Ngày 29-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:54 29/10/2014
CÂY NHỎ CŨNG BIẾT BIẾN THÀNH CÂY LỚN
N2T

Có một hộ gia đình dựng nhà ở bên một bức tường thành, một hôm từ khe hở viên gạch của bức tường mọc ra một cây dài. Người tốt bụng cảnh cáo chủ nhà nhổ nó khi còn nhỏ bằng không sẽ gây hậu hoạn về sau, nhưng lúc ấy chủ nhà tỏ ý coi thường nên không giải quyết chuyện đó.
Thấm thoát qua mười năm, cây nhỏ ấy từ từ biến thành cây to lớn.
Trong một đêm mưa to gió lớn, bổng nghe một tiếng ầm kinh thiên động địa, cả cây đại thụ và bức tường đổ ập xuống, đè chết chủ nhà và cả gia đình.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Người Ki-tô hữu được dạy rằng “tội nhẹ không làm mất ơn nghĩa Chúa, nhưng những tội nhẹ cố ý phạm và không sám hối sẽ dần dần đưa con người tới chỗ phạm tội trọng” . Thế nhưng, có rất nhiều người Ki-tô hữu chỉ “thích” đọc và nhớ câu trước “tội nhẹ không làm mất ơn nghĩa với Chúa”, mà không thích đọc và không thích nhớ câu tiếp theo “nhưng những tội nhẹ cố ý phạm và không sám hối, sẽ dần dần đưa con người đến chỗ phạm tội trọng.”
Con người ta thường coi nhẹ những khuyết điểm nhỏ, không chú trọng đến những thói quen xấu mà cho rằng nó không quan trọng, thế là một ngày nào đó những thói quen ấy lại đưa họ vào vòng lao lý, biết thì đã muộn.
Không nhổ cây khi nó còn nhỏ, đợi khi nó lớn lên thì càng khó nhổ và làm hại nhà cửa hoa màu và có khi hại cả mạng sống mình; coi thường tội nhẹ mà không chịu sửa đổi thì sẽ có một ngày tội nhẹ sẽ biến thành tội nặng, đè lên thân xác và linh hồn, lúc đó thì càng khốn nạn hơn nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:58 29/10/2014
N2T

16. Tình yêu sinh bởi Thiên Chúa, cũng chỉ để quy hướng về Thiên Chúa là tình yêu.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gặp gỡ các phong trào bình dân
Đặng Tự Do
00:08 29/10/2014
Các phong trào bình dân thường được liên kết với “cánh tả”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các phong trào này tìm thấy nơi học thuyết xã hội Công Giáo những điểm tương đồng và nhận ra sự thật là Giáo Hội Công Giáo, trong thực tế, chứ không chỉ trên lý thuyết đã đứng về người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người già và những ai bị bỏ rơi. Vì thế, năm nay 200 đại diện của các phong trào bình dân đã nhận lời mời của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đến Vatican tham dự một khóa họp kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Hai 27 tháng 10.

Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành viên hôm thứ Ba. Ngài cảm ơn sự hiện diện của các tham dự viên trong các phong trào tranh đấu cho những người "chịu đựng đau khổ vì bất bình đẳng và bị loại trừ trong xã hội."

Trong diễn từ của ngài, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng:

"Cuộc họp này của các phong trào bình dân là một dấu chỉ tuyệt vời. Anh chị em đã đến đây trước sự hiện diện của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của người dân, của một thực tại mà thường khi bị câm nín. Người nghèo không chỉ chịu đựng sự bất công, họ cũng chiến đấu chống lại nó!"

Đức Giáo Hoàng nói về đất đai, nhà cửa và công ăn việc làm là ba chủ đề chính của cuộc họp. Ngài giải thích rằng những lý tưởng này thường bị xem là giống như chủ thuyết cộng sản, nhưng thực ra đó là những tư tưởng trọng tâm trong Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

Ngài đã đề cập đến nền văn hóa vứt bỏ, đến phá thai như là một cách thức xã hội ném đi những đứa con của mình trước khi sinh, chỉ vì chúng không có giá trị sản xuất.

Ngài cũng lên án tình trạng lương thực đắt đỏ ở nhiều miền trên thế giới trong khi ở nhiều miền khác người ta tiêu hủy lương thực để giữ giá.

Đức Thánh Cha nói:

"Đây thực sự là một vụ tai tiếng trầm trọng. Để con người phải chết đói chết khát là một tội phạm, thực phẩm là một quyền bất khả xâm phạm của con người."

Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng không có sự bần cùng nào lớn hơn là không cung ứng công ăn việc làm cho con người. Ngài kêu gọi nhân loại phải được đặt ở trung tâm của hệ thống kinh tế.

Đối với các tham dự viên, những lời này của Đức Thánh Cha đã mang đến cho họ tràn đầy hy vọng.

Ignacio Ramonet Giám đốc, Le Monde Diplomatique nói:

"Đức Giáo Hoàng đã coi cuộc đấu tranh của của người nghèo và những ai bị xã hội ruồng bỏ là cuộc đấu tranh của ngài. Ngài cho mọi người thấy rằng, trong thực tế, thông điệp Tin Mừng chính là nền tảng của cuộc đấu tranh này."

Jose Antonio Vives đến từ Tây Ban Nha nói:

"Đức Giáo Hoàng đã đóng góp to lớn cho chính nghĩa của những cuộc đấu tranh mà chúng tôi hô hào mọi người trên thế giới."

Đức Thánh Cha kêu gọi các tham dự viên tiếp tục cuộc đấu tranh của họ "nhưng không cuồng loạn hoặc bạo lực trong khi tìm kiếm những cách giải quyết thỏa đáng những căng thẳng."

Trước khi giã từ các tham dự viên, Đức Thánh Cha đã chào đón Tổng thống Bolivia Evo Morales, người tham dự cuộc họp với tư cách đại diện cho người dân bản địa Bolivia.

Hội nghị kết thúc vào ngày thứ Tư với một cuộc bỏ phiếu thông qua một tuyên bố chung tóm tắt các đề xuất đã được thảo luận.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Hội Nghị Mục Vụ UDMC tại Đại Học Công Giáo Dallas
Trần Mạnh Trác & Phạm Thái Hùng
21:16 29/10/2014

Xin xem hình ảnh do anh Phạm Thái Hùng ghi nhận

Như đã loan tin hồi tháng trước, Hội Nghị Mục Vụ UDMC, hay là khoá đào tạo duy nhất hằng năm về mọi lãnh vực Mục Vụ cuả 2 giáo phận Dallas và Ft Worth do trường Đại Học Công Giáo University of Dallas điều hành, đã diễn ra tốt đẹp từ ngày 23 cho đến 25 tháng 10 tại Irving Convention Center.

Theo tin tờ 'The Texas Catholic' thì bầu không khí diễn ra rất phấn khởi và hội trường chính thường đầy ứ người (overflow). Đan cử một thí dụ, trong buổi hội thảo nói về ĐGH Phanxicô cuả tác giả Hudock đã có rất nhiều người phải ngồi dưới đất hay đứng dựa vào tường vì hết chỗ.

Tuy thế, theo sự quan sát tại chỗ thì các nhà ăn và phòng triễn lãm có vẻ vắng hơn năm ngoái, chứng tỏ có sự suy giảm. Chúng ta biết rằng vùng Bắc Texas đang có dịch cúm enterovirus (D68) rất dễ lây lan và mới đây cơn lo sợ về bệnh Ebola còn chưa bình thản lại, có lẽ vì thế mà con số tham dự bị ảnh hưởng chăng?

Có nhiều buổi hội thảo bằng tiếng Việt trong ngày Thứ Bảy. Những buổi cuả Linh Mục Tôma Nguyễn Văn Thủ về đề tài Phụng Vụ đã hấp dẫn một số đông đáng kể và Tiến Sĩ Lê Công Phi đã kết thúc ngày hội thảo này với chủ đề 'Người Việt và Xã Hội Hoa Kỳ'.


Vì lịch trình rất khít khao và có nhiều 'lớp' được tổ chức song song với nhau, cho nên các học viên phải 'chạy lớp' giống như trường hợp đổi giờ ở một Đại Học vậy. Đã có người than phiền rằng họ đã không có đủ giờ để đặt câu hỏi.

Về số thành viên Việt Nam thì phần đông ghi tên tham dự các lớp Giáo lý viên (Catechist & DRE/PCL formation) và tiếp tục trau dồi thêm kiến thức mỗi năm nhân dịp này.

Theo sự dò hỏi không chính thức thì hầu hết đến từ các giáo xứ vùng Dallas như Gx ĐMHCG (Garland, khoảng 46 người) và Gx Thánh Tâm (Carrollton, khoảng 30 người), nhà Tập DCCT (từ Irving, khoảng 15 thày), Gx Thánh Phêrô (Dallas, khoảng 10 người).

Năm ngoái Gx Th Giuse (Grd Prairie) cũng thuộc giáo phận Dallas đã có một phái đoàn rất hùng hậu khoảng 30 người, nhưng năm nay chúng tôi tìm mà không gặp ai.

Bên Ft Worth, có Gx CTTĐVN (Arlington, khoảng 10 người) và Ft Worth (khoảng 10 người).

Cũng còn thấy một số người đến từ các giáo phận khác, như từ vùng Waco và Austin.

Nói chung, người VN đã không tham gia đông đảo như năm ngoái, ít ra là theo sự quan sát vào ngày Thứ Bảy. Ngược lại, những người dân gốc Mễ đã tràn ngập các hội trường và trong mọi giờ sinh hoạt.
 
