Cách đây mấy ngày, trong giờ nghỉ giữa giờ, người viết cùng một số người khác bước ra khỏi phòng học để ra ngoài hành lang thì tình cờ gặp một nữ tu trẻ trên ngực có đeo một dải băng tang. Hỏi ra mới biết là người mẹ ở quê nhà vừa mới qua đời khoảng một tháng nay vì tai nạn giao thông ở độ tuổi 56. Nói đúng hơn, trong biến cố tang thương này, bà là nạn nhân xấu số. Thủ phạm gây ra chính là một thanh niên điều khiển xe gắn máy trong tình trạng nồng nặc men rượu.

Tai nạn giao thông đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng người mẹ dấu yêu của ba người con, người vợ hiền của người chồng tội nghiệp. Sự mất mát này không gì bù đắp nổi và gây ra một vết thương lòng rất khó có thể nguôi ngoai. Một gia đình đang yên ổn bỗng chốc bị đảo lộn và không bao giờ có thể tìm lại được những giây phút sum họp đầm ấm với đầy đủ các thành viên trong nhà giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái như trước đây nữa.

Bất kể một thành viên nào trong gia đình mất đi một cách tự nhiên cũng để lại nỗi buồn đau và sự thiếu vắng cho các thành viên còn sống. Đàng này, sự ra đi đầy bi thảm của người vợ và người mẹ mà không ai nghĩ đến tình huống này, lại càng chất chứa mối sầu thương gấp bội. Trong đó, những người con bị hụt hẫng nhiều nhất trước thực tế vắng bóng hình ảnh người mẹ nhân hậu luôn quan tâm săn sóc cách chu đáo cho những đứa con, cũng như không ngớt trăn trở cho đường đi lối bước của chúng. Tình mẫu tử thật thiêng liêng đối với mỗi người. Chỉ khi nào không còn được tận hưởng nữa khi đó mới cảm thấy thấm thía về sự mất mát.

Tại Việt Nam, mỗi tháng có trên dưới ngàn người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Đấy là chưa kể con số còn nhiều hơn thế nữa của những người bị thương nghiêm trọng phải mang tật vào thân suốt đời. Những hậu quả để lại cho gia đình và xã hội thật không lường. Những trụ cột và lao động chính thành tàn tật và giờ đây không còn đảm nhiệm được công việc mang lại thu nhập cho gia đình, trong khi đó lại cần đến chăm sóc điều trị thuốc thang, một khoản chi phí không nhỏ đối với gia đình. Tai nạn giao thông luôn rình rập để gieo hiểm họa và nỗi bất hạnh cho con người và gia đình. Ý thức được điều này, mỗi người cần cẩn thận hơn mỗi khi điều khiển phương tiện giao thông.

Trong khi đó, tại Tây Phương và trên thế giới, còn có một mối đe dọa khác đối với gia đình. Nghị viện Châu Âu nói chung và một số nước thành viên nói riêng muốn hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, cho phép các cặp này nhận con nuôi, hoặc thừa nhận việc thụ thai nhân tạo và mang thai mướn. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tự nhiên. Trẻ em có quyền được sinh ra và lớn lên trong gia đình huyết thống của chúng, được tiếp nhận nền giáo dục bởi sự khác biệt giới tính của cha mẹ mình. Trong môi trường đó, con trẻ mới phát triển đầy đủ về nhân cách và tâm lý.

Do tầm quan trọng đặc biệt, bảo vệ hôn nhân và gia đình truyền thống là bổn phận của Kitô hữu nói chung và của những ai có lương tâm nói chung. Cần phân biệt rõ ở đây việc chống lại các đạo luật đi ngược với hôn nhân tự nhiên và gia đình truyền thống của các thể chế không đồng nghĩa với việc chống lại những người đồng tính.

Làm cha mẹ là thiên chức cao trọng của các cặp vợ chồng. Họ cần đến sự hậu thuẫn của xã hội và Giáo Hội để chu toàn bổn phận của mình trong việc vun đắp mái ấm gia đình và nuôi dậy con cái, những thành viên mới cho Giáo Hội và xã hội. Hơn thế nữa, gia đình còn cộng tác đắc lực và hữu hiệu trong việc đào tạo những công dân tương lai để sẵn sàng gánh vác trọng trách, đồng thời các gia đình cũng giúp làm giảm bớt gánh nặng cho xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi và người tàn tật. Gia đình còn là trường học đầu tiên giúp trẻ em học hỏi nhân cách làm người, biết chia sẻ và phục vụ.

Hôn nhân và gia đình truyền thống không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Chừng nào con người còn tồn tại trên dương thế này, họ vẫn cần đến hôn nhân và gia đình, món quà độc nhất vô nhị Thiên Chúa ban, như một điểm tựa vững vàng.

Ngày 06 tháng Ba năm 2014