Tính đến chiều thứ Hai 13 tháng Tư, số người nhiễm coronavirus trên toàn cầu đã gần hai triệu người, chính xác là 1,857,354; trong đó có 114,367 trường hợp tử vong.

Thương vong nặng nề nhất hiện nay là tại Hoa Kỳ với 22,115 trường hợp tử vong trong số 560,433 nhiễm bệnh. Kế đến là Ý với 19,899 người chết trong số 156,363 trường hợp nhiễm bệnh.

Tuy tổn thất nhân mạng đến nay rất trầm trọng, vẫn có điểm đáng mừng là số trường hợp tử vong và cả số trường hợp nhiễm bệnh mới tại Ý đang liên tục giảm xuống từng ngày. Khuynh hướng này là nhất quán trong một tuần qua.

Bên cạnh các thiệt hại về nhân mạng, còn có các thiệt hại chưa thể thống kê được đối với nền kinh tế thế giới. Các quan sát viên cho rằng một cuộc chiến sau trận dịch này xem ra càng ngày càng khó tránh khỏi. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã bày tỏ âu lo trên. Đức Thánh Cha cũng đã cầu nguyện cho điều đó đừng xảy ra trong thánh lễ hôm thứ Hai 13 tháng Tư.

Lễ Phục sinh tại Giêrusalem

Tại Giêrusalem, sáng sớm ngày thứ Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa và một vài linh mục, tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa đã có thể cử hành lễ Vọng Phục sinh tại nhà thờ Thánh Mộ trước sự canh phòng cẩn mật của cảnh sát Do Thái. Lễ Vọng Phục sinh được cử hành ngay sáng sớm thứ Bẩy để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục sinh.

Như vậy, cuối cùng tiếng chuông lễ hội đã vang lên trong nhà thờ Thánh Mộ khi bài ca Vinh Danh được hát lên. Sau khi các nghi thức trong Tuần Thánh đã được dời sang nhà thờ đồng chính tòa Thánh Danh Chúa, chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh, Do Thái đã nhượng bộ và cho phép cử hành một vài nghi thức trong nhà thờ Thánh Mộ.

Nghi thức cử hành trước mộ Chúa năm nay diễn ra trong bầu không khí hoàn toàn khác. Không có người hành hương, mà chỉ có Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa và những linh mục đồng tế khác.

Tuy nhiên, theo Đức Tổng Giám Mục, kinh nghiệm của những ngày này, được đánh dấu bởi sự trống rỗng và mất phương hướng gây ra bởi đại dịch, có lẽ là gần gũi nhất với kinh nghiệm của những chứng nhân đầu tiên về biến cố Phục sinh.

Ngài nói:

“Chúng ta mất đi những điểm tham chiếu, nó giống như những gì các phụ nữ và môn đệ Chúa đã trải qua vào thời điểm đó. Bởi vì Thầy của họ, là Chúa Giêsu, là điểm tham chiếu của họ, đã chết. Chỉ sau đó họ mới hiểu rằng sự trống rỗng này là khởi đầu của sự sáng tạo mới, của cuộc sống mới trong Chúa Kitô Phục sinh.”

Ngài nói thêm rằng “Ngôi mộ trống của Chúa Kitô giúp chúng ta đọc những sự kiện ngày nay không chỉ là sự kết thúc của một thế giới, sự kết thúc của những điều chắc chắn, mà là sự khởi đầu, một khởi đầu mới phụ thuộc vào chúng ta, nếu chúng ta có thể kín múc sức mạnh, sự sống và hy vọng từ sự kiện mà chúng ta đang cử hành, đó là sự Phục sinh của Chúa Kitô. “

Trong thánh lễ Phục sinh được cử hành hôm Chúa Nhật 12 tháng Tư tại nhà thờ đồng chính tòa Thánh Danh Chúa Giêsu, Đức Tổng Giám Mục nói:

“Cả thế giới đang sống trong tình trạng sợ hãi, lo âu và hoang mang trước đại dịch coronavirus. Nhiều nước đang bị chết chóc và sầu muộn, và con số những người bị lây nhiễm tiếp tục gia tăng. Giêrusalem, thành của sự Phục sinh và Mộ trống, đang vắng bóng các các tín hữu hành hương và các thánh đường, đang chờ đợi các tín hữu trở lại để công bố sứ điệp Phục sinh và Alleluia.”

