Khi Camille Paglia, nay 66 tuổi, bước lên diễn đàn cả nước vào năm 1990 với việc cho công bố cuốn "Sexual Personae", bà liền nổi tiếng như một nhà duy nữ chống lại tầng lớp lãnh đạo của phong trào này và tất cả những gì vốn được họ coi là chính thống. Chỉ cần đọc cuốn sách dầy 700 trang này, ta sẽ thấy tại sao. Bà viết: “nếu trao văn minh vào tay nữ giới, thì chắc chắn nay ta vẫn còn sống trong các túp lều tranh”.

Tác phẩm thứ sáu gần đây của bà tựa là "Glittering Images", một cuộc thăm dò về nghệ thuật Tây Phương, càng xếp bà vào loại người chuyên khiêu khích kiểu Rush Limbaugh và Howard Stern. Nhưng khác những ông truyền thanh hoa hòe hoa sói này, bà Paglia là một học giả có hạng. Người bảo trợ luận văn của bà ở Yale là Harold Bloom.

Paglia có thể viết về nhiều đề tài khác nhau. Nhưng không chủ đề nào khiến bà lưu ý cho bằng mối liên kết giữa việc xã hội cố gắng xóa đi sự khác biệt sinh học giữa đàn ông và đàn bà và việc sụp đổ của nền văn minh Tây Phương.

Bà nhấn mạnh tới việc xuống giá của việc phục vụ trong quân đội. “Toàn bộ giai cấp ưu tú hiện nay, trong tài chánh, trong chính trị v.v… không một người nào từng phục vụ trong quân ngũ, ít có ai, ít lắm. Và quả chả có gì tiếng tăm dành cho quân ngũ cả. Thật là một công thức dẫn tới thảm họa”. Bà thêm: “Những người này không hề suy nghĩ theo lối quân sự, thành thử, ngoài xã hội kia, đang có ảo tưởng cho rằng người ta thẩy đều lịch thiệp, đều tốt bụng cả, và nếu ta xử tốt và tốt bụng với mọi người thì mọi người cũng sẽ tốt với ta. Họ thực sự không có bất cứ cảm thức nào về tội ác hay hình sự cả”.

Theo bà, ta có thể thấy hậu quả ở khắp nơi từ sự tê liệt ở Hoa Thịnh Đốn, nơi các chính khách “thiếu hẳn các kỹ năng phân tích và xây dựng thực tiễn”, tới cách ăn mặc của phụ nữ. Nói về cách ăn mặc hở hang của các phụ nữ, bà viết: “nhiều phụ nữ không hề hiểu họ dễ bị tổn thương như thế nào bởi cách ăn mặc của họ ở ngoài đường phố”. Bà cho rằng: mỗi người, bất kể nam hay nữ, đều cần biết tự bảo vệ để đề phòng mọi bất trắc có thể xẩy ra. “Thế giới đầy những cuộc tấn công có thể xẩy ra”. Bà gọi việc này là “chủ nghĩa duy nữ khôn ngoan ngoài đường phố”.

Paglia cho rằng ở Hoa Kỳ, khuynh hướng xóa nhoà sự phân biệt giới tính đã bắt đầu ngay ở trường mẫu giáo. “Xét trong căn bản, nền giáo dục tiểu học quả là ọp ẹp. Nó quả ngột ngạt đối với bất cứ ai có năng lực về thể lý, nhất là với con trai”. Theo bà, nền giáo dục tiểu học làm mọi cách trong thẩm quyền của mình để “biến con trai thành trung tính”.

Bà không phải là người đầu tiên nghĩ như thế. Một đồng nghiệp duy nữ khác là Christina Hoff Sommers cũng từng viết về “cuộc chiến chống con trai” cả hơn một thập niên qua… Paglia quan sát hiện tượng này một cách cặn kẽ với đứa con trai 11 tuổi của bà là Lucien, đứa con bà cùng nuôi dưỡng với người phối ngẫu cũ là Alison Maddex, một nghệ sĩ và là một thầy giáo trường công sống cách bà 2 dặm. Bà cho rằng ngày nay người ta đề cao các “giá trị nữ tính” như nhạy cảm, dễ xã hội hóa và hợp tác như là mục tiêu chính của các thầy cô, hơn là việc cổ vũ các năng lực sáng tạo và việc giảng dạy các sự kiện khó hiểu về địa dư và lịch sử.

Tình thế trên còn tệ hơn nữa khi lên trung học. Người ta còn phát triển hơn nữa phương thức giáo dục chống nam giới của họ. “Tất cả nhằm vào việc trung tính hóa tính nam giới”. Hậu quả: các người đàn ông thuộc giai cấp thượng trung lưu “bị đe doạ” và “chả nói được gì… họ hiểu nữa”. Nói cách khác, họ tránh không đề cập tới một số vấn đề cấm kị như không bao giờ nói cho phụ nữ biết sự thật về “sex” chẳng hạn.

