1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cực lực phản đối sắc lệnh của Biden dùng tiền thuế dân tài trợ phá thai ở hải ngoại

Các Giám Mục Hoa Kỳ đã phát động một tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống con người. Đúng trong tuần cửu nhật này, ông Joe Biden, một người tự xưng mình là người Công Giáo, đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép dùng tiền thuế dân tài trợ và cổ vũ cho việc phá thai ở hải ngoại.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra tuyên bố sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hôm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép các khoản tiền đóng thuế của dân chúng Hoa Kỳ được gửi đến các tổ chức quảng bá và cung cấp các dịch vụ phá thai ở các nước đang phát triển. Chính sách mà ông vừa lật ngược, được gọi là Chính sách Thành phố Mexico hay Chính sách Thúc Đẩy Sự Sống Trong Y Tế Toàn Cầu, là chính sách đã được người tiền nhiệm của ông là tổng thống Donald Trump ủng hộ nhằm tách việc phá thai khỏi các hoạt động kế hoạch hóa gia đình và bảo đảm rằng tiền đóng thuế của Hoa Kỳ chỉ được chuyển đến các tổ chức đồng ý cung cấp dịch vụ y tế theo đường lối tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người.

Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và Đức Cha David J. Malloy của giáo phận Rockford, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế, đã đáp lại diễn biến này như sau:

“Thật đau buồn khi một trong những hành động chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden lại tích cực thúc đẩy việc hủy hoại cuộc sống con người ở các quốc gia đang phát triển. Sắc lệnh này trái với lý trí, vi phạm phẩm giá con người và không phù hợp với giáo huấn Công Giáo. Chúng tôi và các giám mục anh em của chúng tôi cực lực phản đối hành động này. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống sử dụng chức vụ của mình một cách tốt đẹp, ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả các thai nhi chưa chào đời sinh. Là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi chính phủ lớn nhất trên thế giới, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng làm việc với ông và chính quyền của ông để thúc đẩy sức khỏe phụ nữ toàn cầu theo cách thức thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ các nhân quyền tự nhiên và phẩm giá của cuộc sống mỗi con người, bắt đầu từ trong bụng mẹ. Để phục vụ anh chị em của chúng ta một cách tôn trọng, điều bắt buộc là sự chăm sóc phải bắt đầu bằng việc bảo đảm rằng những thai nhi chưa chào đời không phải gánh chịu bạo lực, trong sự công nhận mọi người đều là con cái Chúa. Chúng tôi hy vọng chính quyền mới sẽ làm việc với chúng tôi để đáp ứng những nhu cầu quan trọng này”.


Source:USCCB

2. Giám mục Fort Worth chỉ trích tuyên bố của Biden về phán quyết Roe kiện Wade

Không chỉ trong ngày nhậm chức mà thôi nhưng nhiều lần Joe Biden đã tự xưng là một tín hữu Công Giáo sùng đạo. Đáng tiếc là việc tuyên xưng này lại đi kèm với hàng loạt các tuyên bố phò phá thai, mới đây nhất là tuyên bố chính thức của ông ta vào lễ kỷ niệm 38 năm phán quyết Roe kiện Wade trong đó ông ấy nói rằng “Trong bốn năm qua, quyền được phá thai đã bị tấn công cực kỳ nghiêm trọng” và đưa ra lời loan báo rằng “Chúng tôi sẽ lại hỗ trợ lớn, cả về mặt tài chính, cho việc phá thai ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới”.

Đáp lại tuyên bố này, Đức Cha Michael Olson, Giám mục Fort Worth, đã tweet rằng:

“Đánh đồng quyền tiếp cận phá thai, là việc giết trực tiếp một đứa trẻ chưa sinh, với khả năng tiếp cận phổ quát đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết là bất lương về mặt đạo đức và không phù hợp với giáo lý Công Giáo đích thực.”

Đức Cha Michael Olson cũng lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho ông Joe Biden có lòng hoán cải sám hối trước các tội lỗi và tội ác của ông ta gây ra cho hàng triệu thai nhi tại Hoa Kỳ và một con số còn lớn hơn nữa tại hải ngoại.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của các giám mục Hoa Kỳ, cũng đã phản bác tuyên bố này.


Source:Twitter

3. Tại sao phản ứng đối với Pelosi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone lại quan trọng?

Trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy và gọi họ là những người phản bội nền dân chủ Mỹ.

Đáp lại những nhận xét này của bà Pelosi, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của tổng giáo phận San Francisco đã đưa ra một tuyên bố thẳng thắn quở trách bà Pelosi.

Ed. Condon, chủ biên của The Pillar, có bài nhận định sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Why Cordileone’s Pelosi response matters

By Ed. Condon

Tại sao phản ứng đối với Pelosi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone lại quan trọng?


Tuần trước, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã đưa ra lời quở trách công khai Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về vấn đề phá thai.

Sự can thiệp cụ thể của Đức Tổng Giám Mục, nhắm đến cá nhân một chính trị gia Công Giáo cấp cao, có thể báo hiệu một sự thay đổi trong mối quan hệ đang phát triển giữa các giám mục Hoa Kỳ và các chính trị gia Công Giáo về vấn đề phá thai, và chỉ ra một vấn đề có thể xác định mối quan hệ giữa các giám mục với nhau về chủ đề này.

Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã đáp lại những lời bình luận của Pelosi vào đầu tuần, trong đó bà ta mô tả những cử tri ủng hộ cuộc sống là “sẵn sàng bán đứng toàn bộ nền dân chủ xuống sông về một vấn đề [phá thai]”.

Trong một podcast với Hilary Clinton, Pelosi đã cho rằng những lá phiếu ủng hộ tổng thống Donald Trump vào năm 2016, là điều mà bà ta nói “mang lại cho tôi sự đau buồn lớn với tư cách là một người Công Giáo”.

Trả lời Pelosi, Đức Tổng Giám Mục Cordileone, là Giám Mục bản quyền của bà chủ tịch Hạ Viện, nói rằng nước Mỹ “thấm đẫm máu những người vô tội vì phá thai, và nó phải dừng lại”. Ngài nói thêm rằng “Không người Công Giáo nào có lương tâm trong sáng lại có thể ủng hộ phá thai”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết điều bà Pelosi nói “mâu thuẫn trực tiếp với quyền cơ bản của con người mà giáo huấn Công Giáo đã luôn ủng hộ trong 2,000 năm qua”.

Làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo hội và đưa ra lời chỉ trích thẳng thắn đối với tuyên bố của Pelosi, là người nói mình “là một người Công Giáo” trong khi lại bảo vệ việc phá thai, phản ứng thẳng thừng của Đức Tổng Giám Mục Cordileone đối với Pelosi có thể được hiểu là một lời cảnh cáo chính thức và công khai đối với bà ta về một vấn đề giáo huấn thiết yếu của Giáo hội. Đó là một động thái đi trước việc cấm nhà lập pháp này không được rước lễ.

Giáo hội dạy rằng hành động phá thai là hành động tự nguyện lấy đi mạng sống vô tội của con người, sự vô luân nghiêm trọng trong hành động này là giáo huấn mà người Công Giáo bắt buộc phải “tin với đức tin thiêng liêng và Công Giáo”, nghĩa là một đòi buộc thuộc lĩnh vực cao nhất trong huấn quyền.

Điều 915 của Bộ Giáo luật quy định rằng những người “cố chấp kiên trì phạm tội trọng cách tỏ tường thì không được rước lễ”. Theo một bản ghi nhớ năm 2004 được ban hành bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, các chính trị gia Công Giáo - như Pelosi - những người “liên tục vận động và bỏ phiếu cho việc hợp phá hóa phá thai và an tử đã tham gia vào việc “thể hiện” và “hợp tác chính thức” trong tội trọng.

Nhưng, Bộ Giáo Lý Đức Tin khuyến nghị rằng trước khi công khai cấm một chính trị gia Công Giáo rước lễ, “mục tử của người ấy phải gặp đương sự, hướng dẫn đương sự về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho đương sự biết rằng đương sự không được lên Rước Lễ cho đến khi đương sự chấm dứt hoàn cảnh tội lỗi khách quan, và cảnh báo đương sự rằng nếu cứ lên rước lễ, đương sự sẽ bị từ chối Thánh Thể”.

