4- YẾN TỬ ĐI SỨ NƯỚC SỞ

Thời chiến quốc, Yến Tử đi sứ nước Sở.

Sở vương nghe nói ông ta là một người lùn, bèn ra lệnh cho người đục một lổ làm một cửa nhỏ bên cổng lớn để chào đón Yến Tử.

Yến Tử dừng bước không vào, nói:

- “Người đi sứ cẩu quốc thì từ cửa chó mà vào”.

Viên quan nước Sở đành để cho ông ta đi qua cổng lớn mà vào bên trong.

Sau khi bái kiến Sở vương, Sở vương hỏi:

- “ Nước Tề không có người sao?”

Yến Tử trả lời:

- “Quốc đô nước Tề có trên ngàn hộ gia đình, một mệnh lệnh ban ra người người nhấc tay áo lên thì trời im mát che lấp cả mặt trời, vẫy mồ hôi thì giống như mưa rơi. Vai sát liền vai, chân dựạ vào chân, người đông như nêm, người ở khắp nơi, sao lại nói nước Tề không có người chứ?”

Sở Vương nói:

- “ Đã là như thế, tại sao phái một người như ông đi sứ?”

Yến Tử đáp:

- “ Nước Tề bổ nhiệm sứ thần, đều có cân nhắc. Người có tài năng đức độ của nước Tề, thì được phái đi sứ các nước có ông vua đạo đức cao thượng; người không dùng được như Yến Anh tôi đây, rất là vô dụng, cho nên mới được phái tới nước Sở”.

Sở vương hai lần bị chơi khăm, rất là không vui, liền vẫy tay một cái, hai tên tiểu quan đã được bố trí dặn dò trước, dẫn một người bị trói đến trước mặt Sở vương.

Sở vương hỏi:

- “Người bị trói đã làm chuyện gì thế?”

Tên tiểu quan nói:

- “Nó là người nước Tề, phạm tội trộm cắp.”

Sở vương đắc ý nhìn Yến Tử nói:

- “Trời sinh ra người nước Tề trộm cắp giỏi lắm sao?”

Yến Tử đứng thẳng người lên nói:

- “Tôi nghe nói, cây quýt trồng tại phía nam sông Hoài, thì có thể sinh ra trái quýt ngọt; trồng ở phía bắc sông Hoài, thì lớn lên thành quýt hôi, cành lá như nhau, nhưng quả của nó có mùi vị thật không giống nhau. Nguyên nhân tại đâu? Đó là vì lượng nước, đất đai không giống nhau. Bây giờ người này lúc ở bên nước Tề thì không trộm cắp, nhưng đến nước Sở thì trở nên trộm cướp, phải chăng nước và đất đai nước Sở khiến cho người ta trở thành trộm cắp chăng?”

Sở vương lại bị trêu chọc, thập phần lúng túng.

(Yến Tử xuân thu)

Suy tư 4:

Cây quýt trồng ở phía nam sông Hoài thì ngọt, trồng ở phía bắc sông hoài thì trái hôi. Cuộc sống con người cũng như thế, nó bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Trẻ em mà ở ngay trong khu phố toàn là trò chơi điện tử, thì trước sau gì nó cũng thích chơi điện tử hơn là đi học.

Trong gia đình, cha mẹ con cái hòa thuận yêu thương nhau, thì ảnh hưởng rất lớn trên trẻ em. Việt Nam có câu tục ngữ: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là lột tả được sự lây lan cuả hoàn cảnh. Có những thanh niên nam nữ sinh viên, sau một hai năm ở ký túc xá sinh viên, đã trở thành những người “trí thức” hơn cả cha mẹ, kỳ nghỉ về nhà thì chê cha mẹ là quê mùa, anh chị em là người lạc hậu…

Nhưng cũng có những trường hợp không nên đổ lỗi tại hoàn cảnh, mà chính là từ tâm hồn, từ cách nhìn lệch lạc và kiêu căng, đã làm cho họ trở thành người lập dị và biến tướng. Tôi đã thấy có người hôm qua còn là ông thầy đại chủng sinh, hôm nay làm ông cha, ngày mai đã coi ai không ra gì, thậm chí cung cách ăn nói, tướng dáng rất trịch thượng khi đối xử với mọi người, thậm chí với bạn bè thì ra vẻ ta đây, mới chỉ một ngày mà thái độ cung cách xoay 180 độ, đây không phải là hoàn cảnh sinh thái bên ngoài, mà chính là sự chuyển biến bên trong của một tâm hồn quá khát vọng quyền lực, danh vọng và kiêu căng.

Đức Chúa Giê-su hôm qua chịu đau khổ và bị giết, hôm nay ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, và mãi mãi là Đấng thống trị muôn loài, nhưng Ngài vẫn là Đức Chúa Giê-su không thay đổi.

Không thay đổi tâm hồn, nhưng làm cho tâm hồn thích ứng với cuộc sống hiện tại, đo chính là khuôn mặt thật của người truyền giáo vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info