PHẦN I

Xem xét các thách đố của gia đình

Chương I

Gia đình và bối cảnh văn hóa nhân học

Bối cảnh văn hóa xã hội

6. (5) Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, chúng tôi nhìn vào thực tại gia đình ngày nay trong mọi nét phức tạp của nó, với cả ánh sáng và bóng tối của nó. Chúng tôi hướng các suy nghĩ của chúng tôi vào các cha mẹ, các ông bà, các anh chị em, các thân nhân xa gần và các dây liên kết giữa hai gia đình được hôn nhân tạo ra. Các thay đổi nhân học và văn hóa thời ta đã ảnh hưởng lên mọi khía cạnh đời sống và đòi hỏi một phương thức phân tích và đa dạng. Các khía cạnh tích cực sẽ được nêu bật trước nhất, tức là, một tự do phát biểu lớn hơn và một nhìn nhận tốt hơn các quyền của phụ nữ và trẻ em, ít nhất tại một số nơi trên thế giới. Mặt khác, cần phải dành một xem sét tương tự cho mối nguy hiểm đang lớn mạnh do chủ nghĩa duy cá nhân đầy rắc rối tạo ra, một chủ nghĩa đang làm méo mó các dây liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành tố của gia đình như một đơn vị cô lập, mà trong một số trường hợp đã dẫn tới ý niệm cho rằng mỗi người được đào tạo tùy theo dục vọng riêng, những dục vọng được coi như tuyệt đối. Thêm vào đó, còn có cuộc khủng hoảng đức tin, mà người ta thấy tận mắt nơi rất nhiều người Công Giáo, một cuộc khủng hoảng đôi lúc nằm bên dưới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình.

Các thay đổi nhân học

7. Đặc điểm của xã hội ngày nay là tính đa dạng trong các khuynh hướng. Chỉ một thiểu số người sống theo, ủng hộ và khuyến khích giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân và gia đình, thấy trong nó sự tốt lành của chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Các cuộc hôn nhân, bất luận là hôn nhân tôn giáo hay không, đều đang giảm đi về con số, trong khi ly thân và ly dị thì đang gia tăng. Người ta càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá của mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà và trẻ em, và sự quan trọng của các nhóm sắc tộc và thiểu số khác nhau, là các nhóm hiện đang trở nên thịnh hành tại nhiều quốc gia, không phải chỉ ở Tây Phương mà thôi.

Trong nhiều nền văn hóa, người trẻ đang biểu lộ sự sợ sệt trong việc thực hiện các cam kết dứt khoát, trong đó, có cam kết đối với (việc lập) gia đình. Nói chung, chủ nghĩa duy cá nhân cực đoan, mỗi ngày mỗi trở nên phổ thông, tập chú hàng đầu vào việc thỏa mãn các dục vọng không dẫn tới việc hoàn thành bản thân cách trọn vẹn.

Sự phát triển của xã hội tiêu thụ đã tách biệt tính dục ra khỏi sinh sản. Sự kiện này cũng là một trong các nguyên nhân nằm sâu bên dưới làm giảm dần sinh suất, mà ở một số nơi có liên hệ với cảnh nghèo hay thiếu khả năng săn sóc con cái; và ở một số nơi khác, có liên hệ với việc không sẵn sàng nhận trách nhiệm và với ý niệm cho rằng con cái có thể xâm phạm tới việc thong dong theo đuổi các mục tiêu bản thân.

Các mâu thuẫn văn hóa

8. Nhiều mâu thuẫn văn hóa đang gây hiệu quả đối với gia đình. Gia đình tiếp tục được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các liên hệ thân mật và đáp trả yêu đương hơn hết, nhưng các căng thẳng phát sinh từ nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa cực đoan, đặt trọng tâm vào việc tích lũy của cải và hưởng thụ, đã phát sinh trong gia đình sự bất khoan dung và gây hấn, đôi khi không kiểm soát nổi nữa. Một thứ chủ nghĩa duy nữ nào đó cũng có thể được nhắc đến, một thứ duy nữ coi việc làm mẹ chỉ như cái cớ để bóc lột người đàn bà và ngăn cản nàng không thể hiện được trọn vẹn. Đồng thời, hiện có khuynh hướng càng ngày càng coi việc có con như là cách thỏa mãn các ước vọng bản thân, một điều có thể thực hiện được bằng bất cứ phương tiện nào hiện có. Cuối cùng, có những lý thuyết theo đó, căn tính bản thân và sự thân mật xúc cảm phải được tách biệt khỏi sự dị biệt sinh học giữa nam và nữ.

