ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÊN THÁNH, ĐƯỢC GỌI ĐỂ THUỘC VỀ
“Tôi chấp nhận mất hết, và coi tất cả như rác rưởi,
Để được Đức Kitô, được kết hiệp với Người”.


Kính thưa Anh Chị em,

Câu tung hô Tin Mừng trích thư Philipphê hôm nay là một lời giải thích cho chủ đề của phụng vụ Lời Chúa chúng ta vừa đọc, ‘Được gọi để nên thánh; được gọi để thuộc về’. Ông Gióp nói, Thiên Chúa tuyệt vời, đừng ai so bì với Người; còn những ai theo Chúa Giêsu, thì Tin Mừng cho biết, họ không thể chần chờ, chẳng thể do dự, vì “Ai đã tra tay cầm cày mà ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”; Chúa Giêsu còn nói thêm, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”.

Trong bài đọc thứ nhất, ông Gióp hết lời khen lao Thiên Chúa, rằng, Người là vô địch, đừng ai hơn thua với Người; phàm nhân không là gì trước mặt Người; Người quyền phép vô song, thượng trí vô cùng; Người tuyệt vời, nào ai địch nổi. Gióp nói, “Chúa xê dịch các núi đồi”; “Chúa khiến địa cầu chuyển động mà nó không hay”; “Chúa truyền khiến mặt trời, thì nó không mọc lên, và Người phong niêm các ngôi sao tinh tú”; “Chúa trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển; Chúa tác tạo những điều trọng đại, mầu nhiệm và kỳ diệu không xiết kể”. Những lời của Gióp dành cho các bạn ông vốn đang thắc mắc tại sao Gióp mê Thiên Chúa như điếu đổ đến thế; trả lời như vậy, khác nào Gióp muốn nói với họ rằng, Gióp thuộc về Thiên Chúa, ông ‘được gọi để nên thánh; được gọi để thuộc về’ Người.

Thế nhưng, Gióp ‘được gọi để nên thánh; được gọi để thuộc về’ Đấng đã trả lại cho ông tất cả những gì ông bị lột sạch có lẽ là điều không đến nỗi khó. Với Tin Mừng hôm nay, Đấng là Thiên Chúa đó phải chăng hoàn toàn khác? Luca nói đến một Giêsu còn thua cả chim trời, thua cả cáo chồn, khi không có một chỗ tựa đầu; một Giêsu sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi và chôn ngoài núi; một Giêsu tựa đầu vào thập giá, cùng lúc tựa đầu vào thánh ý Cha và Đấng ấy cũng là Đấng mà chúng ta đang ‘được gọi để nên thánh; được gọi để thuộc về’ thì quả là một điều không dễ.

Đi theo ai, trước hết phải biết người đó là ai; và người ta chỉ đi theo ai mà họ tôn làm thần tượng; cũng như chỉ đi theo ai vốn có thể đem lại cho họ hạnh phúc và niềm vui. Nhưng, với người Kitô hữu, hạnh phúc thực sự là gì? Hạnh phúc chính là sự thánh thiện, hạnh phúc chính là Chúa Giêsu; chính Ngài và sự thánh thiện nơi Ngài là cách duy nhất để mỗi người hoàn thiện viên mãn cuộc đời mình. Ngoài sự thánh thiện nơi Chúa Giêsu, không gì có thể thay thế để con người có thể thoả mãn sự khao khát sâu xa mà nó cảm nhận trong trái tim mình. Ở đây, chúng ta hiểu được câu nói của Augustinô, “Trái tim con khắc khoải mãi cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Và như vậy, việc đi theo Chúa Giêsu, hay việc sẵn sàng đáp lại lời mời của Ngài chỉ là hậu kết tất yếu của việc hiểu biết Ngài. Nhiều lúc, chúng ta cảm thấy lòng mình bồn chồn, do dự, chần chờ trong việc đi theo Ngài, vì lẽ, chúng ta chưa hiểu được Đấng chúng ta chọn để đi theo là ai; cách nào đó, chúng ta tin vu vơ; chúng ta chưa xác tín đủ, chỉ có Ngài và sự thánh thiện nơi Ngài mới có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mình.

Vậy nên thánh là gì? Nên thánh là nên như Chúa Giêsu, thương xót như Chúa Giêsu, ôm lấy thánh giá Chúa Giêsu để ôm lấy thánh giá đời mình, đón nhận mọi đau khổ bằng tình yêu như Ngài; đánh đổi những gì tạm bợ trần gian để chọn lấy kho báu thiên đàng, là sự sống đời đời vốn chỉ có nơi Ngài. Một khi hiểu được căn tính của việc nên thánh, chúng ta sẽ khao khát Thiên Chúa đến cùng. Và bấy giờ, không thể chần chờ, chẳng thể do dự, chúng ta dễ dàng coi mọi sự trần thế như rác rưởi; vì lẽ, chúng ta ‘được gọi để nên thánh; được gọi để thuộc về’ một Đấng cao hơn, siêu việt hơn, giàu có hơn.

Như thế, thật quan trọng để có một quyết định ban đầu, đó là lựa chọn dấn thân vào “con đường không quay trở lại”, con đường có tên ‘được gọi để nên thánh; được gọi để thuộc về’; bấy giờ, những lời này thật dễ hiểu, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Những gì còn lại sẽ là cầu xin, cam kết và tìm kiếm; tìm kiếm một cuộc sống thánh thiện và nỗ lực để nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày nhờ ân sủng Thánh Thần của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời cầu nguyện thật ý tứ, “Lạy Chúa, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài”; “Lạy Chúa, con kêu lên Chúa mọi ngày, và con giang tay hướng về phía Chúa”.

Một cậu bé kia, sinh ra trong một gia đình đạo đức, giàu có, nhưng mới 6 tuổi đã mồ côi cha lẫn mẹ. Ông bà ngoại cưng chiều, cậu bé hư hỏng; lớn lên, nhập ngũ, sĩ quan 18 tuổi này càng truỵ lạc, “Con cứ xa Chúa và càng ngày càng xa; sự sống của con bắt đầu trở nên sự chết”. 24 tuổi, anh rời quân ngũ và chinh phục Maroc; nào ngờ, Maroc chinh phục anh. Trở về Paris, đến một nhà thờ, Chúa Giêsu đã khuất phục anh. Cuộc đời còn lại của anh đã dành trọn vẹn cho Ngài, anh là cha của các ơn gọi tiểu đệ, tiểu muội. Ngày nay, tại nhà thờ St. Augustin, bên trái, người ta còn giữ hình ảnh nơi chính anh quỳ gối xưng tội và được ơn hoán cải. Đó là chân phước Charles de Foucauld, người sắp được phong thánh. Quả anh đã ‘được gọi để nên thánh, được gọi để thuộc về’ Đấng yêu thương anh.

Anh Chị em,

Như Gióp, như Phaolô, như Foucauld… dù ở đấng bậc nào, chúng ta cũng đang ‘được gọi để nên thánh, được gọi để thuộc về’, chúng ta có dám coi mọi sự như rác rưởi để mê Chúa Giêsu như Phaolô như Foucauld không? Để được vậy, mỗi ngày, hãy cầu xin cho được ‘dám đứng lên và đi tới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thiêu đốt những gì bợn nhơ nơi tâm trí con; xin cất khỏi con mọi chướng ngại, hầu con có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa, con ‘được gọi để nên thánh, được gọi để thuộc về’ Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)