Liên Đoàn Công Giáo Miền Trung Đông tổ chức Tĩnh Huấn Miền Năm Thứ Mười
Đinh Văn Chính
22:28 29/10/2014
Harrisburg, Pennsylvania 25/10/2014 - Năm nay, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Trung Đông Hoa Kỳ đã tổ chức Ngày Tĩnh Huấn Miền tại Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa thuộc Giáo Xứ Our Lady of Blessed Sacrament. Đây là năm thứ mười kể từ khi Ngày Tĩnh Huấn Miền đầu tiên được Cha Đinh Công Huỳnh, đương kim Chủ Tịch Miền, khởi xướng và được chính thức tổ chức vào tháng 9 năm 2005 tại Cộng Đoàn Thánh Helena, Philadelphia. Ngày Tĩnh Huấn nhằm tạo cơ hội cho các giới chức lãnh đạo giáo dân học hỏi để trở nên những tông đồ nhiệt thành phục vụ Giáo Hội và phục vụ cộng đồng, cộng đoàn, cũng như cộng đoàn giáo xứ.

Khoảng hơn 10 giờ sáng thứ bảy vừa qua, các giới chức từ các cộng đoàn, giáo đoàn, cộng đoàn giáo xứ đã có mặt ở hội trường nhà thờ Our Lady of Blessed Sacrament để ghi danh và ăn điểm tâm nhẹ trước khi bắt đầu chương trình của Ngày Tĩnh Huấn vào lúc 11 giờ.

Mở đầu là phần giới thiệu chương trình của vị Chủ Tịch Giáo Dân Miền là ông Đinh Văn Chính. Kế đến, Cha Chủ Tịch Miền Đinh Công Huỳnh chào đón các giới chức cũng như Sơ Hạnh từ Cộng Đoàn Đức Mẹ Thăm Viếng, Philadelphia và Thày Phó Tế Vĩnh Viễn Trần Công Huấn có mặt. Ngài cũng nhắc lại mục đích của Ngày Tĩnh Huấn hàng năm. Cha Nguyễn Văn Thường, Quản Nhiệm Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa, cũng nói vài lời chào mừng và bày tỏ vui mừng được chọn làm địa điểm tổ chức Ngày Tĩnh Huấn Miền năm nay.

Sau đó, Cha Phạm Hương, Chính Xứ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia, đã được giới thiệu và mời lên bục giảng để hướng dẫn học hỏi về đề tài “Tinh thần Dấn Thân của Người Lãnh Đạo Mục Vụ”.

Qua bài giảng của Cha Phạm Hương, tinh thần dấn thân của người lãnh đạo mục vụ cần được vun đúc bằng sự thánh hóa bản thân, tạo nền tảng cho chúng ta làm việc vì mến Chúa yêu người và để cứu rỗi chúng ta cũng như để cứu rỗi các linh hồn. Đây chính là việc học hỏi về Tu Đức Mục Vụ. Trong chiều hướng này, người lãnh đạo cần phải biết từ bỏ việc đặt cái tôi làm trọng tâm (self-centered) và hướng về việc đặt Chúa Ki-tô làm trọng tâm (Christ-centered) trong đời sống phục vụ và trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Người lãnh đạo mục vụ cần phải phá vỡ “cái tôi” để phát triển thành “cái chúng ta” và tiến đến “siêu chúng ta” để hoạt động phục vụ được hữu hiệu và đem lại phần rỗi cho các linh hồn. Nói tóm gọn, làm việc cho Chúa thì phải hy sinh nhẫn nhục, phải sống hiểu nhau để xây dựng cộng đoàn trong hiệp nhất và yêu thương.

Trong vai trò phục vụ, ngưòi lãnh đạo còn phải học hỏi về “Thần Học Mục Vụ” để hiểu rằng sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ có mục tiêu là làm cho Giáo Hội được thể hiện tại địa phương. Các linh mục rao giảng theo giáo huấn của Giáo Hội. Các ngài có trọng trách thực thi giáo luật của Giáo Hội. Giáo xứ là nơi cử hành phụng vụ. Vì thế, mọi công tác mục vụ đều cần được chuẩn bị kỹ càng, người thừa tác cũng cần phải được huấn luyện đến nơi đến chốn. Điển hình là các giới chức trong Ban Thánh Thư. Họ cần được huấn luyện từ cách ăn mặc, cách đi đứng và cách đọc sao cho người nghe thấm nhuần lời Chúa và không bị chia trí trong thánh lễ.

Cha Phạm Hương cũng nói đến “Hướng Quản Trị Mục Vụ” để người lãnh đạo mục vụ hiểu rằng việc lãnh đạo cần có những nguyên tắc hành sự, tránh lãnh đạo theo cảm tính, hành động tự theo ý mình. Mỗi hội đoàn, đoàn thể phải có nội quy riêng để làm việc. Các hội đoàn cần làm việc chung trong các công tác mục vụ. Ngài đan cử thí dụ như Hội Đồng Mục Vụ (do giáo dân bầu) và Hội Đồng Tài Chánh (Cha Chính Xứ hay Cha Quản Nhiệm chỉ định) là hai cơ cấu độc lập nhưng làm v ệc tương quan với nhau trong tinh thần làm việc chung (Team Work). Công tác mục vụ cần được phân quyền và được phân chia đồng đều. Những chi tiết cần biết được ngải giải thích và phổ biến trong cẩm nang “Qui Chế Hội Đồng Mục Vụ” phân phát cho mọi người.

Để cho buổi tĩnh huấn được sống động và lôi cuốn, Cha Giảng Thuyết thỉnh thoảng cũng làm mọi người bật cười thoải mái qua những câu pha trò dí dỏm. Chương trình được tiếp tục sau bữa ăn trưa ngon miệng do quý anh chị trong Giáo Đoàn Mẹ Thiên Chúa hy sinh đóng góp. Trong lúc các tham dự viên tiếp tục hội thảo với Cha Giảng Thuyết, quý vị chủ tịch các cộng đoàn, giáo đoàn họp riêng với Cha Chủ Tịch Miền để thảo luận về các ưu, khuyết điểm của việc tổ chức Ngày Hành Hương Miền vào thứ bảy ngày 30-8-2014 v ừa qua tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức (Grotto of Our Lady of Lourdes) ở Emmitsburg, Maryland.

Trong phần hội thảo của quý vị chủ tịch các cộng đoàn, Cha Chủ Tịch Miền cũng nói đến Đại Hội Thế Giới Về Gia Đình (World Meeting of Families-Philadelphia 2015) sẽ được tổ chức vào ngày 22 – 27 tháng 9 năm 2015. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ hiện diện trong Đại Hội Thế Giới Về Gia Đình. Những ai muốn tham dự các ngày hội nghị tại Convention Center của thành phố Philadelphia cần phải đăng ký trên website của World Meeting of Families. Ông Trần Ngọc Phát, Chủ Tịch Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời, Phialdephia và cũng là Ủy Viên Truyền Thông của Miền Trung Đông thông báo những gì cần làm để đóng góp vào website của Miền được thêm phần phong phú.

Ngày Tĩnh Huấn được kết thúc bằng thánh lễ tạ ơn lúc 3:45 buổi chiều cùng ngày. Cha Nguyễn Văn Hóa, Giám Đốc Mục Vụ Việt Nam, Giáo Phận Harrisburg, có đến tham dự vào giờ hội thảo của chương trình v ngài đã chủ tế thánh lễ bế mạc.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam đã mất chủ quyền Biển Đông vào tay Trung Cộng
Phạm Trần
21:07 29/10/2014
VIỆT NAM ĐÃ MẤT CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG VÀO TAY TRUNG CỘNG

Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã bằng lòng đổi chủ quyền Biển Đông để được sống yên ổn bên cạnh nước láng giềng Trung Quốc sau kỳ họp lần thứ 7 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 27/10/2014.

Kết qủa này thật ra đã được đồng ý trên nguyên tắc giữa hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam và Lý Khắc Cường của Trung Quốc tại cuộc họp tại Milan, Italy ngày 16/10/2014, bên lề Hội nghị cấp cao ASEM-10 (The Asia–Europe Meeting,ASEM ).

Tuy nhiên, thỏa hiệp mới đã được chi tiết hóa rõ hơn tại phiên họp chung tại Hà Nội giữa 2 phái đòan của Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì và phía Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.

Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy phía Việt Nam đã tự ý phổ biến nhiều bức hình tươi cười, chứa đựng sự thỏa mãn của ông Dương Khiết Trì chụp chung với các ông Phạm Bình Minh, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Những hình ảnh của ngày 27/10 đã khác một trời một vực với những tấm hình chứa nhiều nỗi bất bình, cố nén trong căm tức của Lãnh đạo Việt Nam với ông Dương Khiết Trì khi ông này sang Hà Nội ngày 18/06/2014 để nói như ra lệnh cho phía Việt Nam phải chấm dứt ngay lập tức các hoạt động phá rối hoạt động tìm kiếm dầu của gìan khoan Hải Dương 981, do Bắc Kinh tự đặt sâu trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam từ ngày 02/05/2014 đến ngày 17/07/2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm Ấn Độ cùng ngày họ Dương họp ở Hà Nội (27/10/2014) khiến Nhân Dân nhật báo của Trung Cộng bực mình, ngụ ý nói ông Dũng muốn mở rộng hợp tác kinh tế với Tân Đề Ly (New Delhi) để giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh. Báo này đăng bài bình luận của Tô Hiểu Huy, Phó Chủ nhiệm Sở Nghiên cứu Chiến lược quôc tế thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế còn lên án việc phái đòan Nguyễn Tấn Dũng ký thỏa hiệp khai thác dầu khí chung ở Biển Đông với Ấn Độ là vi phạm “chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải”.

Nhưng đâu là sự thật ?

Sự thật là ông Nguyễn Tấn Dũng đã “bắt cá hai tay” để chứng tỏ Việt Nam giữ vững đường lối ngọai giao độc lập, không chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh để có lợi, nhưng mặt khác thì ông Dũng cũng đã để lộ ra “lá bài hai mặt” của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Cộng ở thế yếu, vì Việt Nam đã chịu làm theo “ý muốn của Trung Quốc”.

