Ngày 24 tháng 7, ngày thứ ba tại Ba Tây, Đức Phanxicô đã tới Aparecida, “Nhà Mẹ của mọi người Ba Tây”, cách Rio de Janeiro khoảng 160 dặm về phía tây, bằng trực thăng. Lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài được thấy rõ trong Thánh Lễ cử hành tại đây, Thánh Lễ đầu tiên của ngài nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Ba Tây. Lòng sùng kính ấy được bộc lộ ngay sau ngày ngài được bầu làm giáo hoàng với việc đến kính viếng Nhà Thờ Đức Bà Cả tại Rôma để dâng triều giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ Phù Hộ. Hôm nay cũng thế, ngài tới Aparecida để “đặt dưới chân Đức Mẹ sự sống của các dân tộc Châu Mỹ La Tinh... Chính từ Đức Maria, Giáo Hội học được việc trở thành môn đệ đích thực”.

Ngài cho hay, ngài cũng tới gõ cửa nhà Đức Mẹ “để Đức Mẹ giúp mọi người chúng ta, cả mục tử dân Chúa, lẫn cha mẹ và các nhà giáo dục biết chuyển giao cho người trẻ các giá trị giúp họ xây dựng đất nước và thế giới nên công chính, hợp nhất và huynh đệ hơn”. Chính trong ngữ cảnh này, ngài nói tới ba “thái độ” trong cuộc sống Kitô hữu: hy vọng, cởi mở và vui sống trong bài giảng lễ, với một cộng đoàn trong ngoài lên tới 200,000 người dù gặp mưa gió lạnh lẽo. Xin mời qúy độc giả đọc nguyên văn bài giảng này:

Bài giảng của Đức Phanxicô tại Aparecida

Các anh em giám mục và linh mục thân mến
Anh chị em thân yêu,

Tôi cảm thấy hân hoan xiết bao được đến nhà Mẹ của mọi người Ba Tây, Đền Đức Mẹ Aparecida! Một ngày sau khi tôi được bầu làm Giám Mục Rôma, tôi đã viếng Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rôma, để dâng phó sứ vụ Kế Nhiệm Thánh Phêrô cho Đức Mẹ. Hôm nay, tôi tới đây để xin Đức Maria, Mẹ chúng ta, ban thành công cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới và để đặt dưới bàn chân ngài sự sống của các dân tộc Châu Mỹ La Tinh.

Có một điều tôi muốn được thưa với anh chị em trước nhất. Sáu năm trước đây, Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ Năm của Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và Vùng Caribbean đã được tổ chức ngay tại Đền Thánh này. Một điều rất đẹp dã diễn ra tại đây mà chính tôi được chứng kiến tận mắt. Tôi đã thấy các giám mục, những người hăng say thảo luận chủ đề gặp gỡ Chúa Kitô, làm môn đệ và truyền giáo, đã được khuyến khích, nâng đỡ và có thể nói được gợi hứng ra sao bởi hàng ngàn khách hành hương hết ngày này qua ngày nọ tới đây để dâng phó đời họ cho Đức Mẹ. Hội Nghị này là khoảnh khắc vĩ đại của Giáo Hội. Người ta quả có thể nói được rằng Văn Kiện Aparecida đã được hạ sinh nhờ hoạt tác qua lại giữa những cực nhọc của các giám mục và đức tin chất phác của người hành hương, dưới sự che chở mẫu thân của Đức Maria. Khi đi tìm Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn gõ cửa nhà Mẹ Người và xin “Mẹ chỉ Chúa Giêsu cho chúng con”. Chính từ Đức Maria Giáo Hội học được việc làm môn đệ đích thực. Chính vì thế, Giáo Hội luôn ra đi truyền giáo theo bước Mẹ Maria.

Hôm nay, trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngày đã đưa tôi tới Ba Tây, tôi cũng đến gõ cửa nhà Đức Mẹ, Đấng đã yêu thương và dạy dỗ Chúa Giêsu, xin ngài giúp mọi người chúng ta, cả mục tử dân Chúa, lẫn cha mẹ và các nhà giáo dục biết chuyển giao cho người trẻ các giá trị giúp họ xây dựng đất nước và thế giới nên công chính, hợp nhất và huynh đệ hơn. Chính vì vậy, tôi muốn nói về ba thái độ đơn giản: hy vọng, mở lòng mình ra với những ngạc nhiên của Thiên Chúa, và sống trong hân hoan.