Tuy nhiên, cùng một lúc, một số người lại muốn thừa nhận đặc tính bền vững của mối liên hệ cặp đôi tách biệt khỏi sự dị biệt tính dục, và đặt nó cùng một bình diện như mối liên hệ hôn nhân, là mối liên hệ được nối kết từ bên trong với các vai trò làm cha và làm mẹ và được xác định trên căn bản sinh học của việc sinh đẻ. Sự lẫn lộn do đó mà ra không giúp được gì cho việc xác định tính chất đặc biệt của các cuộc kết hợp như thế trong xã hội. Đúng hơn, nó hạ tầng sợi dây nối kết đặc biệt giữa dị biệt sinh học, việc sinh sản và căn tính nhân bản xuống hàng một chọn lựa có tính cách cá nhân chủ nghĩa. Điều chắc chắn cần thiết là một cuộc xem xét thấu đáo hơn về bản chất và văn hóa con người vốn đặt căn bản không chỉ trên sinh học và dị biệt giới tính, vì ý thức trọn vẹn rằng “loại bỏ dị biệt […] chỉ tạo vấn đề, chứ không phải giải pháp” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 15 tháng 4, 2015)

Các mâu thuẫn xã hội

9. Các biến cố gây chấn thương, như chiến tranh, việc làm cạn kiệt các tài nguyên và việc di dân, đang càng ngày càng tác động lên năng lực xúc cảm và tâm linh của cuộc sống gia đình và đang đe dọa các mối liên hệ trong gia đình. Rất nhiều khi, các tài nguyên vật chất và tâm linh của gia đình rơi vào thế bị cạn kiệt.

Xét chung, các mâu thuẫn trầm trọng là kết quả nặng nề của các chính sách kinh tế khinh suất và các chính sách xã hội thiếu nhậy cảm, ngay trong các xã hội gọi là sung túc. Cách riêng, phí tổn gia tăng trong việc nuôi nấng con cái và việc xuống cấp lớn lao trong các trách vụ phụ trội của việc chăm sóc của xã hội đối với người bệnh và người cao niên, chính vì thế mà được trao cho các gia đình, quả là một gánh nặng thực sự ảnh hưởng lớn lao tới đời sống gia đình.

Thêm vào đó, các hậu quả của việc phát triển kinh tế gây hại, không rõ ràng về bản chất, hiện tượng ngày càng gia tăng việc tích lũy của cải vào tay một thiểu số và việc phân tán (diversion) các tài nguyên đáng lẽ nên dành cho các chương trình phục vụ các gia đình càng làm cho các gia đình nghèo thêm và dẫn tới nhiều nan đề. Việc ghiền rượu chè, ma túy, hay cờ bạc đôi lúc cũng cho thấy các mâu thuẫn xã hội này và các bất lợi tạo nên một phần của cuộc sống gia đình.

Điểm yếu và điểm mạnh của gia đình

10. Qua cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội của nó, gia đình, cộng đồng căn bản của con người, hơn bao giờ hết, đang cho thấy một nỗi thống khổ lớn lao gây ra bởi việc suy yếu và đặc tính mỏng dòn của nó, và, đồng thời, điểm mạnh lớn lao của nó, vì ngay trong mình, nó có khả năng đền bù cho sự thiếu thỏa đáng và thiếu hành động của các định chế bằng việc đào luyện con người, phẩm chất nối kết xã hội và việc chăm sóc những người dễ bị thương tổn nhất. Bởi thế, điều đặc biệt cần có là phải đánh giá thỏa đáng điểm mạnh của gia đình, khi nói tới các điểm yếu của nó.

