Larry Chapp, trên trang mạng của The National Catholic Register ngày 23 tháng 3, 2023, cho rằng: Bây giờ là lúc một lần nữa trở lại với các bản văn thực sự của công đồng, và của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, để phơi bày sự đầu hàng trước tinh thần thời đại.



Theo ông, chủ đề “tính đồng nghị,” xuất hiện nhiều trong tin tức ngày nay, dường như có ý nghĩa rất khác nhau đối với những người khác nhau. Theo nhiều cách, đó là một nỗ lực đáng khen nhằm tăng cường sự tham gia của các giám mục địa phương và giáo phận của họ vào việc cai quản Giáo hội.

Nhưng cũng có những người trong Giáo hội hiện đang sử dụng tính đồng nghị một cách không thích hợp như một phương tiện để thay đổi các tín lý của Giáo hội một cách rất tương tự với sự diễn giải sai lầm của nền thần học cấp tiến về Vatican II ngay sau Công đồng.

Công đồng Vatican II, được triệu tập cách đây 60 năm, đã tìm cách hoàn thành công việc còn dang dở của Công đồng Vatican I, vốn đã xác định tín điều về sự bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng nhưng phải cắt ngắn các cuộc thảo luận tiếp theo do việc Chiến tranh Pháp-Phổ đã tạo ra những điều kiện bất ổn. Do đó, Vatican I không bao giờ được “chính thức” bế mạc, điều này có tác động đáng tiếc là khiến tín điều về sự không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng bị cô lập khỏi các hình thức thẩm quyền khác trong Giáo hội, điều này sau đó có tác động đáng tiếc hơn nữa là tạo ra cảm thức thái quá coi vị giáo hoàng như một loại “sấm ngôn của Delphi” mà mọi lời nói đều được coi là có thẩm quyền tối cao. Hơn nữa, các giám mục bị coi như kiểu quản lý viên chi nhánh của “Tập đoàn Giáo hoàng,” với rất ít thẩm quyền của riêng họ mà không được giáo hoàng ủy quyền cho như một phần trong thẩm quyền tuyệt đối của ngài.

Tuy nhiên, Công đồng Vatican II không bao giờ đề cập đến thuật ngữ “tính đồng nghị” và thay vào đó đã chọn sử dụng thuật ngữ “tính hợp đoàn” để biểu thị một sự nhấn mạnh mới về thẩm quyền được chia sẻ giữa giáo hoàng và các giám mục. Để đạt được điều này, Công đồng đã quay trở lại học thuyết truyền thống và cổ xưa hơn, một học thuyết cho rằng các giám mục có thẩm quyền của mình do thẩm quyền thần linh và là sản phẩm trực tiếp của việc các ngài được thánh hiến trong tư cách giám mục - chứ không phải bởi sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng.

Giáo hoàng vẫn là thẩm quyền tối cao trong Giáo hội, nhưng giờ đây được nhìn trong bối cảnh thích hợp với tư cách là tụ điểm Phêrô của thẩm quyền rộng lớn hơn của Giáo hội, thẩm quyền này cũng nằm trong tất cả các giám mục sub Petro et cum Petro [dưới Phêrô và cùng với Phêrô]. Đây không phải là tính đồng nghị đúng nghĩa, nhưng nó là một sự tán thành theo hướng thần học sinh động của nó, vốn tìm cách thực hiện nguyên tắc phụ trợ [subsidiarity] của Công Giáo trong những cách hữu hiệu hơn. Trong yếu tính, tính phụ trợ có nghĩa là các quyết định nên được đưa ra ở cấp địa phương nhất có thể, với sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền cao hơn chỉ khi nào cần thiết. Mục tiêu thì như nhau trong cả “tính đồng nghị” lẫn “tính hợp đoàn”: Phân quyền việc cai quản Giáo hội khỏi sự tập trung quá mức vào vị giáo hoàng, trong khi vẫn duy trì vị giáo hoàng như cơ quan quyền lực tối cao của Giáo hội.

Mọi điều tới đây đều ổn. Nhưng nhiều người trong số các chiến sĩ cấp tiến ủng hộ tính đồng nghị đang minh nhiên viện dẫn, một lần nữa, điều gọi là “tinh thần của Vatican II” như cùng một tinh thần của con đường đồng nghị. Và, do đó, như một cách trả lời, điều này đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại ý nghĩa của “tinh thần Công đồng” để chống lại những kích động hiện nay đòi thay đổi sâu xa tín lý và thực hành của Giáo hội.

Các tài liệu công đồng đúng nghĩa đã trình bày rõ ràng một viễn kiến thần học không hề bảo hiểm hoặc thúc đẩy những biến dạng thần học cấp tiến này. Nhưng một cách nhanh chóng, đã nảy sinh một lý thuyết diễn giải sau Công đồng, mà từ đó được gọi là “trường phái Bologna” của thần học, vì những người ủng hộ chính của nó tập trung ở đó; trường phái này cho rằng các văn kiện thực sự của Vatican II không thực sự quan trọng bằng các bản văn có ý nghĩa và quỹ đạo thần học chuyên biệt.

Các bản văn không quan trọng bằng quá trình năng động đòi thay đổi mà chúng đã khởi xướng và do đó, dưới con mắt của những người cấp tiến, về nhiều mặt, các bản văn này đã lỗi thời ngay khi chúng được ban hành. Nói cách khác, các quá trình “thay đổi” mà các bản văn này khởi xướng đã vượt qua chính các bản văn thực tế ngay trong chính hành động ban hành chúng. Do đó, điều các bản văn này thực sự có ý định nói gì không phải là điều quan trọng. Tất cả những gì quan trọng là chúng đã bắt đầu một diễn trình thay đổi và diễn trình này bây giờ quan trọng hơn bản thân các tài liệu thực tế.

Điều đáng kể là Công đồng là một “biến cố” năng động khởi động một “tiến trình” mới cho sự thay đổi triệt để. Cách tiếp cận “công đồng như một biến cố năng động” này đã dẫn đến một lời khẳng định công khai rằng Công đồng đại diện cho sự đoạn tuyệt sâu xa với tất cả những gì xảy ra trước đó và nó đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới, trong đó, Giáo hội có cơ hội nhấn nút “lập lại”. Điều này sau đó được kết hợp với các khái niệm mơ hồ về chủ đề xuyên suốt “dân Chúa” có tính công đồng, chủ đề này sau đó được chuyển vị qua ngôn ngữ xã hội học của các xung lực dân chủ theo chủ nghĩa bình quân hiện đại và coi hành động này như chính chuyển động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng “gây ngạc nhiên” cho chúng ta bằng "những điều mới lạ."

Vì vậy, phản đối diễn trình năng động vốn do Công đồng khởi động này là đọc tài liệu như một người theo trào lưu cực đoan Công Giáo và do đó đứng về phía phản đối “cứng rắn” kiểu biệt phái đối với cuộc cách mạng kỳ diệu do Chúa Thánh Thần khởi xướng.

Và, tất nhiên, lý do tại sao những người cổ xúy “tinh thần Vatican II” phần lớn thành công trong dự án thu nạp và bóp méo này là vì họ đã có cuộc cách mạng văn hóa của những năm 60 và 70 đứng về phía họ và toàn bộ sức nặng của người khổng lồ mới xuất hiện là nền văn hóa truyền hình và việc nó hết sức phổ quát hóa các giá trị của tính hiện đại thế tục.

Những người cấp tiến hậu công đồng đã có thuốc viên và (nhà sản xuất và viết truyện phim) Norman Lear đứng về phía họ, cũng như đại đa số những người trong hội thần học, những người dường như đã cùng nhau mất trí và mất niềm tin, đó là một trong những sự xao lãng lớn nhất đối với bổn phận nghề nghiệp trong lịch sử Giáo hội.

Đây là một Công đồng có bản chất thần học sâu sắc, đòi hỏi một phân tích thần học sâu sắc không kém, được đa số các nhà thần học coi như một bệ phóng đơn thuần cho dự án thỏa hiệp văn hóa với ý thức hệ và cấu trúc triết lý hành động văn hóa đương thịnh của chúng ta.

Đây là lý do tại sao chỉ trong vài năm ngắn ngủi sau Công đồng, bạn thấy các trí thức Công Giáo như de Lubac, Ratzinger, von Balthasar, von Hildebrand, Bouyer và Maritain gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng những gì đang diễn ra trong tình trạng hỗn loạn hậu công đồng hoàn toàn không phải là những gì được Công đồng hỗ trợ. Và họ có lý do chính đáng để nói điều đó.

