Mỗi năm cứ vào Mồng Bốn Tết, các Giáo Xứ thuộc Giáo Phận Xuân Lộc lại tổ chức cầu nguyện cho các tu sĩ, lúc đầu cho những người đã khuất, sau cho cả người sống. Các cha sở còn có sáng kiến biến ngày ấy thành ngày họp mặt các tu sĩ trong xứ nhằm cổ vũ cho ơn gọi tu trì, sáng Thánh Lễ, trưa liên hoan.

Sáng nay, Lễ xong trở về, Minh là một Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, vốn vui vẻ hoạt bát bỗng trầm ngâm khác thường. Về đến nhà, anh vào phòng ngay, khoá chặt cửa. Dũng, anh ruột Minh vẫn có thói quen, cứ mỗi lần Minh về lại sang uống cà-phê, chuyện trò cả hơn tiếng mới chịu về. Cà-phê đã lạnh tanh, Dũng đã đốt hết hơn nửa gói thuốc mà cửa phòng Minh vẫn im lìm bất động. Mấy đứa cháu ba, bốn tuổi vẫn thường đùa giỡn với Minh, nghịch ngợm, đập cửa, la hét, vẫn không một tiếng trả lời.

Thấy lạ, Dũng không còn kiên nhẫn được nữa, đến gõ cửa gọi: “Cà-phê, Minh ơi !”

Không đáp lại một tiếng, Minh lặng lẽ mở cửa, miễn cưỡng bước ra bàn, ngồi mơ màng theo khói thuốc. Dũng chột dạ, tự hỏi hay Minh đã biết chuyện mình. Bá, con trai út của Dũng, út ít được cưng chiều quá, hóa hư, dính vào ma túy. Vì sĩ diện và vì muốn giữ thanh danh cho gia đình có thầy, có soeur, Dũng ém nhẹm, không cho ai biết. Tháng trước, Bá sang thăm nhà chú út, cuỗm lấy 10 triệu, chuyện đổ bể, nhưng Dũng đã khôn khéo dàn xếp với chú em cho êm cửa êm nhà. “Minh biết chuyện Bá rồi sao ?” Dũng tự hỏi. “Ai đã cho nó biết?” Dũng quyết định phải tìm cho ra lẽ.

Thấy Minh mắt vẫn đăm chiêu, hai tay vẫn ấp chặt lấy ly cà-phê, Dũng hỏi: “Uống cà-phê đi chứ... Hình như chú có chuyện gì không vui thì phải ?” Dũng giật mình bừng tỉnh, đáp: “Chuyện chẳng có gì quan trọng, nhưng sao em cứ băn khoăn mãi. Sáng nay Lễ xong, nói chuyện với mấy đứa Dòng Đa-minh, Dòng Phan-xi-cô, Don Bosco, cả mấy Nữ Tu nữa, em thấy trăn trở quá.” - “Chuyện gì thế ?”

Nhà đi đâu hết rồi, sao im thế ?” Ông Hiểu, bác ruột Minh vừa bước vào sân vừa nói. Vào nhà thấy Minh, ông hỏi: “Bao giờ cháu đi ?” - “Cháu được nghỉ tới mùng 9 cơ, nhưng chiều nay cháu đi rồi. Bài vở nhiều quá bác ơi !” - “Nghỉ ngơi cho khỏe đã ! Bài vở thì lúc nào chẳng có, Tết mỗi năm chỉ có một lần, phải không nào ?”

Không thấy Minh phản ứng gì, lại thấy Dũng đăm chiêu, tưởng Dũng đang nói với Minh chuyện Bá, ông Hiểu hỏi: “Anh em đang nói chuyện gì thế ? Cứ im đi là hay nhất.” - “Không im được bác ạ !” Minh trả lời cho có. “Chuyện gì mà không im được ?”

Minh miễn cưỡng trả lời: “Sáng nay bạn bè cùng tu với cháu, đứa thì than ban giám đốc khó quá, thiếu nhân bản. Gọi điện thoại mà cũng bắt phải xin phép, ra ngoài mà cũng phải xin phép. Đứa lại thêm thời buổi này mà đi xe gắn cũng không cho, không cho sử dụng vi tính riêng, thật đúng là ban giám đốc của thời Trung cổ. Mấy nữ tu thì than thở: các bà giáo cứ như trời con, muốn gì được nấy, còn mình thì cái gì cũng không cho. Khó vừa vừa thôi để cho người ta sống với chứ ! Khó thế, chỉ có nước đóng cửa tu viện sớm. Dòng Chúa Cứu Thế vẫn bị tiếng là cấp tiến, nhưng chẳng biết hiện đang cấp tiến hay cấp lùi !”

“Đúng đấy !” Dũng chen vào. “Thời buổi này phải hiểu biết và thông cảm chứ !”