1. Hy vọng. Bài đọc thứ hai trong Thánh Lễ cho ta một cảnh khá cảm kích: một người đàn bà, hình ảnh Đức Maria và Giáo Hội, đang bị Con Rồng, tức con qủy, rình mò vì nó muốn nuốt trửng đứa con của bà. Tuy nhiên, cảnh này không phải là cảnh chết mà là cảnh sống, vì Thiên Chúa can thiệp vào và đã cứu đứa trẻ (xem Kh 12:13a, 15-16a). Có biết bao khó khăn hiện diện trong đời mọi cá nhân, trong đời mọi dân tộc, mọi cộng đồng của ta; ấy thế nhưng bất chấp những khó khăn này lớn lao bao nhiêu, Thiên Chúa không bao giờ để ta bị chúng tràn ngập. Đối diện với những khoảnh khắc thất vọng ta cảm thấy ở trong đời này, đứng trước các cố gắng phúc âm hóa cũng như nhập thân đức tin của ta trong tư cách cha mẹ của gia đình, tôi muốn mạnh mẽ nói điều này: Anh chị em hãy luôn biết thật trong lòng rằng Thiên Chúa đang ở bên cạnh anh chị em; Người không bao giờ bỏ rơi anh chị em! Ta không bao giờ được mất hy vọng! Không bao giờ được để mình chết ở trong lòng! “Con rồng”, tức tên qủy, đang có mặt trong lịch sử ta, nhưng nó không phỗng tay trên. Người phỗng tay trên chính là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là niềm hy vọng của ta! Quả thực ngày nay, tới một mức độ nào đó, ai ai, kể cả người trẻ, cũng đang cảm thấy bị lôi kéo bởi rất nhiều ngẫu tượng vốn muốn chiếm chỗ Thiên Chúa và hứa hẹn đem lại hy vọng: tiền bạc, thành công, quyền thế, khoái lạc. Cảm thức cô đơn và trống rỗng mỗi ngày mỗi lớn hơn trong tâm hồn nhiều người thường dẫn họ đi tìm thoả mãn nơi các ngẫu tượng phù phiếm này. Anh chị em thân mến, ta hãy là những đèn sáng của hy vọng! Ta hãy duy trì một tầm nhìn tích cực về thực tại. Ta hãy khuyến khích lòng đại lượng vốn đặc trưng nơi người trẻ và giúp họ tích cực cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Người trẻ là cỗ máy mạnh mẽ dành cho Giáo Hội và xã hội. Họ không cần những điều vật chất mà thôi; mà trên hết họ còn cần ta nêu cao cho họ các giá trị phi vật chất vốn là trái tim thiêng liêng của một dân tộc, ký ức của dân tộc. Tại Đền Thánh này, vốn là một phần ký ức của Ba Tây, ta gần như đọc thấy các giá trị này: linh đạo, đại lượng, liên đới, kiên trì, huynh đệ, hân hoan; chúng là các giá trị có gốc rễ sâu xa nhất trong đức tin Kitô Giáo.

2. Thái độ thứ hai: mở lòng mình ra với những ngạc nhiên của Thiên Chúa. Bất cứ người nam nữ nào của hy vọng, niềm hy vọng vĩ đại mà đức tin đem lại cho ta, đều biết rằng ngay giữa các khó khăn, Thiên Chúa vẫn hành động và làm ta ngạc nhiên. Lịch sử ngôi Đền Thánh này là một thí dụ tốt: ba ngư phủ, sau một ngày không bắt được con cá nào, đã tìm được một điều thật bất ngờ dưới làn nước của Sông Parnaíba, một mẫu ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm. Có ai ngờ được rằng cái địa điểm vô tích sự để đánh cá này lại trở thành nơi mà mọi người Ba Tây cảm thấy mình là con cái của cùng một Bà Mẹ hay không? Thiên Chúa luôn làm ta ngạc nhiên, như thứ rượu mới trong Tin Mừng ta từng được nghe. Thiên Chúa luôn để dành cho ta những điều tốt nhất. Nhưng Người yêu cầu ta để mình ngạc nhiên bởi tình yêu của Người, chấp nhận các ngạc nhiên của Người. Ta hãy tín thác nơi Thiên Chúa! Tách rời khỏi Người, rượu hân hoan, rượu hy vọng của ta sẽ cạn. Lại gần Người, ở với Người, điều xem ra như nước lạnh, như khó khăn, như tội lỗi sẽ biến thành rượu mới của tình bằng hữu với Người.

