Ngày 31 tháng 3, trên chuyến bay từ Rabat về Rôma, Đức Phanxicô đã có cuộc họp báo sau đây theo bản ghi của Hãng CNA:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi cám ơn việc đồng hành của các bạn, chuyến đi, công việc của các bạn. Nó khá thách thức vì một ngày rưỡi nhưng rất nhiều chuyện, phải không? Và cám ơn công việc của các bạn và bây giờ tôi xin phục vụ các bạn.

Alessandro Gisotti: Rõ ràng, như mọi khi, như truyền thống, chúng ta bắt đầu với các phương tiện truyền thông địa phương. Siham Toufiki, bạn có muốn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, tùy ý bạn.

Siham Toufiki, MAP: Con xin hỏi bằng tiếng Pháp... Có những khoảnh khắc rất mạnh mẽ. Chuyến thăm này phi thường, lịch sử đối với người dân Ma-rốc. Đâu là hậu quả của chuyến thăm này đối với tương lai, hòa bình thế giới, sự sống chung trong cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi xin nói rằng bây giờ mới có hoa thôi, quả sẽ đến sau, nhưng hoa rất có triển vọng. Tôi hạnh phúc vì trong hai ngày hành trình này, tôi đã có thể nói nhiều về những gì thân thiết đối với trái tim tôi - hòa bình, đoàn kết, tình huynh đệ. Với các anh chị em Hồi giáo, chúng tôi đã đóng ấn tình huynh đệ này trong văn kiện Abu Dhabi, và ở đây tại Ma-rốc, với điều này, tất cả chúng ta đã thấy một sự tự do, một sự chào đón, mọi anh em với lòng tôn trọng tuyệt vời và bông hoa sống chung tuyệt đẹp, một bông hoa tươi đẹp hứa hẹn sẽ sinh hoa trái.

Chúng ta không được đầu hàng. Đúng là vẫn còn nhiều khó khăn. Sẽ còn nhiều khó khăn vì không may vẫn có những nhóm cực đoan. Điều này cũng thế, tôi muốn nói rõ ràng rằng: trong mọi tôn giáo luôn có những nhóm cực đoan, không muốn tiến tới và chỉ muốn sống với những hoài niệm đắng cay của các cuộc tranh đấu quá khứ và tìm kiếm nhiều cuộc chiến tranh hơn nữa cùng gieo rắc sợ hãi; và chúng ta đã thấy gieo hy vọng đẹp đẽ hơn xiết bao. Gieo hy vọng là nắm tay nhau, luôn hướng về phía trước.

Chúng ta đã thấy, ngay trong cuộc đối thoại với các bạn ở đây ở Ma-rốc rằng, cần có những cây cầu, và chúng ta cảm thấy đau đớn khi thấy có những người thích xây những bức tường. Tại sao chúng ta cảm thấy buồn? Bởi vì những người xây các bức tường kết cục sẽ trở thành tù nhân của những bức tường họ đã xây. Thay vào đó, những người xây dựng các cây cầu sẽ tiến lên phía trước. Đối với tôi, xây dựng các cây cầu là một thứ gần như vượt xa con người bởi vì nó cần rất nhiều nỗ lực.

Tôi rất xúc động bởi một câu trong tiểu thuyết, "Cây Cầu trên Sông Drina”, của Ivo Andrić. Ông nói rằng cây cầu được Thiên Chúa tạo ra bằng đôi cánh thiên thần để con người có thể thông đạt...để con người có thể thông đạt. Cây cầu dành cho việc thông đạt của con người. Và điều này thật đẹp và tôi đã thấy nó ở đây ở Marốc. Nó thật đẹp. Thay vì các bức tường chống lại thông đạt - chúng dành cho sự cô lập và những người xây chúng sẽ trở thành tù nhân của những bức tường đó. Vì vậy, xin tóm tắt: quả chưa thấy, nhưng chúng ta thấy rất nhiều hoa sẽ sinh quả. Ta hãy tiến bước như thế.

Gisotti: Thưa Đức Thánh Cha, Nicolas Seneze của La Croix giờ sẽ nêu câu hỏi của cô, có lẽ Cristina Cabrejas có thể đến gần hơn để chúng ta tiết kiệm thời gian.

