GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS : 60 NĂM HỒNG ÂN, bài 33 « MỤC VỤ GIA ĐÌNH : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân từ 1996

Ngày 01/10/1947 Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được Giáo quyền Pháp chính thức công nhận dưới danh hiệu Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Ðến nay, 2007, Giáo xứ đã tròn 60 năm tuổi đời. Ðây là dịp để mừng vui và kỷ niệm 60 năm Hồng Ân Chúa ban cho Giáo Xứ được tồn tại. Cũng là dịp để xem xét lại sự hoà nhập của văn hoá và đức tin qua cách sống đức tin và cách hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam ở Giáo xứ. Trong chiều hướng ấy, mời bạn xem bài 33 : « MỤC VỤ GIA ĐÌNH : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân từ 1996»

KHÁNH NHẬT KỶ NIỆM HÔN NHÂN

Khoá trình chuẩn bị Hôn nhân gần ngay trước lễ nghi hôn nhân, dành cho các thanh niên nam nữ sắp lập gia đình, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, đã được thực hiện qua 10 đề tài, do 10 giảng viên hướng dẫn, qua 6 buổi tối thứ sáu mỗi tuần, trong một tháng rưỡi. Nếu đi học đều, các học viên sẽ được trao một chứng chỉ chứng nhận đã theo học khoá chuẩn bị hôn nhân và có thể xin một linh mục làm lễ cưới. Khoá trình chuẩn bị Hôn nhân đã gây một tiếng vang tốt đẹp. Bầu khí hồ hởi dâng cao, nhiều bậc phụ huynh đề nghi Ban Mục Vụ tổ chức lễ mừng kỷ niệm hôn nhân. Theo đề nghị này, sau hai khoá chuẩn bị hôn nhân vào tháng 10 năm 1995 và tháng ba năm 1996, Ban Mục Vụ Hôn Nhân đã đưa ra một sáng kiến vào tháng 12 năm 1996, mà Ban Giám Đốc chấp nhận là tổ chức Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân cho các phụ huynh đã trải qua 10, 15, 20, 25, 30, 40, 50, 60 năm hôn phối vào ngày lễ Thánh Gia mỗi năm. Mục đích để các phụ huynh cảm tạ Chúa về những hồng ân đã lãnh nhận trong đời sống gia đình; để đề cao giá trị hôn nhân công giáo; để cổ động việc thánh hóa gia đình; để cả cộng đoàn cùng chia vui với quý phụ huynh trong những kinh nghiệm hôn nhân quý giá. Ðây là ngày vui của các gia đình và của cả cộng đoàn. Trong mỗi lễ kỷ niệm hôn phối của phụ huynh, những việc chính yếu sau dây đã được thực hiện :

- Tĩnh tâm chuẩn bị : chủ nhật trước lễ, có buổi tĩnh tâm, thảo luận về gia đình và phân chia công tác.

- Chính ngày lễ : trong thánh lễ có phần chứng từ và lãnh phép lành Toà Thánh.

- Tiệc mừng : cho cả cộng đoàn sau thánh lễ.

Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân của phụ huynh lần đàu tiên, vào năm 1996 diễn tiến đại khái như sau[1] :

Chuẩn bị bằng buổi tĩnh tâm và hội học. Để chuẩn bị chu đáo cho các phụ huynh mừng ngày kỷ niệm hôn nhân, Ban Giám Đốc đưa ra một chương trình chuẩn bị tinh thần và vật chất rất hấp dẫn. Trưa 22.12.96, từ 13g30 đến 14g30, hầu hết phụ huynh có mặt tham dự giờ chầu Mình Thánh thánh hóa gia đình. Qua các bài Phúc âm và sắc chỉ của Công đồng, các phần tử gia đình cần yêu thương liên kết như cành nho với thân cây.

Sau đó, từ 14g30. Gs Trần Văn Cảnh thuyết trình về hôn nhan và gia đình qua bốn câu ca dao:

Vợ chồng là nghĩa tào khang,

Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.

Sinh con mới ra thân người,

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Với nhiều kinh nghiệm giáo dục và đời sống gia đình, Gs Cảnh đưa cử tọa, ngồi kín hội trường, vào buổi hội thảo rất hào hứng. Người nghe có dịp nhìn lại những năm đã chung sống qua tình tiết về tâm lý và xã hộ. Tiếc là thời giờ có hạn, không trao đổi thêm về sự « chồng hòa vợ thuận », một vấn đề nóng bỏng khi người việt đang sống tại tây phương. Hội trường xin hẹn và sẵn sàng đón giáo sư vào dịp khác.

Chứng từ trong ngày lễ Thánh Gia 29.12.1996. Trong thánh lễ, hai bài đọc hôm nay gợi lại những khôn ngoan ngàn đời vĩnh cửu và làm nhiều người suy nghĩ.

Bài đọc I, trích sách Ðức Huấn Ca, về đề tài « Ai kính sợ Chúa thì thảo kính cha mẹ » (Sir 3, 2-6, 12-14) : « Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Ngài củng cố trên đàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời Chúa, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già của cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Và của dâng choc ha sẽ không rơi vcào quên lãng, nó sẽ đắp điếm thay các lỗi lầm.

Bài đọc II, trích thơ thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côlôxê, về đề tài : « Về đời sống gia đình trong Chúa » (Col 3, 12-21) : « Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Ðức Kytô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Ðức Kitô ngự giữa anh em thực dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Ðể tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh ứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha ».

Bài giảng đã được thay thế bằng các chứng từ của một số cặp hôn nhân.

- Cụ Ông và cụ Bà Nguyễn Tiến Đạt trải qua 55 năm hôn phối, là cặp xứng đáng đi đúng con đường hôn nhân công giáo, ao ước cuối cùng là sống trọn vẹn trong tình yêu vĩnh cửu. Hai cụ xin muôn vàn cảm tạ Chúa và dâng hiến những ngày hiện tại trong bàn tay nhân ái và thương sót của Chúa và Mẹ Maria.

- Ông Bà Nguyễn Xuân Cần đã từng 40 năm chung sống, được như ngày nay là nhờ công ơn song thân hai bên. Với lòng biết ơn sâu xa ghi ơn sinh thành và giáo dục các Ngài.

- Ông Bà Nguyễn Văn Sâm, vượt được 30 năm ‘ba chìm’ trong đời sống vợ chồng là nhờ đức tin. Mong cho các gia đình trẻ can đảm và kiên nhẫn hơn trong bối cảnh xã hội mới. Một trong hai người phải cảm ơn nhau, vì đã giúp mình đi một quãng đường.

- Ông Bà Phạm Bá Nha, 25 năm xác nhận niềm tin giữa hai người làm nảy nở tình yêu và chọn nhau một lần. Đức tin hướng dẫn soi lối vượt thắng những trở ngại trong đời.

- Ông Bà Vũ Ngọc Hiện, 25 năm tuổi có khắc nhau và có những năm dài xa cách, nhưng 25 năm vẫn sống hòa hợp yêu thương và tin tưởng vào tương lai.

- Ông Bà Nguyễn Kết sống 25 năm trong kết hôn với phép chuẩn của Tòa Thánh. Tuy có khác biệt về tôn giáo, nhưng vọ chồng vẫn yêu thương đùm bọc và giáo dục con cái. Hy vọng có ngày cùng chung một đức tin.

- Ông Bà Lê Văn Bửu suốt 20 năm được nhiều ‘phép lạ’ Chúa ban cho gia đình. Từ việc Ông Bửu bị tai nạn xe hơi nay như được sống lại và nhất là ông sẽ sống lại trong phép rửa tội trong mấy tháng tới. Kinh Lạy Cha mà hằng ngày Bà Bửu đọc là kim chỉ nam cho người vợ kiên tâm bền chí.

Phép lành Tòa Thánh và kinh gia đình để kết thúc ngày kỷ niệm khánh nhật hôn nhân. Sau phần hiệp lễ, các bậc phụ huynh, cùng với các linh mục đồng tế, cùng nhau và cùng với cộng đoàn đọc kinh gia đình : « Lạy Thánh Gia, xưa Thánh Cả Giuse đã dẫn đüa Mẹ Maria và Chúa Giêsu sang Ai Cập. Thánh gia đã chia xẻ những tân toan trong đời sống gian nan. Xin cho vợ chồng chúng con.

- Biết cảm thông và sống theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh

- Biết lắng nghe và kính trọng nhau, lúc vui cũng như khi buồn

- Biết nhịn nhục và hòa giải, khi tính tình và cách cư xử khác nhau

- Biết chung thủy từ trong gia đình cho đến ngoài xã hộ.

- Biết lấy gương lành mà dưỡng dục con cái.

Giêsu Maria Giuse! Đời chúng con sóng gió ba đào. Xin Thần Linh Chúa ban ơn can Đảm, kiên trì. Gia đình chúng con trẻ già xung khắc. Xin ban ơn quảng đại, tha thứ, để chúng con an vui chấp nhận lẫn nhau. Giáo Hội cần nhiều tín hữu nhiệt thành sốt mến, xin cho chúng con biết phụng sự, tin yêu để cùng nhau xây dựng nước Chúa muôn đời. Amen.

Tiệc trà thân mật. Đúng như đám cưới tập thể, ai cũng dễ thân quen và bắt truyện. Bắt đầu bằng truyện vui rồi tâm sự về đám cưới ngày xưa đến ngày nay con cái không biết chung sống được bao nhiêu năm.

Rồi trước khi kết thúc thánh lễ, lần lượt, những cập hôn nhân, theo tên gọi, lên lãnh phép lành toà thánh, mà Giáo Xứ đã xin sẵn trước. Các vị đồng tế thay nhau trao ban phép lành.

Sau thánh lễ, tất cả cộng đoàn được mời tham dự tiệc vui để cùng vui và chúc mừng các cặp phụ huynh đã mừng khánh nhật hôn nhân. Mọi người hân hoan vui vẻ. Người chụp hình, kẻ chúc mừng. Người nâng ly rượi, kẻ biếu phong bì, gói quà, bó bông,…

Dư âm ngày kỷ niệm. Sau đây xin được ghi vội một số ý kiến và cảm nghĩ tại chỗ về ngày lễ

- Rất hoan nghênh sáng kiến của ban giám đốc và tài tổ chức của ban MVHN. Làm cho cộng đoàn có thêm một sinh hoạt mới. Không những làm cho các đôi vợ chồng cũ phấn khởi mà còn là gương cho các đôi trẻ can đảm sống theo những người đi trước. Đồng thời khuyến khích các bạn trẻ đang sống ngoài hôn nhân cần hợp thức hóa tình trạng hôn nhân theo tôn giáo và luật pháp. Phép lành Tòa Thánh như nhắc nhở vợ chồng sống chung thủy và bền vững trong đức tin.

- Không ngờ trong cộng đoàn lại có những ông bà sống đạo đức tốt như thế, xứng đáng làm gương cho con cháu. Diểm đáng mừng. Nghe nói tin tổ chức lễ ít được người biết và khi biết thì thủ tục xin phép lành Tòa Thánh đã xong. Năm sau, chắc đông và tổ chức hay hơn.

- Con cháu được dịp hiểu biết công ơn cha mẹ. Có gia đình đã tổ chức kỷ niệm tại nhà. Nhưng cha mẹ và con cái không xúc động bằng tại giáo xứ. Tổ chức chung như thế này mang ý nghĩa cùng chung lời nguyện và cùng làm chứng về đức tin.

- Bản thân các vị trong cuộc cảm thấy gần nhau hơn, yêu nhau hơn, thiết tha tới trách nhịệm giáo dục hơn. Vì có vị chỉ bằng lòng đi dự lễ. Đến khi xong lễ thì rất hài lòng, và cho người bạn mình có lý khi ghi tên tham dự. Có người do dự không ghi tên, thấy tiếc. Để sang năm, chậm đi một năm.

