Với huy hiệu của Đức Phanxicô, với cuốn sách mới gần đây của ngài và nhất là với năm thánh đặc biệt của ngài về lòng thương xót, Michael Jordan Laskey, giám đốc Các Thừa Tác Vụ Đời Sống và Công Lý của Giáo Phận Camden, N.J., Hoa Kỳ cho rằng chữ “thương xót” đã trở thành một trong các chữ chủ yếu của triều giáo hoàng Phanxicô và ông quyết định đi tìm hiểu nhiều hơn về ý nghĩa và nguyên lai của chữ này.

Không ai giúp ông trong việc trên bằng Kory Stamper vì cô vốn là một nhà từ điển học của Merriam-Webster, nơi cô viết các định nghĩa cho từ điển cũng như các bài báo cho nhiều trang mạng khác nhau của Merriam-Webster. Tự nhận mình là một “người mê chữ” (word nerd), Kory viết “blog” và nói về lịch sử và việc sử dụng chữ Anh một cách vừa khôi hài vừa thông sáng một cách thích thú. Cô sẵn sàng dành vài phút với Laskey để nói về chữ “mercy” (thương xót).

Trước nhất, ta biết, dù Đức Phanxicô đã dùng chữ thương xót từ trước, nhưng người ta chú ý đặc biệt tới chữ này từ tháng Mười Hai, lúc khởi đầu Năm Thánh Đặc Biệt và trong tháng Giêng, khi cuốn sách của ngài về lòng thương xót được phát hành. Kamper cho biết: quả tình trong hai tháng này, nhiều người đã vào các trang mạng để tìm hiểu chữ này. Nếu ta vào trang mạng của Merriam-Webster, sẽ thấy ở mục Seen & Heard, 86 người vào tìm chữ này và phần lớn cho hay được thúc đẩy bởi các tuyên bố của Đức Phanxicô.

Theo Kamper, chữ “mercy” có một lịch sử khá lý thú. Nó được đưa vào tiếng Anh qua ngả tiếng Pháp thời Trung Cổ, trong đó, nó có nghĩa là khoan hồng cho người phạm tội và người Anh sử dụng nó sớm nhất từ thế kỷ thứ 13 trong kinh: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”. Tiếng Pháp lấy chữ này từ chữ “merx” (?) của tiếng Latinh, có nghĩa là “hàng hóa” (merchandise) và được dùng ngay ở đầu thời Trung Cổ để chỉ cái giá phải trả cho một vật gì đó, thường là lao công. Do đó, khi nó xuất hiện trong tiếng Anh, nó vẫn có hơi hướm của việc trả giá cho một vật gì đó. Dĩ nhiên cả theo nghĩa thần học nữa. Bởi thế, ngay trong những lần sử dụng sớm nhất, “mercy” đã được hiểu là lời cầu xin Thiên Chúa xót thương linh hồn người có tội.

Merriam-Webster nhấn mạnh đến việc tha thứ cho người có tội khi định nghĩa chữ “mercy”. Định nghĩa thứ nhất của họ là “lòng cảm thương đặc biệt hướng tới một phạm nhân”. Định nghĩa thứ ba là “lòng cảm thương đối với những người sầu khổ”. Kamper cho hay định nghĩa thứ nhất có sớm nhất và rất chuyên biệt. “Mercy” trong nghĩa này cột chặt vào ý niệm xóa nợ, làm mất hiệu lực một tội ác, phục hồi sức khỏe, sự toàn vẹn hay xã hội. Nó ngụ ý: đối tượng của “mercy” không xứng đáng được cảm thương, người tỏ lòng “mercy” thực sự là người tự vác lấy cái giá của tội ác hay khoản nợ vào thân.

Dĩ nhiên, việc sử dụng lớn lao nhất theo nghĩa trên là những lời van vỉ lòng thương xót của Thiên Chúa, để bãi bỏ một phán xử và trừng phạt đích đáng. “Lòng cảm thương đối với người bất hạnh” là một nối dài tự nhiên của nghĩa này. Cũng như Giáo Hội được hiểu phải trở thành Chúa Kitô nhập thể đối với thế giới tan nát thế nào, ta cũng đem lòng cảm thương của Chúa Kitô đến cho những người đau khổ như vậy. Việc tiếng Anh sử dụng nghĩa này có thể bắt nguồn gần như trực tiếp từ đoạn Mátthêu 25:35-37, trong đó, Chúa Giêsu giải thích việc Chúa Cha phân rẽ chiên và dê ra sao. Một cuốn sách giáo lý dành cho giáo dân thế kỷ 14 giải thích rằng các Kitô hữu phải có nhiệm vụ làm “seuen deds of merci” (bẩy việc thương xót) đã được Chúa Giêsu kể rõ trong đoạn văn này, tức “thương xác bẩy mối” có từ thời Trung Cổ.

