Rất nhiều quốc gia trong vùng Châu Á Thái Bình Dương đã không làm tròn nghĩa vụ đối với thiếu nhi và gây phương hại đến sự phát triển trong khu vực qua việc không đầu tư vào vấn đề y tế, dinh dưỡng và trường học.

Từ Bangkok, Thông Tấn Xã Reuters ghi nhận ý kiến vừa kể của ông Richard Bridle, phó giám đốc khu vực Quỹ Nhi Đồng Quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, tức UNICEF.

Theo ông Bridle, một năm sau khi cơ quan này của Liên Hiệp Quốc đề xuất một sách lược toàn cầu cho vấn đề phát triển thiếu nhi trong giai đoạn thơ ấu, các kết quả tại châu Á cho thấy ở một vài nơi, có tiến bộ nhiều trong khi ở một số nơi khác, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi lại gia tăng.

Tại một hội nghị 3 ngày ở Bangkok, ông Bridle đưa ra một vài con số tỷ như có 27 triệu trẻ em vẫn còn bị thiếu cân, và hàng năm vẫn có tới 40 ngàn bà mẹ chết trong khi sinh nở.

Các đại biểu của 30 quốc gia trong vùng Châu Á Thái Bình Dương họp tại thủ đô Thái Lan để duyệt lại các nỗ lực phát triển trong khu vực gồm tới khoảng 600 triệu trẻ em, trong đó có hơn 150 triệu em dưới 5 tuổi.

Sách lược Phát triển Trẻ Em tuổi đầu đời nhằm mục đích tăng cường khả năng của gia đình chăm sóc cho trẻ em bằng cách bảo đảm việc tiếp cậân nhiều hơn với các dịch vụ y tế, dinh dưỡng, trường học và các dịch vụ cơ bản như vệ sinh và nước sạch.

Một số quốc gia đã đạt được tiến bộ, nhưng nhiều nước khác không muốn chi thêm tiền bởi vì họ còn phải chật vật ứng phó với những khó khăn kinh tế chưa phục hồi được sau cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu.

Tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, hơn 40 % trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được theo các chương trình học dành cho trẻ thơ, và INICEF cho rằng sẽ giúp giảm bớt số trẻ bỏ học trong những năm về sau.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng giảm bớt tại Việt Nam, Nam Triều Tiên, Malayia và Trung Quốc. (VOA)