Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới (The World Economic Forum) là một qũy vô vị lợi, đặt trụ sở tại Cologny, Geneva, Thụy Sĩ. Được chính phủ Thụy Sĩ nhìn nhận là một cơ chế quốc tế có sứ mệnh “dấn thân cho việc cải thiện hiện tình thế giới bằng cách vận động các nhà lãnh đạo kinh doanh, chính trị, học thuật, và các ngành khác của xã hội trong việc lên khuôn các nghị trình hoàn cầu, vùng, và kỹ nghệ”.

Nghị Hội được biết nhiều nhất vì cuộc hội họp hàng năm vào cuối tháng 1 tại Davos, một vùng nghỉ mát miền núi ở Graubünden, thuộc miền đông dẫy núi Alps của Thụy Sĩ. Cuộc hội họp này thường qui tụ 2,500 các nhà lãnh đạo kinh doanh, chính trị, các nhà kinh tế học và các nhà báo trong khoảng tối đa 4 ngày để thảo luận những vấn đề cấp bách của thế giới.

Năm 2017, Nghị Hội này kéo được chú ý mọi người khi lần đầu tiên người đứng đầu Trung Hoa Cộng Sản tham dự giữa bối cảnh Brexit ở Anh và chính phủ chủ trương “phong tỏa” của Hoa Kỳ. Chủ Tịch Tập Cẩn Bình bênh vực kế sách kinh tế hoàn cầu và mô tả Trung Hoa như một quốc gia có trách nhiệm và dẫn đầu đối với chính nghĩa môi sinh. Ông ngầm đả kích Trump khi tấn công các phong trào dân túy nhằm áp dụng quan thuế và cản trở thương mại hoàn cầu.

Tại Nghị Hội năm nay, 2018, Tổng Thống Donald Trump sẽ tham dự để mời gọi đầu tư vào Hoa Kỳ, nhất là sau khi có việc giảm thuế kinh doanh ở đây, khuyến khích cạnh tranh hợp tình hợp lý, và kêu gọi hợp tác giải quyết các khủng hoảng an ninh trên thế giới nhất là tham vọng hạch nhân của Bắc Hàn. Ở Davos, Ông Trump sẽ gặp các nhà lãnh đạo chính trị thế giới như Theresa May (Anh), Netanyahu (Do Thái), Tổng Thống Rwandan, Paul Kagame, chủ tịch Liên HIệp Châu Phi, Tổng Thống Alain Berset của Thụy Sĩ. Ông sẽ là Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên trong 20 năm nay tham dự Nghị Hội này, mặc dù trong cuộc tranh cử năm 2016, ông mạt sát các nhà trí thức “globalist” loại Davos này. Có lẽ vì vậy mà Nghị Hội sẽ tổ chức một buổi tiếp tân đặc biệt để chào đón ông và dành cho ông vinh dự đọc bài diễn văn “keynote” (chủ chốt) kết thúc Nghị Hội.

Đức Phanxicô chắc chắn không phải vì có Trump mà ngài hứng khởi hơn khi gửi cho Nghị Hội một thông điệp, vì đây là việc ngài vốn làm xưa nay.

Thực vậy, theo tin của VaticanNews, ngày 23 tháng 1 vừa qua, Đức Phanxicô đã gửi cho Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới Davos một thông điệp, trong đó, ngài kêu gọi các chính sách kinh tế nhằm bảo vệ nhân phẩm, mở rộng cơ hội kinh tế cho mọi người, và cổ vũ đời sống gia đình.

Thông điệp gửi cho Ông Klaus Schwab, chủ tịch Nghị Hội có đoạn ngài phê phán các mô hình kinh tế hoàn cầu nhằm “ủng hộ việc phân mảnh hơn nữa và chủ nghĩa duy cá nhân” bị hướng dẫn bởi “quyền lợi tư riêng và tham vọng lời lãi bất chấp mọi phí tổn”.

