Trong một bài nhận định đăng trên tờ National Catholic Register Ngày 16 tháng 8 năm 2023, Jonathan Liedl cho rằng Đức Giám Mục Bertram Meier của Augsburg từ lâu đã tự coi mình là một loại 'người trung gian' giữa Vatican và các giám mục Đức - khiến cho những lời chỉ trích gần đây của ngài đối với những người chỉ trích tiến trình đồng nghị của Đức có thể là một dấu hiệu cho thấy quan điểm hiện tại của Tòa thánh về tình hình bất ổn này.



Trong bất cứ trình thuật nào về sự phản đối của các giám mục đối với Con đường Đồng nghị của Đức và các mục tiêu gây tranh cãi nhất của nó, cái tên “Giám mục Bertram Meier” được nêu bật một cách rõ nét.

Dù sao, giám mục Augsburg là một trong số ít các giám mục Đức bỏ phiếu công khai chống lại các đề xuất nhằm chúc lành cho các mối quan hệ tình dục đồng tính và phong chức bí tích cho phụ nữ tại cuộc họp của Con đường Đồng nghị vào tháng 3 vừa qua và trước đó đã nói rằng diễn trình này sẵn sàng đưa đến mối đe dọa “độc hại” đối với sự hiệp nhất giáo hội. Hơn nữa, ngài là một trong năm giám mục Đức gửi thư cho Vatican vào tháng 12 năm 2022 nêu lên những lo ngại về kế hoạch của Con đường Đồng nghị nhằm thành lập một “Hội đồng Đồng nghị” thường trực để điều hành Giáo hội ở Đức, khiến có câu trả lời của Rôma, một câu trả lời ít nhất đã trì hoãn những người duy đồng nghị, những người sau đó đã thành lập một “Ủy ban Đồng nghị” chuyển tiếp.

Nhưng chính vì hồ sơ phản kháng của công chúng đối với Con đường Đồng nghị và sự thái quá của nó, nên việc Đức Giám Mục Meier gần đây chỉ trích những người hoài nghi đối với tiến trình đồng nghị trong bài giảng của ngài vào Chúa nhật vừa qua, trong đó ngài nói rằng họ mắc phải não trạng “tụ tập nhau lại để khỏi bị tấn công” (circle the wagons), rất khó thuyết phục những người vốn cho rằng sự phản đối trước đây của ngài đối với các khía cạnh của Con đường Đồng nghị có nghĩa là ngài đã có cùng những phê bình căn bản của họ về diễn trình này, sự biện minh có chủ đích và mục đích dự định của nó.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin Đức quen thuộc với giám mục Augsburg, bao gồm cả một linh mục từ giáo phận của ngài, thì đó không phải là cách tốt nhất để hiểu về giám mục Augsburg và phương thức hoạt động bao quát của ngài.

Thay vì một sự đào thoát khó hiểu khỏi quan điểm kiên quyết chống Con đường Đồng nghị, lời chỉ trích của Đức Cha Meier đối với những người hoài nghi Con đường Đồng nghị có thể được giải thích là nhất quán với cùng một nhân tố đã cổ vũ những lời chỉ trích trước đây của ngài đối với chính quá trình đồng nghị của Đức: xu hướng tự định vị mình như một “nhân vật đoàn kết” ôn hòa, người có thể đóng vai trò trung gian ngoại giao không chỉ giữa các phe phái khác nhau trong hàng giám mục Đức mà còn giữa các giám mục Đức và Tòa thánh.

Và vào thời điểm mà cả các viên chức của Giáo triều và ban lãnh đạo của Hội đồng Giám mục Đức, những người đã tổ chức một cuộc họp bất ngờ về Con đường Đồng nghị vào tháng 7 vừa qua, đang duy trì sự im lặng tương đối trên đài phát thanh, những lời nói và hành động của Đức Giám Mục Meier - bao gồm cả lời chỉ trích của ngài đối với những người hoài nghi về Con đường Đồng nghị đã bác bỏ diễn trình - có thể là trung gian tốt nhất hiện có để phỏng đoán xem các cuộc thảo luận giữa Rôma và Đức hiện đang tiến tới đâu và đặc biệt là lập trường hiện tại của Vatican về diễn trình gây tranh cãi này.