Sự khiển trách công khai của Đức Tổng Giám Mục Cordileone đối với chủ tịch Hạ Viện có thể được hiểu là một nỗ lực hướng dẫn bà ta tuân theo giáo huấn của Giáo hội trước khi cấm rước lễ, phù hợp với bản ghi nhớ của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Nếu Đức Tổng Giám Mục Cordileone thực sự có ý định thúc ép và từ chối việc cho Pelosi rước lễ tại quê quán của bà, là Tổng giáo phận San Francisco, quyết định của ngài sẽ có tác động đến quan hệ giữa các giám mục Hoa Kỳ, vốn đang đối mặt với sự chia rẽ trong cách tiếp cận của họ với chính quyền Biden.

Tuần trước, vào ngày lễ nhậm chức của Biden, chủ tịch USCCB là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez đã công bố một lá thư nhắc lại “ưu tiên tối thượng” của Giáo hội là phản đối và kêu gọi chấm dứt việc hợp pháp phá thai.

Trong khi đa số các giám mục lên tiếng về tuyên bố của Đức Cha Gomez đã ủng hộ cách tiếp cận của ngài, Hồng Y Blase Cupich của Chicago gọi việc công bố tuyên bố này là một chuyện thiếu suy xét và không có tiền lệ. Có thông tin rộng rãi rằng Hồng Y Cupich đã tìm kiếm sự can thiệp của Vatican để ngăn chặn việc đưa ra tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez, và cố gắng thu hút sự ủng hộ cho một văn bản thay thế mang tính nhượng bộ hơn với tân chính quyền.

Những tranh chấp trong tương lai dường như không thể tránh khỏi giữa một bên đa số các giám mục Hoa Kỳ, là các vị cam kết đặt ưu tiên phản đối phá thai lên hàng đầu ngay cả khi các ngài hợp tác với chính quyền mới trong các vấn đề khác; và một một bên là nhóm thiểu số các vị xem ra thích thấy sự bất đồng với Biden vì vấn đề phá thai bị hạ thấp xuống, và ủng hộ một giọng điệu hợp tác hơn trong các lĩnh vực thỏa thuận chung với chính quyền.

Dù tốt hơn hay tệ hơn, bất kỳ hành động nào đối với Pelosi đều có thể thúc đẩy sự bất đồng giữa hai nhóm bùng phát.

Mặc dù Đức Tổng Giám Mục Cordileone là giám mục của Pelosi, bà ta dành nhiều thời gian ở Washington, DC hơn là ở San Francisco. Trong khi quyết định từ chối Rước lễ đối với Pelosi ở California sẽ là tin tức quốc gia, các nhà quan sát của Giáo hội có thể sẽ đặc biệt tò mò liệu Hồng Y Wilton Gregory của Washington có chấp nhận và thực thi quyết định do Tổng Giám Mục của bà Peolosi đưa ra khi bà ấy ở Washington.

Hồng Y Gregory đã nói rằng, bất kỳ chính sách ủng hộ phá thai nào mà Biden sẽ áp dụng từ Phòng Bầu dục, ngài sẽ không từ chối cho ông Biden rước lễ, để có thể đối thoại với tân tổng thống về các vấn đề đồng thuận.

Trong khi Hồng Y Gregory được tự do đưa ra quyết định liên quan đến một tổng thống đang cư trú chính thức trong tổng giáo phận của mình và thuộc quyền của ngài, việc ngài chỉ thị cho các giáo sĩ của mình nên tôn trọng hay không quyết định của Tổng Giám Mục bản quyền của Pelosi là một quyết định có thể ảnh hưởng không chỉ đến linh hồn của Pelosi, mà còn là sự hiệp thông của các giám mục Hoa Kỳ.


Source:The Pillar

4. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hồng Y Blase Cupich: Phước hay họa?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hồng Y Blase Cupich vào hôm thứ Bảy 30 tháng Giêng, 10 ngày sau khi Đức Hồng Y công khai chỉ trích tuyên bố chính thức của các giám mục Hoa Kỳ về lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Buổi tiếp kiến riêng diễn ra tại Điện Tông Tòa vào sáng ngày 30 tháng Giêng. Hồng Y Cupich, tổng giám mục Chicago, đã đến Rôma vì một cuộc họp của Bộ Giám mục Vatican. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh không công bố thêm thông tin nào về cuộc họp ngoài việc cho biết cuộc họp giữa hai vị đã diễn ra.