Chỉ lo sao nói năng cho chính xác về chính trị, giáo dục thì bất cập, cộng với việc sa sút một nền tảng kỹ nghệ lành mạnh, tất cả đã khiến nhiều người đàn ông thiếu hẳn các mô thức nam tính. “Nam tính chỉ còn là một điều gì đó học được từ phim ảnh. Không còn gì khác nữa. Hiện nay, không còn chỗ nào dành cho bất cứ điều gì là nam tính nữa”.

Và đàn ông không phải là những người duy nhất chịu thiệt thòi do việc xuống dốc của nam tính đem lại. Phụ nữ, nhất là các phụ nữ ưu tú thuộc giai cấp thượng trung lưu, trở thành những “con vật sinh vô tính” (clones, giống hệt nhau). Bà cho rằng “nền văn hóa của ta không cho phép người đàn bà biết cách làm đàn bà” và văn hóa khiêu dâm trên trực tuyến càng ngày càng trở nên nơi duy nhất trong đó đàn ông và đàn bà trong xã hội vô giới tính của ta nối được vào “nguồn năng lực ban sơ” mà họ không thể tìm thấy trong đời thực.

Bà tin rằng muốn chữa trị, phần chủ yếu phải là “tái giá trị hóa” các giá trị mà truyền thống vốn coi là của nam giới, tức các giá trị giúp các giáo sư nghiên cứu về phụ nữ lái xe đi làm (đường xá), dùng thang máy tới văn phòng (xây dựng), đọc sách báo trong thư viện (điện năng), và vào các phòng vệ sinh trung tính (nghề ống nước).

Một sân đấu cân bằng nhưng không đòi hạn ngạch

Lúc còn nhỏ, Paglia cảm thấy ngột ngạt trước sự chờ mong của xã hội đối với con gái trong thập niên 1950. Bà mơ ước trở thành hiệp sĩ hơn là công chúa. Lúc là thiếu nữ, việc khám phá ra những khuôn mẫu nữ giới tiên phong như Amelia Earhart đã biến đổi cái hiểu của bà đối với tương lai.

Những người đàn bà đầy hình tượng của thập niên 1930 như Earhart và Katharine Hepburn hiện vẫn còn là những khuôn mẫu duy nữ lý tưởng của bà: độc lập, gan dạ, dám nghĩ dám làm, có khả năng cạnh tranh với đàn ông mà không chống lại họ. Nhưng kể từ thập niên 1960, các nhà duy nữ trong giới học thuật bắt đầu hết còn chia sẻ viễn kiến của bà về một “thuyết duy nữ cơ hội đồng đều” (equal-opportunity feminism) tức thuyết chủ trương một sân đấu cân bằng nhưng không đòi hạn ngạch (quota) hay bảo hộ đặc biệt cho nữ giới.

Bà hãnh diện thuật lại cuộc đấu tranh của bà, lúc còn là sinh viên cao học tại Yale cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, chống ban nhạc Rock của Phong Trào Giải Phóng Phụ Nữ New Haven để ủng hộ ban Rolling Stones: bà rất thích bài Under My Thumb, một bài ca bị nhiều người coi là sô-vanh. Bà cũng thuật lại có lần tham dự bữa ăn tối với các giáo sư chuyên nghiên cứu về phụ nữ tại Cao Đẳng Bennington, nơi bà lần đầu tiên được nhận chức giáo sư. Khi thấy các giáo sư này nằng nặc cho rằng giữa đàn ông và đàn bà không hề có dị biệt hoócmôn nào, bà liền bỏ ra về.

Theo quan điểm của bà, những thái quá có tính ý thức hệ như trên phải chịu phần lớn trách nhiệm trước sự sa sút văn hóa hiện nay. Bà chỉ trích các nhà tranh đấu như Gloria Steinem, Naomi Wolf và Susan Faludi vì đã thúc đẩy thứ duy nữ cho rằng giới tính chẳng qua chỉ là một sản phẩm của xã hội, và những nhóm như Tổ Chức Phụ Nữ Toàn Quốc (the National Organization for Women) vì đã biến phá thai thành vấn đề duy nhất của phụ nữ.

Bà cho rằng khi bác bỏ vai trò của tự nhiên trong cuộc sống người đàn bà, các nhà duy nữ hàng đầu đã tạo nên một phong trào “biến chất, vô trùng” nhằm “bảo vệ lối sống trưởng giả” của họ và hứa hẹn hão huyền rằng phụ nữ sẽ “có tất cả”. Và khi công kích những người đàn bà quyết định không theo đuổi nghề nghiệp mà ở nhà chăm sóc con cái, các nhà duy nữ đã khiến nhiều người đáng lẽ vui vẻ gia nhập hàng ngũ của họ phải quay gót.

Nhưng ta không nên coi lời phê bình của Paglia như một tiếc nuối đối với các vai trò được xã hội gán cho người đàn ông và người đàn bà trước thập niên 1960. Trái lại thì có. Bà viết “bản thân tôi vốn bất tuân bất cứ điểm nào của chuẩn mực giới tính”. Nhưng đàn ông, và nhất là đàn bà, cần trung thực đối với vai trò của sinh học và phải ý thức rõ các lựa chọn của mình.