Tiêu biểu là trong cả 2 cuộc họp ở Hà Nội và ở Milan (Italy), phía Việt Nam đã không đề cập đến, hoặc có nói thì cũng chỉ trong tư thế “nói nhỏ cho nhau nghe”, những vụ tầu cá Việt Nam liên tục bị tầu Trung Cộng tấn công hoặc đâm chìm ở vùng biển Hòang Sa mà báo chí Việt Nam, ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chỉ được phép gọi là “tầu lạ” hay “tầu nước ngòai” !

Việc Trung Cộng không ngừng củng cố, xây dựng trên quần đảo Hòang Sa chiếm của Việt Nam năm 1974 và biến các đảo Gạc Ma và 7 bãi đá khác chiếm của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 thành các đảo nhân tạo, xây sân bay, bãi tầu, căn cứ quân sự phòng thủ cũng không thấy ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong cuộc họp với Lý Khắc Cưởng.

Thái độ nhu nhược này cũng diễn ra trong các cuộc họp giữa các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 27/10 (2014). Những vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo Việt Nam và hành động vô nhân đạo, bất chấp sinh mạng của ngư dân Việt Nam và luật pháp quốc tế của phiá Trung Cộng cũng đã không được báo chí của đảng CSVN và Bộ Ngọai giao nói đến trong dịp này.

Nếu cứ tin vào ngôn ngữ của nhà nước và báo chí Việt Nam thì không có chuyện gì xẩy ra giữa Việt Nam và Trung Cộng trước và trong thời gian ông Dương Khiết Trì có mặt ở Hà Nội.

Như vậy, thiệt thòi cuối cùng đã thuộc về nhân dân Việt Nam, chủ nhân của đất nước nhưng quyền này đã bị đảng cướp mất từ lâu nên cứ è cổ ra mà gánh chịu hậu qủa bởi những quyết định sai lầm trong quan hệ ngọai giao với Trung Cộng.

LỜI HỨA CỦA NGUYỄN TẤN DŨNG

Trước hết hãy nói về chuyện ở Milan, Ý Đại Lợi, ngày 16/10 (2014) ông Dũng đã nhân danh Chính phủ cam kết với Lý Khắc Cường những điều sau đây,theo Bộ Ngọai giao Việt Nam:

1) Ông :“Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quý trọng giữ gìn và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.”

2) Ông : “ Đề nghị hai bên duy trì gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, đồng thời kịp thời chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước.”

Ông cũng đã đồng ý : “ Hai bên nhất trí triển khai thực chất 03 nhóm công tác hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về tiền tệ và bàn bạc hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước.”

“Về vấn đề Biển Đông”, Bản tin Bộ Ngọai giao nói tiếp, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tôn trọng Luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.”

Về phiá ông Lý Khắc Cường, Bộ Ngọai giao cho biết ông ta đã : “ Khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, luôn mong muốn xử lý thỏa đáng các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.”

Sau cùng, Bộ Ngọai giao Việt Nam nói ông Lý Khắc Cường “đã phản hồi tích cực đối với những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian tới.”

Tất nhiên là phải “phản hồi tích cực” vì những gì ông Nguyễn Tấn Dũng nói ra từ miệng mình, trong tư cách một Thủ tướng Việt Nam, đã đáp lại đúng lập trường bất di bất dịch của Trung Cộng gọi là “ quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) qua tuyên bố “Biển của ta, gác tranh chấp cùng khai thác”.

Chủ trương coi lãnh thổ của người khác cũng là của mình đã được Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1979 và được các thế hệ lãnh đạo thừa kế của Trung Cộng tuyệt đối tuân thủ và thi hành qua chiều bài “tự vẽ” ra hình Lưỡi Bò, hay “đường 9 đọan” rồi chuyển sang “10 đọan” chiếm ¾ diện tích 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông.

HAI ÔNG TRỌNG-SANG

Vì vậy mà ta không lạ khi thấy trong ngôn ngữ cuối cùng sau một ngày họp giữa Dương Khiến Trì và Phạm Bình Minh, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không gay gắt như khi hai ông Trọng tiếp họ Dương ngày 18 tháng 6 năm nay (2014).

Hồi đó, ông Trọng đã “khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.” (Thông tấn xã Việt Nam,TTXVN).

Theo tin Chính phủ Việt Nam thì trong cuộc gặp Dương Khiết Trì ngày 27/10/2014, hai ông Trọng và Sang đã:” Khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; nhấn mạnh việc giữ gìn, củng cố và làm cho mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh là trách nhiệm chung của cả hai bên, phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước và cũng có lợi cho cục diện hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.”

Hai Lãnh đạo Việt Nam cũng : “Đề nghị Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương cần tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò định hướng, góp phần thiết thực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.”

Ông Sang không gặp Dương Khiết Trì ngày 18/06/2014, nhưng trong lần gặp hôm 27/10 (2014) vừa qua, Chủ tịch nhà nước CSVN nói : “ Vấn đề trên biển hết sức hệ trọng đối với mỗi nước cũng như quan hệ hai nước. Đây không chỉ là vấn đề giữa hai Đảng, hai nước mà còn là vấn đề giữa nhân dân hai nước. Nếu hai Đảng, hai nước không kiểm soát được bất đồng trên biển thì quan hệ hai Đảng, hai nước không những bị ảnh hưởng mà tình cảm của nhân dân hai nước cũng bị tổn thương.”

Tại buổi tiếp này, ông Dương Khiết Trì “khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường trao đổi cấp cao, củng cố hữu nghị nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam, đồng thời sẵn sàng cùng với Việt Nam đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân…”

Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh: “ Việc xử lý thỏa đáng bất đồng là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có ý nghĩa tích cực đối với ổn định và phát triển của khu vực.”

SỰ THẬT ĐÃ PHƠI RA

Qua những câu chữ đấy tình “vừa là đồng chí vừa là anh em” ngọt sớt này, tuy vắng bóng 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.)

nhưng bên trong vẫn thấy bóng dáng của “những nỗi xót xa” hiện ra nguyên hình trong thỏa thuận Phạm Bình Minh-Dương Khiết Trì sau đây:

1) “Hai bên cho rằng, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước.”

2) “Hai bên thực hiện nghiêm chỉnh nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, căn cứ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển. Dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, sớm triển khai công việc khảo sát chung, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đi đôi với hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp tại Mi-lan, I-ta-li-a ngày 16/10/2014.

Ở đọan này, cả hai bên Việt Nam và Trung Cộng đều không giải thích hay làm cho rõ “khảo sát chung” những cái gì, khóang sản, dầu khí, hay cả các tài nguyên, ngư trường khác nữa ?

Và tại sao Việt Nam lại đồng ý “khảo sát chung” với Trung Cộng khi Bắc Kinh không có chủ quyền ở vùng Biển Đông ?

Ngòai ra, nguy hiểm hơn, Việt Nam còn đồng ý “đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đi đôi với hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này ” ?

Như vậy là rõ ràng thỏa hiệp Phạm Bình Minh-Dương Khiết Trì ngày 27/10/2014 đã vượt ra khỏi thỏa hiệp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/06/2013 tại Bắc Kinh.

Hồi đó một “thỏa hiệp mới được phía Việt Nam gọi là “gia hạn” và “sửa đổi” lần thứ 4 hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC), thì diện tích tìm kiếm chung sẽ mở rộng từ 1541 cây số vuông lên thành 4076 cây số vuông. Và hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò Chung có hiệu lực đến hết năm 2016.”

Ông Đỗ Văn Hậu-Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã giải thích về nguồn gốc của thỏa thuận giữa hai nước như thế này : “Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam-Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung.

Từ năm 2005, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong Khu vực Thỏa thuận Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở kết quả thực hiện Thỏa thuận Khung, Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam-Trung Quốc trong Khu vực xác định Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Petrovietnam và CNOOC ngày 6/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 2/1/2007, sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn.”

Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ năm 2000, cũng như “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa” do Tổng bí thư đảng Lê Khả Phiêu ký với Trung Cộng ngày 30/12/1999 đã không được đem ra thảo luận tại Quốc hội trước khi ông Phiêu đặt bút ký nên tòan dân, cho đến bây giờ (2013), vẫn chưa được biết tường tận về những điểm lợi và hại của hai văn kiện quan trọng này.

Quốc hội của Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng đã nhắm mắt phê chuẩn Hiệp định này vào năm 2004 mà không có bất cứ cuộc điều tra hay nghe điều trần của Chính phủ nên cũng mập mờ như dân !

Do đó, sau khi có loan báo từ Bắc Kinh nói rằng hai phiá Việt-Trung đã thỏa thuận “gia hạn” và “sửa đổi” hợp tác giữa hai tập đòan dầu khí của hai nước trên Vịnh Bắc Bộ thì mọi người mới biết rằng Việt Nam đã chịu để cho Trung Cộng được quyền cùng khai thác dầu khí bên trong phần biển thuộc về Việt Nam, dù khu vực khai thác chung nằm trên đường ranh giới phân định giữa hai nước !

ông Đỗ Văn Hậu giải thích tiếp rằng : “Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và CNOOC được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần và lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.

Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên Vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng thăm dò và cùng khai thác khi phát hiện có dầu khí. Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.

Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai Tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí thì 2 bên sẽ tiếp tục bàn thảo, để cùng nhau hợp tác khai thác.” (Thống tấn xã Việt Nam, TTXVN, 20-6-2013)

Giờ đây, Việt Nam và Trung Cộng lại đồng ý “thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đi đôi với hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này” là vùng biển nào, nếu không là vùng còn lại của Biển Đông vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam thì của ai ?

