1. Úc yêu cầu điều tra cả Trung Quốc lẫn WHO về trách nhiệm đối với đại dịch coronavirus

Tính đến chiều Chúa Nhật 19 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 160,835 người, trong số 2,334,459 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có thêm 6,505 người chết và 81,930 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Hoa Kỳ nơi đến nay đã có 39,015 người chết và 738,923 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trong 24 giờ qua, Hoa Kỳ tổn thất 1,867 người và thêm 29,057 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, Úc đã lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về phản ứng trên toàn cầu đối với đại dịch coronavirus, bao gồm cả việc xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO.

Tổng trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết Úc sẽ tạo các áp lực để có một cuộc điều tra về phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước sự bùng phát ở Vũ Hán, thành phố nơi COVID-19 xuất hiện vào cuối năm ngoái.

“Chúng tôi cần biết các chi tiết mà một đánh giá độc lập sẽ xác định cho chúng ta về nguồn gốc của virus, về các đường lối đối phó với nó, trong đó đề cập đặc biệt đến sự cởi mở trong việc chia sẻ thông tin”.

Payne cho biết Úc chia sẻ những lo ngại tương tự như Hoa Kỳ, khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc rằng WHO đã xử lý sai lầm trong cuộc khủng hoảng và cố tình che đậy sự nghiêm trọng của tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc trước khi nó lan rộng ra thế giới.

Giải thích về ý tưởng một cơ chế điều tra độc lập, bà Payne giải thích như sau:

“Tôi quan ngại liệu chúng ta có thể tin vào một tổ chức y tế chịu trách nhiệm phổ biến rất nhiều tài liệu truyền thông quốc tế và thực hiện nhiều công việc điều tra và tham gia từ sớm, nay lại tham gia vào cơ chế đánh giá này không”.

“Điều đó đối với tôi giống như vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Payne cho biết thêm, bà tin rằng các thiệt hại gây ra từ đại dịch này đã thay đổi mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc theo một nghĩa nào đó, với mối quan tâm của bà xung quanh sự minh bạch của Bắc Kinh bây giờ là “một điểm rất cao”.

2. Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho rằng Úc thành công trong việc chặn đứng đại dịch coronavirus nhờ làm ngược lại các lời khuyên của WHO

Bộ trưởng Y tế Greg Hunt ủng hộ lời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vai trò của Trung Quốc và WHO trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này, và nhấn mạnh rằng Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus một phần là nhờ làm ngược lại những lời khuyên của WHO.

Tính đến chiều Chúa Nhật 19 tháng Tư, Úc đã ghi nhận 6, 586 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó có 70 trường hợp tử vong. Số các trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận chỉ vài chục người trong một ngày.

Úc là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh cấm du lịch từ Trung Quốc.

“Theo tiêu chuẩn toàn cầu, Úc đã có thể có một kết quả rất quan trọng và thành công trong việc chặn đứng lây lan, nhưng chúng tôi đã làm được điều đó bằng cách tuân theo các chỉ dẫn mà các chuyên gia y tế của chúng tôi ở Úc đặt ra,” ông Hunt nói.

“Ngày 1 tháng Hai, khi chúng tôi ra lệnh cấm du lịch từ Trung Quốc, chúng tôi đã vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía các quan chức Trung Quốc, và một số quan chức của WHO ở Geneva.”

Ông Hunt nhận xét rằng mặc dù WHO đã thực hiện tốt việc phòng chống các bệnh như bại liệt, sởi và sốt rét, nhưng phản ứng của họ đối với coronavirus “đã chẳng giúp gì cho thế giới”.

“Chúng tôi đã làm rất tốt vì chúng tôi đã đưa ra quyết định của riêng mình với tư cách là một quốc gia,” ông nói thêm.

Trong những tuần gần đây, Úc đã chứng kiến tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh mới chậm lại một cách đáng kể, các giới chức y tế hàng đầu tuyên bố nước này đã chặn đứng được tình trạng lây nhiễm.

Những hạn chế cứng rắn đối với việc di chuyển và tập hợp được thiết lập để duy trì ít nhất là trong một tháng tới khi các quan chức cố gắng kiểm soát sự lây lan của coronavirus.

3. 5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp bạn vượt qua đại dịch coronavirus

Ký giả Laura Dittus của tờ National Catholic Register của Hoa Kỳ có bài viết về 5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch coronavirus.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của ….

5 câu châm ngôn này có thể được tóm tắt bằng câu nói được Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng và đừng lo lắng”

Đầu năm nay, tôi đã tìm đọc một số sách tiếng Tây Ban Nha để cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ và nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi đọc một tiểu sử truyền cảm hứng. Tôi thực không ngờ Chúa đã quan phòng cách kỳ diệu cho tôi, để tôi chọn một cuốn sách nói về Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh thành Pietrelcina.

Cha Thánh Piô không chỉ là một vị thánh được mang Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng còn đặc biệt hơn là ngài còn có khả năng xuất hiện ở cả hai nơi cùng một lúc. Ngài có các đặc sủng khi giải tội và trong nhiều trường hợp khác nữa. Tuy nhiên, có một điều không mấy khi được nhắc đến, nhưng có tính chất thời sự đối với chúng ta trong giai đoạn này, là ngài đã từng sống qua đại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng, một đại dịch tàn khốc xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Thật là an ủi trong thời đại hiện nay khi có những vị thánh đã sống qua thời kỳ dịch bệnh này để chúng ta chạy đến nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp, đồng thời học hỏi từ những vị thánh ấy những câu nói truyền cảm hứng và những tấm gương về một cuộc sống đạo đức. Cha Thánh Piô là một trong những vị này này.

