VATICAN. Sáng thứ tư 2-5-2012, đã có lối 40 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của ĐTC tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp.

Đúng 10 giờ rưỡi, ngài đã đi xe mui trần từ nội thành Vatican tiến ra quảng trường, đi qua các lối đi để chào thăm các tín hữu hành hương. Họ vẫy cờ và reo hò chào mừng khi xe chở ĐTC đi qua. Sau cùng, lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC đã khai mạc buổi tiếp kiến với dấu Thánh Giá và lời chào phụng vụ, trước khi cùng với mọi người nghe đoạn Sách Thánh được công bố bằng năm thứ tiếng khác nhau

Huấn giáo về cầu nguyện và Kinh Thánh

Như thường lệ, ĐTC đã dùng buổi tiếp kiến như một cơ hội để huấn giáo cho các tín hữu. Chẳng hạn bằng tiếng Đức, ngài nói:
Anh chị em thân mến

Hôm nay tôi muốn tiếp tục hướng suy tư của chúng ta, theo gương của thánh Stêphanô vị Tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, về tương quan phong phú giữa việc cầu nguyện và Kinh Thánh. Sách Tông Đồ công vụ cho chúng ta biết thánh Stephano bị cáo buộc về tội tuyên bố chống lại Đền thờ và chống luật của Môisê. Trong diễn văn trước Thượng Hội đồng Do thái, ngài trình bày sự kiện toàn bộ Kinh Thánh đều làm chứng về Chúa Giêsu. Người là Đấng công chính được các ngôn sứ báo trước. Chúa Giêsu chính là nơi cử hành việc thờ phượng chân thực dâng lên Thiên chúa, vì ”Đấng Tối Cao không ở trong Đền thờ do tay con người làm ra” Cv 7,48). Đền thờ nơi Thiên Chúa cư ngụ, chính là Người Con duy nhất của Ngài, là Nhân Tính của Chúa Kitô. Hy tế thập giá của Chúa Kitô chính là việc phụng tự mới, thay thế cho việc tế tự cũ. Cả thư gửi Tín Hữu Do thái cũng nói về Thân Mình Chúa Kitô như lễ vật đền tội chúng ta (Xc Dt 10,10tt). Trong Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Người, Thiên Chúa và thế giới liên kết với nhau. Chúa Kitô gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại, để đưa chúng vào trong tình thương của Thiên Chúa và thanh tẩy chúng. Sau cùng chúng ta thấy chính thánh Stephanô cho thấy mình là môn đệ của Chúa được đưa vào trong hy tế ấy. Diễn văn của thánh nhân, lời rao giảng của Ngài không chấm dứt, nhưng được viên mãn trong cuộc tử đạo của Ngài, qua đó thánh nhân được trở nên một với Chúa Kitô cho đến cả lời nguyện của Đấng Chịu Đóng đanh trên thập giá. Thánh Stephano đã nhận lấy kinh nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá và cầu nguyện như Chúa cho những kẻ bách hại mình, và ngài cũng thưa với chính Chúa Giêsu mà thánh nhân thấy ở bên hữu Thiên Chúa: ”Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tinh thần con” (Cv 7,59).

Bài huấn giáo bằng tiếng Ý

Trong bài huấn giáo dài trước đó bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày những ý tưởng trên đây với nhiều chi tiết hơn.
Ngài nhắc lại rằng trong những bài huấn giáo trước đây, chúng ta đã thấy trong kinh nguyện bản thân và cộng đoàn, việc đọc và suy niệm Kinh Thánh mở ra cho chúng ta sự lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và đổ tràn ánh sáng để chúng ta hiểu hiện tại. Bài huấn giáo hôm nay muốn nói đến tấm gương của thánh Stephano, một trong 7 Phó tế đầu tiên của Giáo Hội, và gương của Thánh Nhân cũng cho thấy quan hệ giữa việc cầu nguyện và Kinh Thánh.

Thánh Stephanô bị dẫn ra tòa án, trước Thượng Hội đồng Do thái, vì bị cáo là đã tuyên bố ”Chúa Giêsu sẽ phá hủy Đền thờ và đảo lộn các tục lệ do Môisê truyền lại” (Cv 6,14). Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã thực sự loan báo việc phá hủy Đền thờ Jerusalem: ”Các ông hãy phá hủy Đền thờ này đi và trong 3 ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Nhưng như thánh Gioan Thánh Sử nhận xét, ”Chúa nói về Đền thờ là Thân Thể Ngài. Và rồi khi Người sống lại từ cõi chết, các môn đệ nhớ lại điều Chúa nói và tin nơi Kinh Thánh cũng như lời Chúa Giêsu nói” (Ga 2,21-22)

Diễn văn của Thánh Stephano trước Thượng Hội đồng Do thái là diễn văn dài nhất trong sách Tông Đồ công vụ, và được khai triển dựa trên lời tiên tri vừa nói của Chúa Giêsu, Ngài là Đền thờ mới, khai mạc việc phụng tự mới và thay thế các hy tế cũ bằng việc dâng hiến chính mình Ngài trên thập giá. Thánh Stephano muốn chứng tỏ sự vô căn cứ của những lời cáo buộc ngài là khuynh đảo luật Môisê và minh họa quan điểm của ngài về lịch sử cứu độ, về giao ước giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đọc lại toàn bộ trình thuật Kinh thánh, hành trình chứa đựng trong Kinh Thánh, để chứng tỏ rằng hành trình ấy dẫn đến ”nơi” có sự hiện diện chung kết của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa..

