CHỦ NHẬT 24 C THƯỜNG NIÊN

ĐÂU LÀ LỐI VỀ

Qua kinh nghiệm sống và nếu để ý xem xét những diễn tiến xảy đến nơi tâm tư của mình, chúng ta đều nhận thấy lòng mỗi người đều mang nỗi khát vọng thâm sâu. Nỗi khát vọng này thật mờ ảo khi những lo lắng, bận rộn của cuộc sống nhân sinh tràn lấp do hoàn cảnh hoặc điều kiện sinh sống bắt buộc, đòi hỏi, hay thúc đẩy. Ngược lại, những khi tâm trí con người được giây phút nào đó thảnh thơi, không bị miếng cơm manh áo hoặc mơ ước thế tục hay tình cảm nhất thời xâm lấn, lòng tha thiết, nỗi thao thức nào đó dẫu ngấm ngầm vẫn luôn kịp thời hiện diện nhắc nhở. Lòng chúng ta lúc ấy cảm thấy tâm tình khúc mắc nào đó, vấn vương, thúc đẩy khiến con người mình như muốn nắm bắt, tìm tòi, lục lọi điều chi mơ màng, không mốc điểm khởi đầu, và cũng chẳng biết sao để tiến tới.

Có câu danh ngôn nào đó nhắc nhở về nguyên nhân sự thể này, đại khái ý nói, khi con vật ăn no chúng ngủ, nhưng khi con người không bị miếng cơm manh áo dằn vật, họ suy nghĩ. Thế nên, vấn đề được đặt ra lại là, phỏng chúng ta có thể suy nghĩ về những gì không hiện hữu; nói cách khác, những gì chúng ta có thể mường tưởng tới có thể không hiện thực? Tất nhiên, ai cũng nhận chân được một điều và đó là dẫu sự thể chúng ta suy nghĩ tới không thực thì ít nhất sự suy nghĩ của chúng ta đã là thực, đã có, đã hiện hữu. Như vậy, dẫu muốn trốn lánh hoặc dùng trăm phương ngàn kế để che đậy, lòng khát khao, thao thức ngấm ngầm nơi tâm hồn mỗi người vẫn luôn hiện diện dù chúng ta chấp nhận có nó hoặc cố tình chối bỏ hay lờ đi.

Lời Chúa qua bài Phúc Âm tuần này nhắc nhở chúng ta nên bình tâm, chân thành nghiệm chứng nơi tâm hồn mình thực thể khát vọng nơi mỗi người. Tại sao chúng ta, những con người khác biệt từ giòng máu, mầu da, phong tục tập quán, từ những người kém may mắn không có cơ hội cắp sách đến trường nên không biết chữ nhất bẻ đôi là mấy, cho tới những bậc thức giả, học giả vị vọng, quyền cao chức trọng, từ những kẻ nghèo hèn, khố rách áo ôm cho tới người giầu sang phú quý, ai cũng mang niềm khát vọng bí ấn luôn luôn hiện thân thôi thúc.

Lòng khát vọng này đại khái thúc đẩy con người suy tư, tìm kiếm, sao cho thỏa mãn nỗi thao thức nhận biết về chính bản thân mình. Mình là ai; mình từ đâu tới; tại sao mình được sinh ra; mục đích cuộc đời của mình là gì; và sau khi cuộc đời mình qua đi, những gì được coi thuộc về mình sẽ ra sao. Dĩ nhiên, khi mới chớm đối diện với lòng, thực thể cuộc sống nhân sinh chứng minh rõ ràng, chúng ta, ai cũng thế, vào đời đơn độc và sẽ ra đi lạnh lùng. Chúng ta được sinh ra đời với đôi bàn tay trắng thì cũng sẽ ra đi trắng đôi bàn tay nếu nhìn thân phận kiếp người qua lăng kính hữu vi. Nói chung, nỗi khát vọng thầm kín nơi tâm tư mỗi người chính là tâm tình muốn tìm ra cội nguồn, căn nguyên, hoặc lòng thao thức nhận biết thực thể hiện hữu chính mình.

Nói theo ngôn từ tôn giáo hay tâm linh đó là nỗi khát khao nhận biết Thiên Chúa đã được ẩn dấu nơi cung lòng mỗi người. Nếu để tâm nhận định qua kinh nghiệm suy tư, những ai càng nghiệm chứng cuộc đời để tìm hiểu về thân phận kiếp người, càng đối diện với nỗi khát vọng nơi tâm tư, càng tiến sâu vô thực thể huyền nhiệm hiện hữu của mình, càng được lòng thao thức thúc đẩy. Bởi thế, một thực tại hiển nhiên ít ai để ý tới, và đó là, bất cứ ai dám cả gan huênh hoang tuyên bố hay cho rằng họ vô thần, thực ra họ đã chẳng biết họ nói gì bởi chính ý niệm được mệnh danh là vô thần đã là hữu thần đối với họ. Họ vẫn đang theo đuổi điều mà họ không biết.

Xét thế, nơi hành trình đức tin, hành trình tâm linh, hành trình nhận biết thực thể mình là ai, tại sao mình có cuộc đời này, chúng ta đang là những đồng bạc đánh mất. Mỗi người chúng ta là một con chiên lạc. Mỗi người đang đi hoang, đang tiêu pha ngày tháng được ban cho nơi cõi trần một cách hoang phí để tiến dần đến nấm mồ với đôi bàn tay trắng bởi đã không biết mình được sinh ra để làm gì. Tiền tài, danh vọng, chức tước, khôn ngoan, mưu mô thế tục, tất cả sẽ chẳng níu kéo được cuộc đời của mỗi người dẫu chỉ đôi giây phút khi thời hạn được ban cho qua đi. Lý thuyết này, niềm tin tưởng kia, tất cả chỉ là bánh vẽ bởi đã chẳng giúp bất cứ ai nắm bắt được thực thể cuộc đời mình là gì ngoại trừ chính mình có đưa tay thực hiện sự nắm bắt đó hay không.

Người con hoang đàng là cuộc đời nhân thế nơi mỗi người. Trở về đâu, đường hướng nào. Nước trường sinh có đem đến tận miệng mà chúng ta không uống thì cũng vô ích. Con đường hướng dẫn bước chân, Lời Chúa, lời Phúc Âm trãi rộng trước mặt mà không dấn bước thì cũng chẳng tới đâu. Kinh nghiệm sống minh chứng, không ai ăn dùm được cho mình; chẳng ai uống dùm được cho ai; thế nên không ai có thể bước dùm cho mình; không ai có thể nghiệm chứng, không ai có thể quay trở về cội nguồn hiện hữu dùm cho mình.

Lời Phúc Âm đặt nơi miệng người cha nói với người con tốt lành như một mãnh lực vạn năng thúc đẩy mỗi người chúng ta đặt lại vấn đề, “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con.” Mọi sự của cha đều là của con. Sự sống của cha là sự sống của con. Ngày tháng của cha là ngày tháng của con. “Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.” Từ ngày sinh ra đến nay con đã tiêu phí cuộc đời không nhận biết mình là ai, mình sống để làm gì thì nay con đã biết, con phải ăn mừng vì cuộc đời thiếu nhận biết về thực thể của con kể như đã chết, nay được sống lại, nay đã biết chính con thế nào. Chúng ta phải ăn mừng.