TỪ NGẠC NHIÊN NÀY ĐẾN NGẠC NHIÊN KHÁC
“Người đã tỏ lòng thương xót đối với người ấy”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Người Samaritanô nhân hậu’ là một trong những dụ ngôn hay nhất của Tin Mừng; đặc biệt chỉ có ở Luca, Tin Mừng của lòng thương xót. Với Đức Phanxicô, dụ ngôn này gói trọn tất cả Tin Mừng; qua đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ dẫn chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Ngạc nhiên đầu tiên là hai câu hỏi thách thức của người thông luật, sẽ được trả lời bằng hai câu hỏi khác, “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”; Chúa Giêsu trả lời, “Trong luật đã viết gì?”; sau khi nghe ông nói, Ngài bảo, “Ông hãy đi và làm như vậy”. Chưa thoả, người ấy đặt một câu hỏi khác, “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”; Ngài kể cho ông dụ ngôn tuyệt vời này, và hỏi một câu khác, “Ai trong ba người đó tỏ ra là người thân cận với người đã rơi vào tay kẻ cướp?”.

Với câu hỏi “Ai trong ba người…?”, thật ngạc nhiên, người thông luật không trả lời là “người Samaritanô”; thay vào đó, ông nói, “Người đã tỏ lòng thương xót đối với người ấy”. Như thế, lòng thương xót chính là trọng tâm của dụ ngôn và đó là Tin Mừng; Chúa Giêsu kết luận, cũng một câu tương tự, “Ông hãy đi và làm như vậy”; ngạc nhiên biết bao, Tin Mừng này được làm, được sống, được thực thi bởi một người ngoại đạo.

Ngạc nhiên hơn và cũng đáng nghi ngờ hơn khi ‘Tin Mừng’ của thầy tư tế và thầy Lêvi xem ra không thật vì họ sợ lấm lem, sợ hôi hám, sợ liên luỵ và nhất là sợ trễ lễ; Thánh Phaolô hôm nay trong thư Galata cũng nói đến Tin Mừng thật và Tin Mừng giả, bởi những kẻ “đảo lộn Tin Mừng của Đức Kitô”.

Một ngạc nhiên khác chúng ta có thể chứng kiến nơi người chủ quán trọ. Ông sửng sốt khi thấy một người lạ, một người ngoại giáo, đã liều lĩnh dừng chân chăm sóc người bị nạn vốn là kẻ thù của mình; ông dìu về quán trọ, trả hai đồng và hứa khi trở về, sẽ trả phần còn lại. Chủ quán là một người đã mở lòng ra với sự ngạc nhiên về lòng thương xót, một cái gì thuộc về Thiên Chúa; đang khi các tư tế, những người biết nhiều về Thiên Chúa lại không nhạy bén với việc xót thương, những người ấy không bao giờ ngạc nhiên trước một chứng tá mà lẽ ra, họ phải có khả năng đảm nhận.

Lòng thương xót đối với người khốn khổ là gương mặt thật của tình yêu, gương mặt thật của Tin Mừng; khả năng thương xót là phép thử của người Kitô hữu. Vì thế, đừng tự hỏi, xem người bị nạn có say rượu không; nhưng ngạc nhiên hơn, hãy tự hỏi, trái tim tôi có say lòng thương xót như Thiên Chúa say mê nó không? Câu hỏi này mời gọi chúng ta tỏ bày gương mặt của Chúa Cha như Chúa Giêsu đã tỏ bày, “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha các con là Đấng xót thương”.

Và ngạc nhiên cuối cùng, mỗi chúng ta là người gặp nạn vốn đang mang trong mình đủ mọi thương tích, và thương tích trầm trọng nhất vẫn là tội lỗi; người Samaritanô là chính Chúa Giêsu. Ngài đã đến gần chúng ta; cúi xuống chăm sóc, chữa lành các vết thương của chúng ta; Ngài đem chúng ta về quán trọ là Giáo Hội, Ngài trả các món nợ cho chúng ta và đã nói với Giáo Hội của Ngài rằng, ‘Nếu cần gì hơn, cứ làm đi, khi trở lại, Ta sẽ thanh toán hết’. Và đúng như thế, Chúa Giêsu đang tỏ lòng thương xót vô bờ đối với chúng ta; qua Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đã nên người thân cận với chúng ta; qua đôi tay của linh mục, mỗi ngày Chúa Giêsu đang tha thứ, đang hiến dâng chính mình làm của lễ là chính thịt máu Ngài để nuôi sống và thanh toán nợ nần cho chúng ta.

Ngày kia, một con chó nhỏ nói với một con mèo nhỏ, “Ngươi đoán xem trong cái túi trước mặt ta có mấy thỏi đường?”; con mèo nhỏ nói, “Đoán đúng rồi, ngươi sẽ cho ta sao?”. Con chó nhỏ gật đầu, “Uhm, đoán đúng rồi, tất cả đều cho ngươi”. Con mèo nhỏ nuốt nước bọt, thèm thuồng nói, “Ta đoán năm thỏi”; con chó nhỏ cười, đặt đường vào tay con mèo và nói, “Ta còn thiếu ngươi ba thỏi”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa thương xót khi chúng ta đúng, khi chúng ta sai, như con mèo nhỏ; hoặc cả khi chúng ta tội lỗi, Người vẫn luôn luôn thương xót vì Người là một Thiên Chúa ngàn đời yêu thương như Người đã hứa; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác tín, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi”. Và Thiên Chúa đó muốn chúng ta yêu thương tha nhân như Người. Vì thế, câu hỏi, “Ai là người thân cận của tôi?” đã được Chúa Giêsu chất vấn thành, “Ai là người thân cận của tha nhân”. Vậy ra, “tôi” không còn là điểm quy chiếu nhưng là “tha nhân”. Đó là Tin Mừng, và đó là lòng thương xót.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sẽ thật ngạc nhiên khi con là công cụ của lòng thương xót Chúa; nhưng sẽ ngạc nhiên hơn, khi con luôn sống cho Đấng đã thương xót con và mỗi ngày, thanh toán nợ nần con”, Amen.

(Tgp. Huế)