Bắt cá hai tay

Theo các nguồn tin của Đức, xu hướng tìm kiếm một mức độ hiệp nhất giữa những khác biệt sâu sắc là một đặc điểm căn bản của Đức Cha Meier, 63 tuổi, là con trai của một người cha theo đạo Tin lành và một người mẹ Công Giáo. Kinh nghiệm sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như đào tạo tại Học viện Ngoại giao Giáo hoàng trước khi làm việc tại Phủ Quốc vụ khanh với tư cách là người đứng đầu bộ phận tiếng Đức trong tám năm và làm chủ tịch Hiệp hội các Giáo hội Kitô giáo đại kết ở Augsburg trong gần một thập niên, có thể chỉ ra cũng như tăng cường xu hướng của người Bavaria này trong việc xác định vị trí trung gian về mặt ngoại giao.

Với tư cách là một giám mục, chỉ được tấn phong vào năm 2020, “chủ nghĩa bắt cá hai tay” [bothsidesism] này không phải chỉ là đặc điểm của sự giao tiếp của Đức Cha Meier với Con đường Đồng nghị. Chẳng hạn, ngài là giám mục người Đức đầu tiên phong chức linh mục và phó tế cho Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô theo chủ nghĩa truyền thống, nhưng, theo một nguồn tin của giáo phận, ngài cũng nổi tiếng là người sẵn sàng bổ nhiệm các linh mục tiến bộ hơn vào các vai trò nổi bật trong giáo phận Augsburg.

Điều này không có nghĩa là Đức Cha Meier không có niềm tin thần học vững chắc. Các nguồn truyền thông Công Giáo Đức quen thuộc với vị giám mục đã bày tỏ sự tin tưởng của họ vào tính chính thống của ngài đối với các vấn đề giáo lý nóng hổi đương thời liên quan đến tình dục, giáo hội học và các bí tích của Giáo hội, cũng như lòng mộ đạo và lòng sùng kính của bản thân ngài.

Vị giám mục người Bavaria cũng không ngại liên kết với các sáng kiến của những người chỉ trích thẳng thắn hơn về Con đường Đồng nghị, chẳng hạn như hội nghị Adoratio [thờ phượng] gần đây ở Giáo phận Passau, hoặc bày tỏ sự hướng dẫn mục vụ không được ưa chuộng, như ngài đã làm trong lần xuất hiện gần đây trên EWTN Đức, khi ngài nhấn mạnh rằng đôi khi cần phải xưng tội trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

Nhưng, như một linh mục Augsburg đã nói, những xác tín thần học này đôi khi sa vào khuynh hướng của Giám mục Meier là “thu hút tất cả mọi bè phái trong Giáo hội.”

Khuynh hướng ngoại giao của Đức Cha Meier, và thói quen của ngài đứng ở giữa, có lẽ đặc biệt được nâng cao trong bối cảnh hiện tại của Con đường Đồng nghị, với sự tham gia của Vatican. Một phần do thời gian ở Rôma và các mối quan hệ mà ngài vẫn duy trì ở đó, Đức Cha Meier có thể có vị trí rõ ràng để đảm nhận vai trò người trung gian - điều mà ngài đã làm một cách thích thú. Trên thực tế, ngay sau khi được tấn phong vào năm 2020, Đức Cha Meier đã nói rằng ngài coi một trong những nhiệm vụ của mình là làm trung gian giữa Giáo hội ở Đức và Vatican.

Việc Đức Cha Meier có ý định tự đặt mình làm “người trung gian” cả trong hàng giám mục Đức cũng như giữa Rôma và Đức giúp hiểu rõ các hành động của ngài liên quan đến Con đường Đồng nghị. Chẳng hạn, khi sự lãnh đạo của Con đường Đồng nghị tỏ ra đối nghịch nhất với Rôma, Đức Cha Meier rõ ràng đã đưa ra những tuyên bố công khai ủng hộ Vatican và kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn từ người Đức.

