Mùa Chay 2015 đã qua. Những việc cử hành tưởng niệm trong Tuần Thánh đã khép lại. Chúng ta bước vào Mùa phục Sinh. Có lẽ tâm hồn của chúng ta đong đầy niềm vui của sự bình an trở về cùng Chúa và cùng anh chị em. Chúng ta đã nỗ lực chuẩn bị cả về tinh thần lẫn thể chất: Cầu nguyện, ăn chay hãm mình và thực hành việc bác ái. Cầu mong sự đổi mới trong cuộc sống được kéo dài và sinh hoa kết qủa trong cuộc sống đời thường.

Mùa Chay Thánh, các Cộng Đoàn Giáo Xứ đã nỗ lực mời gọi mọi người tham gia và chuẩn bị chu đáo để canh tân làm tươi mát tâm hồn. Những cuộc hành hương, tuần đại phúc, cấm phòng, xưng tội, học hỏi, suy ngắm, hy sinh, ăn chay và làm việc bố thí. Mầu Tím sám hối của Mùa Chay Thánh đã được thay thế bằng mầu trắng tinh tuyền của Mùa Phục Sinh. Giờ đây, chúng ta cùng lặng tâm trở về với lòng mình hiện diện trước nhan Chúa.

Chúng ta nhìn lại việc cử hành Tam Nhật Thánh trong đời sống Giáo Hội. Những ngày vừa qua, nhờ các phương tiện truyền thông của khoa học kỹ thuật qua hình ảnh, videos, facebook, twitter… Chúng ta có thể nhìn xem và học hỏi rất nhiều về những sự tổ chức cử hành Tam Nhật Vượt Qua trong đời sống của Giáo Hội. Những cảnh thu hình trực tiếp từ Thủ đô của Giáo Hội và từ Đất Thánh nơi chính Chúa đã chịu khổ hình thập giá và những phim ảnh diễn lại sự thương khó của Chúa Giêsu của nhiều nơi trên thế giới.

Thứ Năm Tuần Thánh, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân tại nhà tù Rebibbia, Rôma. Chúng ta biết việc cử hành Bí Tích Thánh Thể theo truyền thống không có nhiều khác biệt. Trong dịp lễ này, có một số Giáo Xứ đã đắp những con chiên lớn bằng gạo nấu chín và sau thánh lễ, phân phát cho mỗi gia đình một phần nhỏ để tưởng niệm Con Chiên Vượt Qua.

Nghi thức rửa chân có nhiều hình thức khác nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rửa chân cho 12 bạn nam nữ đại diện các tù nhân ở hai trại tù. Tại Thánh địa Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal cũng lập lại nghi thức rửa chân. Còn nơi các Giáo Phận và các Giáo Xứ địa phương có nhiều sự sắp xếp về nghi thức rửa chân khác biệt: Có Xứ chọn 12 ông trưởng thành làm tông đồ, có nơi chọn 12 em lễ sinh, có xứ chọn 12 người cả nam lẫn nữ, có giáo xứ đã mời 12 vị ít khi tham gia sinh họat, có nơi cử hành nhiều người rửa chân cho nhau, có nơi mời chọn giáo dân rửa chân tại chỗ và có cộng đoàn lại rửa tay (nhà hưu dưỡng).

Thứ Sáu Tuần Thánh, có rất nhiều cuộc cử hành tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cách công khai long trọng. Tại Rôma, Đức Giáo Hoàng đã chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá tại hí trường Colosseum và ban phép lành tòa thánh. Tại Giêrusalem, nơi chính Chúa đã chịu khổ nạn, các hiệp sĩ Thánh Mộ và đông đảo tín hữu cũng đã đi Đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi xưa lên đồi Golgôtha. Cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu chịu đau khổ được lập lại dưới nhiều hình thức. Tại Philippines, nơi có đa số người Công Giáo, họ đã tổ chức rất long trọng, nhiều người thay phiên nhau vác cây thánh giá nặng trên quãng đường dài, nhiều người tự đánh mình đến chảy máu đầm đìa, có người được chọn để hy sinh đóng đinh vào thánh giá thật. Giáo dân cử hành một cách sầm uất, sốt sáng và nhiệt thành.

Với các giáo xứ có nhiều tín hữu thuộc văn hóa Châu Mỹ La tinh, cũng đã tổ chức cuộc đi Đàng thánh giá sống, có quan quân xét xử, có các quân lính dẫn đường, các bà đóng vai người Do-thái than khóc và Chúa Giêsu vác thánh giá đi dọc theo các con lộ, Đoàn lữ hành kết thúc tại nhà thờ và đóng đinh giả vào thánh giá. Rất đông người đi theo cầu kinh, hát xướng và tham dự.