Và một lần nữa, quan điểm của tác giả bài báo rất đơn giản: tức là, các cuộc tranh luận sau công đồng về Công đồng không tạo nên bằng chứng cho thấy Công đồng quá mơ hồ và vô tổ chức. Dĩ nhiên, đây là một chủ trương đã được nhiều người trước tác giả đưa ra, ít nhất là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, nhưng đó là một chủ trương đích thực và là một chủ trương cần được lặp đi lặp lại.

Về phương diện này, tác giả đồng ý với linh mục Aidan Nichols, nhà thần học dòng Đa Minh, trong cuốn sách nhỏ tuyệt vời của ngài, cuốn Conciliar Octet [Bộ tám Công đồng], trong đó ngài thảo luận về sự cần thiết để những người trung thành còn sót lại trong hiệp hội thần học ra tay hành động nhằm cung cấp cho huấn quyền một bộ công cụ khả thi để chống lại sự xuyên tạc Công đồng có chủ ý. Ngài viết như sau:

“Một nhiệm vụ phân biệt rõ ràng được khuyến nghị. … Đó là công việc mà các nhà thần học Công Giáo Rôma nên làm ngay bây giờ vì tương lai của truyền thống họ, sau thời gian gián đoạn do triều giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gây ra với việc nó bảo trợ 'sự thay đổi mô hình', cách diễn đạt cổ điển vì đây là một 'sự thông diễn gián đoạn và đứt đoạn.'… Công đồng Vatican II có thể được bảo vệ chống lại lời cáo buộc rằng nó… đại diện cho một sự đứt đoạn như vậy. … Nhưng trước tiên phải có ý chí bảo vệ nó, chứ không phải là vui mừng trong sự hỗn loạn của giáo hội theo cách của ma quỷ Hỏa ngục.”

Và như cánh cấp tiến của Giáo hội trong thời kỳ hậu công đồng ít quan tâm đến tính chất chuẩn mực và ràng buộc của bất cứ giáo huấn nào của Giáo hội thế nào, thì ngày nay chúng ta cũng thấy, nơi một số người đang cổ vũ tính đồng nghị như một “phong trào của Chúa Thánh Thần”, một sự coi thường tương tự đối với giáo huấn lâu đời và các tài liệu thực sự của huấn quyền như vậy.

Có một kiểu Ngộ đạo đặt “tinh thần” chống lại “chữ nghĩa” đang diễn ra ở đây cho phép những người hiện nay đang đề xuất tính đồng nghị như một “biến cố năng động” thực hiện một cuộc chạy vòng quanh giáo huấn của Giáo hội bằng cách coi nó, một cách gây sốc, như trái ngược với phong trào mới này của Chúa Thánh Thần - một “tinh thần” mà giờ đây nghe rất giống cuộc thảo luận trên chương trình Talk Show "The View".

Thí dụ, các giáo huấn thần học tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về thần học luân lý và việc phong chức cho phụ nữ không minh nhiên bị chống đối nhiều cho bằng bị làm ngơ một cách tiền trảm hậu tấu như một phần của một Giáo hội hấp hối từ hôm qua, một Giáo Hội bị Chúa Thánh Thần, thông qua “các buổi lắng nghe” đồng nghị được 1% người Công Giáo trên toàn thế giới tham dự, giờ đây đang đẩy chúng ta vượt qua để bước vào thế giới mới dũng cảm của một “Giáo hội đang chuyển động”. Nhưng một Giáo hội đang chuyển động chính xác đến nơi nào?

Do đó, bây giờ không phải là lúc ngưng hành động trong tinh thần thua cuộc vì mệt mỏi trước những cuộc tranh luận dường như bất tận về Công đồng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Thánh Athanasiô cũng làm như vậy?

Bây giờ là lúc một lần nữa trở lại với các bản văn thực sự của Công đồng, và các bản văn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, để vạch trần sự kết nạp Con đường Đồng nghị cấp tiến hiện nay trong bản chất thực sự của nó: đầu hàng trước tinh thần thời đại. Thực sự có một "tinh thần" đang hành động ở đây. Nhưng nó không phải là điều mà những người cấp tiến chủ trương.