“Việc cử hành Mùa chay, Tuần thánh và Phục sinh năm nay gặp bao nhiêu vấn đề, những phức tạp và bấp bênh, và đặc biệt là trong bầu không khí đau khổ, bệnh tật, chết chóc của nhiều người trên thế giới, do sự phong tỏa. Thách đố coronavirus này có ý nghĩa gì đối với các dân tộc, các cộng đoàn và tổ chức của chúng ta? Nó có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế thế giới và sức khỏe hoàn cầu? Chúng ta tin rằng Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của sự sống chứ không phải của sự chết. Phục Sinh bảo đảm cho chúng ta rằng giữa chết chóc và đau khổ, Thiên Chúa hiện diện và cái chết của Chúa Kitô mang lại chiến thắng cho chúng ta. Phục Sinh kêu gọi gia đình nhân loại chúng ta tiến về thời kỳ đổi mới, và là một con đường tiến về tương lai, xa tránh đàn áp, kỳ thị, đói khổ và bất công.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những nhà cai trị, các nhà khoa học, các chính trị gia

Lúc 7 sáng thứ Hai 13 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ thứ Hai trong tuần bát nhật Lễ Phục sinh tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nhà cai trị, các nhà khoa học, các chính trị gia, và những ai đang giúp giải quyết những vấn nạn gây ra bởi dịch bệnh coronavirus bao gồm thất nghiệp, bần cùng và đói khát, và một con đường hướng đến tương lai.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những nhà cai trị, các nhà khoa học, các chính trị gia là những người đã bắt đầu nghiên cứu lối thoát, hậu đại dịch. Những suy tư “hậu” dịch bệnh này đã bắt đầu. Xin cho họ tìm ra những con đường đúng đắn, hòa bình, luôn có lợi cho mọi người, luôn luôn ủng hộ mọi dân tộc.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày.

Bài Trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do Thái cho đến ngày nay.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một lựa chọn, một lựa chọn hàng ngày, một lựa chọn của con người đã luôn diễn ra kể từ ngày đó: đó là lựa chọn giữa niềm vui, và hy vọng về sự phục sinh của Chúa Giêsu; và nỗi nhớ về nấm mồ.

Những người phụ nữ hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa (x. Mt 28,8): Thiên Chúa luôn bắt đầu với những người phụ nữ, luôn luôn. Họ luôn mở đường. Họ không nghi ngờ: họ biết; họ thấy Người, họ chạm vào Người. Họ cũng nhìn thấy ngôi mộ trống. Đúng là các môn đệ không thể tin được và nói: “Nhưng những người phụ nữ này có lẽ hơi quá sức tưởng tượng” nhưng tôi không biết ban đầu họ có nghi ngờ không. Nhưng rồi họ đã chắc chắn và cuối cùng họ đã đi trên con đường này cho đến ngày hôm nay: Chúa Giêsu đã sống lại, Người còn sống giữa chúng ta (x. Mt 28, 9-10).

Nhưng rồi lại có một suy nghĩ khác: tốt hơn là ông ấy đừng sống lại. Ngôi mộ trống sẽ mang lại nhiều vấn đề cho chúng ta. Và quyết định che giấu sự thật được nhanh chóng hình thành. Như vẫn thường xảy ra: khi chúng ta không phục vụ Chúa, chúng ta phục vụ cho vị thần khác, là thần tiền của.

Hãy nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6:24) Anh em không thể phục vụ cả hai. Và để thoát khỏi bằng chứng này, khỏi thực tại này, các thượng tế và kỳ lão đã chọn con đường khác, con đường chi tiền ra: họ trả tiền cho sự im lặng (x. Mt 28, 12-13). Sự im lặng của các nhân chứng. Một trong những người lính đã tuyên xưng, ngay khi Chúa Giêsu chết: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Những con người tội nghiệp này không hiểu, họ sợ vì cuộc sống đang diễn ra và họ đã đến gặp các thượng tế, các thầy thông luật. Và họ đã được trả tiền: họ được trả tiền để im lặng, và điều này, các anh chị em thân mến, không phải là một khoản hối lộ: đây thuần túy là bại hoại, băng hoại thuần túy. Nếu anh chị em không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, hãy nghĩ tại sao. Đúng là nhiều người không tuyên xưng Chúa Giêsu vì họ không biết Người, vì chúng ta đã không liên tục tuyên xưng Người và đây là lỗi của chúng ta. Nhưng khi có ai đó chủ động im lặng trước cả các bằng chứng, thì đó là con đường của quỷ, đó là con đường bại hoại. Người ấy được trả tiền và im lặng.

Ngay cả ngày hôm nay, đối mặt với những gì tiếp theo - hy vọng sẽ sớm xảy ra – sau khi đại dịch này kết thúc, có một lựa chọn tương tự: hoặc là chúng ta tranh đấu cho sự sống, cho sự hồi sinh của các dân tộc, hoặc là chúng ta hướng về thần tiền: trở lại với ngôi mộ của nạn đói, của nạn nô lệ hiện đại, chiến tranh, nhà máy vũ khí, và các trẻ em không được giáo dục vân vân và vân vân. Đó là quay về với ngôi mộ.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin cho trong cuộc sống cá nhân và trong đời sống xã hội của chúng ta, Chúa luôn giúp chúng ta chọn việc loan báo: loan báo rằng chân trời luôn luôn rộng mở; dẫn chúng ta đến việc chọn cái tốt cho người dân. Và đừng bao giờ rơi vào ngôi mộ của thần tiền.