Hôm nay, Đức Giáo Hoàng tới Villavicencio, nơi xẩy ra những cuộc đụng độ lớn và thường xuyên giữa phiến quân cánh tả, quân chính phủ và các dân quân cánh hữu trong suốt 52 năm nội chiến, để chủ tọa thánh lễ phong chân phúc cho hai vị giáo sĩ bị sát hại vì đức tin trong cuộc nội chiến này và để chủ tọa buổi Gặp Gỡ Hòa Giải Quốc Gia, vốn là mục tiêu hàng đầu của chuyến tông du lần này.

Sau đây là bản tin ghi theo giờ Colombia của hãng tin A.P.

7giờ 20 sáng

Có tin nguyên lãnh tụ của nhóm phiến quân lớn nhất của Colombia lên tiếng xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thứ vì sự đau khổ mà ông ta và binh lính của ông ta đã gây ra trong suốt cuộc chiến lâu dài chống lại chính phủ.

Trong một lá thư đăng trên mạng xã hội, Rodrigo Londono hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiểu rằng Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC) luôn được thúc đẩy bởi ước nguyện thành thực là đứng lên đấu tranh cho những người nghèo khổ nhất và những công dân bị loại bỏ nhiều nhất của quốc gia.

Người đàn ông có chiến danh Timochenko nói rằng ông ta xin sự tha thứ vì bất cứ “nỗi đau đớn nào do chúng tôi gây ra cho xã hội Colombia hay bất cứ cá nhân nào của nó”.

Hôm nay, Đức Phanxicô tới khu vực từng bị Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia vây khốn. Ngài dự tính lắng nghe và cầu nguyện với hàng ngàn nạn nhân của cuộc tranh chấp kéo dài cả nửa thế kỷ của Colombia, mà nhiều người có những câu truyện đau lòng để kể về các bạo hành của phiến quân.

9 giờ 30 sáng

Cũng có tin là sứ điệp hòa giải của Đức Phanxicô cuối cùng có thể có tác dụng lớn đối với hai chính khách quyền thế nhất của Colombia. Việc đối nghịch giữa hai chính khách này đã và đang hãm đà hòa bình của đất nước.

Thực vậy, thị trưởng Medellin vừa lên tiếng cho hay cả Tổng Thống Juan Manuel Santos và cựu Tổng Thống Alvaro Uribe sẽ cùng tham dự Thánh Lễ đại trào do Đức Giáo Hoàng cử hành vào ngày mai tại thành phố của ông.

Nguyên sự kiện hai địch thủ cùng ngồi chung tại khu vực thượng khách cũng đã là một phép lạ chính trị nho nhỏ rồi. Ông Uribe vốn cay đắng tố cáo hòa ước Ông Santos ký với Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia, ví nó như một hành vi lấy lòng các tên khủng bố.

Đức Phanxicô từng đem hai người lại với nhau tại Vatican vào tháng 12 vừa rồi nhằm môi giới một sự hiểu nhau. Việc này đã dẫn tới các cuộc thương lượng, trong đó, Ông Santos và các phiến quân cuối cùng đã chịu lồng một số chỉ trích của Ông Uribe vào hòa ước tu chính; và hòa ước này đã được quốc hội phê chuẩn.

Nhưng Ông Uribe vẫn còn chống đối vụ thương lượng này và ông đã gia tăng các lời chỉ trích chính phủ của Ông Santos nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, trong đó, việc thi hành hoà ước chắc chắn sẽ được quyết định.

10 giờ 40 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong chân phúc cho hai vị giáo sĩ bị sát hại trong các năm bạo loạn chính trị của Colombia, tuyên bố các ngài là tử vì đạo, chết vì lòng thù ghét đức tin Công Giáo.

Hàng chục ngàn người tụ tập tại Villavicencio, một vùng đẫm máu vì cuộc tranh chấp. Ở đầu Thánh Lễ, họ vỗ tay vang dội khi Đức Phanxicô nhích các ngài gần lại vinh dự hiển thánh hơn một bước.

Cha Pedro Ramirez bị sát hại trong các năm sóng gió sau vụ ám sát trùm gây rối cánh tả Jorge Eliecer Gaitan, một vụ sát hại đánh dấu việc Colombia bắt đầu sa vào cuộc bạo động chính trị và việc vũ khí hóa nông dân nghèo do đó mà ra. Các linh mục của thị trấn Armero, ở miền trung Colombia, cho hay Cha Ramirez bị lôi ra khỏi nhà thờ, lột hết áo quần rồi bị bọn đàn em của trùm Gaitan giết bằng mã tấu. Họ tố cáo cha che chở các kẻ thù bảo thủ, cường hào ác bá của họ.

Đức Cha Jesus Jaramillo bị phiến quân của Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia (ELN) bắn gục năm 1989 tại thành phố Arauca ở phía đông; ngài chỉ tấn công họ về phương diện thần học. Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia vốn được thành lập bởi các linh mục và chủng sinh bị kích thích bởi nền thần học giải phóng; nền thần học này vốn đồng hóa giáo hội với dân nghèo và những người bị loại bỏ; họ thấy nơi con người bảo thủ nhưng được lòng dân Jaramillo này một địch thủ có tiềm năng có thể lấy lòng các nông dân và công nhân.

Khi phong chân phúc cho các ngài, Đức Phanxicô nói rằng các ngài đã “đổ máu đào của mình vì tình yêu đoàn chiên đã được trao phó cho các ngài”.

Dù Colombia là một nước gần như Công Giáo hoàn toàn, nhưng nó mới chỉ có một vị thánh duy nhất là Mẹ Laura Montoya, được Đức Phanxicô phong hiển thánh ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2013.