ĐTC đặc biệt rút ra bài học từ chứng tá của thánh Stephano và nói rằng:
“Anh chị em thân mến, chứng tá của thánh Stephano mang lại cho chúng ta một số chỉ vẫn về việc cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: Từ đâu mà vị tử đạo đầu tiên kín múc được sức mạnh để đương đầu với những người bách hại Ngài và đạt tới sự hiến chính mạng sống mình như vậy? Câu trả lời thật đơn giản: thưa từ quan hệ của Ngài với Thiên Chúa, từ sự hiệp thông của thánh nhân với Chúa Kitô, từ sự suy niệm về lịch sử cứu độ, từ việc nhìn thấy hoạt động của Thiên Chúa, đạt tới tột đỉnh trong Chúa Giêsu Kitô. Cả kinh nguyện của chúng ta cũng phải được nuôi dưỡng bằng việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Một yếu tố thứ hai: thánh Stephano thấy báo trước hình ảnh và sứ mạng của Chúa Giêsu, trong lịch sử tương quan yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu - Con Thiên Chúa -, là Đền thờ không do tay người thế tạo thành, trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa Cha trở nên gần gũi đến độ đi vào trong xác thể của chúng ta để mang cho Thiên Chúa cho chúng ta, để mở cho chúng ta cửa trời. Vì thế, kinh nguyện của chúng ta phải là một sự chiêm ngắm Chúa Giêsu ở bên hữu Thiên Chúa, Chúa Giêsu như là Chúa tể đời sống hằng ngày của tôi. Nơi Ngài, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, cả chúng ta cũng có thể thân thưa với Thiên Chúa, tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa lòng tín thác của những người con ngỏ lời với một Người Cha yêu thương họ vô biên.

Chào thăm các tín hữu

Buổi tiếp kiến được tiếp tục với phần giới thiệu các phái đoàn lên ĐTC và ngài tóm tắt ý chính bài huấn dụ đồng thời chào thăm họ. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhóm hành hương do các GM giáo phận liên hệ hướng dẫn, cũng như các linh mục, chủng sinh, giáo hữu thuộc các giáo xứ khác nhau, và giới trẻ. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện hàng ngày xin Chúa Giêsu là Thầy Dậy trong cuộc sống của anh chị em. Nơi Người và nhờ Người, chúng ta có thể ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha chúng ta với tất cả lòng tín thác.” Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các đoàn hành hương từ các nước như Anh quốc, Ai Len, Na Uy, Thụy Điển, và cả những nước xa xem như Nigeria bên Phi châu, Ấn độ, Australia, Philippines và cả Indonesia, không kể các tín hữu đến từ Canada và Hòa kỳ. Đặc biệt ĐTC chào Hội đồng Kitô của Na Uy và nhóm đại kết từ Thụy Điển.

Khi ngỏ lời chào thăm đông đảo các tín hữu nói tiếng Ba Lan, về Roma nhân dịp kỷ niệm 1 năm phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 hôm 1-5 vừa qua, ĐTC nói: ”Ứơc gì cuộc sống chứng tá, giáo huấn và tình yêu của Đức Chân Phước giáo hoàng đối với quê hương tiếp tục là gia sản đặc biệt của anh chị en. Được sự chuyển cầu của Người từ thiên quốc, anh chị em hãy trung thành với Thiên Chúa, với Thánh Giá và Tin Mừng. Bằng tiếng Rumani, ĐTC chào thăm phái đoàn các linh mục trẻ thuoc giáo phận Iasi và nói rằng ước gì cuộc hành hương của các con nơi Mộ các thánh Tông đồ và cuộc gặp gỡ với truyền thống của Thành Thánh, là nguồn mạch giúp các con được phong phú tinh thần cho chức linh mục của các con và củng cố lòng can đảm tin nơi Sự Phục Sinh của Chúa Kitô”.
Tại buổi tiếp kiến, có rất đông các học sinh ngừơi Italia và các nhóm đến từ các xứ đạo khác nhau. ĐTC đặc biệt chào thăm họ và cả các tham dự viên hội nghị của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế về những người khiếm thị.

Sau cùng ĐTC nói rằng: ”Tôi nghĩ đến những người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ước gì niềm vui Phục Sinh tiếp tục làm cho cuộc sống của các con được vui tươi. Hỡi những người trẻ, các con đừng dập tắt khát vọng hạnh phúc trong lứa tuổi của các con, với ý thức rằng chỉ có Đấng Phục Sinh mới có thể trao ban niềm vui đích thực. Hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến, anh chị em hãy can đảm đương đầu với thử thách đau khổ, vì biết rằng cần phải luôn luôn đón nhận sự sống như một hồng ân của Thiên Chúa; và hỡi các đôi vợ chồng mới cưới quí mến, các con hãy biết rút ra từ Giáo huấn của Tin Mừng những gì cần thiết để xây dựng một cộng đoàn tình thương chân thực.”

Cuối buổi tiếp kiến vào lúc 12 giờ ĐTC đã cùng mọi người hiện diện hát kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành Tòa Thánh cho họ.