Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên A
Is 55, 1-3; Rm 8, 35.37-39; Mt 14, 13-21

Anh chị em có tin là chỉ “năm chiếc bánh và hai con cá” mà nuôi năm ngàn người ăn không? Năm chiếc bánh và hai con cá so với năm ngàn người, không kể đàn bà trẻ con, (nếu tính cả chắc phải lên đến mười lăm ngàn người, ) một con số người ăn thật quá lớn so với sự ít ỏi thực phẩm như thế. Các Tông Đồ cũng đã lo lắng và lúng túng mà nói với Chúa: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14, 15).

1. Phép lạ là gì?

Để hiểu đúng ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, chúng ta phải định nghĩa lại phép lạ là gì?

Theo nghĩa rộng, phép lạ là những gì được xảy ra từ cái không thể trở thành cái có thể. Ví dụ như người Do Thái vận dụng khoa học kỹ thuật đã trồng cam ngọt trên sa mạc vùng Giêricô. Hay Las Vegas là một sa mạc lại trở thành một thành phố xinh đẹp và hấp dẫn… Người ta có thể coi đó là những phép lạ.

Theo nghĩa hẹp, nghĩa chính xác, phép lạ là những gì xảy ra cách lạ thường và khác với quy luật tự nhiên. Ví dụ: trong vật lý học, một vật có trọng lượng thì bị sức hút của trái đất. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng một em bé nhảy lầu giữa chừng em ngừng lại và cứ lơ lửng vậy. Đây là điều ngoài quy luật tự nhiên.

Còn có một cách hiểu cao hơn theo thánh Gioan, thì phép lạ là những dấu chỉ để diễn tả những sự kỳ diệu của đức tin mà Thiên Chúa thực hiện qua những dấu chỉ đó.

Theo những nghĩa trên thì sự kiện chỉ năm chiếc bánh và hai con cá hóa nhiều nuôi năm ngàn người mà còn dư mười hai thúng, là một phép lạ, điều không thể trở thành điều có thể, điều xảy ra cách lạ thường và ngoài quy luật tự nhiên.

2. Ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều

Ngày nay, có hai quan điểm giải thích phép lạ này: quan điểm thứ nhất thuộc một số học giả Thánh Kinh không tin đây là một phép lạ và nghĩ rằng Chúa Giêsu không làm cho bánh hóa ra nhiều, mà Người chỉ là một nhà hùng biện có tài thuyết phục mọi người bỏ bánh mà họ mang theo trong mình ra để chia sẻ với nhau thôi, theo kiểu “góp gạo thổi nồi cơm chung” nên ai cũng có thức ăn dư dả. Cách hiểu này chắc chắn không được Giáo Hội công nhận. Nhưng nó nói lên được ý nghĩa của sự kiện là dạy người ta biết chia sẻ với nhau, và khi ta biết chia sẻ với người khác thì mọi sự trở nên dư dả và phong phú.

Cách hiểu thứ hai đó là đa số các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh, là dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể và ơn cứu độ mà Đức Kitô sẽ ban cho nhân loại qua cái chết và phục sinh của Người. Học giả Kinh Thánh David Garland giải thích:

“Việc cung cấp lương thực cho năm ngàn người ăn mà còn thừa mười hai thúng cho thấy rằng sự cung cấp dồi dào cho toàn thể Ítraen. Như thế, bí tích Thánh Thể sẽ ban lương thực dồi dào cho toàn thể nhân loại.” (David Garland, Meditations on the Sunday Gospels, Year A, ed. John Rotelle, New York: New City Press, 1995, p. 111.)

Đây là cách hiểu truyền thống mà Giáo Hội chấp nhận. Quả thế, “bữa tiệc bánh hóa nhiều” là hình ảnh về bữa tiệc mà Đức Kitô sẽ thực hiện nơi Thánh Thể trong đó nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần bánh và rượu, tượng trưng cho lao công và đóng góp của con người, trở thành thực sự Mình và Máu Đức Giêsu, mà thần học gọi là “transubstantiation - biến thể”. Đức Giêsu trở thành Bánh Sự Sống bẻ ra cho mọi người qua mọi thế kỷ để tất cả được no thỏa và được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Nếu hiểu như thế, mỗi thánh lễ là một bữa tiệc, một phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta.

3. Bài học áp dụng

Một chi tiết rất đáng lưu ý trong tường thuật này là: “Chính anh em hãy cho họ ăn” và các môn đệ thưa: “Ở đây chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá” (x. Mt 14, 16-17). Điều này muốn nói rằng Đức Giêsu không muốn làm gì một mình. Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người, hay nói như cha Nguyễn Tầm Thường:

“Chúa thích làm phép lạ dang dở. Phép lạ dang dở để tôi được tham dự, cái dang dở của Chúa là chỗ trống để cho tôi bước vào.” (Lm. Nguyễn Tầm Thường, Viết trong tâm hồn, 7. )

Nhiều lúc, trước những vấn đề lớn, dẫu khả năng của chúng ta rất nhỏ nhoi, ít ỏi, nhưng Chúa lại cần đến chúng, Chúa cần đến chút tâm tình “chạnh lòng thương” và sự đóng góp vật chất của chúng ta, để Người thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời. Nếu không có tấm lòng trắc ẩn của nữ tu Calcutta, thì làm sao có những ngôi nhà tình thương cho những kẻ vô gia cư khắp nơi trên thế giới. Nếu không có chút tình thương của cô Tim, thì làm sao có ngôi làng tình thương cho biết bao nhiều người tàn tật ở Việt Nam v.v… (Cô Tim là một người ở Châu Âu, đến Việt Nam du lịch, chứng kiến nhiều cảnh đáng thương, cô đã quyết định ở lại và giúp đỡ những người tàn tật và vô gia cư ở Sài Gòn.)

Mỗi lần chúng ta dự tiệc Thánh Thể, Chúa cũng mời gọi chúng ta biết chia sẻ và góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình vào xây dựng cuộc đời này đẹp hơn, nhân bản hơn và hạnh phúc hơn. Và như thế, “phép lạ hóa bánh ra nhiều” lại tiếp tục diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/