Từ những điều trên, khuynh hướng của chữ “mercy” đã chuyển dịch từ lòng cảm thương đối với phạm nhân qua lòng cảm thương đối với mọi người hoạn nạn.

Có người cho rằng chữ “mercy” nghe có vẻ yếu đuối, nhất là trong bối cảnh thể thao hay tranh đua: tỏ ra “không thương xót” (no mercy!) chắc chắn sẽ dẫn đến chiến thắng, hay trò chơi gọi là “mercy” của trẻ em Hoa Kỳ ngày trước trong đó, bạn cố gắng gây thương tích cho đối phương cho tới lúc người này hô lên “Mercy!” (xin thương xót) bạn mới dừng tay. Về việc này, Kamper cho rằng trong những lối dùng này, quả có điều tiêu cực, yếu đuối hay kém hiệu năng hơn những chữ có âm hưởng mạnh mẽ hơn, tích cực hơn như chữ “công lý” chẳng hạn.

Ngoài công việc của một nhà từ điển học, Kamper cũng là một nữ phó tế của City Church tại Philadelphia. Cô cho hay Giáo Hội của cô có sử dụng chữ thương xót khi nói tới thừa tác vụ của mình tại thành phố và nhiều nơi khác. Họ dùng nó trên tòa giảng, trong các nhóm học hỏi và trong các thừa tác vụ đại kết “dù chúng tôi có cặp kè nó với chữ công lý. Đối với những người chưa gặp chữ ‘mercy’ trước đây… cặp kè nó với chữ công lý giúp đặt các hành vi thương xót vào viễn tượng nước trời”.

Công lý là một chữ được nhiều người cộng hưởng với và tại Philadelphia, người ta thấy bất công ở khắp mọi nơi, hay có lẽ không có công lý (unjust-ness) tức tình huống trong đó, các sự việc không theo lối chúng nên là. Việc này đụng tới mọi người thuộc mọi bình diện, dù bình diện này xem ra chẳng gây ảnh hưởng gì đối với Nước Thiên Chúa. Tôi đi ra để bỏ thêm tiền vào đồng hồ tính tiền đậu xe; chỉ còn cách chừng 1 thước, nhân viên kiểm soát đậu xe thấy tôi nhưng vẫn viết giấy phạt. Phần lớn người ta mong có công lý theo nghĩa đúng nhất của chữ này, họ muốn sự việc đúng đắn.

Khi Chúa Giêsu xuống thế với chúng ta, Chúa Cha sai Người đi như một người giữa chúng ta: ở với chúng ta, ngồi với chúng ta trong cảnh khốn cùng và đau đớn của chúng ta và chịu đựng cảnh bất công đúng nghĩa, vì còn có gì bất công hơn việc Thiên Chúa phải chết cái chết của một phạm nhân? Người rất có thể, bằng một cái búng tay, sửa chữa mọi bất công và buộc mọi người phải thực sự có lòng thương xót; nhưng thay vào đó, Người lại chọn việc đem Nước Thiên Chúa tới từng người một, một cách có tương quan, thường bằng cách phục vụ các nhu cầu thể lý, hàng ngày, khó khăn của họ. Người nuôi ăn người ta; Người để người đàn bà dơ bẩn đụng đến Người; Người ngồi với kẻ tang chế và làm người chết trỗi dậy để các quả phụ, các chị em và các bà mẹ có người chu cấp. Và rồi Người tha thứ các tội lỗi của họ. Các hành vi thương xót của Người lên khuôn lại sự đau khổ của họ và trao ban công lý thực sự; họ từ những người bị ruồng bỏ trở nên thành phần trong lịch sử cứu chuộc của Thiên Chúa.

Kamper cho rằng: “Và do đó, khi Giáo Hội chúng tôi nói tới lòng thương xót, chúng tôi cột nó vào công lý vì mỗi hành vi thương xót, bất kể nhỏ bé ra sao, đều mang sự đúng đắn của Thiên Chúa vào thế giới tan nát và vào các đời sống tan nát của con người. Thương xót và công lý là hai mặt của cùng một đồng tiền và điều này thay đổi ý nghĩa lòng thương xót đối với giáo dân của chúng tôi: thương xót không còn là một điều gì đó yếu đuối, xuống nước. Lòng thương xót có chiều sâu; nó là trái tim của Thiên Chúa có tương quan với tạo thế và dân của Người và là phương thế để nước Người xuất hiện trên trái đất”.