Chúa Nhật Lễ Lá Khai mạc Tuần Thánh Năm B 2018

Phụng vụ hôm nay được cử hành với 2 phần mở đầu mà nội dung ý nghĩa và hình thức diễn đạt xem ra hoàn toàn đối nghịch nhau :

- Nghi thức tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành mang bầu khí tươi vui, rạng rỡ, với tiếng hát chúc tụng, lời hoan hô tưng bừng náo nhiệt.

- Trong khi đó, phần Phụng Vụ Lời Chúa lại kéo cộng đoàn trở về với không khí ảm đạm, u buồn : cả 3 Bài đọc đều nói về cuộc thương khó, sự chết.

* Bài đọc 1 : Trích đoạn sách ngôn sứ Isaia trình bày chân dung “Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa” cho dầu phải chịu nhục hình vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

* Bài đọc 2 : Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Philipphê đã dạy rằng : Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ và vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên cây thập giá. Chính với sự tự hạ thẳm sâu đó, Thiên Chúa đã tôn vinh Người.

* Riêng đáp vịnh ca với thánh vịnh 21, cũng là những lời cầu nguyện trong đau thương ngút ngàn của người công chính : “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đơn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan…”

* Cuối cùng : Trình thuật Thương khó theo Thánh Mát-cô quảng diễn “bi kịch Thương Khó” rất nhân văn và gần gũi thông qua những gương mặt “rất người” và đối nghich nhau : như Phêrô-Giuđa, Philatô-Simon Kyrênê, nhóm quan chức Do Thái giáo-những người phụ nữ đạo đức…; và nhất là Mát-cô đã đưa chiều kích “khổ nạn” lên một ý nghĩa cao cả, nhiệm mầu ở giữa một rừng những báng bổ, xúc phạm và vô tín vô tâm qua lời tuyên tín của viên sĩ quan ngoại giáo : “Quả thật người nầy là Con Thiên Chúa” !

Hội Thánh tin tưởng và tuyên xưng điều gì khi sắp xếp một tiến trình phụng vụ xem ra mâu thuẫn như thế ? Để hiểu rõ, không gì bằng, chúng ta thử nghe lại lời kinh Tổng nguyện trong Thánh lễ hôm nay ; bởi vì khi Hội Thánh cầu nguyện cũng là lúc Hội Thánh diễn tả đức tin của chính mình (Lex orandi lex credendi).

“…Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc Thương Khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.” (Lời nguyện nhập lễ).

Trong lời kinh Tổng nguyện nầy, chúng ta để ý thấy 2 cặp từ chủ yếu : THƯƠNG KHÓ và PHỤC SINH.

Thì ra, phần đầu lễ nghi Phụng vụ hôm nay, chính là vinh quang phục sinh. Thật vậy, chúng ta được chính Đức Kitô dẫn đầu để tiến vào vương quốc Nước Trời, tiến vào cuộc chiến thắng vinh quang của ơn cứu độ, của tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa. Theo Đức Kitô mà dẫn tới thất bại, tới đường cùng, tới thất vọng…thì theo làm gì cho mệt, cho lãng phí !

Nếu cây “Cọ dừa” hay “Thiên Tuế” là biểu tượng của sự chiến thắng, đoạt giải (người chiến thắng được gọi là người mang thiên tuế = To carry the palm), thì quả thật, như Tin Mừng Gioan đã mô tả đầy ý nghĩa : “Họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò…” (Ga 12,13), “sự kiện rước lá đón Chúa vào Giêrusalem” là báo trước cái giờ vinh quang mà Đức Kitô đã bao lần xác quyết : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Ngài phải chết cách nào. (Ga 12, 23.31-33). Chúng ta cũng đừng quên, sau nầy trong tác phẩm Khải Huyền, Thánh Gioan cũng nhắc đến “cành vạn tuế và đoàn người chứng nhân chiến thắng” : “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9).