Nicolas Seneze, La Croix: Thưa Đức Thánh Cha, xin kính chào Đức Thánh Cha buổi tối. Hôm qua, Quốc vương Marốc cho biết ông sẽ bảo vệ người Marốc gốc Do Thái và các Kitô hữu sống ở Marốc khỏi các quốc gia khác. Điều này đặt ra câu hỏi: những người Hồi giáo chuyển sang Kitô giáo thì sao? Con muốn biết Đức Thánh Cha có quan tâm đến những người đàn ông và phụ nữ này, những người có nguy cơ phải ngồi tù, hoặc tử vong ở một số quốc gia Hồi giáo, như Emirates, mà Đức Thánh Cha đã đến thăm. Và cũng là một câu hỏi hơi thầm lén, đó là về Đức Hồng Y Barbarin, người sinh ra ở Rabat, mà Đức Thánh Cha đã viếng thăm trong hai ngày.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Còn câu hỏi?

Seneze: Con biết nó hơi lắt léo, nhưng tuần này các hội đồng của Giáo phận Lyon đã bỏ phiếu gần như nhất trí rằng một giải pháp lâu dài phải được tìm thấy để ngài nghỉ hưu (nghỉ việc). Đặt ra ngoài{không nghe được} của Đức Hồng Y, con muốn biết liệu Đức Thánh Cha, người rất gắn bó với tính đồng nghị (synodality) của Giáo hội, có thể nghe lời kêu gọi này của một giáo phận đang gặp tình huống khó khăn như vậy không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Câu hỏi đầu tiên ra sao?

Seneze: Người Hồi giáo chuyển đổi sang Kitô giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi có thể nói rằng ở Ma-rốc có tự do thờ phượng, có tự do tôn giáo, có quyền tự do thuộc về một tín ngưỡng tôn giáo. Rồi, tự do luôn phát triển, nó lớn mạnh. Hãy nghĩ đến Kitô hữu chúng ta 300 năm trước, liệu có tự do mà chúng ta có ngày nay hay không. Đức tin phát triển trong ý thức, khả năng tự hiểu chính nó. Một đan sĩ giữa các các bạn, một người Pháp, Vincent thành Lérins, vào thế kỷ thứ 9 hoặc thứ 8 [biên tập: Thế kỷ thứ 5] đã đặt ra một biểu thức đẹp đẽ để giải thích cách các bạn có thể phát triển trong đức tin, giải thích rõ hơn mọi điều, cũng phát triển cả về đạo đức, nhưng cũng trung thành với cội nguồn của các bạn. Ngài nói ba chữ chính xác chỉ rõ đường đi. Ngài nói rằng phát triển trong việc giải thích và hiểu biết về đức tin và đạo đức phải “annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate,” nghĩa là nó phải được củng cố trong nhiều năm, mở rộng theo thời gian, nhưng vẫn là một đức tin ấy, và được thăng hoa trong nhiều năm.

Vì vậy, chúng ta hiểu, chẳng hạn, là ngày nay chúng ta, trong Giáo hội, đã bãi bỏ án tử hình khỏi Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Ba trăm năm trước, những kẻ dị giáo đã bị thiêu sống. Bởi vì Giáo hội đã phát triển trong lương tâm đạo đức, tôn trọng con người và tự do thờ phượng. Chúng ta cũng phải tiếp tục lớn lên. Có những người, Công Giáo, không chấp nhận những gì Công đồng Vatican II nói về tự do thờ phượng, tự do lương tâm. Có những người không chấp nhận nó. Người Công Giáo. Ngoài ra chúng ta có vấn đề này. Nhưng, anh em Hồi giáo cũng lớn lên trong lương tâm. Ở một số nước, họ không hiểu rõ hoặc họ không phát triển như ở những nước khác.

