Liên tiếp trong ba ngày, tờ The National Review đã có hai bài viết vạch ra những gai góc bao bọc chung quanh cái gọi là “Luật An Ninh Hương Cảng”, công cụ mới của nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa ra nhàm bủa vây người Hương Cảng cũng như những ai làm mất lòng họ, ngay cả những người sống ở các nước phương Tây.

Luật an ninh mới này mục đích đưa ra là để “hình sự hoá bất cứ hình thức hoạt động nào mà đảng Cộng Sản Trung Quốc cho là lật đổ, ly khai, khủng bố và đồng loã với những thực thể nước ngoài ở Hương Cảng”. Đây được ví như là một bản án tử cho các quyền tự do về chính trị- nói cách khác là quyền tự trị- mà người dân Hương Cảng đã được hứa hẹn là họ sẽ được tiếp tục duy trì, theo tinh thần “một quốc gia, hai hệ thống” sau ngày chính quyền Anh chuyển giao cho nhà cầm quyền Bắc Kinh vào năm 1997-trong một tuyên bố chung giữa hai nước.

Điều đáng chú ý nhất trong toàn văn của Luật An Ninh Hương Cảng này chính là điều khoản số 38, trong đó thẳng thừng nhắc tới một tuyên bố về thẩm quyền tài phán chưa từng ai nghe nói đến bao giờ, đặc biệt là ở các nước dân chủ. Nội dung của điều khoản 38 như sau: “Luật sẽ được áp dụng cho các vi phạm chống lại Đặc Khu Hành Chánh Hương Cảng từ bên ngoài (Đặc khu) bởi người nào không là thường trú viên của Đặc Khu”. Hiểu một cách khác, chính quyền bù nhìn của Hương Cảng có thể buộc tội và truy tố bất cứ ai dù chưa bao giờ đặt chân đến thành phố này nếu bị Bắc Kinh cho là vi phạm luật lệ của họ.

Cũng có thể được hiểu rằng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì thế có thể dựa vào Điều Khoản 38 này để truy tố những ai đang hoạt động trái ý họ ở các nước khác, đặc biệt là Tây phương, mặc dù đó là những hoạt động hoàn toàn hợp pháp ở các nước sở tại mà họ đang sinh sống.

Theo giáo sư Donald Clark thuộc trường đại học luật George Washington, luật này đưa ra nhằm “bao che cho những gì có thể làm đối với mọi người trên toàn thế giới đang bị (họ) đưa vào tầm ngắm”. Tương tự, theo nghiên cứu sinh Kevin Carrico tại đại học Melbourne’s Monash, đây không chỉ là một lý thuyết suông vì vào năm 2015, Bắc Kinh đã bất chấp luật Căn Bản Hương Cảng vẫn đang hiện hành khi bắt giữ 5 công nhân viên trong nhà sách Causeway Hương Cảng là nơi có bán các loại sách viết về đề tài chính trị nhạy cảm tại Trung Hoa Lục Địa.

Việc Trung Quốc ngang nhiên công bố những hình luật nghiêm trọng dành cho các công dân nước ngoài đã nói lên tính cách ngang ngược, bất chấp luật lệ quốc tế của họ. Tuy nhiên, theo ông Terri Marsh, giám đốc tổ chức Luật Nhân Quyền, Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được điều này ở những quốc gia nơi họ có ký kết hiệp ước dẫn độ. Nếu không, Trung Quốc sẽ bị xem là “xâm phạm chủ quyền của nước đó”.

Mặc dù đã có 20 quốc gia trên thế giới từng ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc. Tuy nhiên, trước nguy cơ đến từ Luật An Ninh Hương Cảng, Liên Minh Nghị Viện các nước về Trung Quốc gồm 13 quốc gia đã đang vận động huỷ bỉ hiệp ước này. Mới đây là Úc, Canada, và sắp tới là Hoa Kỳ cũng sẽ làm theo. Các nước khác như Hoà Lan thì cảnh cáo công dân họ không nên đặt chân đến Hương Cảng.

Là người Công Giáo, chúng ta không thể không tự hỏi về số phận những anh chị em tín hữu của chúng ta ở Hương Cảng sẽ bị ảnh hưởng ra sao với luật an ninh mới mà nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Kinh vừa thông qua hôm 30 tháng Sáu?