Tuy nhiên, con đường chiến thắng vinh quang đó, con đường phục sinh lẫy lừng đó không phải là chuyện “dễ ợt” theo cái kiểu “bất chiến tự nhiên thành”, mà phải là một cuộc dấn thân “trầy vi tróc vảy”, một cuộc chiến đấu một mất một còn, một chọn lựa không phải một “rừng mơ ngọt ngào của Tào Tháo”, mà là một “hoang mạc đầy dẫy gai chông, cạm bẫy, thách đố, đắng cay và cả cái chết đau thương… Tin Mừng Mát-cô đã cho ta thấy ý nghĩa nầy khi đặt vào miệng Đức Kitô những lời nguyện tha thiết trong nỗi đau tột cùng của Thánh vịnh 21 khi Ngài trải qua những giay phút hấp hối trên thánh giá : “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15,34)…”. Và Đức Kitô đã chọn lựa, đã dấn thân và hoàn tất con đường đó khi Ngài “kêu lớn tiếng rồi gục đầu tắt thở” (Mc 15,37); đó chính là tiếng thân thưa với Chúa Cha mà Tin Mừng Luca đã tường thuật : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) !

Và như vậy, Tuần Thánh được mở ra hôm nay với cuộc “vào thành” của Đức Kitô, sẽ tuần tự diễn ra cả một tiến trình Vượt Qua của Đức Kitô mà toàn thể dân Chúa được gọi mời tham gia và đón nhận vào chính cuộc hành trình đức tin của mình.

Bởi vì không thể là Kitô hữu nếu không “cử hành Ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc đời mình”; nghĩa là cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” chính Bánh Thánh Thể và Chén máu Giao ước và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh chị em (Lễ Tiệc Ly) !

Cũng vậy, không thể là Kitô hữu nếu không “đi qua chiều Thứ Sáu Tuần Thánh”; nghĩa là không can đảm chấp nhận “chén đắng” của hy sinh, bỏ mình, và những thập giá xuyên qua suốt cuộc đời, thập giá của bệnh hoạn, tật nguyền, yếu đau…trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, cùng bao nhiêu gánh nặng đau thương nhức nhối khác…(Thứ Sáu Khổ nạn);

Cũng vậy, không thể là Kitô hữu nếu không sống “niềm tin Phục Sinh”; nghĩa là khi chúng ta không mang một trái tim mới, một thần khí mới, một ngọn lửa mới, đó là niềm vui Phục Sinh, đó là Đức Kitô phục sinh, đó là sự chiến thắng của tình yêu và hy vọng, đó là sự “tái sinh vào vương quốc sự sống” (Vọng Phục sinh), đó là “bỏ lại đằng sau nấm mồ của tăm tối, nô lệ để bước đi trong ánh bình minh của tin yêu hy vọng” (Chúa Nhật Phục Sinh).

Để minh họa cho ý nghĩa hôm nay, chúng ta có thể đọc lại lời chứng sống động nầy:

Trong trại tù Auschwitz, một trại tù nỗi tiếng của Đức Quốc Xã giam giữ những người Do thái, người ta đã tìm được một lời cầu nguyện rất cảm động như sau :

“Lạy Chúa, xin đừng chỉ nhớ đến những người thiện chí, mà hãy nhớ cả những kẻ ác tâm. Đừng chỉ nhớ những nỗi khổ đã đổ dồn xuống chúng con, mà cũng hãy nhớ đến những hoa trái mà các đau khổ ấy đã sinh ra cho chúng con: tình bạn chân thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, tính quảng đại và con tim nhân ái. Khi những người hành hạ chúng con phải ra trước toà Chúa phán xét, xin cho tất cả những hoa trái ấy thành những lời xin ơn tha thứ cho họ.”

Cũng ước mong sao trong những ngày Tuần Thánh nầy, trên khuôn mặt và trong trái tim của mỗi người chúng ta vẫn còn phảng phất một chút gì đó nỗi xót thương ngậm ngùi của Đức Mẹ, nỗi xót xa thống hối của Phêrô, nỗi thương đau giúp đỡ của Simêon, nỗi đồng cảm hiệp thông của những người phụ nữ Salem, niềm xác tín sâu xa chân tình của viên sĩ quan ngoại giáo…

Ước gì hôm nay khi ra về với “cành thiên tuế” trên tay, chúng ta thật sự là một “người chiến thắng” cùng với Đức Kitô, Đấng mà chúng ta không phải chỉ “đi bên cạnh để tung hô ngoài môi mép” như đoàn dân Salem thuở nào, nhưng là “rước thật Mình và Máu Chúa vào lòng” để từng ngày “sống cho Đấng đã chết và sống lại” vì ta. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

Lễ Lá 2018