Ở Marốc, có sự tăng trưởng trên. Trong bối cảnh này, có vấn đề trở lại, một số quốc gia vẫn không thấy nó. Tôi không biết liệu nó có bị cấm không, nhưng việc thực hành thì bị cấm. Một số quốc gia như Ma-rốc tạo ra vấn đề - họ cởi mở hơn, tôn trọng hơn, họ tìm kiếm một cách tiến hành khôn khéo. Các quốc gia khác mà tôi từng nói chuyện với, “Chúng tôi không có vấn đề gì, nhưng chúng tôi thích họ làm phép rửa ở bên ngoài đất nước và họ trở về trong tư cách Kitô hữu”. Nhưng, có nhiều cách để tiến tới trong tự do tôn giáo và tự do thờ phượng .
Nhưng một điều khác có liên quan đến tôi: sự thoái bộ của các Kitô hữu chúng ta khi chúng ta lấy đi tự do lương tâm. Hãy nghĩ đến các bác sĩ Kitô hữu và các định chế bệnh viện không có quyền phản đối lương tâm, ví dụ, đối với trợ tử. Làm thế nào? Giáo hội đã tiến bước và các nước Kitô giáo của các bạn đi ngược? Hãy nghĩ đến điều đó vì nó là một sự thật. Ngày nay, các Kitô hữu chúng ta có nguy cơ một số chính phủ sẽ lấy mất quyền tự do lương tâm của chúng ta, nó vốn là bước đầu tiên hướng tới tự do thờ phượng. Câu trả lời không dễ dàng. Nhưng, ta đừng tố cáo người Hồi giáo. Chúng ta hãy tố cáo chính chúng ta cũng ở những nước này, nơi điều này xảy ra. Thật là xấu hổ.

Rồi, về Đức Hồng Y Barbarin. Ngài, một con người của Giáo hội, đã đệ đơn từ chức, nhưng về mặt đạo đức tôi không thể chấp nhận điều đó vì mặt pháp lý, nhưng cả trong luật học cổ điển hoàn cầu, có việc phải giả định vô tội trong thời gian vụ án còn chưa xong. Ngài đã làm đơn kháng cáo và vụ án vẫn chưa xong. Như thế, khi tòa án thứ hai đưa ra phán quyết, chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra. Nhưng, ngài luôn luôn phải được suy đoán là vô tội. Điều này rất quan trọng vì nó đi ngược lại sự lên án hời hợt của giới truyền thông. Luật học hoàn cầu nói gì? “ngài đã làm điều này”. Nhưng này, thẩm phán nói gì, luật học hoàn cầu nói gì? Họ nói rằng nếu một vụ án chưa xong, thì có sự suy đoán vô tội. Có thể ngài không vô tội, nhưng có việc giả định [vô tội].

Nhiều lần... một lần tôi đã nói về vấn đề này khi nói về Tây Ban Nha, cách truyền thông lên án đã hủy hoại cuộc sống của một số linh mục, những người sau đó được phán quyết là vô tội. Trước khi đưa ra lời kết án của truyền thông, hãy suy nghĩ kỹ. Tôi không biết liệu tôi có trả lời được chưa. Và, điều [Đức Hồng Y Barbarin] thích hơn, thật lòng... là “con sẽ nghỉ hưu, nghỉ phép tự nguyện và để cho cha tổng đại diện quản lý giáo phận cho đến khi tòa án đưa ra quyết định cuối cùng". Hiểu chứ? Cảm ơn bạn.

Gisotti: Vâng, xin yêu cầu tất cả các bạn cho ngắn gọn và chỉ một câu hỏi đối với mọi nhóm ngôn ngữ. Có Cristina Cabrejas của EFE hỏi câu hỏi của cô, trong khi đó Michael Schram của ARD nếu anh ta đã sẵn sàng. Làm ơn, Cristina.

Cristina Cabrejas, EFE: Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Xin chào ngài buổi tối. Tôi sẽ đặt câu hỏi bằng tiếng Ý. Trong bài diễn văn hôm qua với các nhà cầm quyền, ngài nói rằng hiện tượng di cư không được giải quyết bằng các rào cản vật lý, nhưng tại đây, ở Marốc, Tây Ban Nha đã xây dựng hai hàng rào bằng lưỡi sắc bén để cắt những người muốn vượt qua nó. Ngài đã gặp một vài người trong số họ trong một vài cuộc gặp gỡ và Tổng thống Trump những ngày này cho biết ông muốn đóng cửa hoàn toàn biên giới và đình chỉ viện trợ cho ba quốc gia Trung Mỹ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Trước hết, những gì tôi đã nói lúc nẫy, những người xây các bức tường, bất kể được làm bằng dây thép gai sắc như dao hoặc bằng gạch, sẽ trở thành tù nhân của những bức tường họ làm. Đầu tiên. Lịch sử sẽ chứng minh điều ấy.