Chương II

Gia đình và bối cảnh kinh tế xã hội

Gia đình: tài nguyên không thể thay thế của xã hội

11. Gia đình vẫn còn, và luôn luôn sẽ còn, là cột trụ nền tảng và không thể thiếu của đời sống xã hội. Thực vậy, nhiều con người khác nhau cùng chia sẻ cuộc đời với nhau, nhờ đó, các liên hệ được củng cố và gia đình lớn lên trong đối thoại và chấp nhận hỗ tương giữa nhiều thế hệ. Bằng cách này, gia đình tượng trưng cho một giá trị nền tảng và một tài nguyên không thể thay thế cho việc phát triển hài hòa của mọi xã hội con người, như Công Đồng từng viết: “Gia đình là một trường dạy sự phong phú hóa nhân bản […] và là nền tảng của xã hội” (GS, 52). Trong các mối liên hệ của một gia đình, liên hệ vợ chồng, liên hệ con cái, liên hệ anh chị em, mọi thành viên của gia đình đều sẵn sàng thiết lập các sợi dây mạnh mẽ giúp họ vượt thắng các nguy cơ cô lập và cô đơn, một cách hài hòa và tôn trọng nhau.

Các chính sách công nhân danh gia đình

12. Vì gia đình là tác nhân dẫn đầu trong việc xây dựng xã hội chứ không phải là một việc riêng tư, nên các chính sách công cộng thỏa đáng nhân danh gia đình là điều cần thiết để nâng đỡ và cổ vũ gia đình. Hơn nữa, có khuyến cáo phải xem xét mối liên hệ giữa phúc lợi và hành động đền bù của gia đình. Về phương diện chính sách công nhân danh gia đình và các hệ thống phúc lợi thiếu thỏa đáng, hành động đền bù như thế tái phân phối các tài nguyên và các trách vụ vì ích chung, giúp tái cân bằng các hiệu quả tiêu cực của bất bình đẳng trong xã hội.

13 (6). Một triệu chứng của sự nghèo nàn lớn lao trong nền văn hóa đương thời là sự cô đơn, phát sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống người ta và sự mỏng dòn trong các mối liên hệ. Người ta cũng đang cảm nhận một cách tổng quát sự bất lực khi phải đối diện với các thực tại xã hội văn hóa mà đôi khi kết thúc bằng việc đè bẹp các gia đình. Đó là trường hợp gia tăng cảnh nghèo và nạn thất nghiệp tại nơi làm việc, mà đôi lúc đã trở thành cơn ác mộng thực sự hay trường hợp khó khăn tràn ngập về tài chánh khiến người trẻ nản lòng không dám kết hôn. Các gia đình thường cảm thấy mình bị các định chế bỏ rơi vì bất lợi hay thiếu chú ý. Tác động tiêu cực đối với việc tổ chức xã hội khá rõ ràng, như ta thấy trong cuộc khủng hoảng dân số, trong sự khó khăn dưỡng dục con cái, trong việc do dự không muốn chào đón sự sống mới và trong việc coi sự hiện diện của người cao niên là gánh nặng. Tất cả những yếu tố này có thể tác động lên thế quân bình xúc cảm của người ta, một điều đôi khi dẫn tới bạo lực. Nhà nước có trách nhiệm thông qua các đạo luật và tạo công ăn việc làm để bảo đảm tương lai người trẻ và giúp họ thể hiện được kế hoạch tạo lập gia đình của họ.

Thách đố kinh tế

14. Các khía cạnh cụ thể của đời sống gia đình có liên hệ mật thiết với các vấn đề kinh tế. Nhiều người chỉ ra rằng cho đến tận nay, gia đình vẫn có thể dễ dàng chịu khổ bởi rất nhiều điều khiến nó trở thành dễ bị thương tổn. Trong số những nan đề trầm trọng nhất, ta thấy các nan đề có liên quan tới tiền lương thấp, thất nghiệp, bất ổn kinh tế, thiếu việc làm xứng đáng và chức vụ không bảo đảm trong việc làm, nạn buôn bán người và nạn nô lệ.

Các hiệu quả sau đây của sự thiếu công bằng kinh tế được phản ảnh một cách hết sức sâu sắc trong gia đình: việc tăng trưởng bị ngăn trở; thiếu nhà ở; vợ chồng không muốn có con; con cái thấy khó học hành và trở nên độc lập; và việc bình thản đặt kế hoạch cho tương lai bị đẩy lui. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng một thay đổi về cảm nhận nơi mọi người trong xã hội là điều cần thiết để vượt qua tình huống này: “Tăng tiến về công lý không chỉ đòi hỏi tăng tiến về kinh tế, dù có giả thiết sự tăng tiến này: nó đòi các quyết định, các chương trình, các cơ chế và diễn trình phải được điều hướng một cách chuyên biệt cho việc phân phối lợi tức tốt hơn, tạo ra các nguồn cung cấp nhân dụng và việc thăng tiến toàn bộ người nghèo vượt quá não trạng phúc lợi đơn giản” (EG, 204). Sự liên đới đổi mới giữa các thế hệ bắt đầu với việc chăm lo cho người nghèo của thế hệ này, trước khi chăm lo cho người nghèo của các thế hệ tương lai, bằng cách chú tâm cách riêng tới các nhu cầu của gia đình.