Một số Giáo Xứ tại các Địa Phận ở Việt Nam tổ chức rất hoành tráng. Một vài Giáo Xứ tiêu biểu như Giáo Xứ Kẻ Sặt, Xứ Hà Nội và một số cộng đoàn Giáo Xứ tại hải ngoại cũng mở lễ rất sầm uất. Các cuộc kiệu rước rất long trọng với trống chiêng. Rất đông các ông đóng vai quân lính ăn mặc như lính La Mã với gậy gộc gươm giáo đi lùng bắt và đóng đinh Chúa. Mọi người đeo tang và ngắm nguyện, than vãn hang đá và dâng hạt. Tang lễ có tượng Chúa nằm trong quan tài được khiêng rước xung quanh nhà thờ với đèn nến sáng rực. Rồi giáo dân canh thức tới nửa đêm và tiếp tục vào sáng thứ Bảy hôn kính chân tượng Chúa. Nhiều giáo xứ, có tập tục đổ nẻ trên xác Chúa và nhiều người quỳ lết hôn chân, bốc nẻ và than van nguyện cầu.

Tuy nhiên, có nhiều Giáo Xứ Cộng Đoàn cử hành các nghi lễ tưởng niệm Chúa một cách đơn giản. Thứ Sáu Tuần Thánh, theo nghi thức phụng vụ vào lúc 3 giờ chiều, có ba phần chính: Phụng Vụ Lời Chúa (Bài Thương Khó) và Lời Nguyện trọng thể, Phần Suy Tôn Thánh Giá (Linh mục xướng: Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Mọi người thưa: Chúng ta hãy đến thờ lạy). Nghi thức hôn kính thánh giá. Phần thứ ba là Rước Lễ hiệp thông. Ra về trong yên lặng.

Qua các nghi thức tưởng niệm Chúa chịu chết và sống lại. Chúng ta không phê bình đúng hay sai, thật hay giả, truyền thống hay cấp tiến và mở lễ hay không. Điều quan trọng nhất là sự cảm thông của tâm hồn mỗi tín hữu. Chúng ta có thật tình khổ đau và buồn sầu khi tham dự việc tưởng niệm mà Chúa đã phải chịu chết vì tội lỗi của chúng ta không? Những hình thức tổ chức bên ngoài có đánh động được những tâm tư đang bị ngủ quên hay không? Chúng ta có thật lòng ở lặng bên Chúa trong những lúc Chúa bị người đời xỉ vả và tẩy chay không? Hãy đem tất cả những tâm tình đó vào trong cuộc sống của gia đình và cộng đoàn để áp dụng.

Sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, khung cảnh nhà thờ vắng lặng. Nhà Tạm bỏ ngỏ. Bàn thờ lột trần. Không đèn nến. Không trang trí. Xác Chúa còn trong mồ đá. Mọi người canh thức cầu nguyện.

Chiều Vọng Phục Sinh, bầu khí thay đổi. Nhà thờ được trang trí lộng lẫy với cờ phướng và hoa lá muôn mầu. Tạo một không gian của sự đổi mới và tươi mát. Khung cảnh bề ngoài đã thay đổi, lòng mọi người cũng nên đổi thay. Không còn khóc lóc than van hay gánh nặng của thù hằn tội lỗi, tâm hồn nhẹ nhàng thảnh thơi và niềm vui của ngày mới là ngày mừng lễ Chúa Phục Sinh. Chúa đã chiến thắng tử thần và tội lỗi. Chúa đã giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho ma quỷ. Chúa Phục Sinh mở cửa thiên đàng cho những ai tin tưởng vào Chúa.

Lễ Vọng Phục Sinh được cử hành rất long trọng với nghi thức làm phép lửa và đốt lửa vào cây nến Phục Sinh. Nến Phục Sinh là hình ảnh ánh sáng Chúa Kitô. Chúa Kitô là ánh sáng đã đến trong thế gian và ánh sáng được thắp lên truyền cho mọi người. Mừng hát Exultet. Các Bài Đọc diễn tả lịch sử của ơn cứu độ. Hát Kinh Vinh Danh và Alleluia trọng thể. Một số nơi đã rửa tội cho các anh chị em Dự Tòng và cộng đoàn Kitô hữu lập lại lời hứa khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Niềm vui của Mùa Phục Sinh sẽ tiếp tục kéo dài trong đời sống của mỗi tâm hồn. Chúng ta cố gắng gìn giữ ánh sáng của niềm tin chiếu dọi trên mọi bước đường dương thế. Qua Bí tích Hòa Giải, chúng ta đã xưng thú, đã sám hối và đã hứa quyết tâm thay đổi, ước gì những tâm tư đó được sưởi ấm và tỏa sáng mỗi ngày trong đời sống. Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và niềm vui hy vọng cho chúng ta. Alleluia.