Cha Thánh Piô là một nhân vật đầy ấn tượng rồi, nhưng ngài có một mối quan hệ đặc biệt với thời điểm đại dịch này vì chính ngài đã nhiễm virus H1N1 là con virus đã gây ra đại dịch Cúm Tây Ban Nha, kéo dài từ tháng Giêng 1918 đến tháng 12, 1920, lây nhiễm 500 triệu người, tức là 1 phần 3 dân số thế giới vào thời đó, và giết chết ít nhất 17 triệu người, có các tài liệu còn cho rằng có đến 50 triệu trường hợp tử vong. Ngài đã nhiễm virus H1N1 sau khi có Năm Dấu Thánh Chúa trên người không bao lâu. Một vài vị thánh đã nhiễm virus H1N1 và đã chết vì con virus đó như hai thánh Francisco và Jacinta Marto, là hai trong ba trẻ đã được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Cha Piô bị nhiễm virus nhưng đã hồi phục và tiếp tục sống một cuộc đời linh mục đầy hoa trái và hương thơm thánh thiện sau giai đoạn đó của cuộc đời.

Sau khi tìm hiểu một chút về cuộc sống của Cha Piô, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn một chút về các tác phẩm của ngài. Khi đọc các bài viết của Cha Piô, tôi tình cờ gặp một số câu thật khôn ngoan, thật đáng khích lệ trong ánh sáng của những gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay, mặc dù tôi đã đọc những lời ấy vài tháng trước khi “social distance”, hay “khoảng cách xã hội”, trở nên một cụm từ thông dụng tại Mỹ. Một trong những trích đoạn trong những lá thư của Cha Piô mà tôi đọc lại vào tháng Hai năm nay được viết vào năm 1917 cho một trong những cô con gái tinh thần của ngài, là cô Antonietta Vona. Trong bức thư đó, ngài viết như sau:

Đừng lo sợ về bất kỳ tác hại nào trong tương lai có thể xảy ra với con trên thế giới này, bởi vì có lẽ điều đó có thể sẽ không xảy ra với con, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào nếu nó đến với con, Chúa sẽ cho con sức mạnh để chịu đựng nó... Nếu Chúa để con phải trải qua vùng nước đầy bão tố của nghịch cảnh, đừng nghi ngờ, đừng sợ hãi. Chúa luôn bên cạnh con. Hãy có can đảm và con sẽ được bình an. (Thư III, trang 833)

Đoạn văn này đưa ra cho chúng ta nhiều ủi an. Chúng ta được khuyên đừng “sợ hãi trước bất kỳ tác hại nào trong tương lai” vì nó có thể không bao giờ xảy ra. Chúng ta cũng được khuyên “hãy có can đảm”. Ở đây, ta nhớ rằng những lời mà Cha Piô viết là vào năm 1917, có thể không liên quan gì đến đại dịch sẽ xảy ra sau này ở Ý, từ 1918 đến 1919, nhưng được đưa ra trước sự kiện đó và vì thế chắc chắn đã an ủi cô con gái tinh thần của ngài khi trận dịch xảy ra.

Trong cùng một bức thư, Cha Piô cũng đưa ra cho Antonietta một số cụm từ nhất định để in sâu vào tâm hồn cô: “Đây là điều cha cảm thấy phải nói với con hôm nay trong Chúa: Để có thể sống một cuộc đời đạo đức liên tục, con hãy ghi nhớ một số câu châm ngôn xuất sắc và mạnh mẽ này trong tâm hồn con.” (Thư III, tr. 830)

Năm câu châm ngôn mà Cha Piô dành cho cô trong bức thư này là:

“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rôma 8:28)

“Thiên Chúa là Cha chúng ta”

“Các con có thiếu thốn gì không?” (Luca 22:35)

“Đời đời”

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gal 6:14)

Những câu châm ngôn này tốt cho bất kỳ dịp nào, nhưng ta có thể thấy giá trị đặc biệt của những châm ngôn ấy khi phải sống trong tình huống đại dịch này. Sự thật rằng “Thiên Chúa là Cha chúng ta” mang lại niềm an ủi rằng chúng ta luôn ở dưới sự chăm sóc quan phòng của Ngài, được yêu thương và bảo vệ, và rằng, ngay cả nếu chúng ta phải kinh qua những tình huống khó khăn, Chúa luôn ở với chúng ta.

Tôi thấy các châm ngôn trên thật là hữu ích vào thời điểm này, thêm vào đó tôi cũng muốn nhắc đến một cụm từ thường được Cha Piô lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng, và đừng lo lắng.” Những lời này có thể đóng vai trò như một phương châm nổi bật cho thời gian này, và thật sự đối với bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta luôn được kêu gọi để cầu nguyện, để tin tưởng vào Chúa, và đừng đầu hàng trước những lo lắng của chúng tôi.

Xin Cha Piô cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và cho chúng ta nhận ra đang được sống khoảnh khắc hiện tại trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta có thể nghe vang vọng những lời này của ngài - “Quá khứ của con, lạy Chúa, xin dâng lên lòng thương xót Chúa; hiện tại của con, xin phó dâng cho tình yêu Chúa; và tương lai con, xin tín thác nơi sự quan phòng của Người” - và hãy lấy những lời này làm những lời cầu nguyện của chúng ta, và phó thác cho sự bảo vệ của Cha chúng ta ở trên trời, cùng với sự cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa.