KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ

Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử « Hàn Mặc Tử » tại GXVN Paris

Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử, 1912-2012 (Bài 3 : Tình sử « Hàn Mặc Tử »)

Paris, 15.04.2012. Giáo xứ Việt nam đã tổ chức Ngày Văn Hóa để « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » và ghi nhớ sinh nhật thứ 22 của Thư Viện Giáo xứ. Một chương trình đặc biệt đã được trình bày. Không kể thánh lễ cầu cho Hàn Mặc Tử, còn có thuyết trình văn học và trình diễn văn nghệ.
Về Văn học, có 4 phần chính : Lời chào mừng và giới thiệu Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » và ngày sinh nhật thứ 22 Thư Viện của anh Trưởng Nhóm Trần Anh Dũng ; Lời khai mạc của Đức Cha Hoàng Văn Đạt ; Thuyết trình của Giáo Sư Đỗ Mạnh Tri về đề tài « Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử » ; Cảm tưởng của Giáo Sư Lê Đình Thông vể « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử » ; và lời tổng kết của Giáo Sư Đặng Tiến về Ngày Văn Hóa kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử.
Về Văn Nghệ, qua chủ đề « Hàn Mặc Tử người lữ hành dưới trăng », một chương trình phong phú đã được trình diễn, với hợp xướng, ngâm vịnh, đơn ca, tốp ca,… trong đó có những bài do cố nhạc sư Hải Linh phổ nhạc, như Đà Lạt trăng mờ, Ra đời, Ave Maria.

I. Đức cha Hoàng Văn Đạt, Vị Giám Mục Người Cùi

Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt là giám mục Việt Nam thứ 96. Được nhiều người gọi là « Giám mục Người Cùi », Ngài nhận khẩu hiệu giám mục là « Tình thương và Sự sống ».
Đức Cha sinh ngày 20 tháng 7 năm 1947. Nguyên quán: tại Xuân Lai, Sóc Sơn, Hà Nội, thuộc giáo phận Bắc Ninh. Năm 1954 di cư vào Nam cùng gia đình. Vào Dòng Tên năm 1967. Năm 1970 khấn lần đầu. Học triết học và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện St. Pio X Ðà Lạt, khóa 13. Khấn trọn năm 1982 tại Thủ Ðức. Năm 1976 được thụ phong linh mục. Từ năm 1976 đến 1978 coi ứng sinh. Từ năm 1978 đến 1988 coi Nhà Tập. Năm 1986 cùng lúc vừa coi giáo xứ Thiên Thần và trại phong Thanh Bình. Coi giáo xứ Thiên Thần đến năm 1995. Làm Cha Sở trại phong Thanh Bình đến năm 2002, khi ấy trại phong Thanh Bình có 365 bệnh nhân Công Giáo. Năm 2002, cha đi du học tại Pháp chuyên về linh đạo. Năm 2005 đến 2008 làm linh hướng cho các chủng sinh Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Ngày 4/08/2008 Ðược Bổ Nhiệm Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Bắc Ninh. Ngày 7/10/2008 Thụ Phong Giám Mục, Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Bắc Ninh. Khiđược hỏi về khẩu hiệu giám mục, ngài đã cho biết câu ngài chọn: "Tình Thương Và Sự Sống" (Giop 10, 12). Được bầu vào chức Tổng Thơ Ký Hội Đồng Giám Mục trong Đại hội lần thứ XI tổ chức tại Trung tâm Mục vụ của TGP. TP.HCM, từ ngày 04 đến ngày 08 tháng 10/2010.
Con đường đặc biệt đến với anh chị em phong cùi không gì khác, đó chính là đường cầu nguyện trong yêu thương. Năm 1980 trong một buổi cầu nguyện, vị linh mục trẻ Cosma Hoàng Văn Ðạt đã thân thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con mong ướcđược đến với anh chị em phong cùi và phục vụ họ...".Mặc dù lúc này Cha Cosma chưa hề biết gì về bệnh phong. Và như mọi người, Ngài vẫn còn mang nặng những thành kiến về họ.

Chưa hề biết Tổng giáo phận Saigòn có một trại phong, 6 năm sau, Cha Cosma được Ðức Tổng Giuse Nguyễn Văn Bình cử đến trại phong Thanh Bình. Như thế, lời nguyện ước chan chứa yêu thương của Cha Cosma được Thiên Chúa chuẩn nhận. Tại Thanh Bình, linh mục Cosma không chỉ lo mục vụ của một cha xứ,nhưng còn làm tốt về các công tác xã hội khác. Từ khi có Cha Cosma hiện diện, đời sống tinh thần và vật chất của bệnh nhân được nâng cao. Nhiều người biết đến trại phong Thanh Bình, và nhiều ân nhân tìm đến giúp đỡ người bệnh. Ðặc biệt, con em bệnh nhân không một em nào bị thất học. Nhiều em đã công thành danh toại từ sự dưỡng dục của Cha Cosma.

