Người cha chạy đến gặp con

(Bài giảng CN XXIV TN của Cha Cantalamessa: Mối tương quan cha-con không kém quan trọng như mối tương quan nam-nữ)

Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay đề nghị đọc chương 15 của Tin Mừng Luca bao gồm 3 dụ ngôn « về lòng thương xót » : con chiên thất lạc, đồng tiền bị đánh mất và người con hoang đàng. « Người cha kia có hai người con.. ». Những lời này cũng đủ để cho người biết Tin Mừng sơ sơ thốt lên ngay rằng : dụ ngôn người con hoang đàng ! Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng của dụ ngôn này; lần này tôi xin nhấn mạnh một khía cạnh ít được khai triển nhưng rất thời sự và gần với cuộc sống của dụ ngôn này. Thực ra, nó chỉ là câu chuyện về sự hòa giải giữa người cha va người con và hết thảy chúng ta đều biết rằng một sự hòa giải như thế là rất trọng yếu, vì hạnh phúc của các bậc cha mẹ cũng như của bậc làm con cái.

Người ta có thể tự hỏi tại sao văn chương, nghệ thuật, giới văn nghệ, quảng cáo chỉ khai thác một khía cạnh duy nhất của các mối tương quan nhân bản : tuơng quan tình dục giữa nam và nữ, giữa chồng và vợ. Dường như chẳng tồn tại điều gì nữa trong cuộc sống. Việc quảng cáo và giới văn nghệ chỉ xào lui tới một món ăn với cả ngàn thứ nước xốt khác nhau. Trái lại, chúng ta bỏ sót không nghiên cứu một khía cạnh tương quan nhân bản khác, hoàn toàn phổ quát và trọng yếu, một nguồn suối quan trọng khác của niềm vui sống : tương quan cha-con, niềm vui tình phụ tử. Trong văn chương, tác phẩm duy nhất thật sự bàn về chủ đề này là tác phẩm « Thư gởi cha » của F. Kafka (cuốn tiểu thuyết nổi tiếng « Cha và con » của Tourguéniev trên thực tế không bàn về mối tương quan giữa cha-con tự nhiên nhưng chỉ giữa những thế hệ khác nhau).

Trái lại, nếu chúng ta đào sâu cách bình tâm và khách quan nơi tâm hồn con ngừoi, chúng ta sẽ khám phá ra rằng trong đa số trường hợp, đối với một người trưởng thành chín chắn, một tương quan thành công, mạnh mẽ và thanh thản với con cái của mình chẳng kém quan trọng và triển nở hơn mối tương quan nam-nữ. Và chúng ta biết mối tương quan này cũng quan trọng lắm đối với đứa con trai hay gái và sự trống rỗng mà sự đoạn tuyệt để lại.

Cũng như bênh ung thư tấn công cách chung chung các cơ quan nhạy cảm nhất nơi người nam hay người nữ, thì sức mạnh hủy diệt của tội lỗi và của sự dữ cũng tấn công các trung tâm trọng yếu nhất của cuộc sống con người. Không có gì lại bị lạm dụng, khai thác và xâm phạm như tương quan nam-nữ và không có gì lại bị bóp méo như mối tương quan cha-con : sự độc đoán, lối gia trưởng, sự nổi loạn, cự tuyệt, đoạn tuyệt.

Không được nói chung chung. Có những trường hợp, có những tương quan rất tốt đẹp giữa người cha và người con và chính tôi biết có nhiều trường hợp như thế. Tuy nhiên chúng ta biết rằng cũng có, và chúng rất nhiều, những trường hợp tiêu cực, những mối tương quan khó khăn giữa các bậc làm cha hay làm con. Trong sách Isaia, chúng ta đọc thấy lời ca thán này của Thiên Chúa: “ Ta đã nuôi dưỡng những đứa con, đã nuôi chúng lớn lên, nhưng chúng lại nổi loạn chống lại Ta” (Is 1,2). Tôi tin rằng ngày hôm nay nhiều bậc làm cha sẽ kinh nghiệm được những lời này có ý nghĩa gì.

Đau khổ có tính cách hỗ tương; đó không phải như trong dụ ngôn mà mặc cảm tội lỗi hoàn toàn độc nhất thuộc về người con…Có những người cha mà đau khổ sâu xa nhất trong cuộc sống của họ là nỗi đau khổ bị ruồng bỏ, thậm chí bị khinh rẻ bởi chính những đứa con của mình. Và có những người con mà nỗi đau khổ sâu thẳm nhất và không dám thú nhận của chúng là nỗi đau khổ cảm thấy mình không được hiểu, không được quý mến, thậm chí bị cha mình chối từ.

Tôi đã nhấn mạnh đến khía cạnh nhân bản và hiện sinh của dụ ngôn người con hoang đàng. Nhưng không chỉ có chừng đó, nghĩa là chỉ cải thiện phẩm chất của cuộc sống trong thế gian này. Điều đó còn đòi hỏi nỗ lực cho một cuộc phúc âm hóa mới, sáng kiến về một cuộc đại hòa giải giữa những người cha và người con, và nhu cầu về việc chữa lành sâu xa tương quan của họ. chúng ta biết là mối tương quan với người cha trần thế có thể ảnh hưởng chừng nào, cách tích cực hay tiêu cực, mối tương quan với Cha trên trời, và vì thế, chính cuộc sống Kitô hữu. Khi vị tiền hô Gioan Tẩy Giả sinh ra, thiên thần đã tuyên bố rằng một trong những nhiẹm vụ của ngài là đưa tâm hồn người cha về với con cái của mình và tam hồn của người con về với cha mình (x. Lc 1,17). Một nhiệm vụ có mang tính thời sự hơn bao giờ hết.