Ông Hiểu nhìn Minh ái ngại, nói: “Than thở là bệnh kinh niên của con cái đối với cha mẹ, của học trò đối với thầy cô, của tu sĩ đối với bề trên. Kêu ca là đặc tính cố hữu của những người thiếu trưởng thành, thiếu trách nhiệm. Bốn mươi năm về trước, bác không chỉ than thở, kêu ca mà còn xách động cả một băng chống đối, khi bừng tỉnh, hối hận không kịp nữa, nên bây giờ mới ra nông nỗi này.”

Ông giơ tay với lấy tách trà, nhấp giọng tiếp:

Ngày xưa khi còn ở Chủng Viện, bác cứ tưởng kỷ luật là hàng rào kìm hãm con người trong vòng ấu trĩ. Lúc ra đời mới biết, mình phải vâng lời cả những đứa chính mình đã đẻ ra. Nhiều lần, bác xem đá banh, đang đến hồi gay cấn, nó hét con đau bụng quá, lấy bô cho con, ba ! Thế là phải tức tốc bỏ cả xem đá banh, bê bô, rửa ráy cho nó. Chỉ khi làm cha mẹ mới biết kêu ca, trách móc là vô lý; chỉ khi làm bề trên mới hiểu kỷ luật không ấu trĩ hóa con người, mà là thước đo mức độ trưởng thành của con người. Vâng lời không bóp nghẹt con người nhưng làm cho người ta sống.

Bác còn nhớ, hồi mới ở Chủng Viện ra, lúc ấy bác đã là thầy bốn rồi chứ ít gì. Ra phải đi lính ngay. Ở quân trường, mấy thằng khoá trước, nhãi ranh mới lớn, hống hách. Nó cầm trái ớt, hất hàm hỏi bác: “Ê ! Trái gì đây, thằng kia ?” - “Ớt !” Nó nghiêm mặt bảo: “Phải nói: thưa ngài đó là trái chuối.”

Rồi nó bắt bác phải lặp lại: thưa ngài, đó là trái chuối. Rồi nó bê cả chén ớt, bảo: “Chuối thì ăn đi !” Bác phải ngồi nhai, nước mắt, nước mũi dàn dụa, vừa nhục, vừa cay đắng. Hôm khác, nó lại chỉ đống đá hỏi: “Đống này là cái gì ?” - “Thưa ngài, đó là đống đá !” - “Không phải, đó là đống nệm.” Bác phải cắn răng lặp lại: thưa ngài, đó là đống nệm. Nó nghênh ngang bảo: “Đêm nay mi ngủ trên đống nệm này, rõ chưa !” Đêm ấy, bác ngủ không được, ngứa ngáy bực bội vì cái thằng nhãi ranh lên mặt. Mấy thằng cùng khóa, ba gai, chống lại, bị đánh bầm dập, ra trường ngỏm củ tỏi hết trơn. Bác, vì nhát đòn, không dám cãi, nhưng rất uất ức, bất mãn, ra trường mới biết, đó là con đường sống...”

Ông kể tiếp: “Năm 74, lúc ấy bác đang là đại úy tiểu đoàn trưởng. Một lần hành quân tại Buôn Ma Thuột, xung quanh toàn là vườn cà-phê, chỉ có một khu đất trống, khoảng hơn 1 hecta, bác cho lính vào nằm hết trong vườn càphê cho an toàn. Lính vừa ổn định, thì nhận được lệnh, phải đưa hết quân ra nằm tại vùng đất trống. Thấy vô lý nhưng không dám cãi, bác cho lính ra nằm tại bãi trống. Bác chưa kịp nằm xuống, thì vườn càphê đã bị pháo tanh banh. Đó là một trong những kỷ niệm nhớ đời của bác...”

“Chà ! Bác cháu nói chuyện gì mà vui thế ?” Ba Minh vừa máng chiếc áo lên thành ghế, vừa hỏi. “Kể một vài kỷ niệm cho các cháu nghe mấy ngày Tết cho vui ấy mà ! Thôi chào chú, chào các cháu, tôi về. Ở nhà chó nó đang đợi !” Ra khỏi cửa, ông còn nói với lại: “Chú và các cháu, nhớ trưa nay sang nhà tôi chén đấy nhé !” Dũng gật đầu ra vẻ đồng ý, nhìn Minh buột miệng nói: “Ông Hiểu có lý ! Thằng Bá nhà tôi thiếu kỷ luật”.


Minh thở phào nhẹ nhõm, ngẫm nghĩ: kỷ luật là thước đo mức độ trưởng thành của con người. Vâng phục không bóp chết nhưng làm cho người ta sống. Vậy mà chẳng hiểu sao, nhiều tu sĩ đã khấn vâng phục vẫn mắc phải chứng bệnh kinh niên kêu ca, chống đối !

Tàn tiệc trưa hôm ấy, ông Hiểu vỗ vai Minh, nói: “Bác nói chắc cháu không tin đâu, nhưng đừng để khi hối hận, thì không còn kịp nữa !” - “Cháu tin bác mà !” Minh từ giã ông Hiểu... Trên thềm cây mai toàn lộc, chỉ còn mỗi cánh hoa vàng nở muộn, đang cười toe toét, đong đưa trong nắng chiều.