Trong tiệc vui khánh nhật kỷ niệm hôn nhân lễ Thánh Gia Thất, ngày 27 tháng 12 năm 1998, một tham dự viên, Anne Ngọc Cương đã sáng tác bài thơ « Ðẹp thay nghĩa vợ chồng » để kính tặng các vị kỷ niệm hôn phối. Bài thơ như sau :

Lạ thay cái nghĩa vợ chồng,

Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.

Kể từ dạo ấy, vấn vương,

Tơ hồng trói buộc nên tình phu thê.

Oái oăm cái nghĩa vợ chồng,

Thương thời thương lắm, giận thời giận… run.

Dùng dằng bước ở bước về,

Muốn đi sao dạ bồi hồi luyến lưu.

Ðẹp thay hai chữ vợ chồng,

CHÚA TRỜI liên kết, dễ gì cách ly.

Trăm năm trăm tuổi trăm tình,

Vui buồn sướng khổ có mình có ta.

Trong Tông Huấn Gia đình, khi nói về Mục vụ gia đình sau lễ cưới, Ðức Gioan Phaolô II viết : « Trong cụ thể, ưu tư mục vụ dành cho những gia đình hợp lệ, làm cho mọi thành phần cộng đồng Hội Thánh địa phương dấn thân giúp đỡ đôi bạn khám phá và sống ơn gọi cũng như sứ mạng mới của mình. Để gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng yêu thương đích thực, phải làm cho mọi phần tử đều được giúp đỡ và được đào tạo, để chu toàn trách nhiệm của mình trước những vấn đề mới, để phục vụ lẫn nhau cũng như để dự phần vào đời sống gia đình. ….

Như thế, nhờ sự hiện diện và tương trợ trong lòng cộng đồng Hội Thánh - đại gia đình làm thành bởi các gia đình Ki-tô hữu - mà có được sự trao đổi hổ tương giữa tất cả các gia đình, trong đó mỗi gia đình đóng góp kinh nghiệm nhân bản cũng như tặng phẩm đức tin và ân sủng để phục vụ các gia đình khác. Được sinh động bởi một tinh thần tông đồ đích thực, mối tương trợ giữa các gia đình chính là một trong những phương thế giản dị nhất, hữu hiệu nhất và vừa tầm với mọi người để làm thấm nhập, lan truyền các giá trị Ki-tô giáo, là điểm khởi hành và cũng là đích điểm của mọi công tác mục vụ[2] ».

Tổ chức khánh nhật kỷ niệm hôn nhân chung cho các bậc phụ huynh và khuyến khích họ tổ chức riêng dịp kỷ niệm này tại tư gia, với bà con, bạn bè, phải chăng Ban Mục Vụ Hôn Nhân đang cùng với Ban Giám Ðốc Giáo Xứ thực hiện lời chỉ dậy của Hội Thánh, là « nhờ sự hiện diện và tương trợ trong lòng cộng đồng Hội Thánh - đại gia đình làm thành bởi các gia đình Ki-tô hữu – làm thấm nhập, lan truyền các giá trị Ki-tô giáo » ?

Đối mặt với mọi thách thức xã hội, kinh tế, văn hóa và tôn giáo khắp nơi trên thế giới mà xã hội hôm nay phải đương đầu, khánh nhật kỷ niệm hôn nhân phải chăng là một dấu hiệu hy vọng và một sự cổ võ cho các gia đình kitô giáo trở nên “những không gian” dành riêng để tôn xưng cái mỹ miều của việc đặt Đức Giêsu vào trung tân của cuộc sống mọi ngày và của việc trung thành tuân theo Phúc âm của Ngài ? Vì phải chăng khánh nhật hôn nhân đặc biệt nhắc nhớ lại “ tứ trụ chỉ đạo” đã và đang nâng đỡ các họat động mục vụ gia đình, đó là : đời sống tinh thần, giáo dục, xã hội hóa và đoàn kết ?

Paris, Ngày 08 tháng 11 năm 2007

Trần Văn Cảnh

--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích

[1] Giáo Xứ Việt Nam, số 132, tr 16-18, 20)

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn gia đình, ngày 22.11.1981, số 69