Nhờ bác bỏ nền văn hóa “vứt bỏ” và não trạng dửng dưng, thế giới kinh doanh sẽ có tiềm năng lớn lao trong việc thực hiện sự thay đổi có thực chất bằng cách gia tăng phẩm chất sản lượng, tạo công ăn việc làm mới, tôn trọng luật lệ lao động, chống tham nhũng tư và công và cổ vũ công bằng xã hội, cùng với việc chia sẻ lợi nhuận một cách hợp tình hợp lý và công bằng.

Sau đây là nguyên văn thông điệp ngài gửi cho Giáo Sư Klaus Schwab, Chủ Tịch Chấp Hành Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới, họp tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ, từ ngày 23 tới ngày 26 tháng 1, về chủ đề “Tạo Tương Lai Chung trong Một Thế Giới Tan Vỡ”:

Tôi cám ơn về lời mời của ngài tham dự Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới năm 2018 và về ý muốn của ngài trong việc bao gồm quan điểm của Giáo Hội Công Giáo và của Tòa Thánh tại cuộc hội họp Davos. Tôi cũng cám ơn ngài về các cố gắng của ngài trong việc khiến quan điểm này được sự chú ý của những người tụ họp tham dự Nghị Hội hàng năm này, trong đó có các nhà cầm quyền chính trị và chính phủ cao quí và tất cả những vị dấn thân trong các lãnh vực kinh doanh, kinh tế, việc làm và văn hóa, khi họ thảo luận các thách đố, các quan tâm, các niềm hy vọng và viễn vọng của thế giới ngày nay và trong tương lai.

Chủ đề chọn cho Nghị Hội năm nay - Tạo Tương Lai Chung trong một Thế Giới Tan Vỡ - rất hợp thời. Tôi tin chắc rằng nó sẽ giúp hướng dẫn các cuộc nghị bàn của quí vị trong khi đi tìm các nền tảng tốt đẹp hơn để xây dựng các xã hội có tính bao gồm, công bằng và hỗ trợ, có khả năng phục hồi phẩm giá cho những người hiện đang sống một cách không hề chắc chắn và không có khả năng mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn.

Ở bình diện cai trị hoàn cầu, chúng ta càng ngày càng ý thức sự kiện có sự phân mảnh gia tăng giữa các quốc gia và các định chế. Các tác nhân mới đang xuất hiện, cũng như các cạnh tranh mới về kinh tế và các hiệp định giao thương miền. Các kỹ thuật mới đây nhất cũng đang biến đổi các mô hình kinh tế và chính thế giới đã hoàn cầu hóa, một thế giới, vì bị điều kiện hóa bởi quyền lợi tư riêng và tham vọng kiếm lời bằng bất cứ giá nào, xem ra đang hỗ trợ việc phân mảnh và chủ nghĩa duy cá nhân hơn nữa, thay vì làm dễ dàng các phương thức có tính bao gồm mọi người nhiều hơn.

Các bất ổn tài chính liên tiếp xẩy ra đã đem tới những vấn đề mới và các thách đố nghiêm trọng mà các chính phủ cần phải đối phó, như việc gia tăng nạn thất nghiệp, việc gia tăng nghèo khó dưới nhiều hình thức khác nhau, mở rộng thêm khoảng phân cách kinh tế xã hội và các hình thức nô lệ mới, thường bắt nguồn từ các tình huống tranh chấp, di dân và các vấn đề xã hội đa dạng. “Cùng với điều này, chúng ta còn gặp một số lối sống khá ích kỷ có đặc điểm sung túc nhưng không lâu bền và thường dửng dưng đối với thế giới quanh ta, và nhất là đối với người nghèo nhất. Chúng ta thất vọng nhìn thấy các vấn đề kỹ thuật và kinh tế nổi cộm trong cuộc tranh luận chính trị, gây thiệt hại cho các quan tâm chính đáng về con người nhân bản. Các người đàn ông và đàn bà có nguy cơ bị giản lược, chỉ còn là những con ốc trong một cỗ máy, một cỗ máy coi họ như những vật dụng tiêu dùng cần được khai thác, kết quả bi thảm thay là bất cứ lúc nào một sự sống nhân bản không còn tự mình chứng tỏ là hữu ích cho bộ máy này nữa, thì bị ném bỏ một các không ngần ngại” (Diễn Văn trước Quốc Hội Âu Châu, 25 tháng 11 năm 2014).