Thứ hai, Jordi Evole, khi phỏng vấn tôi, đã cho tôi xem một đoạn kẽm gai đó sắc như dao. Tôi có thể chân thành nói với bạn, tôi rất xúc động. Sau đó, khi anh ấy bỏ đi tôi đã khóc. Tôi khóc vì quá nhiều sự tàn nhẫn như thế không nhập vào trái tim và đầu tôi được. Nhìn những người chết đuối ở Địa Trung Hải không nhập vào trái tim và đầu tôi được, các cửa khẩu khóa kín không nhập vào được. Đó không phải là cách để giải quyết vấn đề nghiêm trọng nhập cư. Tôi hiểu, một chính phủ có vấn đề này như có “củ khoai tây nóng”, cần phải được giải quyết theo một cách khác.

Khi tôi nhìn thấy sợi dây kẽm gai đó, sắc như dao, dường như tôi không thể tin được. Sau đó, một khi tôi có cơ hội xem một video về nhà tù giam người tị nạn trở về, bị gửi trả lại. Các nhà tù không chính thức, các nhà tù giữa những kẻ buôn người. Nếu cô muốn, tôi có thể gửi [video] cho cô. Nhưng họ tạo ra đau khổ, họ tạo ra đau khổ. Họ bán phụ nữ và trẻ em ở đó, những người đàn ông ở lại. Và những cực hình được nhìn thấy, được quay ở đó không thể nào tin được. Đó là một cuốn phim được thực hiện trong bí mật, với các dịch vụ. Ở đây tôi không cho vào: Điều đó đúng vì tôi không có chỗ, nhưng có những nước khác, có nhân tính nơi Liên minh châu Âu. Chúng ta phải nói về toàn bộ Liên minh châu Âu. Tôi không cho họ vào, hoặc để họ chết đuối ở đó, hoặc để họ đi vì biết rằng rất nhiều người trong số họ sẽ rơi vào tay những kẻ buôn người sẽ bán phụ nữ và trẻ em, giết hoặc tra tấn để nô dịch những người đàn ông. Cuốn Video cô có thể tùy ý sử dụng.

Có lần tôi đã nói chuyện với một chính trị gia, một người tôi tôn trọng và tôi sẽ nói rõ tên: Ông Alexis Tsipras. Và khi nói về điều này và các hiệp ước không cho [người di cư] vào, ông ấy đã giải thích các khó khăn cho tôi, nhưng cuối cùng, ông ấy đã nói với tôi từ trái tim và nói cụm từ này: 'các nhân quyền có trước các hiệp ước' Câu nói này xứng đáng nhận giải thưởng Nobel.

Gisotti: Đây, câu hỏi sẽ được Michael Schramm của ARD Đức ngỏ, và Cristiana Caricato đang chuẩn bị, cảm ơn bạn.

Michael Schramm, ARD Roma: Thưa Đức Thánh Cha, con phải xin lỗi, tiếng Ý của con không hay. Lấy làm tiếc. Câu hỏi của con: Đức Thánh Cha đã chiến đấu nhiều năm để bảo vệ và giúp đỡ người di cư, như Đức Thánh Cha đã làm trong vài ngày qua ở Marốc. Chính trị châu Âu hoàn toàn đi theo hướng ngược lại. Châu Âu trở thành một cây gậy chống lại người di cư. Chính sách này phản ánh ý kiến của cử tri. Phần lớn những cử tri này là Kitô hữu Công Giáo. Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào về tình huống đáng buồn này?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi thấy rằng nhiều người có thiện chí, không chỉ người Công Giáo, mà cả những người tốt, có thiện chí, bị kìm kẹp một chút bởi nỗi sợ đó là bài giảng thông thường của chủ nghĩa dân túy: sợ hãi. Gieo rắc sợ hãi rồi đưa ra các quyết định. Sợ hãi là khởi đầu của chế độ độc tài. Chúng ta hãy trở lại thế kỷ trước, gặp sự sụp đổ của đế chế Weimar [Cộng hòa]. Tôi nhắc lại điều này khá nhiều. Đức cần một lối thoát và, với những lời hứa và nỗi sợ hãi, Hitler đã đi trước. Chúng ta biết kết quả. Chúng ta học được từ lịch sử, điều này không có chi mới: Gieo rắc sợ hãi là thưc hiện mùa thu hoạch tàn ác, đóng cửa và thậm chí là vô sinh. Hãy nghĩ tới mùa đông nhân khẩu học của châu Âu. Ngay cả chúng ta, những người sống ở Ý: dưới số không. Hãy nghĩ tới việc thiếu ký ức lịch sử: Châu Âu được tạo ra bởi việc di cư và đó là sự phong phú của nó. Chúng ta nghĩ đến sự hào phóng của rất nhiều quốc gia, những quốc gia mà ngày nay đang gõ cửa châu Âu, với những người di cư châu Âu từ '84 trở đi, hai thời kỳ hậu chiến, hàng loạt, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ. Cha tôi đã đến đó trong thời kỳ hậu chiến, được chào đón. Ngay cả châu Âu cũng có thể có một chút lòng biết ơn, đó là sự thật. Thật đấy. Để hiểu biết, tôi sẽ nói hai điều. Đúng là việc đầu tiên chúng ta nên làm là cố gắng bảo đảm rằng những người di cư vì chiến tranh hoặc vì đói không có nhu cầu này. Nhưng nếu châu Âu, hào phóng như thế, mà lại bán vũ khí cho Yemen [được sử dụng] để giết trẻ em, làm sao châu Âu có thể nhất quán được? Tôi nói: đây là một ví dụ, nhưng Châu Âu quả có bán vũ khí. Rồi có vấn đề đói, khát. Châu Âu, nếu nó muốn là mẹ châu Âu chứ không phải bà ngoại châu Âu, thì phải đầu tư, phải cố gắng một cách thông minh để giúp nâng cao [người ta] bằng giáo dục, bằng các khoản đầu tư, (đây không phải là việc của tôi, Thủ tướng Merkel nói). Đó là một điều bà ấy đề xuất khá tốt.

