NHIỆT TÂM XÂY DỰNG HÒA BÌNH

Chúa Nhật Phục Sinh năm 1967, nhà thờ Công Giáo Melkít của giáo xứ Ibillin, phía Bắc Galilêa, đông nghẹt người, phần đông là tín hữu Palestine. Còn lại là số ít người A Rập và Israel. Cha sở là Linh Mục trẻ, 27 tuổi, tên Elias Chacour, người Palestine.

Khi về nhậm chức giáo xứ, một tháng sau ngày thụ phong Linh Mục, Cha Elias đau lòng nhận thấy dân làng sống trong nghèo nàn và nghi kỵ lẫn nhau. Giới trẻ Palestine thì sống không hy vọng và không tương lai.

Cha nhất quyết đánh đổ bức tường hận thù và khinh bỉ, để thay vào đó sự hòa hợp, mối hiệp nhất và sự an bình. Và Chúa Nhật Phục Sinh năm đó - 1967 - là cơ hội thuận tiện. Cha Elias ra tay thực hiện kế hoạch xây dựng Hòa Bình.

Thánh Lễ Phục Sinh kết thúc, nhưng Cha Elias không thể giơ tay ban phép lành cho một cộng đoàn tín hữu, cùng là anh em mà lại chia rẽ và hận thù nhau. Cha bất ngờ ra lệnh khóa kín các cánh cửa nhà thờ lại, rồi long trọng tuyên bố:

- Anh chị em chỉ ra khỏi nhà thờ này với hai điều kiện: hoặc là bắt tay làm hòa, tha thứ cho nhau; hoặc là giết chết lẫn nhau. Trong trường hợp thứ hai, tôi sẵn sàng đứng ra tổ chức đám táng cho anh chị em!

Tiếp tục bài ứng khẩu nẩy lửa, Cha Elias Chacour nói:

- Sự kiện anh chị em cùng nhau ngồi đây, không làm cho anh chị em trở thành tín hữu Kitô. Anh chị em là một dân tộc chia rẽ, anh chị em oán ghét lẫn nhau. . Người hồi giáo và người không tin, họ nghĩ gì về anh chị em khi họ thấy anh chị em sống như thế? Chắc chắn họ nghĩ tôn giáo của anh chị em là thứ tôn giáo giả! Nhiệm Thể của Đức Chúa KITÔ quả bị anh chị em nhục mạ!

Toàn thể cộng đoàn im lặng như tờ. . 15 phút trôi qua gần như dài bất tận, Cha Elias tưởng chừng mọi cố gắng xây dựng Hòa Bình tan ra mây khói. . Bỗng một trong các vị trưởng lão đứng lên và xin tha thứ làm hòa.

Trước tiên cụ xin lỗi những người có mặt, vì từ nhiều năm qua đã sống trong sự khinh ghét lẫn nhau. Sau đó, cụ xin lỗi Cha Sở mà cụ gọi thân mật bằng danh từ A rập “Abuna”, có nghĩa là ”Cha”. Theo gương cụ già, mọi người trong nhà thờ ôm hôn nhau và xin lỗi lẫn nhau.

Cha Elias Chacour cảm động và vô cùng sung sướng. Cha giơ tay ban phép lành cho cộng đoàn và ra lệnh mở toang các cánh cửa nhà thờ. Niềm vui Phục Sinh và Niềm Vui tha thứ được kéo dài rất lâu sau thánh lễ Phục Sinh năm đó, 1967.

Sở dĩ Cha Elias Chacour thành công trong cú ”cách mạng hòa giải” nói trên, là nhờ gia tài ”hòa giải, hòa bình” Cha thừa hưởng nơi thân sinh Cha, ông cố Micae Chacour.

Sinh năm 1940, Elias Chacour là em út của gia đình Công Giáo có 4 trai và một gái. Tuổi trẻ Elias trôi qua trong những tranh chấp trường kỳ giữa hai dân tộc cùng sống trên một lãnh thổ, nhưng lại coi nhau như thù địch. Đó là hai dân tộc Israel và Palestine.

Nhưng ông Micae là một người Palestine có trái tim vàng. Ông giáo dục các con lớn lên trong tình thương và chiến đấu bằng khí cụ duy nhất: Hòa Bình. Ông lập đi lập lại với các con:

- Nếu ai xúc phạm đến các con, các con có thể nguyền rủa lại. Nhưng điều đó chả đi đến đâu. Trái lại, các con phải xin THIÊN CHÚA chúc lành cho người tự biến thành kẻ thù của các con. Như thế Chúa sẽ chúc lành cho các con. Ngài sẽ ban cho các con niềm an bình nội tâm. Và rồi biết đâu, kẻ thù các con sẽ từ bỏ thái độ hung bạo. Nếu họ không thay đổi thái độ, thì chính THIÊN CHÚA sẽ xét xử họ.

Giáo huấn của hiền phụ ghi sâu và ảnh hưởng trên cuộc đời Elias. Cậu gia nhập chủng viện và chịu chức Linh Mục năm 1966. Một tháng sau, Cha được chỉ định trông coi giáo xứ Ibillin.

Cha Elias Chacour tiếp tục xây dựng hòa bình, hòa giải giữa hai dân tộc Israel và Palestine. Tất cả kế hoạch Cha vạch ra, luôn nhằm chủ đích phục vụ tất cả mọi người, không trừ ai. Cha thường nói:

- Tôi phải sống và phục vụ như thế nào, để người anh em Do Thái của tôi có thể đọc thấy trong đôi mắt của tôi câu nói: ”Tôi yêu mến anh”!

(”JE CROIS”, Avril/1992, trang 24-25).(Radio Vatican)