Không có bất cứ bản tin nào của phía Việt Nam hay của Trung Quốc gỉải thích rõ về điểm quan trọng này, ngòai việc ông Phạm Bình Minh đã : “Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; nhấn mạnh hai bên cần triển khai hiệu quả những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Lê Hồng Anh, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 8/2014) về việc khôi phục giao lưu hợp tác, kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.”

Điều này có nghĩa phía Việt Nam đã đồng ý “giữ nguyện hiện trạng” ở Biển Đông, hay nói cách khác là “quân đâu đứng nguyên ở đó”, có nghĩa công nhận sự có mặt của quân Trung Cộng trên vùng biển Trường Sa và Hòang Sa của Việt Nam.

Bộ trường Quốc phòng Phùng Quang Thanh mới họp từ Bắc Kinh về (từ 16 đến 19/10/2014) đã xác nhận với báo chí ở Hà Nội ngày 20/10 (2014).

Đáp câu hỏi : “Hai bên có bàn về việc phía Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như chuyện giàn khoan đã xảy ra ít tháng trước?

Tướng Thanh: “Chúng tôi có trao đổi phải giữ nguyên hiện trạng trên biển Đông và phải thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông - DOC. Quan điểm chung là các bên không mở rộng tranh chấp, không cắm mốc mới. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam.

H:- Phía Trung Quốc có đưa ra cam kết nào về việc giữ nguyên hiện trạng, thưa ông?

Tướng Thanh:”Hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC – nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp. Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực.”

Bộ Ngọai giao Việt Nam nói thêm: “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nêu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông, khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì bày tỏ, Trung-Việt là hai nước láng giềng quan trọng của nhau, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với Việt Nam. Với sự nỗ lực chung, hai bên đã khắc phục được những khó khăn gặp phải trong thời gian vừa qua. Hiện quan hệ song phương đang từng bước khôi phục, hai bên cần nắm chắc phương hướng phát triển quan hệ hai nước, xử lý thoả đáng và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác song phương. Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì nhất trí tăng cường chỉ đạo các cơ quan hữu quan Trung Quốc tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại Phiên họp lần này.”

Như vậy xem ra Dương Khiết Trì đã “mát lòng mát dạ” sau khi chỉ mất một ngày họp ở Hà Nội với ông Phạm Bình Minh mà xem ra không tốn bao nhiêu công sức.

Bởi vì : “Hai bên cho rằng, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng đi vào chiều sâu.

-Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai nước; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc; khẩn trương thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực liên quan.

-Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý biên giới.”

Nghe qua thì có vẻ hòa bình, hữu nghị đấy nhưng kẻ bị thiệt trong thỏa thuận Phạm Bình Minh-Dương Khiết Trì ngày 27/10/2014 không phải là đảng CSVN mà thuộc về số phận hẩm hiu của nhân dân Việt Nam, những người đã không những chỉ mất quyền làm chủ đất nước vào tay đảng mà còn bị Lãnh đạo Việt Nam đầy vào chân tường khi không giữ được tài sản của Tổ tiên để lại cho đời sau. -/-

Phạm Trần

(10/014)
 
Đập chuột sợ…vỡ bình!
Lykhách
21:46 29/10/2014
Nhưng mà chuột thì làm sao đập chuột?
Ngài Bí Thư lại lú chuyện lòng vòng
Chuột thành thị, chuột đồng cắn rượt
Cũng chỉ tranh quyền gặm nát non sông!

“Bình” là lòng dân, là thiện lành… đã nát
“Chuột” là đảng-tính buổi đất nước mạt thời
Những kẻ ngu lâu vẫn còn cố tin vào Đảng-Bác
Bầy chuột cộng sản đòi giải phóng con người!

Đất nước đi đâu cũng thấy chuột
Chúng chẳng sợ người cứ cắn rượt ngày đêm
Bầy chuột cán bộ hủ hóa bò lên phía trước
Ngóc ngách ruộng vườn, dăm con bò lên thẳng Trung-ương

Lãnh đạo bây giờ biến hóa đứa thành sâu, đứa chuột
Chuột-Bí-Thư đâm ngán bầy chuột nhắt lộng hành
Lại lo sợ vỡ cái độc quyền đảng chiếm được
Cái “Bình-Non-Sông” chuột gặm (…bố khỉ!) đã tan tành!

Buổi quốc-phá-gia-vong có gật gù “Hội-Đồng-Chuột”
Đại biểu “dạ-thưa” đòi đánh chuột hội đồng
Ưa hùa nhất trí - kiểu vá víu việc nước
Diệt chuột ư? Đảng là chuột đấy…dám đập không?

Chuột là đảng mà diệt chuột cũng là đảng
Kiểu như vừa ăn cướp vừa la làng
Bầy chuột này chỉ sợ mèo đại Hán
Cắn nát nước non, thò đuôi chuột Việt gian!

Ngóc ngách quê nghèo đâu đâu cũng thấy chuột
Chuột quan liêu, chuột tham nhũng, chuột đại gia…
Đứa gặm đất, đứa cắn cầu đường… biển rừng… gặm tuốt
Chuột chả ngán người bởi chuột là con ông cháu cha!

Bởi thế chuột thì làm sao đập chuột?
Chuột trung ương đòi đập chuột địa phương?
Chuột thao túng độc quyền ăn chia mạt nước
Bầy chuột này làm hang ổ trong đảng cộng sản bất lương!
 
Thông Báo
Cáo phó: Ông Cố JB Nguyễn Thanh Long qua đời tại Cincinnati, Ohio
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
21:40 29/10/2014
CÁO PHÓ
Trong niềm xác tín vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Gia đình chúng tôi xin thông báo:
Cố JB Nguyễn Thanh Long
Sinh ngày 21-5-1934 tại Phú Lộc, Việt Nam
Sau một thời gian dài bệnh nặng, được Chúa gọi về ngày 28-10-2014.

Chương trình Tang Lễ:
Thứ Sáu, 31-10-2014: 6pm-9pm: Viếng Xác
7pm: Thánh Lễ và nghi thức phát tang

Thánh Lễ An Táng 10 giờ sáng Thứ Bảy, 01-11-2014
tại Our Lady of Lavang Community, 314 Township Ave., Cincinnati, OH 45216
Sau Thánh Lễ, thi hài Cố sẽ đưa ra an nghỉ tại Nghĩa Trang the Gate of Heaven, Cincinnati, OH.

Gia đình chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả những lời thăm hỏi, phân ưu, và cầu nguyện của Quý Giám Mục, Linh Mục,
thân bằng quyến thuộc và bạn hữu xa gần. Trong lúc tang gia bối rối, xin vui lòng thứ lỗi cho những thiếu sót xảy ra.

Tang Gia đồng bái tạ,
Bà Cố Nguyễn Thanh Long, quả phụ
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng nam
và toàn thể anh chị em, con cháu nội ngoại
 
Văn Hóa
Câu truyện tháng Mười
Vũ Văn An
22:48 29/10/2014
Tháng Mười là tháng Mân Côi. Ở quê tôi ngày xưa, vào tháng này, người ta thường đọc “Sách Tháng Đức Bà” ở nhà thờ, vào mỗi chiều tối, thuật lại những chuyện lạ lùng liên quan tới Tràng Hạt Mân Côi, tới Thánh Mẫu Maria, những truyện nghe riết trở thành thân thương, đi vào tiềm thức, trở thành một kỷ niệm hết sức êm đềm, mỗi lần nhớ tới, lòng đều chùng xuống, nhưng lại hết sức nhẹ nhàng lâng lâng và mông lung nữa. Hình như đây là một kỷ niệm không hẳn của 5, 6 chục năm về trước mà xa xăm hơn nhiều, từ những năm nào tận mãi thời Êphêsô và trước đó.

Thực vậy, Êphêsô (năm 431) chỉ là đốm sáng nhất, là làn sóng nhồi trồi lên đem lại lòng sùng kính chính thức đối với Thánh Mẫu Maria qua định tín Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Từ đó, không biết bao thánh đường đã mọc lên khắp thế giới dâng kính ngài, và không biết bao lời ca tụng thi nhau được vang lên ca hát danh thánh diễm phúc.

Nhưng ngay từ buổi đầu Kitô Giáo, chúng ta đã không quên nói tới vai trò Thánh Mẫu trong nhiệm cục cứu rỗi rồi. Nhiệm cục này có bao nhiêu giai đoạn thì có bấy nhiêu sự hiện diện của ngài: lúc Chúa nhập thể, lúc Người sinh ra, lúc Người lớn lên, lúc Người ra công khai, lúc Người chịu chết, lúc Người sống lại và lúc Người khai sinh ra Giáo Hội.

Văn bản và định tín chỉ có thể đi sau lòng sùng kính của con người. Nếu văn bản và định tín đã nhắc tới Thánh Mẫu thì Thánh Mẫu hẳn đã ở trong lòng người từ lâu trước đó. Các giáo phụ đầu tiên cũng đã dựa vào lòng người này để triển khai nhiều học thuyết về Thánh Mẫu:
Thánh Inhaxiô thành Antiôkia (chết khoảng năm 107) khẳng quyết về sự đồng trinh của Đức Maria và minh nhiên nhìn nhận vị trí của Ngài trong mầu nhiệm cứu chuộc. Thánh Justinô (chết khoảng năm 165), Thánh Irênê (chết khoảng năm 193), và Tertulianô (chết khoảng năm 220) cả ba đều góp phần vào việc khai triển sự so sánh song hành của thánh Phaolô về Ađam Cũ/Ađam Mới (Rm 15: 12-21). Và trong khi khai triển như thế, họ cũng đã thúc đẩy sự so sánh tương tự giữa Evà và Evà Mới. Sự lưu ý của thần học về vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu chuộc tự nhiên dẫn đến việc Ngài được ca ngợi chính thức cũng như không chính thức trong Giáo Hội. Cái vinh dự mà Ngài được ban tặng nhờ việc nhập thể được liên tục nhắc lại trong Kinh Tin Kính lúc chịu phép rửa hồi xưa trong đó Giáo Hội công khai tin nhận Chúa Giêsu ‘sinh bởi bà Maria Đồng Trinh’.