Ngăn chặn nhập cư không phải bằng vũ lực, mà bằng sự hào phóng, đầu tư giáo dục, đầu tư kinh tế, v.v ... Điều này rất quan trọng. Điều thứ hai về việc này: phải hành động thế nào. Đúng là một quốc gia không thể tiếp nhận mọi người, nhưng có cả một châu Âu để phân phối người di cư đến, có cả một châu Âu. Vì lòng hiếu khách phải có tâm hồn rộng mở, sau đó đồng hành, cổ vũ và hòa nhập. Nếu một quốc gia không thể hòa nhập [người di cư], họ phải nghĩ ngay đến việc nói chuyện với các quốc gia khác: bạn có thể hòa nhập bao nhiêu để mang lại một cuộc sống xứng đáng cho người ta.

Một ví dụ khác mà tôi đã sống trong xác thịt của tôi trong thời kỳ độc tài, cuộc hành quân Condor ở Buenos Aires, Mỹ Châu Latinh, Argentina, Chile và Uruguay. Lúc đó Thụy Điển tiếp nhận người ta, với một sự hào phóng gây ấn tượng.

Họ ngay lập tức học ngôn ngữ với chi phí của nhà nước, họ tìm được việc làm, một căn nhà. Bây giờ Thụy Sĩ cảm thấy một chút khó khăn trong việc hòa nhập [người di cư], nhưng nước này nói lên điều đó và yêu cầu giúp đỡ.

Khi tôi ở Lund năm ngoái, hoặc năm trước nữa, tôi không nhớ, thủ tướng đã chào đón tôi, nhưng trong buổi lễ chia tay là một bộ trưởng, một bộ trưởng trẻ, tôi tin giáo dục. Cô ấy có một chút tóc nâu, bởi vì cô ấy là con gái của một người Thụy Điển và một người di cư châu Phi. Đó là lý do tôi lấy quốc gia đó làm ví dụ, Thụy Điển, hòa nhập [người di cư]. Nhưng điều này mới có sự hào phóng, đó là mong muốn tiến lên phía trước. Với sợ hãi, chúng ta sẽ không tiến lên phía trước, với các bức tường chúng ta sẽ vẫn cứ đóng kín trong những bức tường này. Tôi đang giảng một bài giảng, xin lỗi.

Gisotti: Bây giờ đến câu hỏi của Cristiana Caricato của TV2000 và chúng ta sẽ xem liệu chúng ta có thể hỏi câu hỏi cuối cùng hay không.

