HỒNG KÔNG - Ông Đổng Kiến Hoa, người đối diện lời kêu gọi từ chức vì cách xử lý bộ luật an ninh quốc gia, chuẩn bị gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo hôm thứ Bảy.

Cuộc hội đàm sẽ bị lu mờ vì cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất tại Hồng Kông kể từ khi trả về cho Trung Quốc năm 1997.

Các cuộc biểu tình chống đạo luật đã buộc chính phủ đình hoãn việc thi hành, và tạo nên sự từ chức của hai bộ trưởng tại Hồng Kông.

Tuyên bố ông Đổng đưa ra hôm thứ Năm rằng ông sẽ tiếp tục lãnh đạo Hồng Kông đã được tờ Nhật báo Trung Quốc ủng hộ trong phần xã luận.

Tờ báo nhà nước ca ngợi "sự lựa chọn dũng cảm" của ông.

Wen Wei Po, một tờ báo được Bắc Kinh hậu thuẫn tại Hồng Kông, cũng nói tuyên bố của ông Đổng "biểu lộ sự dũng cảm và trách nhiệm to lớn".

Các bình luận báo chí nói ông Đổng chưa đánh mất sự ủng hộ tại Bắc Kinh.

Nhưng dự kiến ông sẽ được Bắc Kinh bảo rằng hãy tiếp tục đẩy mạnh việc thông qua đạo luật, cũng như đối phó sự bất mãn tại lãnh địa Hồng Kông.

Khi Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc, Hồng Kông buộc phải ban hành luật an ninh phù hợp với tin thần đạo luật cơ bản của Trung Quốc.

"Mất ngủ" vì biểu tình

Nhưng các nhà chỉ trích nói các đạo luật mới sẽ phá bỏ tự do truyền thông, tôn giáo và chính trị của Hồng Kông.

Cuộc tuần hành hôm 1-7, với 500.000 người tham dự, đã khiến ông Đổng thừa nhận ông bị "mất ngủ".

Ông cam kết mở thêm cuộc họp với các đảng phái, giới truyền thông và lãnh đạo địa phương để nâng cao uy tín.

Nhưng nhiều nhà chỉ trích ông Đổng không tin ông vẫn còn có thể trị vì hiệu quả.

Wong Sing-chi, thuộc đảng đối lập Dân chủ, nói diễn văn của ông Đổng "chỉ là lời đãi bôi mà thôi."

Sự bất mãn hiện nay tại Hồng Kông cũng tái tục các kêu gọi về quyền bỏ phiếu phổ thông - một điều mà theo hiến pháp tại Hồng Kông có thể diễn ra vào năm 2007.

Hôm thứ Sáu, lãnh tụ đảng thân Trung Quốc lớn nhất tại Hồng Kông nói viên trưởng đặc khu sắp tới đây cần phải được bầu ra bằng biện pháp dân chủ.

Tsang Yok-sing, chủ tịch Liên minh dân chủ vì sự phồn vinh của Hồng Kông, nói với tờ South China Morning Post:

"Toàn bộ khung cảnh sẽ có không khí mới khi có một hướng đi rõ ràng năm 2007. Người dân sẽ thôi kêu gọi ông Đổng ra đi."

Chính quyền ông Đổng tới nay vẫn không tỏ ra mặn mà về vấn đề bỏ phiếu phổ thông.(bbc)