Trong bối cảnh trên, điều sinh tử là bảo vệ phẩm giá con người nhân bản, bằng cách đặc biệt cung ứng cho mọi người các cơ may có thực chất để họ phát triển toàn diện con người họ và bằng cách thực thi các chính sách kinh tế có lợi cho gia đình. “Tự do kinh tế không được trổi vượt hơn tự do thực tiễn của con người và các quyền lợi của họ, và thị trường không được tuyệt đối, mà phải tôn trọng các đòi hỏi của công lý” (Diễn Văn trước Tổng Liên Đoàn Kỹ Nghệ Ý, 27 tháng 2, 2016). Do đó, các mô hình kinh tế cũng bị đòi phải tuân giữ một nền đạo đức học phát triển lâu dài và toàn bộ, dựa trên các giá trị biết đặt con người nhân bản và các quyền lợi của họ ở trung tâm.

“Trước nhiều cản trở bất công, cô đơn, bất tín và ngờ vực vẫn còn đang được khai triển chi tiết trong thời đại ta, thế giới lao động được kêu gọi phải đưa ra các biện pháp can đảm để việc ‘hiện diện và làm việc với nhau’ không chỉ là một khẩu hiệu mà là một chương trình cho hiện tại và cho tương lai” (đã dẫn). Chỉ qua một quyết tâm vững vàng được mọi tác nhân kinh tế chia sẻ, chúng ta mới hy vọng đưa ra được một định hướng mới mẻ cho số phận thế giới. Cũng thế, trí khôn nhân tạo, khoa người máy và các canh tân kỹ thuật khác phải được sử dụng sao đó để chúng đóng góp vào việc phục vụ nhân loại và bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, thay vì trái ngược lại, như một số đánh giá đã dự đoán một cách không may mắn.

Chúng ta không thể mãi im lặng đối diện với sự đau khổ của hàng triệu người đang bị thương tổn nhân phẩm, mà chúng ta cũng không thể tiếp tục bước đi như thể việc lan tràn nghèo đói và bất công không hề có nguyên cớ. Tạo ra các điều kiện đúng đắn cho phép mỗi người sống một cách xứng đáng là một mệnh lệnh luân lý, một trách nhiệm liên quan tới mọi người. Nhờ bác bỏ nền văn hóa “vứt bỏ” và não trạng dửng dưng, thế giới kinh doanh sẽ có tiềm năng lớn lao trong việc thực hiện sự thay đổi có thực chất bằng cách gia tăng phẩm chất sản lượng, tạo công ăn việc làm mới, tôn trọng luật lệ lao động, chống tham nhũng tư và công và cổ vũ công bằng xã hội, cùng với việc chia sẻ lợi nhuận một cách hợp tình hợp lý và công bằng.

Trách nhiệm nặng nề là phải thực thi sự biện phân khôn ngoan, vì các quyết định đưa ra sẽ có tính quyết định trong việc lên khuôn thế giới của ngày mai và thế giới của các thế hệ tương lai. Như thế, nếu ta muốn một tương lai an toàn hơn, một thế giới biết khuyến khích sự thịnh vượng của mọi người, thì điều nhất thiết là giữ cho chiếc la bàn liên tục hướng về “phía Bắc thực sự”, tiêu biểu cho các giá trị chân chính. Nay là thời để đưa ra các biện pháp can đảm và mạnh dạn cho hành tinh yêu quí của chúng ta. Đây là thời điểm đúng đắn để đem vào hành động trách nhiệm của ta trong việc góp phần vào việc phát triển nhân loại.

Bởi thế, tôi hy vọng phiên họp năm 2018 này của Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới sẽ cho phép một cuộc trao đổi cởi mở, tự do, và tôn trọng, và được gợi hứng trên hết bởi ý nguyện muốn đẩy mạnh công ích.

Cùng với việc lặp lại các lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho sự thành công của phiên họp, tôi xin khẩn cầu Ơn Trên ban cho ngài và mọi người tham dự Nghị Hội sự khôn ngoan và sức mạnh.

Từ Vatican, 12 tháng 1 năm 2018