THIÊN CHÚA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Tin Mừng Chúa nhật 24 TNC hôm nay, Thánh Luca liên kết một loạt những dụ ngôn của Chúa Giêsu, cho thấy một mạc khải quan trọng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, đặc biệt cho người tội lỗi. Qua đó, không chỉ là bài học về tình yêu thương, niềm hy vọng cho người tội lỗi, mà còn là bài học quí giá cho Giáo Hội, cho những người môn đệ Chúa Kitô và cho từng tín hữu tốt lành: bài học về cái nhìn thương yêu, tha thứ và cứu độ.

Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi

-Đến với người tội lỗi là công việc ban đầu của Ngôi Con Thiên Chúa, vì ngay từ mầu nhiệm nhập thể, đã cho thấy Thiên Chúa thương yêu trần gian, và đã sai Con của Người đến trần gian thực hiện ý định cứu rỗi con người tội lỗi. Vậy việc Chúa Giêsu đến với người tội lỗi, đồng bàn với người tội lỗi hay người bị coi là tội lỗi là việc phải làm của Ngài, thiết nghĩ, không phải là chuyện khác thường. Chuyện khác thường là ở chổ những người Phariseu không làm như vậy, họ tự cho mình là đạo đức là quan trọng, và những người thu thuế, tội lỗi kia là hạng người có thể làm cho họ mất đi cái thanh danh nếu phải tiếp xúc, giao du với họ. Chúa Giêsu bị những người Phariseu và các kinh sư bất bình, xầm xì, ngầm chê bai, chống đối. Ngài đã dùng một loạt ba dụ ngôn để dạy cho mọi người biết về lòng thương vô cùng của Thiên Chúa.

-Như tìm con chiên lạc (Lc.15, 4-7) Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi vì Thiên Chúa như ông chủ của đàn chiên, yêu thương đàn chiên,và không chấp nhận để mất con chiên nào. Ngay từ cựu ước, tiên tri Ezekiel đã đã giới thiệu một Thiên Chúa Mục Tử nhân lành (Ez. 34,11-16), Ngài chăn dẫn đàn chiên của Ngài bằng tình yêu thương nhân hậu. “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ-sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng (Ez. 34, 15-16). Cũng vậy, Chúa Giêsu đã có lần xác quyết: “ Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,27-30). Vì “không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” và “không ai cướp được khỏi tay Chúa Cha”, nên Người đã để 99 con chiên kia mà đi tìm cho được con chiên bị mất. Có thể con chiên đi lạc, bắt đầu ở một ngã ba đường nào đó, không chọn đúng lối về. Cũng có thể do con chiên ham chơi, ham đùa ham giởn với bầy thú hoang đâu đó mà bỏ bầy bỏ đàn…

Thánh Luca không nói đến chuyện “con chiên lạc” tìm đường về, chỉ cho biết ông chủ “tìm được và vui mừng vác chiên lên vai, mừng rỡ”. Ôi, nỗi lòng của Thiên Chúa luôn hướng về người tội lỗi, bất chấp mọi khó khăn, gần như không đòi một điều kiện, miễn là bằng lòng để Chúa Giêsu vác lên vai đem về lại cho Cha những con người mà Cha đang yêu tha yêu thiết. “Bằng lòng để Chúa Giêsu vác trên vai”, không khác gì chấp nhận để Chúa Giêsu gánh tội cho mình và giao phó cho Ngài nói với Chúa Cha điều gì Ngài muốn. Lời tự bạch của Thánh Phaolô xác tín rõ lòng thương xót của Chúa dành cho những ai lầm đường lạc lối, và sự bằng lòng để Chúa Giêsu chuộc lại cho Chúa Cha: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.” ( 1Tim 1,13) Và “sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi…” (1Tim 1,16).

-Như tìm đồng bạc đánh mất (Lc 15,8-10) Tôi không hiểu Chúa có cố tình nói về tâm lý người phụ nữ thường gắn bó mật thiết với tiền bạc hay không, nhưng nếu có, thì quả cũng đúng với lòng yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu thật tài tình khi dùng một chi tiết tâm lý khá tự nhiên, phổ biến, rất đỗi tầm thường của đời thường để minh họa sự gắn bó không rời của Thiên Chúa đối với con cái Ngài. Sự gắn bó thiết thân đến nỗi không thể để lạc mất đồng nào, lúc nào cũng phải canh cánh bên lòng. Vì thế, nếu lỡ mất, Người “thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được”. Cũng vậy Thiên Chúa không muốn mất người nào trong chúng ta cả. Ngài quyết tâm tìm lại cho kỳ được. Đồng bạc mất trong đêm, có khác gì những con người chúng ta lao mình vào trong bóng tối của tội lỗi, sống trong vô vọng vì không thấy ánh sáng của niềm tin, của tình thương. Thiên Chúa đã thắp lên ngọn đèn là Đức Kitô, nhờ ngọn đèn ấy, Ngài tìm cho được chúng ta. Thiên Chúa dùng Lời Đức Kitô để quét dọn sạch sẽ cõi lòng bề bộn tà ma, xác thịt, thế tục của ta; moi móc bới đào trong đống đổ nát để lấy lại cho kỳ được cái linh hồn Ngài hằng yêu quí. Và khi tìm được rồi, Người mời bạn bè hàng xóm chung vui.