Nhưng tính cách bình dân trong lòng sùng kính Thánh Mẫu nổi bật nhất nhờ các trước tác ngoại kinh như Ca Khúc Solomon, Sấm Ký Sybylline và Phúc Âm Đầu Hết Của Giacôbê. Các văn bản này đưa ra những lời ca tụng rất bình dị đối với Đức Maria và khi ‘thỏa mãn’ óc tò mò đạo đức, chúng cũng đã thoả mãn một số nhu cầu thần học nhờ đã trám đầy một số chi tiết về đức Maria mà các Tin Mừng đã không nói đến.

Một lời kinh được khám phá trên các mảnh gốm tại một di tích lịch sử thuộc một tu viện Coptic thế kỷ thứ ba cho thấy rõ sự ca tụng thời xưa đối với đức Maria đã được linh hứng ra sao từ trình thuật Truyền Tin của Luca:

Kính mừng Maria,
Đầy ơn phúc;
Chúa ở cùng Bà,
Cả Chúa Thánh Thần nữa. Thầy cả của Bà mặc đồ công chính
Những kẻ tôn kính Bà sẽ vui mừng hớn hở.
Lạy Chúa, vì Đavit tôi tớ Chúa, xin Chúa hãy cứu vớt dân Người;
Hãy chúc phúc phần dân Chúa chọn.
Kính mừng đấng Đồng Trinh vinh hiển,
Maria đầy phúc.
Chúa ở cùng Bà.
Bà có phúc hơn mọi người nữ;
Và phúc thay hoa quả lòng Bà;
Vì Đấng Bà thụ thai chính là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc linh hồn chúng con
.

Ở đây việc nhắc đến các thầy cả (linh mục) là điều quan trọng về phương diện lịch sử vì được nhắc đến trong một bản văn thánh vịnh, hẳn nó ám chỉ đây là lời kinh phụng vụ đã có trước cả Kinh Kính Mừng đến vài trăm năm.

Niên biểu chính xác của các lời ca tụng trong phụng vụ thời sơ khai đối với tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa là điều khó ấn định. Tuy nhiên, ca khúc phụng vụ của Thánh Ephraem người Syria (sinh năm 306) chắc chắn không thua sút bất cứ ca khúc nào khác về vẻ đẹp và sự tinh tế trong lời ca tụng đấng đã cho Đấng Cứu Thế mặc xác phàm. Nếu chú ý lắng nghe, ta sẽ thấy nhiều âm hưởng Kinh Thánh trong trích đoạn dưới đây:

Hãy đến, hỡi tất cả những ai sáng suốt, hãy chiêm ngắm
Người Mẹ đồng trinh, dòng vua Đavit.
Người đẹp mỹ miều, đã sinh hạ Đấng Tuyệt Diệu;
Người là giòng suối tạo nên Giếng Khơi,
Người là con tầu mang niềm vui Chúa Cha,
Chở tin mừng trong lòng trinh khiết;
Người mang theo và hộ tống
Vị Thuyền Trưởng vĩ đại sáng thế
Đấng mà qua Ngài hòa bình sẽ
Thống trị trên mặt đất và trên trời....
Người mang chim bồ câu non
Chim Ưng, Kỳ Lão muôn Đời
Luôn ca ngợi vì người mang Ngài
Bằng những lời ca yêu dấu:
‘Ôi Con yêu, con giầu có, Con đã chọn
Lớn lên trong chiếc tổ tí hon; là cây đàn muôn điệu,
Con lặng thinh như đứa bé thơ, hãy để mẹ ru Con
bằng cây đàn rung động cả vệ thần Thiên Chúa...


Ca khúc Ephraem dùng trong khi cử hành Ngày Sinh của Đức Kitô cũng đồng thời cử hành sự vui mừng của Giáo Hội trước sự tham dự của đức Maria vào mầu nhiệm ấy:

Hôm nay đức Maria đã nên cho chúng con
Tầng trời mang Thiên Chúa;
Vì trong ngài, Thiên Chúa vinh quang
Đã xuống lòng cư ngụ;
Trong ngài, Người đã ra bé nhỏ,
Để chúng con nên lớn
Nhưng bản tính Người không suy giảm;
Trong ngài, Người đã dệt cho chúng con
chiếc áo cứu chuộc...


Sự tuyệt vời trong tư tưởng của Thánh Ephraem khi liên kết Chúa Thánh Linh, Giáo Hội, đức Maria và sự hiện diện của đức Kitô trong Thánh Thể với nhau đã được diễn tả một cách tuyệt diệu trong Ca Khúc Niềm Tin thứ mười của ngài:

Lửa và Thần Khí trong lòng Maria;
Lửa và Thần Khí trong giòng sông Rửa Tội,
Lửa và Thần khí trong Phép Rửa ta,
Lửa và Thần Khí trong bánh, trong rượu
.

Trên đây là lòng sùng kính dưới dạng tụng ca. Dưới dạng huấn giáo, lòng sùng kính này chẳng kém thua xa, một lòng sùng kính, nói như Pelikan, “đã làm vang lại ngôn ngữ tôn sùng bình dân” trong khi đưa ra lý chứng thần học. Thánh Anathasiô (sinh khoảng năm 295) biện luận rằng tư cách làm mẹ của đức Maria bảo đảm nhân tính của Chúa Giêsu và, do đó, là chuẩn thức cho sự cứu rỗi của con người. Thánh Augustinô (sinh khỏang năm 354) thì chú trọng đến đức tin của Đức Mẹ: chính nhờ đức tin vâng phục của đức Maria mà Chúa Giêsu đã được dựng thai về phương diện thể lý. Đức Mẹ được ca ngợi vì đã biết lắng nghe và thực hiện Lời Chúa.

Nhưng chứng tích của ký ức về Thánh Mẫu thì không đâu bằng các hoang toại đạo, từ thế kỷ thứ ba. Hang toại đạo Priscilla có ba bức bích họa về Đức Mẹ. Bức sớm nhất vẽ đức Maria ẵm Chúa Hài Nhi. Bức thứ hai vẽ đức Maria đang trình diện đức Kitô cho Dân Ngoại. Bức thứ ba cho thấy một người đàn bà vùng Orans được mang đến trước ngai Mẹ và Hài Nhi. Các hang toại đạo thánh Phêrô và thánh Marcellinô có tranh vẽ đức Maria mặc y phục như một mệnh phụ phu nhân La-Mã đang ngự giữa các Nhà Chiêm Tinh. Còn tại hang toại đạo Maiô, người ta tìm thấy di tích hình bán thân đức Maria với hai bàn tay ở tư thế bán nguyệt.

Nghệ thuật tống táng cũng thường thấy mô thức (motif) Đức Mẹ trình diện Chúa Hài Nhi cho các Nhà Chiêm Tinh. Người ta thấy một thí dụ điển hình được lưu giữ nguyên vẹn trên quan tài bằng đá của Clipêô (khoảng năm 315): thay vì hình hoàng đế, người ta miêu tả đức Maria đang ngự trên ngai cùng với Hài Nhi Giêsu đang tiếp nhận cống phẩm từ tay các Dân Ngoại.

Việc ca ngợi đức Maria bằng tranh ảnh cũng được tìm thấy qua các công trình khảo cổ tại Nazareth bên Đất Thánh. Toán làm việc dưới sự điều khiển của các cha Bagatti và Testa trong các năm 1955-1960, đã tìm thấy dưới chân cột nhiều chữ viết nghuệch ngoạc khoảng cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba. Trong số ấy mấy chữ XE PAPIA (kaire Maria) trích từ lời sứ thần chào đức Maria (Lc 1:26) còn đọc được rõ nét. Tại nhà thờ Syriac ở cổ thành Giêrusalem, vẫn còn bức tranh được kỹ thuật dùng cácbon định niên kỷ vào thế kỷ thứ nhất tôn kính đức Maria trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa.

Trên đây, ta mới nói tới tụng ca, còn việc cầu nguyện cùng Đức Maria cầu bầu thì đã có từ bao giờ? Có đủ bằng chứng cho thấy trước thời Công Đồng Êphêsô, Kitô hữu đã từng cầu nguyện cùng Mẹ Chúa Giêsu dưới tước hiệu Bầu Chữa (Advocate), vì là Mẹ Thiên Chúa. Thí dụ lâu đời nhất còn tồn tại đến nay (một bản viết thế kỷ thứ ba) về việc kêu cầu Mẹ Thiên Chúa hiện được lưu giữ tại Thư Viện John Rylands ở Manchester. Bản dịch bản viết này có đoạn như sau:

Hỡi Mẹ thánh Thiên Chúa,
nép dưới lòng từ bi mẹ, chúng con xin ẩn mình;
xin mẹ đừng để những ai cầu xin mẹ phải sa chước cám dỗ,
nhưng xin mẹ hãy cứu chúng con khỏi hiểm nguy,
chỉ có mẹ là thanh sạch và có phúc
.

Sách An Nghỉ của người Ethiopia (thế kỷ thứ ba) có ghi lại một bài kinh cầu bầu từ miệng những người tương truyền đã phá bĩnh đám đưa tang đức Maria và bị phạt đứt tay vì đã cả gan định xúc phạm đến thân xác Ngài:

Hỡi Maria, chúng con nài xin bà,
hỡi Maria, ánh sáng và mẹ của mọi ánh sáng,
hỡi Maria, sự sống và mẹ các tông đồ,
hỡi Maria, ánh sáng vàng tươi, đấng mang ngọn đèn chân thật,
hỡi Maria, bà chúa và là Mẹ Chúa chúng con,
hỡi Maria, Nữ vương chúng con, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa cho chúng con được an nghỉ thảnh thơi
.

