Sau khi các quan chức hàng đầu của Trung Quốc bí mật xác định rằng họ đang phải đối mặt với đại dịch từ một loại coronavirus mới, họ đã lặng lẽ giữ im lặng để suy tính trong 6 ngày. Trong 6 ngày đó, thành phố Vũ Hán ở tâm chấn của dịch bệnh đã tổ chức một bữa tiệc lớn cho hàng chục ngàn người; và hàng triệu người sống ở thành phố này bắt đầu đi du lịch khắp nơi trên đất Trung Quốc và cả trên thế giới để mừng năm mới âm lịch.

Tới ngày thứ 7, là ngày 20 tháng Giêng, Đại Đế Tập Cận Bình mới cảnh báo công chúng; và 3 ngày sau, ngày 23 tháng Giêng mới cô lập tỉnh Hồ Bắc. Nhưng vào thời điểm đó, hơn 3,000 người đã bị nhiễm bệnh trong gần một tuần im lặng.

Associated Press đã đưa ra báo cáo trên từ các tư liệu của họ, và các ước tính của những chuyên gia dịch tể học đã nghiên cứu các dữ liệu hồi cứu về tình trạng nhiễm trùng.

Sự chậm trễ, từ ngày 14 tháng Giêng đến ngày 20 tháng Giêng, không phải là sai lầm đầu tiên của các quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp trong việc đối phó với dịch bệnh, cũng không phải là sự chậm trễ lâu nhất, vì thực ra các chính phủ trên thế giới đã thúc bách họ trong nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng phải giải quyết mầm mống dịch bệnh này.

Điều đáng nói là sự chậm trễ của quốc gia đầu tiên đối mặt với coronavirus đã xảy vào thời điểm quan trọng – là lúc khởi đầu của đợt bùng phát. Trung Quốc đã cố gắng đi dây tử thần giữa việc cảnh báo công chúng và việc cố tình bưng bít để tránh hoảng loạn. Điều đó đã tạo tiền đề cho một đại dịch toàn cầu, đến nay đã lây nhiễm gần 2 triệu người và cướp đi hơn 126,000 sinh mạng.

Trương Tá Phong (Zuo-Feng Zhang- 张左峰), một nhà dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles cho biết, trách nhiệm của Trung Quốc đối với đại dịch này thật nghiêm trọng. “Nếu họ hành động sớm hơn sáu ngày, sẽ có ít bệnh nhân hơn và các cơ sở y tế sẽ đủ sức đối phó. Sự sụp đổ của hệ thống y tế Vũ Hán đã có thể tránh khỏi.”

Các tư liệu của AP nhấn mạnh rằng “Sự chậm trễ sáu ngày của bọn cầm quyền Bắc Kinh đã diễn ra sau hai tuần, mà trong thời gian đó Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào từ các quan chức địa phương. Bất kể là, trong thời gian đó, tức là từ ngày 5 tháng Giêng đến ngày 17 tháng Giêng, ít nhất hàng trăm bệnh nhân coronavirus đã xuất hiện trong các bệnh viện không chỉ ở Vũ Hán mà trên cả nước.”

AP không chắc chắn liệu các quan chức địa phương đã không báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh; hoặc là các quan chức ở cấp quốc gia đã cố tình che dấu.

Nhưng điều rõ ràng là trong hệ thống kiểm duyệt thông tin gắt gao của Trung Quốc, các quan chức ở mọi cấp đã chặn đứng, hay ít nhất là chần chừ, suy tính, rồi mới miễn cưỡng gửi các tin xấu lên thượng cấp, khiến không thể nào có thể cảnh báo sớm được. Hình phạt dành cho tám bác sĩ bị cáo buộc phao tin đồn nhảm nhí, được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia vào ngày 2 tháng Giêng, đã gửi một thông điệp lạnh lùng đầy hăm dọa lên giới y khoa và toàn thể cán bộ các cấp.

Tài liệu của AP cho rằng cho dù bỏ qua thuyết âm mưu, chỉ riêng việc bóp nghẹt thông tin trong những ngày đầu dịch bệnh của bọn cầm quyền Trung Quốc đã khiến chế độ cộng sản này phải chịu trách nhiệm đối với cái chết của hơn 120,000 người và tình cảnh mất công ăn việc làm của hàng trăm triệu người trên thế giới, cộng với hơn hai triệu người nhiễm bệnh.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc bóp nghẹt thông tin trong những ngày đầu, nói rằng họ đã ngay lập tức báo cáo sự bùng phát cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Phản ứng trước báo cáo của AP, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng những cáo buộc về sự che đậy hoặc thiếu minh bạch ở Trung Quốc là không có cơ sở.


Source:AP