukraine xóa sổ kho đạn của Nga
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Ukraine Artillery Obliterate Russian Ammo Storage Point”, nghĩa là “Video cho thấy pháo binh Ukraine xóa sổ kho đạn của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội đã ghi lại khoảnh khắc pháo binh Ukraine phá hủy một “xe tải tiếp tế Ural của Nga” và một “kho đạn dược” gần khu vực Bakhmut.
“#Ukraine. Một xe tải tiếp tế Ural của Nga cùng với một kho đạn đã bị Lữ đoàn pháo binh số 45 của Ukraine phá hủy ở Paraskoviivka gần Bakhmut, trong khu vực Donetsk”, tài khoản Twitter của Ukraine Weapons Tracker viết trong một bài đăng kèm theo video.
Đoạn phim được quay từ trên không cho thấy một chiếc xe tải tiếp tế của Nga gần một tòa nhà nhiều tầng màu trắng được bao quanh bởi đống đổ nát và rác thải. Một đoạn clip được ghép lại cho thấy một góc khác và lửa hiện có thể được nhìn thấy ngay bên ngoài tòa nhà với những đám khói đen cuồn cuộn. Khi ngọn lửa dường như bắt đầu nhấn chìm tòa nhà, người ta có thể nghe thấy tiếng nổ và những ngọn lửa bùng lên qua cửa sổ của tòa nhà cao tầng.
Trong khi đó, dọc bên ngoài tòa nhà, lửa đang lan rộng và cuối cùng phá hủy thứ mà dòng tweet gọi là “xe tải tiếp tế của Nga”.
Đoạn video dài gần hai phút kết thúc bằng việc chiếu cận cảnh những tàn tích cháy thành than của cả điểm cung cấp đạn dược và chiếc xe tải.
Đoạn video xuất hiện trong bối cảnh giao tranh giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp diễn trong năm qua. Cụ thể, tại khu vực Bakhmut, giao tranh dữ dội đã diễn ra dai dẳng giữa các lực lượng Nga và Ukraine.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, nói rằng tình hình ở Bakhmut đã trở thành “một lễ hội tàn sát đối với người Nga.”
“Họ đang bị tấn công ở vùng lân cận Bahkmut và người Ukraine đã chiến đấu rất, rất tốt,” Milley nói trong khi phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm thứ Tư. “Có lẽ khoảng 6.000 lính đánh thuê chính hiệu và có thể là 20.000 hoặc 30.000 tân binh khác mà họ nhận được, nhiều người trong số họ đến từ các nhà tù.”
Trong một bản cập nhật vào thứ Năm, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, “Đối phương đang tập trung nỗ lực chính của mình để tiến hành các hành động tấn công. Các khu định cư Bilogorivka, Bakhmut, Avdiivka, Mar'yinka vẫn là tâm điểm của các cuộc chiến. 47 lần tấn công của đối phương vào các trục được chỉ định đã bị đẩy lùi.”
Tại Bakhmut, bản cập nhật nói rằng các lực lượng Nga tiếp tục “nỗ lực hơn nữa để chiếm thị trấn,” nhưng lưu ý rằng “những người bảo vệ của chúng ta đã dũng cảm giữ thành phố, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của đối phương.”
Đầu tuần này, Andriy Zagorodnyuk, người hiện đang là cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói với Newsweek, “Còn quá sớm để nói về chiến thắng ở Bakhmut cho Ukraine...Nhưng nó chắc chắn cho thấy người Nga không thể đạt được mục tiêu của mình. Họ không thể chiến thắng.”
Giữa các trận chiến đang diễn ra ở Bakhmut, các lực lượng Nga đã được hỗ trợ bởi các thành viên của Nhóm lính đánh thuê Wagner, do nhà tài phiệt Yevgeny Prigozhin lãnh đạo.
Theo Reuters, Prigozhin gần đây đã đăng một đoạn ghi âm có nội dung: “Trận chiến giành Bakhmut hôm nay trên thực tế đã tiêu diệt quân đội Ukraine, và thật không may, nó cũng gây thiệt hại nặng nề cho Công ty quân sự tư nhân Wagner”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Ngoại giao Ukraine qua email để xin bình luận.
8. Một nhà báo Mỹ bị bắt ở Nga. Đây là những điều cần biết để bắt kịp tốc độ
Phóng viên tờ Wall Street Journal và quốc tịch Mỹ Evan Gershkovich đã bị giam giữ tại Nga vì nghi ngờ làm “gián điệp” và bị quản thúc cho đến ngày 29 tháng 5, theo một tòa án ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm. Nó diễn ra trong bối cảnh Nga đàn áp các nhà báo độc lập và các hãng tin nước ngoài sau cuộc xâm lược Ukraine.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ xác định chính thức liệu người Mỹ có bị giam giữ sai ở nước ngoài hay không.
Đây là những gì chúng ta biết cho đến nay:
Chuyện gì đã xảy ra: Cơ quan tình báo Nga, FSB, cho biết Gershkovich đã bị giam giữ tại Yekaterinburg, ở phía đông của dãy núi Ural “trong khi cố gắng lấy thông tin bí mật” liên quan đến “hoạt động của một trong những doanh nghiệp của ngành công nghiệp quân sự Nga.” Wall Street Journal, có mặt hàng thập kỷ ở Mạc Tư Khoa, đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc đó.
Một số thông tin cơ bản: Đây là lần đầu tiên một nhà báo Mỹ bị Mạc Tư Khoa giam giữ vì cáo buộc làm gián điệp kể từ Chiến tranh Lạnh, và diễn ra một tuần sau khi chính quyền Mỹ bắt giữ Sergey Vladimirovich Cherkasov, người mà họ cáo buộc là gián điệp Nga và bị truy tố ở cấp liên bang. Điện Cẩm Linh không bình luận khi được hỏi liệu vụ bắt giữ Gershkovich có phải là một động thái ăn miếng trả miếng đối với vụ bắt giữ Cherkasov hay không. Việc giam giữ những người Mỹ khác, bao gồm cả Paul Whelan, đã dẫn đến những cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn giữa Washington và Mạc Tư Khoa.
Phản ứng của Nga: Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết vụ bắt giữ là “đặc quyền của FSB.” Trong một cuộc gọi với các phóng viên, anh ấy nói thêm: “Theo những gì chúng tôi biết, anh ta đã bị bắt quả tang.” Bộ Ngoại giao Nga thường xuyên đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về công việc và động cơ của các nhà báo nước ngoài tại Nga.
Phản ứng của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đã lên án việc giam giữ, nói rằng họ “quan ngại sâu sắc.” Bộ Ngoại giao đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Nga. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Mạc Tư Khoa đã chính thức yêu cầu tiếp cận lãnh sự - điều mà các quan chức nói là ưu tiên vì sức khỏe của Gershkovich và để thu thập thêm thông tin.
Tổng biên tập Wall Street Journal Wall Emma Tucker nói với nhân viên trong một bản ghi nhớ hôm thứ Năm rằng cô ấy “rất lo lắng” cho sự an toàn của phóng viên. Almar Latour - giám đốc điều hành của Dow Jones, nhà xuất bản của Wall Street Journal - cho biết sự an toàn của các nhà báo là ưu tiên hàng đầu của ông và công ty đang làm việc “suốt ngày đêm” để bảo đảm Gershkovich được trả tự do. Tờ New York Times cho biết trong một tuyên bố rằng họ “quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Gershkovich.
Tình trạng của ĐGH, Tuần Thánh tại Vatican. George Weigel: Đức Gioan Phaolô II, Tôi, và Người Ba Lan
VietCatholic Media
05:02 31/03/2023
1. Lịch trình các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tuần Thánh
Tuần Thánh trong 2 năm 2020 và 2021 đã diễn ra rất lặng lẽ vì đại dịch coronavirus. Năm ngoái, một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Đấu trường Rôma để chủ tọa Đàng Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Vatican đã công bố lịch trình của Đức Giáo Hoàng cho Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, xác nhận rằng cũng như năm ngoái ngài sẽ chủ sự các lễ kỷ niệm lớn ở quảng trường Thánh Phêrô và bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Tuy nhiên, lúc 8:30 tối ngày thứ Tư 29 tháng Ba, theo giờ địa phương Rôma, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:
Trong vài ngày qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phàn nàn về một số khó khăn về hô hấp và chiều nay ngài đã đến bệnh viện Đa Khoa Agostino Gemelli để kiểm tra y tế.
Kết quả kiểm tra cho thấy một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (không bao gồm nhiễm trùng Covid 19), và sẽ cần một vài ngày điều trị y tế thích hợp tại bệnh viện.
Thành ra, vẫn không chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đích thân chủ sự các cử hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh hay không. Nếu tình hình sức khoẻ của ngài khả quan, dưới đây là những gì sẽ xảy ra.
Vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá, 2 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng theo giờ địa phương. Năm ngoái, khi nghi lễ này được tái tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô, đã có hơn 40,000 người tham dự.
Trong hai năm qua đại dịch coronavirus, các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng trong Tuần Thánh được tổ chức rất ít do các biện pháp phòng dịch COVID-19, với nhiều sự kiện được chuyển đến bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô với số lượng người tham dự cực kỳ hạn chế.
Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh lúc 9:30 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Lịch trình hiện tại của Vatican cho năm 2022 chưa cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc ly Thứ Năm Tuần Thánh tại đâu. Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm một nhà tù địa phương, hay các trung tâm di dân và tị nạn, hay một giáo xứ xa xôi bên ngoài thành phố Rôma để dâng thánh lễ.
Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ngài sẽ chủ sự nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều, trước khi đến Đấu trường Côlôsêô để chủ sự buổi đi đàng thánh giá bắt đầu lúc 9 giờ tối.
Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ Canh thức Phục sinh vào ngày 8 tháng 4 tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối và cũng sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh bên ngoài tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, sau đó ngài sẽ ban phép lành Urbi et Orbi truyền thống.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ dâng thánh lễ vào ngày 16 tháng 4 cho Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Vatican cũng xác nhận rằng Đức Thánh Cha sẽ tông du Hung Gia Lợi từ 28 đến 30 Tháng Tư.
2. Tổng thống Á Căn Đình: Chiến tranh Ukraine gây thiệt hại khôn lường cho kinh tế thế giới. Quê hương Đức Giáo Hoàng chịu ảnh hưởng nặng
Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernández nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã “tạo ra thiệt hại khôn lường cho nền kinh tế thế giới.”
“Chúng ta thấy vấn đề nghiêm trọng mà cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã tạo ra,” ông Fernandez cho biết hôm thứ Tư trong chuyến thăm của ông với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc. “Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau và đoàn kết các nỗ lực để chiến tranh có thể kết thúc, để nó không còn giết chết con người, để nền kinh tế thế giới có thể phục hồi.”
Trong chuyến thăm của mình, Fernandez đã đề cập đến các mối quan hệ song phương, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong những thách thức tài chính của Á Căn Đình và các vấn đề toàn cầu cấp bách khác.
Fernandez cũng cho biết hòa bình là cấp thiết vì tình trạng mất an ninh lương thực mà chiến tranh có thể gây ra.
Ông nói: “Khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thông báo rằng hơn 300 triệu người có thể phải vật lộn với nạn đói vì cuộc chiến này, tôi nhận ra rằng hòa bình là điều cấp thiết”.
Ông than thở rằng đời sống của người dân ở quê hương Đức Giáo Hoàng gặp nhiều khó khăn vì cuộc chiến tàn khốc này.
3. Đức Gioan Phaolô II và Tôi (và Người Ba Lan)
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington. Ông vừa có bài viết nhan đề “John Paul II And Me (And The Poles)”, nghĩa là “Đức Gioan Phaolô II và Tôi (và Người Ba Lan)”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Trong chương đầu tiên của cuốn “Profiles in Courage”, John F. Kennedy đã trích lời một Dân biểu rất gay gắt, là ông John Steven McGroarty, người đã viết một đoạn khó chịu bằng những từ ngữ gay gắt thẳng thừng: “Một trong vô số những khó khăn trong hoạt động ở Quốc hội là tôi buộc phải nhận những lá thư từ một tên ngốc xấc xược như bạn, trong đó bạn nói rằng tôi đã hứa sẽ trồng lại rừng ở dãy núi Sierra Madre và tôi đã ở trong Quốc hội hai tháng rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Bạn vui lòng thực hiện hai cú nhảy và đi xuống địa ngục”.
Cùng các thành viên của Quốc hội, những người viết chuyên mục trên báo chí cũng gặp các vấn đề tương tự: Cám dỗ đáp trả các cuộc tấn công bằng vũ lực có thể rất nghiêm trọng. Hơn bốn thập kỷ viết chuyên mục trên báo chí Công Giáo và các nơi khác, nói chung tôi đã chống lại những cám dỗ đó trừ khi bị khiêu khích nghiêm trọng nhất, đặc biệt là những cám dỗ liên quan đến danh dự của tôi và của những người khác. Đây là một trong những dịp như thế.
Trong “Thư từ Rôma” ngày 18 tháng 3 trên tờ La Croix International, Robert Mickens không chỉ làm mất lòng độc giả của mình bằng cách thể hiện sự thiếu hiểu biết sâu sắc về những gì đang diễn ra ở Rôma ngày nay (hoặc có lẽ tệ hơn là từ chối viết về nó); ông ấy cũng tố cáo tôi là “người viết tiểu sử chính thức” cho Đức Gioan Phaolô II.” Điều này là sai; nó vu khống tôi, và tệ hơn, nó vu khống Đức Gioan Phaolô II. Những lời vu khống như vậy đòi hỏi phải có phản ứng của công chúng, điều này cũng có thể giúp làm sáng tỏ một số điều.