Vả lại, trước Êphêso, đã có việc cử hành chính thức lễ nhìn nhận đức Maria là Mẹ Thiên Chúa rồi. Ca khúc trong thánh lễ này có đoạn:

Kính mừng Maria, Mẹ Thiên Chúa
Kho tàng quí giá của hoàn cầu, khiến cả hoàn cầu tôn kính,
Đèn không bao giờ tắt,
Vinh quang chói lọi bậc đồng trinh,
Rường cột đức tin chính thống,
Đền thờ không ai phá đổ,
Nơi chứa Đấng không nơi nào chứa được,
Làm mẹ mà vẫn còn đồng trinh…
Sự kỳ diệu này làm chúng con sửng sốt lạ lùng... Vì thế cả duơng trần thẩy đều hân hoan...


Tóm lại “Kính Mừng Maria” đã ở trên môi miệng Kitô hữu ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Nó là nguồn của Kinh Kính Mừng sau này và do đó là nguồn của chuỗi Mân Côi. Với việc lặp đi lặp lại của thể thức Mân Côi, Kinh Kính Mừng trở thành kinh được đọc nhiều nhất không những trên môi miệng tín hữu Công Giáo La Mã, mà cả tín hữu Chính Thống, Anh Giáo và Luthêrô nữa.

Kính Mừng đi trước

Nói tới tín hữu Luthêrô, người ta không khỏi không nhắc tới người Thệ Phản. Nói chung, những người này không sùng kính Thánh Mẫu Maria, vì coi việc sùng kính này là thờ ngẫu thần, biến Đức Maria ngang hàng Thiên Chúa. Tất nhiên, vì thế, họ không đọc Kinh Kính Mừng như người Công Giáo, chứ đừng nói tới việc lần hạt Mân Côi. Điều đáng buồn là họ không bình thản ngồi xuống phân tích nội dung Kinh Kính Mừng. Vì nếu họ chịu làm thế, họ sẽ có một thái độ khác hẳn. Như câu truyện sau đây của một cậu bé Thệ Phản:

Cậu mới có 6 tuổi, nhưng nhờ được nghe bằng hữu Công Giáo hay đọc Kinh Kính Mừng, nên cậu cũng bắt chước chép tay kinh ấy, rồi học thuộc lòng và đọc nó mỗi ngày. Có ngày, cậu còn khoe với mẹ: “Má ơi, bài kinh này hay quá má ơi!” Bị bà la ngay lập tức: “Không bao giờ được đọc kinh này nữa, nó là lời cầu nguyện dị đoan của người Công Giáo, những người chuyên thờ các ngẫu thần và nghĩ rằng Maria là một nữ thần. Dù gì, bà ấy cũng là đàn bàn như bất cứ ai khác. Này con, hãy cầm lấy Sách Thánh mà đọc. Nó chứa mọi điều ta buộc phải làm”.

Từ ngày ấy, cậu thôi không đọc Kính Mừng Maria nữa, chỉ chăm chú đọc Sách Thánh mà thôi. Khổ nỗi, nhờ đọc Sách Thánh, có ngày cậu gặp đoạn nói về việc truyền tin. Mừng quá, cậu vội chạy tới mẹ và nói: “má ơi, con thấy Kinh Kính Mừng ở trong Sách Thánh, nguyên văn thế này: ‘Kính mừng bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ’ Thế thì tại sao má lại bảo nó là lời cầu nguyện mê tín?”

Một dịp khác, cậu gặp đoạn nói về cuộc thăm viếng bà Êlisabét và ca khúc tuyệt vời là Kinh Ngợi Khen trong đó, Thánh Mẫu tiên đoán “mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc”. Cậu không nói gì với mẹ nữa, nhưng bắt đầu đọc Kinh Mính Mừng trở lại như trước. Cậu cảm thấy sung sướng được đọc những lời chào kính Mẹ Chúa Giêsu đầy duyên dáng này.

Lúc lên 14, nghe gia đình tranh luận về Thánh Mẫu, coi ngài chỉ như bất cứ phụ nữ nào khác, cậu nổi giận ngắt ngang mọi người: “Đức Maria không như bất cứ con cái nào khác của Ađam, bị vấy bản bởi tội lỗi. Không! Thiên Thần đã gọi ngài là đấng đầy ơn phúc và có phúc lạ hơn mọi người nữ. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và do đó, là Mẹ Thiên Chúa. Không còn phẩm giá nào cao hơn mà một tạo vật có thể được nâng lên. Tin Mừng nói rằng mọi thế hệ sẽ công bố ngài là người diễm phúc, ấy thế mà gia đình ta lại mưu toan ghét bỏ và khinh bỉ ngài. Tinh thần gia đình ta không phải là tinh thần của Tin Mừng hay tinh thần của Thánh Kinh mà gia đình ta vốn coi là nền móng của Kitô Giáo”.

Mẹ cậu chỉ còn biết kêu trời như bọng: "Ôi trời ơi, tôi sợ đứa con trai của tôi có ngày sẽ nhập đạo Công Giáo, đạo của mấy ông giáo hoàng quá!”. Và quả như thế, chẳng bao lâu sau, sau khi nghiên cứu kỹ về Thệ Phản Giáo và Công Giáo, cậu đã nhập Công Giáo và trở thành một linh mục nổi tiếng. Đó là Linh Mục Kinh Sĩ Christopher Tuckwell, chánh xứ Nhà Thờ Chánh Tòa Westminster, London, hiện nay.

Truyện chưa hết: sau khi trở lại, cậu còn làm cho người chị đã có gia đình từ một người thệ phản thành một người Công Giáo ngoan đạo. Bà chị này rất ghét việc cậu trở lại, gặp mặt là bà giằn mặt: “Em không biết chị thương các cháu thế nào đâu. Nhưng nếu có đứa nào muốn trở thành Công Giáo, chị sẽ sớm dùng gươm đâm nát trái tim nó, còn hơn để nó theo đạo của mấy ông giáo hoàng!”

Nhưng rồi, một trong các con của chị bi bệnh nặng đến nỗi các bác sĩ đều chê. Christopher đến gặp chị và nói với chị: “chị thân yêu, đương nhiên chị muốn con chị khỏi bệnh. Nếu thế, chị hãy làm điều em yêu cầu sau đây: ta hãy cùng đọc ‘Kinh Kính Mừng’ và hứa với Thiên Chúa rằng nếu con chị bình phục, chị sẽ học hỏi tín lý Công Giáo một cách nghiêm túc và nếu đạt được kết luận rằng Đạo Công Giáo là đạo duy nhất chân thực, thì chị sẽ gia nhập nó bất chấp sự hy sinh nào”.

Trong cơn cùng cực, người chị đã làm theo. Và ngày hôm sau, đứa con bình phục hoàn toàn. Chị đã giữ lời hứa, trở lại Công Giáo như em.

Kính Mừng đi sau

Đấy là lời cầu nguyện đi trước. Lời cầu nguyện đi sau cũng vẫn có hiệu quả như thường. Đó là câu truyện của “Dân Làng Hồ”. Đây là tựa một cuốn sách dịch từ nguyên tác tiếng Pháp “Les Sauvages Bahnars” của linh mục P. Dourisboure, M.E.P., do Tòa Giám Mục Kontum xuất bản và được Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh mang tặng bà con Sydney đầu tháng Mười này. Giáo Phận “Làng Hồ” hay Kontum (Kon=làng; tum=hồ) vốn là công khai phá của Hội Thừa Sai Paris mà linh mục Dourisboure là một trong những thừa sai đầu tiên.

Các vị thừa sai này là nạn nhân của đủ thứ nhân tố bất lợi: khí hậu, thế đất, thú rừng, con người, ngôn ngữ, phong tục, thù hận, kỳ thị, hiểu lầm. Cụ thể và đáng sợ nhất là bệnh tật, sốt rét rừng. Phương tiện di chuyển của họ thường là cuốc bộ, băng rừng vượt suối, khởi đầu chỉ để mở con đường an toàn cho những dự án truyền giáo về sau, chưa hy vọng gì đem được người trở về với Chúa.

Chính trong một lần di chuyển như thế, cha Durisboure cảm thấy triệu chứng ớn lạnh đầu tiên của cơn sốt rét rừng. Đường đi còn xa, vì thế ngài cố gắng giữ bình tĩnh và bước đi thật nhanh. Nhưng cơn sốt lên cao, hai đầu gối ngài bắt đầu run lẩy bẩy, nên yêu cầu được dừng lại. Bạn đồng hành là Cha Combes khuyên ngài nên đi thêm chút nữa chứ ngừng tại đây làm gì có chỗ trú cơn mưa đang trút xuống, rất nguy hiểm cho cơn sốt. Ngài cố gắng nhưng không sao bước thêm được.