Vào ngày 20 tháng 1, ngày nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, với tư cách là chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã chuẩn bị một tuyên bố trong ngày nhậm chức ca ngợi “lòng mộ đạo” và “cam kết lâu dài của vị tổng thống Công Giáo đối với người nghèo là ưu tiên của Phúc âm”, đồng thời chỉ rõ quan điểm của Biden đối với việc phá thai, tự do giới tính và tự do tôn giáo là không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez không có gì khác với những gì các giám mục Hoa Kỳ đã nói trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Hồng Y Cupich của Chicago đã gay gắt phản đối mạnh mẽ cả giọng điệu lẫn thời điểm đưa ra tuyên bố. Không thành công trong việc tập hợp các giám mục anh em đứng về phe mình, ông đã cố gắng yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trì hoãn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục từ sáng đến chiều. Do đó, tuyên bố chỉ được đưa ra sau thông điệp chúc mừng từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới tân tổng thống.

Đức Hồng Y Cupich, đã không thể thuyết phục bất kỳ giám mục anh em nào tham gia với mình một cách công khai, nên đã gửi một số tweet bày tỏ sự không hài lòng trước tuyên bố mà ngài gọi là “thiếu cân nhắc” của Đức Tổng Giám Mục Gomez và đưa ra lời chúc tốt đẹp đến Biden của riêng mình.

Trong một liên khúc 4 Tweets vào hôm thứ Tư, Hồng Y Cupich nói rằng “Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố thiếu cân nhắc vào ngày nhậm chức của Tổng thống Biden. Bên cạnh thực tế là dường như không có tiền lệ để làm như vậy, tuyên bố chỉ trích Tổng thống Biden đã gây ngạc nhiên cho nhiều giám mục, những người đã nhận được nó chỉ vài giờ trước khi nó được phát hành”.

Ông nói thêm: “Tuyên bố được soạn thảo mà không có sự tham gia của Ban Thường Vụ, cũng chẳng có một cuộc tham vấn tập thể là một quy trình bình thường đối với những tuyên bố thay mặt và nhận được sự tán thành của các giám mục Hoa Kỳ”.

“Những thất bại về thể chế nội bộ liên quan phải được giải quyết, và tôi mong muốn được đóng góp vào tất cả các nỗ lực cho mục tiêu đó, để khi được linh hứng từ Phúc âm, chúng ta có thể xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội, và cùng nhau thực hiện công việc chữa lành quốc gia trong thời điểm khủng hoảng này”, Hồng Y Cupich nói.

Trong tuần đầu tiên nắm quyền, Joe Biden đã ban hành 24 sắc lệnh hành pháp - nhiều hơn bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào.

Tổng thống Donald Trump ký bốn, Barack Obama ký năm và George W Bush không ký sắc lệnh hành pháp nào trong bảy ngày đầu tiên.

Đáp lại các sắc lệnh hành pháp này của Biden, các Hồng Y, Giám Mục Hoa Kỳ đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố. Nếu sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hồng Y Blase Cupich, các Hồng Y, Giám Mục Hoa Kỳ đột nhiên ngưng lại, không phản đối nữa thì sao? Phước hay họa cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ?


Source:Catholic News Agency

5. Đức Thánh Cha thiết lập Ngày Thế Giới Những Ông Bà Và Các Vị Cao Niên cử hành trong toàn Giáo Hội

Ngày Chúa Nhật 31 tháng Giêng, Giáo Hội trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu ngay khi bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng của Ngài đã giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Đến thành Capharnaum ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1:21-28) kể về một ngày tiêu biểu trong sứ vụ của Chúa Giêsu; cụ thể, đó là ngày Sabát, một ngày dành riêng cho việc nghỉ ngơi và cầu nguyện: mọi người đến hội đường. Trong hội đường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu đọc và bình luận về Sách Thánh. Những người có mặt bị thu hút bởi cách nói của Ngài; họ rất đỗi kinh ngạc vì Ngài thể hiện một uy quyền khác với các luật sĩ (câu 22). Hơn nữa, Chúa Giêsu cho thấy Ngài không chỉ có uy quyền trong lời nói mà còn có quyền năng trong những việc Ngài làm. Thật vậy, một người trong hội đường hướng về Ngài, gọi Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa: Ngài nhận ra thần ô uế, ra lệnh cho nó rời khỏi người đàn ông đó, và trục xuất nó ra ngoài (câu 23-26).