Bà cho rằng việc giáo dục về tính dục hiện nay chỉ chú mục vào cơ học mà không chuyên chở được “những sự kiện sống” thực sự nhất là cho con gái: “tôi muốn mọi thiếu nữ 14 tuổi… được người ta cho biết: tốt hơn, em nên bắt đầu nghĩ tới việc em muốn gì ở trong đời. Nếu em chỉ muốn có nghề nghiệp và không muốn có con, thì em chả phải lo lắng bao nhiêu. Nhưng nếu em nghĩ tới việc muốn có con một ngày kia thì em nên bắt đầu nghĩ tới việc muốn có con lúc nào. Sớm hay muộn? Có con sớm có nghĩa em sẽ phải hy sinh nghề nghiệp, nhưng nhờ thế em sẽ có nhiều năng lực hơn và ít rủi ro hơn. Cả những điểm thuận lẫn bất thuận đều phải được xem sét”.

Dựa vào các phê phán của Paglia đối với phong trào phụ nữ, ta thấy rõ: ít nhất hình thức duy nữ chủ trương cơ hội đồng đều đã thành công trong các mục tiêu của nó. Đã đành vẫn còn thiếu phụ nữ tại các hội đồng quản trị (C-Suite) và tại Quốc Hội, nhưng bạn khó có thể kiếm được một người đàn ông nào chịu nhìn nhận mình vẫn còn tin rằng phụ nữ kém khả năng hơn đàn ông. Muốn cứu duy nữ như một phong trào chính trị khỏi rơi vào thế bị quên lãng, phong trào này phải quay về với gốc gác chính của mình. Nghĩa là phải từ bỏ não trạng “nhà nước vú em” (nanny state) là thứ não trạng sẽ dẫn tới những chuẩn mực nói năng sao cho đúng chính trị và những ủy ban kỷ luật cao đẳng thay thế cho các tòa án. Phong trào có thể có được những người quy phục, nhưng nó cần trở thành chiếc lều lớn, một chiếc lều “mở cửa đón chào các bà mẹ ở trong nhà” chứ “không riêng các phụ nữ chuyên nghiệp”.

Theo Paglia, điều quan trọng hơn nữa là nếu phong trào phụ nữ muốn được coi trọng lại, thì nó phải sẵn sàng đương đầu với các vấn đề nghiêm chỉnh như vấn đề hiếp dâm tại Ấn Độ và giết người để bảo vệ danh dự (honor killing) trong thế giới Hồi Giáo, là những vấn đề khiến ta “phẫn nộ hơn là một phụ nữ nào đó hẹn hò ngay trong khuôn viên Đại Học Brwon”.

Chuyện bên lề: duy nữ trở thành chữ cấm kị

Các nhà duy nữ tiên phong hẳn rất buồn khi đọc bài viết của một cô nữ sinh vừa học xong lớp 12 tại Ravenswood School dành cho con gái, đăng trên tờ Sydney Morning Herald ngày 30 tháng 12, 2013. Đó là Jemimah Cooper “Why feminist has suddenly become a dirty word?”

Cooper thuật lại câu truyện tại quán cà phê, nơi cô làm việc. Một khách hàng muốn biết ai là chủ nhân tiệm này. Chỉ tay về phía người đàn ông đang rửa chén dĩa, ông ta hỏi: “có phải ông kia không?”. Cooper mỉm cười trả lời “dạ không, không phải. Cô chủ chưa tới”. Người khách bỡ ngỡ “cô chủ?”. Ông ta không thể tưởng tượng được việc người chủ tiệm này không phải là người đàn ông đang lau chén dĩa, “và không biết một chữ Anh”, mà là một người đàn bà.

Dù thế, Cooper không ngạc nhiên chút nào. Cô tâm sự “tôi đi học tại một trường trung học nơi người ta thúc đẩy con gái phải thành đạt, và tập chú vào việc tạo quyền lực. Nhưng nếu hỏi bất cứ người bạn nào của tôi xem họ có coi họ là một người duy nữ hay không, lúc nào tôi cũng nhận được một câu trả lời hơi chút khó chịu: ‘Cái gì? Ồ không, dĩ nhiên không’.

“Dĩ nhiên không? Tôi không biết từ ngữ này trở thành một xúc phạm từ lúc nào. Nhưng quả có một điều gì trong đó: duy nữ đã ra ô uế với đủ thứ âm sắc tiêu cực. Đồng hóa với nó là đồng hóa với việc kỳ thị nam giới, sợ sệt, và mọi loại duy nữ “giận dữ” đã thành điển hình được báo chí khôi hài tô vẽ… một điều nực cười mà ai cũng không muốn đứng cùng hàng.

“Vì duy nữ đã bị bóp méo thành một điều cực đoan đến nỗi con gái đang cố gắng tránh xa nó… Họ bác bỏ nhãn hiệu này vì họ không muốn bị nhìn như những người khó tính, thích thách thức.

“Con gái muốn con trai coi họ như những người dễ tính (laid back); bởi thế hiện kiểu đùa ‘vào bếp lại đi’ đang được chính con gái thích nói dỡn với nhau”.