Nhưng khi quyết định tài trợ cho Ủy ban Đồng nghị được đưa ra cho ngài vào Chúa nhật vừa qua, Đức Cha Meier đã không tham gia cùng với bốn giám mục khác mà với họ, ngài đã cùng viết lá thư tháng 12 gửi Vatican về việc ngăn chặn tài trợ, bất chấp việc bày tỏ mối lo ngại đối với việc thiếu rõ ràng về mục tiêu và thẩm quyền của cơ quan. Bằng cách không làm như vậy, ngài đã duy trì sự can dự của ngài vào diễn trình đồng nghị và vị trí của ngài với tư cách là người trung gian chính giữa Rôma và hàng giám mục Đức.

Chiến thuật ngoại giao hơn của Đức Cha Meier cũng giúp giải thích lý do tại sao ngài — chứ không phải Đức Hồng Y Rainer Woelki hay Đức Cha Rudolf Voderholzer — là một trong ba đại biểu được Hội đồng Giám mục Đức chọn để tham gia Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, sẽ họp vào Rôma vào tháng 10 này.

Chỉ trích những người hoài nghi Con đường Đồng nghị

Tương tự như vậy, xu hướng của Đức Cha Meier trong việc đặt cơ sở trung gian có lẽ là nguyên nhân đằng sau những nhận xét chỉ trích gần đây của ngài đối với những người hoài nghi Con đường Đồng nghị. Đức Cha Meier nói rằng những người chỉ trích tiến trình đồng nghị Đức mắc phải chứng Wagenburgmentalität - tương đương với não trạng “khoanh vòng các toa xe” (circle the wagons, một thành ngữ có nghĩa:“tụ tập nhau lại để khỏi bị tấn công”), được thúc đẩy bởi “sự bất an” khiến họ từ bỏ đối thoại và xây dựng sự đồng thuận cũng như ngăn chặn các đối thủ của họ.

Đức Cha Meier nói rằng những phản ứng này, vốn được phát biểu với một kiểu chắc chắn hợp luận lý và “ít tôn trọng”, là “một việc trốn chạy khỏi thực tại để đi vào một não trạng với những cánh cổng đóng kín, với vũ khí bằng lời nói và phương tiện truyền thông không còn tỏa ra bất cứ điều gì mời gọi nữa” mà đúng hơn là tập trung vào sự tương phản giữa những người Công Giáo.

Ngài nói: “Sự tương phản như vậy không còn liên quan gì đến Tin Mừng nữa. Ở đây, ranh giới của hệ tư tưởng, của những nguyên lý cứng ngắc, vô hồn, đã bị vượt qua.”

Vị giám mục có thể đã chỉ trích những người khác vì đã khoanh vòng các toa xe, nhưng nhận xét của ngài cũng có tác dụng rõ ràng là chỉ trích một số đồng bào Công Giáo Đức của ngài. Những bình luận của ngài dường như ám chỉ các nhà lãnh đạo giáo dân đã rút lui khỏi Con đường Đồng nghị vì lo ngại rằng diễn trình này “gây nghi ngờ về các giáo lý và niềm tin Công Giáo trung tâm” và sử dụng các chiến thuật gây áp lực để đạt được kết quả mong muốn, cũng như các nhóm như Neuer Anfang, Maria 1.0, và nhiều người Công Giáo Đức khác đã cầu xin các giám mục của họ ngừng hợp pháp hóa Con đường Đồng nghị thông qua sự tham gia của họ.

Nhưng đáng kể nhất, sự chỉ trích của vị giám mục Bavaria đối với Wagenburgmentalität trong số những người chỉ trích Con đường Đồng nghị có thể sẽ được áp dụng cho bốn giám mục đã bỏ phiếu ngăn chặn việc tài trợ chung cho Ủy ban Đồng nghị: Đức Hồng Y Woelki của Cologne và các Giám mục Voderholzer của Regensburg, Stefan Oster của Passau và Gregor Maria Hanke của Eichstätt. Có lẽ Đức Cha Meier không có ý định chỉ trích các giám mục này bằng nhận xét của mình; hoặc có lẽ ngài đang thực hiện một động thái hùng biện để tiếp tục củng cố niềm tin của mình với tư cách là giám mục Đức “hợp lý” và ôn hòa nhất.