Ở đây có thể thấy hai yếu tố đặc trưng trong công việc của Chúa Giêsu: rao giảng, và hành động chữa bệnh: Ngài rao giảng và chữa lành. Cả hai khía cạnh này đều nổi bật trong trình thuật của thánh sử Máccô, nhưng việc rao giảng được nhấn mạnh nhiều nhất; Phép trừ quỷ được trình bày như một sự xác nhận “uy quyền” huấn giáo của Ngài. Chúa Giêsu rao giảng với uy quyền của chính Ngài, như một người thủ đắc giáo lý bắt nguồn từ chính Ngài, và không giống như những thầy thông giáo chỉ lặp lại các truyền thống và luật lệ trước đây. Họ lặp đi lặp lại các từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ, chỉ từ ngữ thôi: như ca sĩ nổi tiếng Mina đã hát, “Erano così: soltanto parole” – “Chỉ những lời đầu môi chót lưỡi thôi”, đó là cách của họ. Chỉ là những lời sáo rỗng, trái ngược với Chúa Giêsu. Lời của Ngài có uy quyền, lời Chúa Giêsu có uy lực. Và điều này chạm đến con tim. Giáo huấn của Chúa Giêsu có uy quyền như khi Thiên Chúa phán; vì chỉ với một lời phán ra, Ngài đã dễ dàng giải thoát người bị quỷ ám khỏi thần ô uế, và chữa lành cho anh ta. Tại sao? Bởi vì lời của Ngài thực hiện những gì Ngài nói. Bởi vì Ngài là vị tiên tri cuối cùng. Nhưng tại sao tôi lại nói điều này, rằng Ngài là vị tiên tri cuối cùng? Hãy nhớ lời hứa của Môisê: Ông Môise nói, “Sau tôi, rất lâu sau, một nhà tiên tri như tôi sẽ đến - giống như tôi! – Đấng sẽ dạy anh em”. Môisê tuyên bố Chúa Giêsu là vị tiên tri cuối cùng. Giáo huấn của Chúa Giêsu có uy quyền như khi Thiên Chúa phán; vì chỉ với một lời phán ra, Ngài đã dễ dàng giải thoát người bị quỷ ám khỏi thần ô uế, và chữa lành cho anh ta. Đây là lý do tại sao Người nói không phải với uy quyền của con người, nhưng với quyền lực Thiên Chúa, bởi vì Ngài có quyền năng của nhà tiên tri cuối cùng, tức là Con Thiên Chúa, Đấng cứu chúng ta, Đấng chữa lành tất cả chúng ta.

Khía cạnh thứ hai, sự chữa lành cho thấy rằng lời rao giảng của Chúa Kitô nhằm đánh bại sự dữ đang hiện diện trong nhân loại và thế giới. Lời của Người nhắm thẳng vào vương quốc Satan: nó khiến Satan rơi vào khủng hoảng và suy sụp, buộc nó phải rời khỏi thế giới. Được chạm đến bởi mệnh lệnh của Chúa, người đàn ông bị quỷ ám ảnh, bị thần ô uế nhập này được giải thoát và biến đổi thành một người mới. Ngoài ra, lời rao giảng của Chúa Giêsu đưa ra một luận lý trái ngược với luận lý của thế gian và của ma quỷ: Những lời của Người mạc khải một sự biến động trong trật tự sai lầm của mọi thứ. Trên thực tế, con quỷ hiện diện trong người đàn ông bị quỷ ám kêu lên khi Chúa Giêsu đến gần: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” (Câu 24). Những biểu hiện này cho thấy mối quan hệ ngoại lai hoàn toàn giữa Chúa Giêsu và Satan: cụ thể Ngài ở trên những bình diện hoàn toàn khác với nó; không có điểm chung nào với nó; và đối lập với nó. Chúa Giêsu, đầy quyền uy, thu hút mọi người bằng uy lực của mình, cũng là vị tiên tri giải phóng, vị tiên tri được hứa ban cho nhân loại, Đấng là Con Thiên Chúa, đến để chữa lành. Chúng ta hãy lắng nghe những lời có uy quyền của Chúa Giêsu: luôn luôn, đừng quên!