Đầu tiên, tôi chưa bao giờ, vào bất kỳ dịp nào hoặc trên báo in, mô tả mình là “người viết tiểu sử chính thức” của Đức Gioan Phaolô II. Trên thực tế, tôi đã luôn cố gắng sửa chữa sự hiểu lầm đó khi những người có thiện chí nhưng thiếu hiểu biết sử dụng cụm từ đó (hoặc cụm từ “người được ủy quyền viết tiểu sử”) để giới thiệu về tôi. Tiểu sử chính thức hoặc được ủy quyền là tiểu sử đã được nhân vật được đề cập đến hoặc những người thừa kế của họ xem xét, thậm chí chỉnh sửa, để đổi lấy quyền truy cập họ và hồ sơ của họ. Hoàn toàn không có chuyện đó trong mối quan hệ của tôi với Đức Gioan Phaolô II, như Mickens hẳn đã biết nếu ông chịu khó đọc trang 101 cuốn hồi ký của tôi, “Những bài học về Hy vọng: Cuộc đời Bất ngờ của Tôi với Thánh Gioan Phaolô II”. Ở đó, tôi mô tả một buổi ăn tối với Đức Giáo Hoàng vào ngày 7 tháng 3 năm 1996, trong đó tôi giải thích với Đức Gioan Phaolô rằng ngài không hiểu một từ nào về những gì tôi sẽ viết cho đến khi tôi đưa cho ngài cuốn sách đã xuất bản—và ngài trả lời: “Thật là rõ ràng. Bây giờ chúng ta hãy nói về một cái gì đó thú vị.”
Thứ hai, gợi ý rằng Đức Gioan Phaolô II muốn có một tiểu sử đã được xem xét kỹ lưỡng có nghĩa là gợi ý rằng ngài muốn có một bản tường trình không trung thực, hoặc ít nhất là không hoàn toàn trung thực về cuộc đời và triều đại giáo hoàng của ngài. Những ai thực sự biết người đàn ông này không thể tưởng tượng được rằng ngài muốn bất kỳ thứ gì như vậy, mặc dù điều đó hoàn toàn có thể tưởng tượng được đối với những người không biết ngài - bởi vì sự thật là có một số người theo chủ nghĩa giáo triều thích một thứ gì đó khác hơn là sự tự do hoàn toàn mà Đức Giáo Hoàng đã cho tôi khi viết những gì tôi đánh giá là sự thật.
Tuy nhiên, Mickens không phải là kẻ bất lương duy nhất tấn công Đức Gioan Phaolô II ngày nay. Một số người Ba Lan đồng nghiệp của anh ta cũng đang làm như thế, dựa trên bộ phim “tài liệu” gần đây, Franciszkańska 3, của Marcin Gutowski, và một cuốn sách mới, Maxima Culpa, của Ekke Overbeek. Những cuộc tấn công mới này sử dụng các hồ sơ thô chưa được tiêu hóa và chưa được hiểu theo ngữ cảnh từ cơ quan tình báo bí mật của Ba Lan thời cộng sản để gợi ý rằng, với tư cách là tổng giám mục Cracow, Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyła đã che đậy sự lạm dụng tình dục của giáo sĩ.
Gutowski và Overbeek là những người chạy theo chương trình nghị sự, và họ thể hiện chương trình nghị sự của mình không mấy tế nhị: Họ dường như ít quan tâm đến việc cải cách Giáo hội hơn là cố gắng hạ bệ danh tiếng của người con vĩ đại nhất của Ba Lan, người cũng là nhà giải phóng đất nước trong thế kỷ hai mươi. Không có dự án xã hội và văn hóa nào, không có sự thất vọng nào trước sự đồng nhất quá gần gũi của hàng giám mục Ba Lan với một đảng phái chính trị, và không có sự tức giận nào đối với sự kiêu ngạo của giới giáo sĩ có thể biện minh cho những lời vu khống chống lại Đức Gioan Phaolô II mà những người chỉ trích này và những người khác đã phạm phải—đó là những lời vu khống mà những người bạn lâu năm của Đức Karol Wojtyła thường phản ứng một cách lãnh đạm và dường như một cách sợ hãi; những lời vu khống này hiện đang được xuất khẩu ra toàn thế giới.
Một vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II không đủ sao?
Giáo sĩ lạm dụng tình dục là một tội trọng và tội ác. Lạm dụng tình dục đã và đang được tạo điều kiện thuận lợi bởi loại chủ nghĩa giáo quyền lây nhiễm cho các linh mục và giám mục, những người tưởng tượng mình là một đẳng cấp cao hơn chứ không phải là đầy tớ của tất cả mọi người. Và nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục phải bị nhổ tận gốc khỏi Giáo hội nếu Đạo Công Giáo muốn là muối và ánh sáng cho thế giới, như Chúa Giêsu đã truyền dạy và Đức Gioan Phaolô II đã thúc giục trong lời kêu gọi Tân Phúc Âm hóa. Việc thanh tẩy này sẽ đòi hỏi một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng về quá khứ của Giáo hội, được thực hiện theo các phương pháp và tiêu chuẩn học thuật lịch sử được quốc tế công nhận.
Đức Gioan Phaolô II, người đã kêu gọi Công Giáo “thanh tẩy ký ức của mình”, khao khát điều đó nhất.