3. Thái độ thứ ba: sống trong hân hoan. Các bạn thân mến, bước đi trong hy vọng, để mình ngạc nhiên bởi thứ rượu mới mà Chúa Giêsu đang hiến cho ta, ta sẽ có niềm vui trong lòng và không thể không trở thành chứng nhân của niềm vui này. Kitô hữu là người vui tươi, họ không bao giờ ủ rũ cả. Thiên Chúa luôn ở cạnh ta. Ta có Bà Mẹ luôn bầu cử cho đời sống của con cái ngài, cho ta, như Hoàng Hậu Esther từng làm trong bài đọc thứ nhất (xem Et 5:3). Chúa Giêsu từng cho ta thấy rằng gương mặt Thiên Chúa là gương mặt của Người Cha thương yêu. Tội lỗi và chết chóc đã bị đánh gục. Kitô hữu không thể nào bi quan cho được! Họ không giống như ai suốt đời tang chế. Nếu ta thực sự ở trong tình yêu với Chúa Kitô và nếu ta cảm nhận được Người yêu thương ta xiết bao, thì trái tim ta hẳn sẽ “sáng lên” với một niềm vui tỏa lan ra khắp mọi người quanh ta. Như Đức Bênêđíctô XVI từng nói: “người môn đệ biết rằng không có Chúa Kitô, sẽ không có ánh sáng, không có hy vọng, không có tình yêu, không có tương lai” (Diễn Văn Khai Mạc Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ Năm Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và Vùng Caribbean, Aparecida, 13 tháng Năm 2007, 3).

Các bạn thân mến, chúng ta tới đây đễ gõ cửa nhà Đức Mẹ. Ngài đã mở cho ta, ngài đã để ta vào và chỉ cho ta Con của ngài. Giờ đây, ngài yêu cầu ta “làm bất cứ điều gì Người nói” (Ga 2:5). Vâng, lạy Mẹ yêu qúy, chúng con cam kết làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói với chúng con! Và chúng con sẽ làm điều ấy một cách hy vọng, tín thác vào các ngạc nhiên của Thiên Chúa và đầy hân hoan. Amen

Cuộc hành trình về nguồn

John L. Allen Jr., trên National Catholic Reporter ngày 24 tháng 7, ví cuộc kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida như một hành trình về nguồn của Đức Phanxicô. Theo ông, nói đến Aparecida, người Ba Tây nào cũng nghĩ ngay tới Đức Bà Aparecida, quan thầy đất nước họ, hay tới đền thánh của ngài tại đó, ngôi đền thánh lớn nhất thế giới mà riêng năm ngoái đã thu hút 10 triệu khách hành hương.

Còn với các nhà báo đang theo dõi Ngày Giới Trẻ Thế Giới, thì Aparecida chỉ gợi cho họ hình ảnh một gói chất nổ toan tính ám hại người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu. Nhưng đối với những người Công Giáo hiểu biết, thì Aparecida cũng nhắc họ nhớ một văn kiện khá dài do các giám mục Châu Mỹ La Tinh công bố tại đó năm 2007, là lần mới nhất các vị họp nhau để suy nghĩ về hiện tình Giáo Hội.

Tại châu lục này, theo Allen, địa danh thường nhắc người ta nhớ tới một viễn kiến hoàn toàn thần học và Giáo Hội học. Thử nói “Medellín” mà coi, người ta bèn nghĩ tới cuộc họp năm 1968 của hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh và việc các ngài ủng hộ nền thần học giải phóng cũng như ý niệm “cộng đoàn Giáo Hội căn bản”.

Trong chiều hướng đó, "Aparecida" là ẩn dụ của một nền linh đạo và thần học được văn kiện năm 2007 phát biểu, một văn kiện đã nắm được viễn kiến của Đức Phanxicô hay hơn cả. Có thể coi đó là Đại Hiến Chương của ngài.

Lý do, Đức HY Jorge Mario Bergoglio, TGM Buenos Aires, Argentina, lúc đó, được nhìn nhận là một trong các soạn giả hàng đầu của văn kiện. Cho nên, cuộc hành hương hôm nay tới Aparecida của Đức Phanxicô được coi như cuộc hành hương về nguồn đối với triều giáo hoàng của ngài.

Bốn ý niệm lớn

Chủ đề chính của Hội Nghị năm 2007 là “Môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô, để dân ta có sự sống nơi Người”. Chỉ sự kiện sau đây mà thôi cũng đủ thấy văn kiện này thân thiết ra sao đối với Đức Phanxicô: từ ngày lên ngôi giáo hoàng, tiếp vị quốc trưởng Châu Mỹ La Tinh nào, ngài cũng tặng họ một bản của nó. Tâm điểm văn kiện có thể tóm trong 4 ý tưởng chính sau đây:

Thôi thúc truyền giáo: Giáo Hội phải đem sứ điệp của mình vào đường phố, phá bỏ triết lý sống mà theo truyền thống vốn có tính giáo sĩ trị và thụ động của Đạo Công Giáo Châu Mỹ La Tinh. Mệnh lệnh truyền giáo này không phải chỉ để lấy lại những mất mát vào tay người tin lành và Ngũ Tuần, một điều hiển nhiên có, mà còn để phục vụ nhân loại và môi trường. Từ khởi điểm này, văn kiện kêu gọi một cuộc “truyền giáo lục địa” đại qui mô.

“Gương mặt mới của người nghèo”: Dành ưu tiên cho di dân và tị nạn, nạn nhân buôn người, người mất tích, nạn nhân HIV/AIDS, người ghiền ma túy, phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, người khuyết tật, người thất nghiệp, người sống ngoài hè phố, nông dân không đất đai, các nhóm thổ dân, các thợ mỏ và “những người dốt nát kỹ thuật”. Trên đường từ Rôma tới Rio, Đức Phanxicô còn thêm người già nữa, vì cả họ đôi khi cũng là nạn nhân của điều ngài gọi là “nền văn hóa vứt bỏ”.

Thần học giải phóng: Dù các chữ này chưa bao giờ xuất hiện trên văn kiện, nhưng các bóng ma của những cuộc tranh đấu ngày trước trong Đạo Công Giáo Châu Mỹ La Tinh về phong trào gây tranh cãi phát sinh trong thập niên 1960 này rõ ràng có ám ảnh nó. Trong những nét chủ yếu, điều được văn kiện nhìn nhận là: nếu “thần học giải phóng” là chủ nghĩa Mácxít hay “một Giáo Hội từ bên dưới” đối nghịch với phẩm trật, thì không thể chấp nhận được; còn nếu nó chỉ có nghĩa về phe với người nghèo, thì chấp nhận được. Thuật ngữ thời danh được các giám mục thỏa thuận là “ưu tiên chọn người nghèo" một công thức xem ra trịnh trọng hơn công thức “một Giáo Hội nghèo dành cho người nghèo" của Đức Phanxicô hiện nay.

Tôn giáo bình dân: Văn kiện hay nhắc đến tầm quan trọng của lòng đạo bình dân trong Đạo Công Giáo tại Châu Mỹ La Tinh, một điều khó có thể đánh giá thấp, như Đức Mẹ Guadalupe tại Mễ Tây Cơ và Đức Mẹ Aparecida tại Ba Tây. Văn kiện nói: “linh hồn của các dân tộc Châu Mỹ La Tinh” được biểu lộ trong các truyền thống này, trong đó, có “tình yêu đối với Chúa Kitô đau khổ, Thiên Chúa của xót thương, tha thứ và hoà giải” cũng như “một Thiên Chúa gần gũi người nghèo và những người đau khổ”. Nó cho rằng nền tảng của đức tin bình dân này chính là “một bảo vật”.

Tóm lại, cốt lõi của Văn Kiện Aparecida là: nhấn mạnh tới việc “ra khỏi phòng áo và bước hẳn vào đường phố”; đặc biệt quan tâm tới người nghèo; một tiếp cận chừng mực và quân bình đối với các cực đoan thần học; và một quyết tâm coi trọng các bản năng tôn giáo của người bình dân. Những gì xem ra quen thuộc với Đức Phanxicô trong hơn 4 tháng qua, thực sự đã được ngài đặt bút viết xuống văn kiện này 6 năm trước đây. Một cuộc về nguồn có ý nghĩa.