Matthew Schmitz, phó tổng biên tập của tạp chí First Things, có bài nhận định sau về quyết định của Tòa Kháng Án Melbourne hôm thứ Tư 21 tháng Tám, 2019.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Cardinal Pell, Scapegoat. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Cardinal Pell, Scapegoat - Đức Hồng Y Pell, Dê tế thần
Matthew Schmitz,


Sáng sớm hôm nay, tại Úc, một hội thẩm đoàn ba thẩm phán đã từ chối bác bỏ bản án của Đức Hồng Y George Pell gồm 5 tội danh liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Tỷ số là 2-1. Đức Hồng Y Pell đã bị kết án vào tháng 12 năm ngoái, sau một phiên tòa bế tắc trước đó, khi mười trong số mười hai bồi thẩm đã bỏ phiếu trắng án cho ngài.

Đây là một ngày thật nhục nhã. Việc kết án Đức Hồng Y Pell gây phẫn nộ, không phải vì ngài là Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo, mà vì vụ kiện chống lại ngài không được chứng minh, không thể được chứng minh, và vượt quá sự nghi ngờ hợp lý.

Đức Hồng Y Pell bị buộc tội lạm dụng tình dục hai ca viên mười ba tuổi trong dàn hợp xướng vào năm 1996. Chỉ có một trong hai cậu bé đó vẫn còn sống. Cậu bé kia khi được mẹ mình hỏi vào năm 2001 là cậu ta đã “từng bị ai sách nhiễu hay sờ mó hay không” đã trả lời không.

Còn người vẫn còn sống cho rằng Đức Hồng Y Pell đã tìm thấy hai cậu bé uống rượu lễ trong nhà thờ chính tòa Melbourne ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật và buộc họ phải khẩu dâm ngài. Cáo buộc này không được chứng thực và không thể tin được. Đức Hồng Y Pell luôn chào đón giáo dân ngay sau Thánh lễ. Ngài luôn được bao quanh bởi những người phụ tá trong nhà thờ. Phẩm phục ngài đang mặc khiến cho một hành động như vậy là không thể được. Rượu lễ được giữ trong một két sắt. Các ca viên luôn được giám sát. Phòng thánh lại rất nhộn nhịp sau thánh lễ.

Nói tóm lại, cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell chỉ có vẻ hợp lý đối với một người vừa không hiểu gì về hoạt động của một nhà thờ vừa có khuynh hướng dễ chấp nhận những câu chuyện giật gân về tội ác của người Công Giáo. Thật không may, cả hai điều này đều đúng trong bầu khí của công luận tại Úc và khắp cả phương Tây.

Lạm dụng tình dục thực sự là một vấn đề trong Giáo Hội Công Giáo, mặc dù ít hơn so với một số định chế khác, bao gồm các trường công lập và các gia đình. Những giáo sĩ lạm dụng thường theo mô hình gần gũi, ban ơn cho các mục tiêu của họ và tạo cơ hội thuận lợi để tấn công họ. Các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell, không giống như nhiều cáo buộc được chứng thực kỹ lưỡng trong trường hợp cựu Hồng Y Theodore McCarrick, và hoàn toàn không phù hợp với mô hình này. Thật là trớ trêu khi thấy rằng Đức Hồng Y Pell phải ngồi tù trong khi McCarrick đi lại tự do bên ngoài.

Trong phát biểu khai mạc của bà, chánh án Ann Ferguson nói rằng “đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ và đôi khi đầy cảm xúc chống lại vị Hồng Y và ông đã bị công khai phỉ báng trong một số bộ phận của cộng đồng.” Đó là một tuyên bố không đúng sự thật. Đức Hồng Y Pell đã bị kết án giữa một cơn cuồng loạn chống Công Giáo, được truyền thông Úc thổi phồng và được khuyến khích bởi các cơ quan thực thi pháp luật.

Louise Milligan, một nhà báo của đài ABC Australia, đã viết một cuốn sách buộc tội Đức Hồng Y Pell với một loạt các tội ác quái đản. Nó đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất mặc dù được viết rất tồi với những tuyên bố đáng nực cười chứ không giống như một cuốn trước đó, The Awful Disclosures of Maria Monk. Nó còn giành được cả một giải thưởng. Trong khi đó, các công tố viên đã tham gia một cuộc hành quân, tìm kiếm các tuyên bố lạm dụng tình dục đặc biệt chống lại Đức Hồng Y Pell. Phải chăng đây là cách thực hiện công lý?