Giữa lúc cùng quẫn ấy, Cha bỗng nhớ tới Đức Mẹ: “Tôi nhớ trong hoàn cảnh bi đát đó, tôi đã quên cầu khẩn Đức Mẹ: ‘Tôi thật khốn nạn và vô ơn! Nếu tôi nhớ đến Mẹ Maria thì chắc Người đã cứu giúp tôi. Con xin lỗi Mẹ, lạy Mẹ, con xin lỗi, sự bội bạc của con không thắng được lòng từ ái của Mẹ. Sớm muộn gì Mẹ cũng an ủi những kẻ đau khổ. Đây là lúc Mẹ tỏ lòng từ bi của Mẹ. Xin Mẹ làm dịu cơn sốt của con hoặc làm cho đôi chân run rẩy của con vững chắc’. Thầm thì những lời ấy xong, tôi thử bước đi và bỗng nhiên tôi cảm thấy sức khỏe hồi phục. Tôi vui sướng thốt lên: ‘Ôi lạy mẹ! Ôi Mẹ của con! Con là đứa con khốn nạn, vô ơn. Phải chi con kêu lên Mẹ sớm hơn, thì hẳn Mẹ đã đến giúp con rồi. Vinh danh Mẹ!’ Và tôi đã bước đi thật mau, bỏ Cha Combes phía sau đến hai mươi bước làm ngài vô cùng ngạc nhiên. Tôi không dám khẳng định đó là một phép lạ. Nhưng dù có làm bạn đọc cười chê, thì tôi cũng không thể không bày tỏ lòng biết ơn, và hiện giờ tôi vẫn nói như đã từng nói: ‘Vinh danh Mẹ! Vinh danh Mẹ! Ôi Mẹ Maria”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bóng Thu Bên Hồ
Đặng Đức Cương
21:04 29/10/2014
BÓNG THU BÊN HỒ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Trông ngẩn ngơ
Đâu dật dờ
Hoàng hôn sương đã lững lờ
Hồ thu dạo bước tình cờ qua đây !
(Trích thơ của Nguyễn Tâm)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 23-29/10/2014 - Dụ ngôn hai người con
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 29/10/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hiệp nhất với Chúa Kitô, chúng ta không còn là vô danh

Trong bài giảng lễ sáng thứ Ba 21 tháng 10 tại nguyện đường Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng “Kitô hữu là người biết cách chờ đợi Chúa Giêsu như thế nào để nuôi dưỡng niềm hy vọng vững chắc đưa đến ơn cứu độ.”

Suy gẫm về Tin Mừng theo Thánh Luca và thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, Đức Thánh Cha nói rằng: dân Chúa được hiệp nhất trong Chúa Kitô, tạ ơn Ngài vì chúng ta không vô danh, và vượt lên trên những thù hằn.

Trích dẫn đoạn Tin Mừng theo thánh Luca: “Phúc cho những đầy tớ cầm đèn cháy sáng chờ đợi chủ ăn cưới trở về”. Trong cảnh tiếp theo, Chúa Giêsu nói rằng những đầy tớ ấy dựa cửa và chờ chủ về.

Việc phục vụ cho Chủ làm cho Kitô hữu có một “căn tính”. Không có Đức Kitô, chúng ta không có căn tính, là kẻ vô danh. Và Đức Thánh Cha suy gẫm dựa vào những lời của Thánh Phaolô nhắc cho dân ngoại nhớ rằng không có Chúa Kitô, họ như những người dưng với quốc tịch Israel.

Những gì Chúa Kitô đến để thực hiện là cho chúng ta thành một công dân, thuộc về một dân tộc, được mang tên. Từ những kẻ thù nghịch sống không hòa bình, Đức Kitô đã đưa chúng ta vào trong thân mình của Ngài, phá vỡ các bức tường phân chia là sự thù hằn.

“Chúng ta đều biết rằng khi chúng ta không ở trong hòa bình với những người khác thì chúng ta dựng nên những bức tường thù ghét. Có một bức tường chia rẽ chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã phá vỡ bức tường này nhờ đó chúng ta có thể gặp gỡ nhau. Và nếu chúng ta bị phân rẽ, chúng ta sẽ không có bạn bè: chúng ta là những kẻ thù. Và Ngài đã hòa giải tất cả chúng ta: là những người bạn, là kẻ thù, là những người xa lạ, là con trai và con gái trong Thiên Chúa.”

Chúng ta là những dân xa lạ được Chúa cho trở thành “người đồng hương với các thánh và thành viên trong gia đình của Thiên Chúa”. Đó là những gì Thiên Chúa tạo dựng khi Ngài đến. Nhưng điều kiện của Ngài là gì? – Là chúng ta cần phải chờ đợi Ngài như những đầy tớ chờ đợi chủ của mình.”

“Hãy chờ đợi Chúa Giêsu! Ai không chờ Chúa Giêsu tức là người đóng cửa nhà mình đối với Chúa Giêsu, không để cho Ngài dắt ta tiến về phía trước, làm cho chúng ta trở thành công dân của Ngài. Hơn thế nữa, còn không để cho Ngài đặt cho ta một cái tên. Ngài làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Chúng ta cần phải có niềm hy vọng Kitô giáo. Một Kitô hữu là con người của niềm hy vọng. Người đó biết Chúa sẽ đến. Chúng ta không biết khi nào, giờ nào Chúa đến, nhưng Ngài sẽ đến và không để cho chúng ta bị phân rẽ. Ngài đưa chúng ta vào bàn ăn và phục vụ chúng ta. Chúng ta được làm bạn hữu của Ngài trong bình an.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng cách đặt câu hỏi như sau: tôi chờ đợi Chúa Giêsu như thế nào? “Tôi có thực sự muốn chờ đợi Ngài hay không?”:

“Tôi có tin trong niềm hy vọng rằng Ngài sẽ đến không? Tâm hồn tôi có mở ra để Ngài gõ cửa, để Ngài bước vào lòng tôi không? Một Kitô hữu là người biết làm thế nào để chờ Chúa Giêsu. Là người của niềm hy vọng. Là Kitô hữu, chúng ta đừng sống như dân ngoại, không nhớ đến Chúa Giêsu và chờ đợi Ngài. Kẻ ngoại đạo tự phụ thì cho rằng chính mình là thần: “Tôi làm chủ trên đời tôi”. Và hậu quả là người đó kết thúc đời mình trong thậm tệ, vô danh, không nơi chốn và không là công dân của Nước Trời.”

2. Hiệp nhất trong đa dạng

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi để kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo Hội khi để cho Chúa Thánh Thần, là Đấng tạo ra sự hiệp nhất trong đa dạng hướng dẫn mình. Đó là ý chính trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu, 24 tháng 10 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nguyện đường Santa Marta.

Trong bài đọc thứ I trích từ Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô tự nhận mình là một tù nhân của Chúa và kêu gọi cộng đoàn Êphêsô sống một cách xứng đáng với ơn gọi mà họ đã được lãnh nhận hầu cố gắng duy trì sự hiệp nhất trong thần khí. Quảng diễn bài đọc này, Đức Thánh Cha nói: “Xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội là công việc của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu trong suốt lịch sử”.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng khi Thánh Tông Đồ Phêrô “nói về Giáo Hội, ngài nói rằng đó là một ngôi đền thờ bằng đá sống động, đó là chúng ta”. Đức Thánh Cha cảnh báo rằng ngược lại với ngôi đền này là “ngôi đền của lòng kiêu hãnh, đó là Tháp Babel”. Ngôi đền đầu tiên “mang lại sự hiệp nhất”, cái thứ hai “là biểu tượng của sự chia rẽ, thiếu hiểu biết, sự hỗn loạn của ngôn ngữ”.

“Xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội; xây dựng Hội Thánh, ngôi đền sống động là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu, mỗi người chúng ta. Khi xây dựng đền thờ hay tòa nhà, trước hết là tìm một mảnh đất thích hợp. Rồi sau đó đặt nền đào móng. Kinh Thánh nói nền tảng của sự hiệp nhất, hay đúng hơn nền tảng của Giáo Hội là Chúa Giêsu và nền tảng này dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: ‘Lạy Cha xin cho họ được nên một’. Và đó chính là sức mạnh của sự hiệp nhất!”

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu là “đá tảng mà trên đó chúng ta xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội”, “không có đá tảng này, tất cả mọi thứ khác đều không thể. Sẽ không có sự hiệp nhất nếu không có Chúa Giêsu Kitô là nền tảng: Ngài chính là nền tảng vững chắc của chúng ta”.

Sau đó, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi với các tín hữu tham dự như sau: “Ai xây dựng sự hiệp nhất này?”. “Đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là Đấng duy nhất có khả năng xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã gửi Ngài đến để làm cho Giáo Hội phát triển, để làm cho Giáo Hội mạnh mẽ, để làm cho Giáo Hội nên một”. Thánh Thần xây dựng “sự hiệp nhất trong Giáo Hội” trong “sự đa dạng nơi các quốc gia, các nền văn hóa và dân tộc.”

Đức Thánh Cha Phanxicô lại đặt tiếp một câu hỏi khác: “Xây dựng ngôi đền này như thế nào?” Nói về chủ đề này, Thánh Tông Đồ Phêrô nói: “chúng ta là những viên đá sống động trong tòa nhà Giáo Hội”. Mặt khác, thánh Phaolô cũng “khuyên chúng ta đừng là những viên đá yếu nhược”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Lời khuyên của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại trong việc xây dựng sự hiệp nhất dường như là một lời khuyên nhu nhược theo suy nghĩ của con người.

“Khiêm tốn , hiền lành, khoan dung: Những điều này xem ra nhu nhược, bởi vì người khiêm tốn có vẻ chẳng có gì; dịu dàng, hiền lành xem chừng như vô dụng; sự rộng lượng giống như cởi mở với mọi người… Nhưng sau đó, Đức Thánh Cha phản bác lại rằng: Một người mang suy nghĩ của tình yêu thì sẽ nhìn thấy khác. Anh chị em có mang suy nghĩ tình yêu trong tim không? Đó là điều duy trì sự hiệp nhất. Những “nhu nhược” của những đức tính như là: khiêm nhường, lòng quảng đại, sự dịu dàng, hiền lành lại là mạnh mẽ hơn để giúp chúng ta xây dựng đền thờ sống động là sự hiệp nhất”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: đó chính là “cách mà Chúa Giêsu đã dùng” người “đã trở thành yếu nhược”, chết trên thập giá “và sau đó đã trở nên mạnh mẽ!”. Chúng ta cũng vậy, nên nhớ: “Niềm kiêu hãnh đưa đến vô dụng”. Khi bạn xây dựng một tòa nhà, “kiến trúc sư đã đưa cho bạn một “bản vẽ”. Và “bản vẽ” để xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội là gì?”.

“Niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi là: niềm hy vọng của cuộc hành trình hướng về Chúa, niềm hy vọng trong một Giáo Hội sống động, được xây nên từ những viên đá sống động, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong “bản vẽ” của niềm hy vọng, chúng ta mới có thể tiến về phía trước xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Chúng ta đã được mời gọi tiến đến một niềm hy vọng lớn lao. Hãy đến đó! Nhưng với sức mạnh của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu “cho tất cả chúng ta được hiệp nhất; với sự ngoan ngoãn tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng có khả năng biến những viên gạch thành những viên đá sống động; và với hy vọng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta, để gặp gỡ Ngài khi đến thời viên mãn”.

3. Dụ ngôn hai người con

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 17 tháng 10, Đức Thánh Cha đã lên tiếng cảnh giác các Kitô hữu không có căn tính Kitô, những người chỉ là các tín hữu Kitô trên danh nghĩa, trên môi miệng.

Ngài nói:

“Người này là một Kitô hữu, đúng, có đi lễ mỗi Chúa Nhật, nhưng trong đời sống không thấy có căn tính. Người ấy sống như một người vô thần.”

Chúa Giêsu cũng đã từng lên án thái độ giả hình này trong dụ ngôn hai người con.

Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi:

"Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?"

Ðức Giêsu đáp:

"Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?"

Họ mới nghĩ thầm:

"Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?" Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ".

Họ mới trả lời Ðức Giêsu:

"Chúng tôi không biết".

Người cũng nói với họ:

"Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy".

Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho".

Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.

Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa cha, con đi đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?"

Họ trả lời: "Người thứ nhất".

Ðức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy".

Lời khuyến cáo của Đức Giêsu thật là đau đớn, bởi vì Người đặt đối lập người thu thuế và các cô gái điếm với những kỳ mục trong dân là những người đang đối thoại với Người. Đối với các thủ lãnh Do-thái, chỉ nguyên việc được nhắc tới họ đồng hàng cùng với người thu thuế và các gái điếm đã là một chuyện sỉ nhục rồi. Theo họ, người thu thuế và kẻ tội lỗi theo nguyên tắc bị loại khỏi Nước Thiên Chúa do lối sống của họ. Ngược lại, Đức Giêsu lại thấy người thu thuế và kẻ tội lỗi này chính là đứa con lúc đầu đã cương quyết nói không, nhưng rồi hối hận và đã đi làm theo ý cha. Đức Giêsu không đồng ý với lối sống của họ, nhưng nhìn nhận rằng họ đã nhận biết sứ điệp Gioan gửi đến để kêu gọi hoán cải và coi đó là thi hành ý muốn của Thiên Chúa; Người khẳng định rằng đây là điều cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa.

Như thế dù đã nói “không” với Thiên Chúa, hoặc đã sống xấu xa, chẳng một ai lại phải tuyệt vọng. Câu trả lời đầu tiên không phải là lời quyết định, nếu ta không ở lại trong lời ấy, nếu ta biết điều chỉnh nó và vượt thắng nó bằng lối cư xử đúng đắn sau đó.

4. Tình yêu Thiên Chúa thật bao la

“Không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể trở nên là Kitô hữu”. Chính Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương. Đó là nội dung chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ Năm 23 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã khai triển bài đọc I trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, (x.Ep 3,14-21) trong đó Thánh Tông Đồ kể lại kinh nghiệm của ngài đối với Chúa Giêsu, một kinh nghiệm “đã thúc đẩy ngài bỏ lại phía sau tất cả mọi thứ” để “ngài được ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô.”

Và đây chính là việc thờ phượng của thánh nhân: trước hết, ngài quỳ gối phủ phục trước nhan Thiên Chúa Cha, Đấng đã “ban sức mạnh để chúng ta thực hiện những điều lớn lao hơn những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới”. Đó là một sức mạnh “vô lượng”.

Thánh nhân tôn kính vị Thiên Chúa là “Đấng bao la rộng lớn như biển tít tắp không thấy đâu là bến bờ, không có giới hạn, một đại dương bao la”. Thánh Tông Đồ nài xin Cha cho tất cả chúng ta, “ban cho anh em được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần Khí của Người, để thành người nội tâm, nhờ Đức Ki-tô ngự trong lòng anh em”.

“Thánh nhân nài xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để củng cố chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh. Chúng ta không thể tiến lên phía trước mà không có sức mạnh của Thánh Thần. Năng lực của chúng ta quá yếu. Chúng ta không thể trở nên Kitô hữu mà không có ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí biến đổi tâm hồn chúng ta khiến chúng ta tiến lên phía trước trong nhân đức, trong việc thực hiện và tuân giữ các điều răn”.

“Rồi Thánh nhân nài xin ân sủng khác từ Chúa Cha”, đó là “sự hiện diện của Chúa Kitô, để giúp chúng ta lớn lên trong đức ái”. Tình yêu của Chúa Kitô “vượt quá mọi sự hiểu biết”, chỉ có thể hiểu được nhờ “hành vi tôn thờ trải rộng muôn đời muôn kiếp”.

“Đây là một kinh nghiệm thần bí của thánh Phaolô và ngài dạy ta cũng hãy dâng lời cầu nguyện ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa. Trong mọi việc lớn, nhỏ, thánh Phaolô đều dâng lời khen ngợi Thiên Chúa bằng hành vi thờ phượng. Đồng thời thánh nhân nài xin Thiên Chúa Cha ban Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có sức mạnh tiến về phía trước, giúp chúng ta hiểu được tình yêu Chúa Kitô và Chúa Kitô sẽ củng cố chúng ta trong tình yêu. Và ngài dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha: Tạ ơn Thiên Chúa Cha vì Ngài đã thực hiện những điều mà chúng ta không dám nghĩ tới. Đó là một lời cầu nguyện đẹp”.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng như sau: “Bằng đời sống nội tâm, thánh Phaolô đã từ bỏ tất cả mọi sự và ngài coi tất cả như rác để được biết Đức Kitô và thuộc trọn và Ngài. Điều này sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Việc thờ phượng như thế giúp chúng ta bước vào khung trời rộng lớn, hùng vĩ, quảng đại và yêu thương. Nó giúp chúng ta tiến về phía trước thi hành tất cả những điều răn. Và chỉ có một điều răn duy nhất và căn bản đó là: yêu Chúa và yêu người.”

5. Đâu là giới răn trọng nhất

Dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng trước thế giới về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tình yêu của họ đối với anh em mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng 10.

Ngài nói:

Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng toàn thể Lề Luật Chúa tóm gọn trong tình yêu đối Thiên Chúa và đối với tha nhân, Thánh Sử Mathêu kể lại rằng một vài người Biệt Phái thỏa thuận với nhau để thử thách Chúa Giêsu (Xc, 22,34-35). Một người trong họ là một tiến sĩ Luật, hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn trọng nhất?” (v.36). Chúa Giêsu, trích dẫn sách Đệ nhị luật, đáp: ”Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ I và trọng nhất” (vv.37-38). Và lẽ ra Ngài có thể dừng lại ở đây. Trái lại Chúa Giêsu nói thêm điều mà vị tiến sĩ Luật không hỏi. Thực vậy, Chúa nói: “Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ I: Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v. 39).

Cả giới răn thứ hai này Chúa Giêsu không sáng chế ra, nhưng ngài lấy lại từ sách Lêvi. Sự mới mẻ của Ngài hệ tại đặt hai giới răn này chung với nhau - mến Chúa và yêu người - qua đó Ngài tỏ lộ rằng hai giới răn ấy không thể tách biệt, nhưng bổ túc cho nhau, đó là hai mặt của cùng một mề-đai. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã để lại cho chúng ta một bình giải rất hay về vấn đề này trong Thông điệp đầu tiên của Ngài “Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương” (nn.16-18).

Thực vậy, dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng cho thế giới về tình thương của Thiên Chúa chính là tình yêu đối với anh em mình. Giới răn mến Chúa yêu người là giới răn đầu tiên không phải vì đứng đầu danh sách các giới răn. Chúa Giêsu không đặt nó lên hàng đầu, nhưng ở trung tâm vì đó là trọng tâm từ đó tất cả phải khởi hành và tất cả phải trở về đó và tham chiếu.

Ngay trong Cựu Ước, đòi hỏi nên thánh, theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Thánh, cũng bao gồm nghĩa vụ săn sóc những người yếu thế nhất như ngoại kiều, cô nhi và góa phụ (Xc Xh 22,20-26). Chúa Giêsu kiện toàn luật giao ước ấy, chính Ngài liên kết nơi mình, trong thân mình Ngài, thần tính và nhân tính trong một mầu nhiệm tình yêu duy nhất.

Từ nay trở đi, dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.

Giữa rừng rậm các giới luật và qui tằc - giữa chủ trương vụ luật xưa kia và ngày nay - Chúa Giêsu mở ra một lỗ hổng giúp nhận ra hai khuôn mặt: khuôn mặt Chúa Cha và khuôn mặt người anh em. Ngài không giao cho chúng ta 2 công thức hay hai giới răn, nhưng hai khuôn mặt, đúng hơn chỉ có một khuôn mặt duy nhất, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa phản ánh trong bao nhiêu khuôn mặt, vì trong khuôn mặt của mỗi người anh em, đặc biệt là khuôn mặt bé nhỏ, yếu ớt và vô phương thế tự vệ nhất, có chính hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện.

Như thế, Chúa Giêsu trao tặng mỗi người tiêu chuẩn căn bản để họ xếp đặt đời sống của mình. Nhưng nhất là Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta mến Chúa và yêu người như Ngài, với con tim tự do và quảng đại. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chúng ta, chúng ta hãy cởi mở đón nhận hồng ân ấy, để tiến bước trong luật yêu thương.