Cristiana Caricato, TV2000: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha vừa nhận định các nỗi sợ hãi và nguy cơ độc tài mà những nỗi sợ hãi này có thể tạo ra. Mới hôm nay, một bộ trưởng người Ý, khi đề cập đến hội nghị Verona, nói rằng hơn cả gia đình, người ta phải sợ Hồi giáo. Đức Thánh Cha đã nói điều gì khác trong nhiều năm nay. Theo ý kiến Đức Thánh Cha, chúng ta có nguy cơ độc tài ở nước ta [Ý] không? Theo Đức Thánh Cha, đó là kết quả của định kiến, không biết, Đức Thánh Cha nghĩ gì? Và rồi một chuyện tò mò: Đức Thánh Cha thường tố cáo hành động của ma quỷ, Đức Thánh Cha cũng đã làm như vậy tại [hội nghị thượng đỉnh của Vatican về lạm dụng]. Dường như đối với con, trong thời kỳ sau cùng này, hắn rất tích cực, ma quỷ đã tự dành cho mình khá nhiều việc phải làm gần đây, cả trong Giáo hội nữa. Theo Đức Thánh Cha, nên làm gì để chống lại hắn, nhất là liên quan đến vụ tai tiếng ấu dâm? Pháp luật có đủ không? Tại sao ma quỷ lại tích cực như vậy trong lúc này?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Rất tốt. Cảm ơn cô vì đã hỏi. Một tờ báo cho biết, sau bài diễn văn của tôi vào cuối hội nghị thượng đỉnh [của các hội đồng giám mục]: Đức Giáo Hoàng khá liến láo. Đầu tiên ngài nói rằng ấu dâm là một vấn đề hoàn cầu, sau đó ngài lại bảo là một điều của Giáo hội, cuối cùng ngài rửa tay và đổ lỗi cho ma quỷ. Một chút 'ngây thơ' không phải sao? Bài diễn văn đó rất rõ ràng. Một triết gia Pháp, vào thập niên 70, đã đưa ra một sự phân biệt khá soi sáng cho tôi. Ông ấy được mời [ghi âm không rõ ràng]. Ông đã cho tôi một ánh sáng giải thích. Ông nói: để hiểu một tình huống bạn phải đưa ra mọi giải thích rồi tìm kiếm ý nghĩa. Về mặt xã hội điều này có ý nghĩa gì? Về mặt bản thân hay tôn giáo, nó có ý nghĩa gì?

Tôi cố gắng cung cấp cho cô mọi giải thích và cả các giới hạn của các giải thích này. Nhưng có một điểm không thể hiểu được nếu không có mầu nhiệm sự ác. Hãy nghĩ tới điều này: văn hóa khiêu dâm ảo về trẻ em. Có hai cuộc họp quan trọng [về chủ đề này], một ở Rôma và một ở Abu Dhabi. Tôi tự hỏi: Tại sao điều này trở thành một điều hàng ngày? Tại sao, tôi đang nói về số liệu thống kê nghiêm túc, làm thế nào có chuyện tôi muốn xem việc lạm dụng tình dục trẻ em, trực tiếp, làm thế nào cô lại có thể kết nối với văn hóa khiêu dâm ảo về trẻ em, họ làm ra điều đó. Này, tôi không nói dối đâu. Đó là trong số liệu thống kê. Tôi tự hỏi: há những người chịu trách nhiệm về trật tự công cộng không thể làm gì hay sao? Chúng ta trong Giáo hội sẽ làm mọi điều để kết liễu cơn dịch này, chúng ta sẽ làm tất cả. Và trong bài diễn văn đó tôi đã đưa ra các biện pháp cụ thể. Và chúng đã có, trước hội nghị thượng đỉnh, khi các chủ tịch hội đồng đưa cho tôi danh sách đó tôi đã phân phối cho tất cả các bạn [Biên tập: 21 ‘điểm để suy nghĩ’]. Nhưng có phải thủ phạm của sự bẩn thỉu này là vô tội? Những kẻ kiếm được tiền từ điều này? Ở Buenos Aires, với hai nghị viên của thành phố, không phải của chính phủ quốc gia, chúng tôi đã ra lệnh, không phải là luật, mà là một điều khoản không ràng buộc đối với các khách sạn sang trọng, nơi người ta nói 'phải đặt ở phòng tiếp tân [câu]: tại khách sạn này (các liên hệ) tiêu khiển với trẻ vị thành niên không được phép' Không ai muốn đặt câu đó. 'Không, nhưng bạn biết đấy, bạn không thể, có vẻ như chúng ta bẩn thỉu, chúng ta không cho phép điều ấy, nhưng không có yết thị' Một chính phủ, chẳng hạn, không thể nhận diện nơi video [lạm dụng] này [diễn ra], những việc này được thực hiện với trẻ em ở đâu? Tất cả được quay trực tiếp. Điều này để nói rằng tai họa hoàn cầu là rất lớn, nhưng cũng để nói rằng điều này không được hiểu nếu không có thần xấu. Đó là một vấn đề cụ thể. Chúng ta phải giải quyết nó một cách cụ thể, nhưng hãy nói rằng đó là thần xấu.