Thách đố của cảnh nghèo và cảnh bị xã hội loại trừ

15. Một thách đố đặc biệt quan trọng đã được nhiều nhóm xã hội đặt ra. Các nhóm này thường thường rất đông và có đặc điểm là cảnh nghèo của họ không thuộc kinh tế mà thôi, mà thường còn thuộc văn hóa nữa, do đó, ngăn cản họ không thể thể hiện được kế hoạch sống của gia đình tương hợp với phẩm giá con người. Hơn nữa, bất chấp các khó khăn lớn lao, nhiều gia đình nghèo vẫn cố gắng sống cách xứng đáng trong cuộc sống hàng ngày của họ, vì tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng cũng như bỏ rơi bất cứ ai.

Có nhiều dấu chỉ cho thấy hệ thống kinh tế hiện nay đang tạo ra nhiều kiểu xã hội loại trừ người ta. Những người cảm thấy mình bị loại trừ được xếp vào nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, nét chung là “những người ở bên ngoài” này thường “vô hình” dưới con mắt xã hội. Nền văn hóa đang thống trị, các phương tiện truyền thông và các định chế chính thường góp phần làm cho “tính vô hình” có hệ thống này tiếp diễn, và có khi còn làm cho nó ra tệ hơn. Về phương diện này, Đức GH Phanxicô đặt câu hỏi: “Tại sao ta làm quen với việc thấy việc làm xứng đáng bị tiêu hủy, vô vàn gia đình bị đuổi nhà, các công nhân nông trại bị trục xuất khỏi đất đai, chiến tranh được tuyên chiến và thiên nhiên bị lạm dụng?” Và ngài trả lời: “Vì trong hệ thống này, con người, con người nhân bản, đã bị đẩy khỏi trung tâm và bị một thứ gì khác thay thế. Vì việc thờ ngẫu thần đã được dành cho tiền bạc. Vì sự dửng dưng đã được hoàn cầu hóa” (Diễn Văn với Các Người Tham Dự Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Phong Trào Bình Dân, 28 tháng 10, 2014).

Việc loại trừ của xã hội làm suy yếu gia đình và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với phẩm giá các thành viên của nó. Quan tâm đặc biệt là hoàn cảnh trẻ em, những người tiên thiên bị trừng phạt, vì bị xã hội loại trừ và đôi khi bị trấn thương suốt đời vì nghèo khó và khổ cực. Người ta rất đúng và rất thích đáng khi gọi chúng là “các trẻ mồ côi xã hội”.

Thách đố sinh thái

16. Theo quan điểm sinh thái, người ta thấy các nan đề phát sinh từ việc không đến được nguồn nước một cách thỏa đáng, việc xuống cấp của môi sinh, nạn đói và thiếu dinh dưỡng, đất đai không cày cấy và bị tàn phá, và nền văn hóa “vứt bỏ”. Các tình thế vừa kể có nhiều tác động, đôi khi rất mạnh mẽ, đối với cảnh sống gia đình và đặc tính thanh thản của cuộc sống này.

Vì các lý do đó, và cũng do kết quả các cố gắng của Đức GH Phanxicô, Giáo Hội hy vọng và cùng làm việc với nhiều định chế khác nhằm hướng tới việc suy nghĩ lại hướng đi của hệ thống hoàn cầu một cách sâu xa, qua một nền văn hóa sinh thái có khả năng lên công thức cho một viễn tượng, một chính sách công, một chương trình giáo dục, một lối sống và một nền linh đạo. Vì mọi sự đều có liên hệ với nhau một cách mật thiết, nên ta cần phải khảo sát các khía cạnh của một “nền sinh thái tổng thể” (holistic), là nền sinh thái bao gồm không những môi sinh, mà cả việc phát triển con người, xã hội và bền vững về kinh tế cũng như việc bảo vệ tạo thế nữa.