Hãy mang theo một cuốn Kinh Thánh nhỏ trong túi hoặc trong cặp của anh chị em, để đọc trong ngày và lắng nghe lời có uy quyền đó của Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều có những vấn đề, chúng ta đều là những người tội lỗi, chúng ta đều có những bất ổn về tâm linh; chúng ta hãy thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài là vị tiên tri, Con Thiên Chúa, Đấng đã được hứa ban cho chúng con để chữa lành chúng con. Xin chữa lành cho con!” Anh chị em hãy cầu xin Chúa Giêsu chữa lành, khỏi tội lỗi, khỏi bệnh tật của chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria luôn ghi nhớ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong lòng, và theo Ngài với sự sẵn sàng hoàn toàn và trung tín trọn vẹn. Xin Mẹ cũng giúp chúng ta lắng nghe Ngài và đi theo Ngài, để cảm nghiệm những dấu chỉ của ơn cứu rỗi Ngài mang đến trong cuộc sống của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Ngày mốt, ngày 2 tháng 2, chúng ta sẽ cử hành lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh, khi ông Simeon và bà Anna, cả hai đều đã cao tuổi, được Chúa Thánh Thần soi sáng, nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn khơi dậy những suy nghĩ và lời nói khôn ngoan của người cao tuổi: tiếng nói của họ rất quý giá vì nó hát những lời ca tụng Thiên Chúa và bảo vệ cội nguồn của các dân tộc. Họ nhắc nhở chúng ta rằng tuổi già là một ân sủng và ông bà là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, truyền kinh nghiệm sống và đức tin cho lớp trẻ. Ông bà ta thường bị lãng quên và chúng ta quên đi kho tàng giàu có từ việc gìn giữ cội nguồn và truyền lại cho hậu thế. Vì lý do này, tôi đã quyết định thành lập Ngày Thế Giới Những Ông Bà Và Các Vị Cao Niên, sẽ được tổ chức trong toàn Giáo Hội hằng năm vào ngày Chúa Nhật thứ tư của tháng bảy, gần với lễ hai thánh Joachim và Anna, là ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Điều quan trọng là ông bà được gặp các cháu của họ, và các cháu được gặp gỡ ông bà mình, bởi vì - như tiên tri Giô-ên nói - ông bà, trước mặt các cháu của họ, sẽ mơ ước và có những ước muốn lớn lao, và những người trẻ tuổi, lấy sức mạnh từ ông bà, sẽ đi về phía trước và nói tiên tri. Và ngày 2 tháng 2 thực sự là ngày lễ của cuộc gặp gỡ giữa ông bà và con cháu.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Bệnh phong, do Raoul Follereau khởi xướng cách đây hơn 60 năm và được tiếp tục bởi các hiệp hội lấy cảm hứng từ công việc nhân đạo của ông. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người mắc phải căn bệnh này, và tôi khuyến khích những nhà truyền giáo, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên đang tham gia phục vụ họ. Đại dịch đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe cho những người mong manh nhất: Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo các quốc gia sẽ đoàn kết trong nỗ lực điều trị những người mắc bệnh phong và bảo đảm cho họ được hội nhập vào xã hội.

Tôi chào đón một cách trìu mến các chàng trai và cô gái trong phong trào Công Giáo Tiến hành tại giáo phận Rôma này - một số trong số họ đang ở đây - được tập trung an toàn tại giáo xứ của họ hoặc được kết nối trực tuyến, nhân dịp Caravan Hòa bình. Mặc dù tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, nhưng năm nay, với sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và các linh mục hỗ trợ, họ đã tổ chức sáng kiến tuyệt vời này. Họ đang thực hiện các sáng kiến, các con làm rất tốt! Hãy tiếp tục phát huy! Các con làm tốt lắm, cảm ơn các con. Và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe thông điệp mà một số người trong số họ ở đây bên cạnh chúng ta, thay mặt cho tất cả chúng ta, sẽ đọc.

Bình thường các bạn trẻ này sẽ mang bóng bay từ cửa sổ ném lên không trung, nhưng hôm nay chúng tôi bị nhốt ở đây nên sẽ không làm được. Nhưng năm sau chắc chắn bạn sẽ làm được!

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả các anh chị em, những người đã kết nối thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng. Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Holy See Press Office