Và để giải quyết điều này, có hai ấn phẩm mà tôi đề nghị: một là bài báo của Gianni Valente trong Vatican Insider, trong đó ông nói tới phái Donatists. Nguy cơ của Giáo hội ngày nay là trở thành phái Donatist bằng cách thi hành mọi sự [bằng] các dự liệu của con người, một điều cần phải làm, nhưng chỉ những dự liệu này mà thôi, mà quên mất các chiều kích khác như: cầu nguyện, đền tội, buộc tội chính mình, những điều chúng ta không quen làm. Cả hai! Vì thắng thần xấu không phải là 'rửa tay,' nói 'ma quỷ làm điều đó', không. Chúng ta cũng phải đấu tranh với ma quỷ, như chúng ta phải đấu tranh với những thứ của con người.

Ấn phẩm khác là một ấn phẩm mà họ đã làm ... cô, La Civilta Cattolica. Tôi đã viết một cuốn sách năm 1987, “Các Lá thư Khổ não” (“The Letters of Tribulation”), đó là những lá thư của các cha bề trên cả dòng Tên thời đó, khi dòng sắp bị giải thể, và tôi đã viết lời nói đầu. Và những người này đã nghiên cứu cuốn này và họ đã tìm được một bài nghiên cứu về các lá thư mà tôi đã viết cho hàng giám mục Chile và cho người dân Chile, phải hành động ra sao trong vấn đề này, hai phần, phần con người, phần khoa học để đi trước và chống lại, phần pháp lý nữa, và sau đó là phần tâm linh.

Điều tương tự tôi đã làm với các giám mục Hoa Kỳ, bởi vì các đề xuất quá nhiều đối với một tổ chức, về phương pháp luận, hơi không có ý nghĩa, nhưng nó đã bỏ qua chiều kích tâm linh thứ hai này, với hàng giáo dân, với mọi người.

Tôi muốn nói với cô, Giáo hội không phải là một giáo hội duy cộng đoàn (congregationalist), nó là Giáo Hội Công Giáo, nơi giám mục nắm giữ điều này trong tay như một mục tử, “Đức Giáo Hoàng phải nắm lấy điều này trong tay”, nhưng ngài nắm nó thế nào? Với các biện pháp kỷ luật, với lời cầu nguyện, sám hối, lời buộc tội chính bản thân. Trong bức thư mà tôi đã viết cho các ngài trước khi các ngài bắt đầu các buổi linh thao, chiều kích này cũng đã được giải thích rõ ràng. Tôi rất biết ơn nếu cô nghiên cứu cả hai thứ: phần con người và cả cuộc chiến tâm linh nữa.

Gisotti: Không, chúng ta đã thực sự vượt quá thời gian, tôi xin lỗi, nhưng đó là một cuộc họp báo đã trở nên dài hơn thế ...

Caricato: Câu hỏi đặt ra là ngay cả ở Ý chúng ta có nguy cơ độc tài hay không.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Thực sự, tôi không hiểu chính trị Ý. Tôi không hiểu. Hôm qua, tôi đã tình cờ gặp [trên máy bay] Franca [Giansoldati]. Tôi đã đọc vội về Ngày gia đình này. Tôi nói [với Giansoldati] cô đã không viết nó hay sao? Cô nghĩ gì về Ngày gia đình? Tôi không biết nó là gì, thực sự tôi biết đó là một trong nhiều ngày mà [người Ý] có. Tôi cũng biết, tôi nói với cô ấy rằng, tôi đã đọc bức thư do Đức Hồng Y Parolin gửi và tôi đồng ý. Một lá thư mục vụ, lịch sự từ trái tim của một mục tử. Nhưng đừng hỏi tôi về chính trị Ý, tôi không hiểu.

Gisotti: Tôi xin lỗi, như tôi đã nói với các bạn, chúng ta thực sự, hoàn toàn, hết thì giờ. Thật sự chỉ còn một phút cho một bất ngờ nho nhỏ dành cho hai đồng nghiệp đã có ngày sinh nhật hôm qua: Phil Pulella và Gerry O'Connell, hai đồng nghiệp tuyệt vời và đây là một món quà nhỏ từ cộng đồng đồng nghiệp của các bạn và tất cả chúng ta.