LỜI "XIN VÂNG" ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Khi thưa: "Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền", thì lời “Xin vâng” của Đức Mẹ, dù đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có nhiều ảnh hưởng. Những ảnh hưởng từ tiếng "Xin vâng" ấy là:

1. Chương trình của Thiên Chúa.

Từ đời đời, Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp trê loài người. Đó là cho phép loài người được hưởng hạnh phúc của chính Thiên Chúa, sống gần gũi cùng Thiên Chúa, nên một trong sự thâm giao tuyệt đối với Người.

Nhưng nguyên tổ loài người đã bất tuân, thậm chí hết sức kiêu ngạo và chống lại Chúa. Nguyên tổ đã nghe ma quỷ xúi giục, làm theo ý riêng mình, tự mình tách khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa.

Chương trình của Thiên Chúa, vì thế đổ vỡ. Thiên Chúa không muốn chương trình của mình, liên quan đến chính loài người, được thành công mà không có sự đồng thuận và vâng phục của con người. Vì thế, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người, khi họ không tự nguyện đón nhận hạnh phúc.

Lời "Xin vâng" của Đức Mẹ nói lên sự đồng thuận của loài thụ tạo luôn được Thiên Chúa trung thành dành cho tình yêu của mình. Từ lời "Xin vâng" ấy, Chúa Kitô, Ngôi Hai cứu chuộc đi vào trần thế, lấy lại những gì mà loài người đánh mất trong tội của nguyên tổ. Từ đây, kế hoạch cứu độ mới dành cho loài người của Thiên Chúa thành công.

2. Lời “Xin vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Từ ngàn đời, Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đáp lời "Xin vâng" với Chúa Cha, khi Chúa Cha muốn Người trở thành tác giả của chương trình cứu chuộc loài người. Vì thế, khi lời Đức Mẹ “Xin vâng” được cất lên, cũng chính là lúc Chúa kitô thực hiện hành động “Xin vâng” của mình với Chúa Cha.

Đức Mẹ “Xin vâng” là Đức Mẹ đồng thuận để Thiên Chúa thực hiện thánh ý của Người. Còn Chúa Kitô thực hiện hành động “Xin vâng” là Chúa Kitô khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Từ đây Người xuống thế làm người, bắt đầu từ việc tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

3. Cả cuộc đời Đức Mẹ và Chúa Kitô.

Vì vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Kitô từ trời xuống thế. Người hoàn toàn trút bỏ mình, không duy trì “địa vị ngang bằng với Thiên Chúa”, nhưng mang thân phận tôi đòi (x.Phil 2, 5-8).

Chúa Kitô thưa cùng Chúa Cha: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. … Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10, 5-7). Hay như lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (39, 8).

Sự vâng lời ấy đã đưa Chúa Giêsu đến chỗ chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường, làm người sống chốn trần gian. Sau cùng, Người vui nhận cái chết nhục nhã trên Thánh giá.

Còn Đức Mẹ, vì xin vâng, cũng đã theo Chúa Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo, đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục, hiệp cùng cái chết của con.

Như thế, để thưa “Xin vâng” với Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã nói “không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “không” khiêm cung. Ý Chúa được thể hiện nhờ Chúa Giêsu và Đức Mẹ bỏ ý riêng mình. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh của Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

4. Chúng ta sống "xin vâng".

Thiên Chúa luôn quan phòng và ấn định đường lối của Người cho mỗi một người. Ta cần cộng tác với Chúa bằng lắng nghe và vâng phục thánh ý.

Ta là cộng tác viên, là một phần của chương trình ấy. Nếu ta không vâng theo ý Chúa, nhưng sống tiêu cực, phạm tội, nghe theo xúi giục của ma quỷ, của thế gian, chương trình thánh thiện của Chúa dành cho ta bị bẻ gãy.

Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy học nơi Chúa Kitô và noi gương Đức Mẹ, đáp lời “xin vâng” với Chúa bằng cả cuộc đời ta:

Đó là: Bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa; bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa.

Đó là: Xin vâng khi vui cũng như lúc buồn; khi hạnh phúc cũng như lúc khổ đau.

Đó là: Bước theo Chúa Kitô như Đức Mẹ, dù phải đối diện cùng bất cứ hoàn cảnh nào trong đời.

Hãy xin vâng từng giây phút để chương trình của Chúa được thực hiện. Xin vâng để tâm hồn ta hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh.