KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2010

CHƯƠNG 1. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (Tiếp theo)

III. ĐÓNG GÓP VÀO TĂNG TRƯỞNG.


Năm 1982, Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận kinh tế Việt Nam trong thời kỳ 1976-1980 (5 năm đầu tiên sau ngày Sài gòn bị đổi tên) đã thất bại. Do đó, từ năm 1982, Đảng quyết định Việt Nam tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, và kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý, nhưng kinh tế quốc doanh vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo… Kết quả, thời kỳ 1981-1985 kinh tế Việt Nam đã không thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong nghị quyết đại hội V… Nền kinh tế-xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng với siêu lạm phát xuất hiện và kéo dài.

Thời kỳ 1986-1990, kinh tế Việt Nam tập trung vào sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Các hình thức ngăn sông cấm chợ, chia cắt thị trường được xóa bỏ dần. Đặc biệt, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể được thừa nhận để hoạt động. Nền kinh tế dần dần được thị trường hóa. Tuy nhiên, Đảng chủ trương và thực hiện kinh tế quốc doanh là chủ đạo, chi phối các thành phần kinh tế khác.

Nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm. Kết quả đạt được là do Việt Nam đang thực hiện tương đối thành công trong công cuộc đổi mới toàn bộ nền kinh tế do Đảng đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Theo đó, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được tạo điều kiện để tồn tại và phát triển, dù không bình đẳng với khu vực kinh tế quốc doanh, nhưng khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từ đó, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Đến đây, chúng ta có một nhận xét quan trọng là tại các quốc gia dân chủ, kể cả Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, các kế hoạch đất nước đều được thảo luận và biểu quyết bởi các cơ quan lập pháp, nơi đó, chỉ hiện diện các vị dân cử phục vụ quyền lợi toàn dân, chứ không vì lợi ích cho đảng.

Nền kinh tế Việt Nam hiện gồm nhiều thành phần:

A.- Doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. (Điều 1 Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26.11.2003).

Do đó, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với các DNNN các quốc gia công nghiệp phát triển:

1. Việc huy động vốn. DNNN Việt Nam được nhà nước cấp vốn và không như những DNNN các nước khác có thểụ phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường tài chính.

2. Sự công khai minh bạch. Các DNNN Việt Nam e ngại công bố báo cáo tài chính và tình hình hoạt động một cách chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, các DNNN ngoại quốc phải công khai thông tin về tình hình tài chính và tình hình hoạt động một cách đầy đủ và thường xuyên và chịu sự giám sát từ các cổ đông.

Do việc huy động vốn và sự không công khai minh bạch, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), chỉ trong vòng vài ba năm, đã trở trở thành một con nợ vĩ đại có khả năng phá hoại đến 86.000 tỷ đồng, tương đương với 4,4 tỷ mỹ kim. Gần đây, Vinashin đã không trả nợ đúng hạn làm giảm mức tín nhiệm của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới.

3. Những DNNN đã cổ phần hóa cần phải tiếp tục tiến trình cải tổ bằng bán dần hay tất cả cổ phần nhà nước để tăng cường quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng tài chính nội tại của doanh nghiệp và phải thực hiện niêm yết chứng khoán.

4. Cần nhanh chóng chuyển các DNNN thành những công ty cổ phần.

5. Không nên hình thành thêm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bằng cơ chế hành chính.

6. Việt Nam không nên duy trì các DNNN hoạt động công ích như chỉ để tu đường xá cầu cống, thủy lợi… mà cần được cổ phần hóa để tạo cơ chế hoạt động cạnh tranh hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác và giảm thiểu chi phí nhà nước.

Từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, Việt Nam đã liên tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Dù Đảng chủ trương ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, song tốc độ tăng trưởng của hai thành phần này lại thấp hơn so với của kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bài ‘DNNN là nguyên nhân của các bất ổn kinh tế vĩ mô’ đăng ngày 11.01.2011 trên ‘blog Trần Ngọc Kha', khi được hỏi (đại ý): « Nên xử sự thế nào với các DNNN này trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chủ trương coi đó là thành phần kinh tế chủ đạo? ». Tiến sĩ Nguyễn quang A trả lời: « Tôi không ghét bỏ các DNNN, song vì mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh thì phải rất sòng phẳng với chúng. Xem chúng sử dụng bao nhiêu nguồn lực của đất nước (vốn, đất, tài nguyên, quyền kinh doanh) và làm ra những gì (tạo ra bao việc làm, đóng góp bao nhiêu vào Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ), vào xuất khẩu, tạo ra bao nhiêu sản lượng,…), tức là hiệu quả của chúng thế nào. Nếu doanh nghiệp nào hiệu quả thì nên ủng hộ, doanh nghiệp nào không hiệu quả thì nên cải tổ. Đáng tiếc các số liệu sơ bộ mà tôi có được thì nhìn chung chúng không hiệu quả, chúng là nguyên nhân của các bất ổn kinh tế vĩ mô, của lạm phát chứ chứng không phải là giải pháp. Chúng tạo cơ hội cho tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Có người có ý kiến ngược với tôi, tôi mong họ đưa số liệu ra tranh luận một cách công khai và văn minh. Nguyên nhân chính của sự kém hiệu quả của chúng là chúng có ràng buộc ngân sách mềm và không chịu sức ép của cạnh tranh. Cứng hóa ràng buộc ngân sách của chúng (không tạo ra môi trường để chúng nghĩ là chúng được ưu ái, dễ kiếm tín dụng, lỗ lã hay khó khăn thì được cứu) và buộc chúng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là cách để ép chúng hoạt động hiệu quả. Cổ phần hóa triệt để (nhà nước không nắm cổ phần chi phối) là một cách.

B. Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc.

Đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI: Foreign Direct Investment, tiếng Anh và Investissements directs étrangers, tiếng Pháp) là sự đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty ngoại quốc vào Việt Nam do việc thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh và nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.

Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư và tài sản mà người đó quản lý ở ngoại quốc là các cơ sở kinh doanh. Khi đó, nhà đầu tư thường hay đựoc gọi là ‘công ty mẹ’ và các tài sản được gọi là ‘công ty con’ hay ‘chi nhánh công ty’.

Việt Nam đã mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc (ĐTNQ) từ hơn hai thập niên qua, nhất là trong thời gian 2000-2009 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, không biết bao nhiêu DN ĐTNQ, nhất là các doanh nghiệp Á châu, đặc biệỉt Trung quốc, đã liên kết với chánh quyền địa phương để chiếm đất dân lành, nông dân để xây cơ xưởng, đàn áp tàn nhẫn công nhân khi đình công đòi cải thiện điều kiện làm viêỉc hay gây ô nhiễm môi trường mà trường hợp điển hình là việc công ty Vedan đã gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải.

Vốn ĐTNQ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Đóng góp của khu vực ĐTNQ vào TSLNĐ tăng dần qua thời gian. Năm 2000 đạt 12,7% và đã tăng cao hơn trung bình khoảng 14,5%/năm trong thời gian 2001-2005. Sau đó, số bách phân này vẫn tiếp tục tăng trong các năm 2006-2009 với mức độ 16,98%-18,33%/năm.

Giá trị xuất cảng của khu vực ĐTNQ cũng gia tăng nhanh chóng: trung bình gần 5 tỷ mỹ kim/năm trong thời kỳ 2001-2005 và tăng lên 14,6 tỷ mỹ kim, tức chiếm 37% tổng giá trị xuất cảng của Việt Nam vào năm 2006. Trong thời kỳ 2007-2009, bách phân này tăng lên khoảng 40% (không kể dầu thô) tổng giá trị xuất cảng Việt Nam. Nếu tính cả giá trị xuất cảng dầu thô thì bách phân này đạt khoảng 55% tổng giá trị.