Khi Đức Hồng Y Pell cuối cùng bị kết tội, Milligan làm rõ cơ sở của lòng căm thù của mình đối với ngài: “Ông ta đã dành đời mình để nói với phần còn lại của chúng ta là chúng ta phải sống cuộc sống của chúng ta như thế nào, và bây giờ, ở đây ông ta ký tên nhận tội xâm phạm tình dục.” Trong mắt cô ta, và không chỉ trong mắt cô ta, đã có một thứ công lý thú vị trong bản án xâm phạm tình dục dành cho một người đã từng nói rằng đồng tính, tránh thai, và tất cả các thứ như thế là tội lỗi.

Phản ứng của cô thể hiện niềm tin chống Công Giáo theo đó giáo lý tình dục của Giáo hội là giáo điều, đáng ghét và áp chế chứ không giống như quan điểm tiến bộ về tình dục, thật là tuyệt vời tự do và mặn mà. Việc một số người Công Giáo đồng ý với quan điểm của Milligan và chia sẻ niềm vui của cô ta không gây ngạc nhiên cho chúng ta. Chính một môn đệ của Chúa Kitô đã từng nộp Ngài cho kẻ thù.

Trong môi trường nóng bỏng này, không có gì ngạc nhiên khi hai thẩm phán thấy người tố cáo là đáng tin cậy. Họ tin người cho rằng mình là nạn nhân. Người bất đồng duy nhất, thẩm phán Mark Weinberg, phát hiện ra rằng “lúc này lúc khác, người khiếu nại đã có khuynh hướng thổi phồng các khía cạnh trong câu chuyện của mình,” và rằng “bằng chứng anh ta đưa ra chứa đựng những mâu thuẫn, những bất cập hiển nhiên, và thiếu giá trị thuyết phục.” Weinberg cũng “không thể loại trừ một khả năng hợp lý rằng một số trong những điều mà người khiếu nại nói ra chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.”

Nếu trước đây chưa rõ thì bây giờ người Công Giáo phải rõ ràng rằng chúng ta không thể mong đợi một sự đối xử công bằng và bình đẳng dưới bàn tay của giới cấp tiến. Những bảo đảm trên giấy về một tiến trình tư pháp công minh và bình đẳng có rất ít giá trị khi đối mặt với các định kiến áp đảo. Đáng tiếc, loại định kiến đã đưa Đức Hồng Y Pell vào tù đã được tạo ra bởi các thành phần cấp tiến với một dáng vẻ bề ngoài đáng tin cậy đến nỗi nhiều người Công Giáo rất muốn bảo vệ cho nó.

Bản án dành cho Đức Hồng Y Pell là một bản án khốn nạn không phải đối với ngài, nhưng đối với những người đã đưa ra cái bản án ấy. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một bản án bất công đã cho thấy sự trống rỗng của cả một trật tự xã hội. Và người Công Giáo không phải lúc nào cũng đứng về phía chính nghĩa trong những trường hợp như vậy. Việc Đức Hồng Y Pell bị làm dê tế thần cần phải tăng gấp đôi mong muốn của chúng ta là đứng lên vì sự thật hơn là đứng lên vì đám đông, đứng về phía sự thật chứ không phải vì văn hóa chính trị.

Trên tất cả, sự bất công mà Đức Hồng Y Pell phải chịu nên thúc bách chúng ta đồng hóa mình với tất cả những người bị từ chối công lý, bất kể họ là ai, bất kể họ khác biệt với người Công Giáo chúng ta đến đâu trong thực hành và niềm tin. Người Công Giáo phải coi những đau khổ của họ là một cơ hội để đồng cảm với Chúa Kitô. Ngài hiện diện không chỉ trong Bí tích Thánh Thể, mà còn trong những người nghèo, trẻ mồ côi, góa phụ và tù nhân. Những nỗ lực của chúng ta dành cho Đức Hồng Y Pell cũng phải là nỗ lực cho tất cả những người như thế.


Source:The First Things