11giờ 05 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục các nạn nhân của cuộc bạo động trong quá khứ của Colombia hãy đi bước đầu tiên để tha thứ cho những kẻ tấn công mình; ngài nói rằng bất cứ cố gắng hòa bình nào cũng sẽ thất bại nếu không có sự dấn thân hoà giải thành thực.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần bị cắt ngang bởi các tiếng hoan hô của đám đông khoảng nhiều chục ngàn người trong Thánh Lễ tại Villavincencio. Ngài ca ngợi người Colombia, vì tuy bị cuộc tranh chấp gây hại nhưng đã “thắng được cơn cám dễ hiểu là trả thù” và thay vào đó đã làm việc cho hòa bình.

Đức Giáo Hoàng nói: sự lựa chọn của họ không hề hợp pháp hóa các bất công họ phải chịu, nhưng đúng hơn, họ chứng tỏ một lòng sẵn sàng muốn cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình.

Ngài cảnh cáo: “mọi cố gắng hòa bình mà không có sự dấn thân hòa giải chắc chắn sẽ thất bại”.

12 giờ 25 trưa

Các nạn nhân của cuộc tranh chấp lâu dài ở Colombia đang từ từ trám đầy một công viên ở cạnh Amazon để dự cuộc gặp gỡ hoà giải với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chào đón sứ điệp của ngài về nhu cầu cần tha thứ để tiếp tục tiến bước.

Các thân nhân của một y tá mất tích năm 2004 tới đây với hình của cô, tên Marina Cristina Cobo Mahecha, đeo quanh cổ. Họ mang một biểu ngữ lên án quân đội, cảnh sát và các nhóm dân quân cánh hữu đã sát hại cô.

Giữa hình ảnh các phần thân thể bị chặt xẻ, biểu ngữ có hàng chữ “Ở đâu đó tại Guaviare, các giấc mơ của nữ y tá Marina Christina Cobo Mahecha đã bị chôn vùi".

Mẹ cô nói rằng bất chấp sự đau đớn, nhưng với sự giúpm đỡ của một vị linh mục, bà đã tha thứ cho những kẻ tấn công.

Bà Paulina Mahecha nói rằng không có diễn trình tha thứ "có lẽ tôi đã chết rồi”. Chính bà cho hay: “Tha thứ không phải vì họ mà là vì tôi. Khi tha thứ, bạn vẫn còn vết thẹo của thương tích, nhưng, đúng, tôi đã dứt khoát tha thứ từ đáy lòng tôi”.

12 giờ 50 trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các người sống sót trận nước lũ chết người phá nát thành phố nhỏ Mocoa hồi tháng Tư, sát hại khoảng 200 người.

Đức Phanxicô mặc chiếc poncho mầu xanh dương có sọc do phái đoàn gồm 10 cư dân của Mocoa dâng tặng; thành phố này gần biên giới giữa Colombia và Ecuador. Họ gặp Đức Giáo Hoàng sau khi ngài cử hành Thánh Lễ hôm thứ Sáu tại Villavicencio.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có gửi điện văn chia buồn tới Mocoa sau khi 3 con sông vỡ bờ vào ngày 2 tháng Tư, đem cả một bức tường bùn đổ xuống thành phố trong khi dân đang ngủ.

3 giờ 50 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nghe những câu truyện xé lòng của các nạn nhân trong cuộc tranh chấp nửa thế qua ở Colombia và của những người tham gia cuộc đổ máu.

Bốn người Colombia trình bầy các chứng từ của bản thân họ lúc Đức Phanxicô chủ tọa buổi cầu nguyện hòa giải vào hôm thứ Sáu tại khu vực có lần bị phiến quân vây khốn. Đây là cao điểm của chuyến viếng thăm 5 ngày của ngài, nhằm củng cố diễn trình hòa bình của Colombia.

Hai trong các người nói thưa với Đức Phanxicô rằng họ bị tuyển mộ vào các nhóm vũ trang: Deisy Sanchez Rey cho biết cô sống ba năm trong một nhóm dân quân sau khi được tuyển mộ lúc 16 tuổi bởi người anh trai. Cô nói cô biết cô phải trả nợ cho xã hội vì “những tai hại trầm trọng tôi đã làm” và nay cô đang làm việc với các nạn nhân.

Juan Carlos Murcia Perdomo thưa với Đức Giáo Hoàng rằng anh sống 12 năm làm thành viên của Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia. Anh cho biết thoạt đầu anh tin ý thức hệ của Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia, nhưng dần dần anh hiểu ra rằng mình đã phạm sai lầm. Anh nói anh cần chấp nhận công lý về những gì anh đã gây ra, và nay đang làm việc để ngăn ngừa giới trẻ khỏi sa vào ma túy hay các băng đảng vũ trang.

4 giờ 15 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục để các nạn nhân và các cựu chiến binh trong cuộc tranh chấp lâu dài của Colombia hòa giải với nhau để Colombia có thể tiến bước.

Ngài đang chủ tọa biến cố hòa giải ở Villavicencio, một thành phố nằm ở phía nam Bogota, bao quanh bởi các lãnh thổ trước đây do phiến quân cánh tả kiểm soát. Ngài nói ngài muốn ở đây để lắng nghe dân chúng của nó và khóc với họ.

Ngài ôm hôn các nạn nhân và cựu chiến binh đang đứng dưới chân bức tượng không tay không chân của Chúa Kitô đã được cứu từ một thánh đường bị phá hủy năm 2002 bởi cuộc tấn công bằng súng cối ở Bojaya.

Ngài nói: “Khi nhìn bức tượng, chúng ta nhớ không chỉ những gì xẩy ra hôm đó, mà còn là sự đau khổ vô hạn, nhiều cái chết, và cuộc đời tan nát, cũng như mọi dòng máu đã đổ ra ở Colombia trong mấy thập niên qua”.