Lợi thế của doanh nghiệp đầu tư ngoại quốc. Vì cần vốn đầu tư để phát triển kinh tế, nhưng cũng để chạy theo hiện tượng ‘sùng bái số lượng’, chính phủ phải chấp thuận những ưu đãi cho các nhà đầu tư ngoại quốc, ngoài việc được hưởng giá công nhân rẻ. Do đó, trong 5 năm qua, khu vực ĐTNQ có nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định: năm 2001 tăng 12,6% và đến năm 2005 tăng 16,6%, trung bình trong giai đoạn 2001-2005 tăng 15,7%/năm.

Đặc biệt, các DN ĐTNQ đang chiếm giữ bách phân cao trong một số lãnh vực như: dầu khí (khu vực ĐTNQ chiếm 99,9%), dệt, may, da giầy chiếm 40,5%, … Hiện nay, bách phân của các DN ĐTNQ năm 2005 là 35,6% cao nhất trong ngành công nghiệp. Kết quả đạt được như vậy nhờ khu vực này, ngoài ưu thế về vốn, còụn hơn hẳn về kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý kinh doanh.

C. Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)

DNTN chiếm 95% trong số 350,000 doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam với một nền kinh tế nhà nước chủ đạo và là sở hữu chủ, đặt trọng tâm trên những tập đoàn kinh tế, những tổng công ty và kinh tế tập thể (chủ yếu với những hợp tác xã trong nông-lâm nghiệp và thủy sản), khu vực DNTN chịu nhiều ràng buộc và hạn chế. Nhưng, thật kỳ dịu, khu vực này lại có những đóng góp rất tích cực vào nền kinh tế Quê hương:

1-Về cơ cấu vốn và tài sản cố định:

Trong thời gian 2000-2006, cơ cấu vốn của doanh nghiệp theo thành phần kinh tế có thay đổi:
- Bách phân vốn kinh doanh DNNN đã giảm từ khoảng 67% vào năm 2000 xuống còn khoảng 53% năm 2006;
- Bách phân vốn kinh doanh DNTN và doanh nghiệp ĐTNQ tăng từ khoảng 10% và 23% vào năm 2000 lên 28% và 19,7% năm 2006. Tuy nhiên, DNNN vẫn tiếp tục nắm giữ hơn 50% tổng số vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Về cơ cấu giá trị tài sản cố định (TSCĐ), trong thời kỳ 2000-2006:
- bách phân DNNN giảm nhẹ sau đó lại tăng lên nhưng hầu như không thay đổi;
- bách phân DNTN tăng mạnh từ 8,3% năm 2000 lên 20,7% năm 2003 và không thay đổi đáng kể cho đến 2006;
- bách phân DN ĐTNQ giảm từ 35,9% xuống còn 23,3% trong cùng thời kỳ.

2 Về đóng góp vào GDP và giá trị công nghệ:

Sự đóng góp vào TSLNĐ của khu vực kinh tế quốc doanh không tương xứng với nguồn lực (vốn đầu tư, vốn kinh doanh, tài sản cố định) mà nó sử dụng. Khu vực tư nhân và vốn ngoại quốc dù chưa sử dụng chưa đến 50% nguồn lực, nhưng tạo ra gần 2/3 GDP. Điều này chứng minh là hiệu quả kinh tế tương đối thấp của những DNNN.

Chúng ta cần lưu ý:
- các DNTN, dù với nguồn lực chỉ khoảng 20%, đóng góp gần được 50% vào TSLNĐ;
- đóng góp của khu vực nhà nước cho TSLNĐ bao gồm các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (đóng góp 3,28% năm 1998 và 2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (3,66% năm 1998 và 2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hoá thể thao, đảng và đoàn thể (2,11% năm 1998 và 1,8% năm 2008) [tổng cộng là 9,05% năm 1998 và 7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực DNNN vào TSLNĐ trong khoảng từ 27% đến 31% về mặt giá trị công nghệ.

Sự đóng góp của khu vực DNNN đó đã giảm dần từ 34,2% TSLNĐ năm 2000 xuống còn 20% năm 2007, ngược lại với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đặc biệt, bách phân của khu vực tư nhân tăng từ 24,5% lên 35,4% trong cùng thời kỳ, chứng tỏ sự năng động và hiệu quả của những DNTN.