Một con cừu dẫn đầu của Rôma?

Nếu lăng kính phân tích này đúng, điều đó cho thấy không chỉ Giám mục Meier có động cơ đứng giữa các tranh chấp về Con đường Đồng nghị giữa Đức và Rôma, mà những lời nói và hành động liên quan của ngài có thể cho thấy một số dấu hiệu về những gì Vatican đã nói về diễn trình này đằng sau cánh cửa đóng kín.

Theo khía cạnh này, điều quan trọng là những lời chỉ trích gần đây của Đức Cha Meier đối với những người phản đối Con đường Đồng nghị xuất hiện ngay sau cuộc gặp bất ngờ giữa các viên chức Vatican và đại diện của Hội đồng Giám mục Đức - Giám mục Meier trong số họ - diễn ra tại Rôma vào ngày 26 tháng 7.

Hoàn toàn trái ngược với cuộc họp vào tháng 11 năm 2022 giữa hàng giám mục Đức và lãnh đạo Giáo triều, cả Vatican và Hội đồng Giám mục Đức đều tương đối kín tiếng về những gì đã được thảo luận và quan điểm giữa hai bên liên quan đến Con đường Đồng nghị. Xét rằng sau cuộc họp tháng 11, tờ báo của Vatican đã đăng hai bài phê bình của các Hồng Y Giáo triều về Con đường Đồng nghị, và chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing, đã tổ chức một cuộc họp báo để làm rõ ý định thúc đẩy sáng kiến này của ngài, điều duy nhất được công bố sau cuộc họp tháng 7 là một thông báo chung được mô tả như việc tiếp tục cuộc đối thoại về “các vấn đề thần học và kỷ luật” được tổ chức trong “bầu không khí tích cực và mang tính xây dựng”. Một báo cáo cho rằng hai bên dự kiến sẽ gặp lại nhau sau cuộc họp tháng 10 của Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Nếu ngài thực sự là một con cừu dẫn đầu [bellwether] của Rôma, thì lời chỉ trích của Đức Cha Meier đối với những người hoài nghi Con đường Đồng nghị dường như loại bỏ mọi cách giải thích rằng Vatican đã gây áp lực lên hàng giám mục Đức phải rút khỏi Con đường Đồng nghị một cách trang nhã – một điều khá hợp lý, xét vì áp lực của các nhà tranh đấu giáo dân đối với các giám mục Đức có thể đã giảm bớt khi hoàn thành giai đoạn hội họp và sự thống nhất của các giám mục ở Đức đã bị rạn nứt. Nhưng nếu Rôma đã đưa ra chỉ thị cho các giám mục Đức bắt đầu rút lui khỏi tiến trình đồng nghị, thì đáng lẽ Đức Cha Meier phải khuếch đại thông điệp đó - chứ đâu lại công khai thúc đẩy quan điểm ngược lại trong một bài giảng Chúa Nhật.

Tất nhiên, Rôma có thể có lý do của mình khi muốn giữ các giám mục Đức đối thoại ngoài quá trình diễn ra cuộc họp Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10. Và có lẽ những bình luận chỉ trích của Đức Cha Meier là một phần của một động thái ngoại giao được chuẩn bị cẩn thận khác, đảm bảo rằng vị giáo phẩm chính thống hơn tiếp tục có một ghế trong bất cứ cuộc thảo luận nào giữa Rôma và Đức về Con đường Đồng nghị.

Nhưng một số người Công Giáo Đức lo lắng rằng, một khi đã ngồi vào bàn, thay vì kiên quyết trung thành với giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội trước các cuộc tấn công đang diễn ra của tiến trình đồng nghị, giám mục Augsburg sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thống nhất ngoài mặt và “ở giữa” hơn mọi điều khác.