Ký giả Alessandra Bocchi của tờ National Review cho biết, các tín hữu Kitô tại đây hiện đang vô cùng sợ hãi sẽ bị đảng Cộng Sản trả thù, dựa trên những điều luật khắc nghiệt mới mẻ này. Theo họ, sau một năm ngấm ngầm theo dõi và nhận định tình hình tại Hương Cảng, Bắc Kinh đã đưa ra Luật An Ninh nhằm xiết lại những hoạt động dân chủ của người dân trong một xã hội tự trị, và thiết lập một nền an ninh trật tự theo kiểu độc tài chuyên chế rập khuôn của xã hội đại lục. Bất cứ người tín hữu Hương Cảng nào muốn tồn tại đều phải bước sang lằn ranh giới Bắc Kinh định sẵn cho họ như đã làm với giáo hội đại lục. Đó là mọi sinh hoạt tôn giáo đều được đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Nhà thờ, ngay cả thánh giá đều có thể bị phá huỷ bất cứ lúc nào. Kinh Thánh phải được diễn dịch, sửa đổi theo ý muốn của đảng cộng sản. Việc đào tạo, phong chức giáo sĩ phải được chấp thuận bởi nhà nước v.v...

Tương tự như đã nói ở trên, Luật An Ninh mới ở Hương Cảng đặt các tín hữu Kitô ở Hương Cảng vào một hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo, khi điều khoản về tội “thông đồng” có thể bao gồm cả việc họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, kể cả những liên lạc với Toà Thánh và giáo hội các nước Tây phương.

Theo một luật sư Công Giáo dấu tên vì sợ bị trả thù, nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể liệt những tiếng nói quan tâm về sự bất công xã hội vào hàng “bí mật quốc gia” để bắt bớ họ, hoặc thậm chí, giáo hội địa phương cũng có thể “bị giải thể, tịch thu tài sản nếu bị cho là vi phạm”. Hình phạt của những tội như thế có thể lên đến án tù chung thân.

Bài báo còn cho biết, vào tháng Sáu vừa qua, đại diện các giáo hội Kitô đã được mời đến văn phòng Ban Liên Lạc Tôn Giáo để được thông báo về Luật mới. Theo vị luật sư dấu tên, các giáo hội Ky Tô giáo có vẻ nhu đang bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền. Hồng Y Giám Quản Tông Toà Thang Hán, người từng kêu gọi chính quyền “lắng nghe tiếng nói của người dân” trong cuộc tuần hành đòi quyền tự trị năm 2019 nay lại tuyên bố luật an ninh mới “không đe doạ tự do tôn giáo”.

Đức Giám Mục Phụ Tá Giuse Hạ Chí Thành, người trước đây tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ Hương Cảng, nay cũng giữ yên lặng không chỉ trích luật mới, và chỉ khuyên giáo dân xuống đường vác thánh giá.

Thậm chí đặc khu trưởng là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một giáo dân Công Giáo, người đã được bầu chọn với hy vọng sẽ duy trì tình trạng tự trị trên hòn đảo này. Tuy nhiên thời gian qua chứng minh bà đã nhanh chóng quy phục Bắc Kinh, quay mặt lại với người dân và nguyện vọng khát khao của họ. Theo luật sư nói trên, người Hương Cảng “không còn nhìn bà như một tín hữu Công Giáo nữa”, và họ cho rằng bà “sẽ phải trả lời cho hành động của mình trong ngày phán xét sau cùng”.

Rất nhiều tín hữu Công Giáo tại Hương Cảng hiện nay cho rằng Toà Thánh Vatican đang bị ảnh hưởng cuả đảng Cộng Sản Trung Quốc chi phối vì một lý do: Vào năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phan xi cô đạt một thoả thuận với nhà nước cộng sản trong việc bổ nhiệm các giám mục tại lục địa. Thoả thuận này đến tháng Chín mới hết hạn, vì thế hạn chế những gì Toà Thánh có thể làm được cho giáo dân Hương Cảng khi phải trực diện với nhà cầm quyền cộng sản.

Tuy nhiên, trong giáo hội vẫn còn những tiếng nói can đảm. Đó là Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, nguyên giám mục giáo phận Hương Cảng. Cũng như vị đứng đầu giáo phái Tin lành Báp Tít, Đức Hồng Y Quân được biết đến như người chủ chăn luôn đứng về lẽ phải và luôn bênh vực cho giáo hội khi lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền trầm trọng đang xảy ra tại giáo hội địa phương của ngài. Ngài tuyên bố đã chuẩn bị tinh thần cho việc bị bắt giữ, một khi luật an ninh mới kể trên có hiệu lực.

Tưởng cũng nên biết, Luật An Ninh Hương Cảng mới một khi được thông qua, sẽ hoàn toàn thay thế bộ Luật Cơ Bản Hương Cảng mà hai quốc gia đã ký kết chung vào tháng 7 năm 1997.

Source:

[1] https://www.yahoo.com/news/hong-kong-security-law-china-204811220.html

[2] https://www.abc.net.au/news/2020-07-08/fbi-chief-says-china-uses-threats-to-coerce-overseas-critics/12433208

[3] https://www.yahoo.com/news/christians-hong-kong-under-thumb-103043701.html