Chúa Giêsu đã kết luận cả hai dụ ngôn với câu: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Câu kết luận nghe có vẻ lạc đề với hai phần quảng diễn trên, vì trong dụ ngôn không nói đến lòng sám hối của con chiên hay của đồng bạc, nhưng có thể hiểu, con chiên hay đồng bạc chỉ là con vật và vật có tính cách dụ ngôn, ẩn nghĩa. Thực ra, Chúa Giêsu chưa xong câu chuyện hôm nay, và câu “trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” lại là câu chuyển tiếp mở đầu có một dụ ngôn quan trọng hơn cả: Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu

Người tội lỗi tìm về với Thiên Chúa

Dụ ngôn người Cha nhân hậu là tuyệt tác của Tin Mừng Thánh Luca. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu luôn mong mõi người con hoang đàng trở về, khác với Thiên Chúa trong Xuất Hành thời Moise muốn trừng phạt dân Ngài đã tuyển chọn để răn đe dạy bảo. Người Cha nhân hậu vẫn là nhân vật chính trong câu chuỵện dụ ngôn, vì chính lòng khoan dung nhân hậu của Cha là động lực thôi thúc người con thứ an tâm tin tưởng mà sám hối trở về. “Biết bao người làm công cho Cha ta, mà cơm gạo dư thừa…” (Lc 15,17) Nói như thế, anh ta đã xác tín rằng : tình thương của Cha tuyệt vời biết bao, đến người làm công cho Cha, mà Cha còn thương xót, chăm lo cho đầy đủ, huống chi anh ta là con ruột của Cha. Và cũng chính tình khoan dung nhân hậu của Cha đối với người con thứ, mà người con cả có cơ hội ngộ ra rằng: mình đã sống trong tình yêu của Cha mà chưa nhận ra tình yêu của Cha vì tình yêu của mình bị nhốt chặt trong cái rọ hình thức, bên trong toàn ích kỷ nhỏ nhoi.

Từ thông điệp của Tin Mừng về Thiên Chúa giàu lòng thương xót, người tội lỗi chúng ta như được thắp lên một ngọn đèn hy vọng trong đêm đen tưởng như là tuyệt vọng, trong lúc cô đơn cơ cùng nhất tưởng như bị bạc bẽo bỏ rơi. Ngọn đèn ấy, chính niềm tin và lòng khao khát Thiên Chúa, khao khát chấm dứt những ngày xa vắng. Như Thánh Augustin nói: “Tout désir qui appelle Dieu en nóu ét déjà une prière” (Sự khao khát đến với Thiên Chúa trong ta đã là một lời nguyện). Và sau sự khao khát đó là mạnh dạn tin tưởng đứng lên và đến với Cha mà thành thực tỏ bày. Như Charles Singer khẳng định: “Dieu fait vivre celui qui vient à Lui. Il n’est pas nécessaire d’être digne, d’être brillant. Il suffit de se lever, d’aller vers Lui et de dire: “Me voici! J’ai faim” ( Thiên Chúa nuôi sống những ai chạy đến với Người. Không nhất thiết là người xứng đáng hay thông minh. Chỉ cần đứng lên, đi đến với Người và nói: “Thưa con đây, con đói”.)

Người chủ chiên, người phụ nữ, người Cha nhân hậu đều có một điểm chung là vui mừng hân hoan đến mức mời mọi người cùng chung niềm vui to lớn: mất- tìm lại được, chết- nay sống lại. Đúng là “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Bài học của lòng thương xót

Giáo hội của Chúa Kitô, trong đó có mỗi chúng ta, là giáo hội làm chứng về tình yêu Thiên Chúa. Ai trong chúng ta, cũng được hưởng ân lộc tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng, chúng ta đã từng đóng vai anh cả trong nhà giáo hội, để rồi không màng tới những nỗi đau của bao anh em xa vắng Thiên Chúa vì lòng từ bi trong ta đã hóa đá tự bao giờ. Đã đến lúc phải thay đổi toàn bộ cách làm chứng cho Thiên Chúa: tìm đến người tội lỗi và giới thiệu cho họ trang Tin Mừng đặc biệt Chúa nhật hôm nay. Tôi muốn minh họa một vài điển hình về làm chứng cho lòng thương xót của Chúa.

* Tôi nhớ, Lm Phanxicô, cựu quản xứ 18 năm liền của Giáo xứ tôi, khi được bài sai về nhận xứ, công việc mục vụ đầu tiên của Ngài mất hơn sáu tháng là đi thăm hết thảy giáo dân, không trừ ai, kể cả những gia đình rối, và rối không gỡ được; những gia đình nghèo khổ, bất thuận, bất hòa; những gia đình tỏ ra bất mãn, chống đối với Giáo hội; những gia đình ở xa xôi bên kia sông, hoặc ở trên núi-những người thường trú ở lò than, lò than là nhà, nhà là lò than; và nhất là những gia đình cất giấu ảnh tượng Chúa, Mẹ, để bày biện một bàn thờ mới kính thờ “cha già của dân tộc” và những người lâu năm chưa xưng tội vì lý do xã hội. Vâng, không trừ ai, Cha đã đến thăm và thấu hiểu không sót một hoàn cảnh nào. Sau sáu tháng mục vụ ban đầu ấy, Cha đã thành lập một Preasidium, rồi hai, rồi ba preasidia, cẩn thận giới thiệu cho họ từng địa chỉ, từng trường hợp để họ thay Ngài thăm viếng, giúp đỡ. Kết quả là vào dịp lễ Phục sinh và Giáng sinh năm 1992, đã có hai đợt rửa tội trọng thể, mỗi đợt có đến hơn 100 người lớn. Từ những nổ lực của Cha, nhờ ơn Chúa và sự cộng tác của anh chị em Legio, mà con số Giáo dân từ 2200 năm 1988 đã lên đến hơn 5000 người vào năm 2000 trước khi Ngài chuyển xứ. Không phải chỉ ở Giáo xứ tôi, mà thiết tưởng, ở Việt nam những ngày đầu thập niêm 1980 các Linh Mục hầu như ai cũng bị đặt trong tình trạng “đến với con chiên”, vì đàn chiên đang bị phân tán lưu lạc khắp nơi trong nước, một phần do tìm chổ định cư mới, quá nghèo khổ, một phần do sợ sệt, không dám hiên ngang tưyên xưng đức tin trong một xã hội có nhiều nghi kỵ và cấm đoán.

* Tôi có một ông anh cùng trường thời trung học. Cuộc sống đang hoành tráng ở Vũng Tàu với vài ba công ty ăn nên làm ra, và theo anh kể, không thiếu một tội trọng nào mà đời anh chưa từng phạm, thì bất ngờ, anh bị tai biến, được cấp cứu kịp thời, nhưng bán thân bất toại. Anh đã không đi và không nói được một thời gian, nay thì khá hơn nhiều. Anh đã cảm nghiệm được Tình Yêu Vô Biên của Chúa dành cho anh, nên căn bệnh, nỗi đau, sự cô đơn và những thèm khát của cuộc sống mạnh khỏe mà tội lỗi không khống chế được lòng anh yêu mến Chúa. Sáng nay, lễ suy tôn Thánh Giá, tôi điện thăm anh, anh nói “ Hoàng ơi, trong phim và trong đời thường, đã có những người yêu nhau, chạy ra ngoài trời mưa bão và la to lên rằng: “Anh yêu em, Tạ ơn em đã yêu anh”- Tại sao ta không thể gào lên cho thiên hạ biết rằng : “ Tôi yêu Chúa, Tạ ơn Chúa đã yêu tôi” cho thỏa lòng yêu của mình chứ? Hoàng ơi, Anh cũng muốn gào lên trong những đêm thanh vắng: “ Tạ ơn Chúa đã yêu con, đứa con hư đốn tội lỗi nhất của Chúa”. Quyết tâm của tình yêu anh, là ngụp lặn trong biển tình yêu bao la của Thiên Chúa, như người con cảm nghiệm được tình yêu khoan dung vô lượng của Cha, sống trọn vẹn cho Cha và không còn ước mơ gì hơn nữa.

* Viết đến đây, tôi chợt nhớ bức thư tình- thư mang trọn tâm tình thương xót của Chúa- của Bà Đông Khê gửi cho Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, có đoạn:

“Hôm nay, Lễ Giỗ Mẹ Teresa Calcutta, Đức Tổng Giám Mục địa phương chủ tế. Trong suốt buổi lễ, con đã cầu nguyện cho Cha, con xin Chúa ban ơn giúp Cha trở về với con đường ngay chính của Giáo Hội. Con cũng xin Chúa thanh lọc con, để con đừng giận Cha nữa, và biết thương Cha. Con cầu xin tha thiết, đến ứa nước mắt.”

Và một thư ngắn nữa, của Lm. FX. Nguyen Van Tuyet STD gui cho VietcCtholic: “Theo con thi da du de moi nguoi hieu rang co rat it nguoi dong y voi cha Le, cho nen con nghi cha cung khong nen dang them nhung bai viet co lien quan den chuyen nay nua....”

Cả hai thư đều mang một lòng từ bi tuyệt hảo của Thiên Chúa, đối với một vấn đề thời sự Giáo hội Việt Nam nóng hổi.

Chúng con tạ ơn Chúa vì đã gieo trong lòng tín hữu Việt Nam chúng con sự nhẫn nại, hiếu thuận, hiếu hòa, lòng bao dung tha thứ và nhiệt tình loan báo tình yêu thương khoan hồng Chúa cho mọi người. Xin cho chúng con biết duy trì tinh thần hòa bình, niềm vui sống tình huynh đệ trong mối tình xót thương ngàn đời của Chúa. A men.