Ý nghĩa khẩu hiệu: "Tình Thương Và Sự Sống" nói lên một cuộc đời phó thác trong tin yêu, luôn sẵn sàng để cho Chúa sai đi. Ngài tâm sự : « Trong thời gian tôi theo học ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, các sinh viên phải học về các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Cha giáo sư San Pedro chỉ giảng phần dẫn nhập, sau đó ngài cho mỗi người chọn một sách để nghiên cứu. Tôi chọn sách Gióp, vì thắc mắc về vấn nạn đau khổ tên trần gian. Tất nhiên tôi phải đọc đi đọc lại chính tác phẩm, rồi đọc các sách bình giảng khác để làm bài. Tôi rất thích cách giải đáp vấn nạn về đau khổ của tác giả sách Gióp. Lúc ấy, tôi bắt đầu để ý đến câu G 10,12: “Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống…”, nhưng vì đọc bằng tiếng Pháp nên chưa thấm lắm. Dầu sao, có thể nói đó là cốt lõi của sách Gióp đứng trước những vấn nạn của từng người hay của cả nhân loại. Câu 12 nói về những điều Thiên Chúa làm cho con người: ban tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở. Câu 13 sau đó: nhưng Thiên Chúa không cho chúng ta biết ý định của Người. Như vậy, con người phải sống với một Thiên Chúa có những suy nghĩ và việc làm vượt tầm con người. Điều này giúp tôi tìm được thái độ sống phải có: hạnh phúc vì Thiên Chúa ban tình thương và sự sống, chăm lo từng hơi thở đời mình; còn ý định thâm sâu thì không hiểu được, nhưng phải phó thác cho Người.

Thời ấy, Đức Giáo hoàng Phaolô VI cổ động cho nền văn minh tình thương: xây dựng nền văn minh mới, không phải trên khoa học kỹ thuật hay phát triển kinh tế, nhưng trên tình thương, tôi rất tâm đắc. Đến thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài kêu gọi xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, tôi chợt nghĩ là mình đã đọc được ý tưởng này ở đâu rồi. Tôi đã cố gắng suy nghĩ và tìm kiếm đôi chút, nhưng chưa thực sự hết lòng. Khi đến chủng viện ở Cổ Nhuế, hằng ngày đọc kinh Đức Mẹ La Vang, trong đó có câu “cùng nhau xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, tôi nhất định phải tìm cho ra nguồn gốc cụm từ tình thương và sự sống. Tôi nghĩ là ở trong sách Gióp, nên cố gắng tìm. Cuối cùng tôi đã tìm lại được.

Khi phải chọn khẩu hiệu giám mục, tôi không ngần ngại chọn cụm từ tình thương và sự sống, một phần vì đó là điều tôi đã khám phá được trong Kinh Thánh và đã có những cảm nghiệm thiêng liêng phần nào định hướng cả đời sống mình, mặt khác lại giúp tôi thi hành nhiệm vụ giám mục là công bố, cổ vũ và chia sẻ tình thương và sự sống Thiên Chúa ban cho con người. Hơn nữa, đó lại là ưu tư của Hội Thánh toàn cầu nói chung và của Hội Thánh Việt Nam nói riêng”.

II. Hát bài Tình sử Hàn Mặc Tử

Được mời khai mạc Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt kể kinh nghiệm 16 năm phục vụ người bệnh phong cùi, có dịp tìm hiểu về nhà thơ Hàn Mặc Tử và đi thăm hành hương những nơi ông đã ở hay mong được đến, như Quy Hòa, Đồng Hới, La Vang. Đức cha chia sẻ rằng « Thơ của Hàn Mạc Tử thật là bất hủ, có gia trị văn hóa chân thực. Chính vì vậy mà trước đây người ta không muốn công nhận thơ ông, vì ông là công giáo ; Nhưng nay thì Bộ Giáo Dục đã đưa thơ Hàn Mạc Tử vào chương trình giáo dục ». Đức cha cũng tâm sự rằng ngài thích hát bài Tình sử « Hàn Mặc Tử » của Trần Thiện Thanh, và khi sống với những người bệnh cùi ngài đã nhiều lần chiều họ để hát bài này cho họ nghe. Nhưng trong bài này, có nhiều điều không đúng sự thật. Không chỉ ở bài hát này, nhưng cả nơi khác nữa, có những thông tin sai về Hàn Mạc Tử, cần cải chính, như tên thánh của Hàn Mặc Tử : « Tên thánh của thi sĩ không phải là Phêrô, như ông Nguyễn Bá Tín, em của thi sĩ đã nói, vì người ta đã tìm được sổ rửa tội, và theo đó, thi sĩ có tên thánh là Phanxicô ».

Về bài hát Tình sử Hàn Mặc Tử, Đức cha nêu ra 5 điều cần cải chính sau đây :

1. Thi Sĩ Hàn Mạc Tử không chỉ gặp cô Mộng Cầm 1 lần ở Lầu Ông Hoàng, Phan Thiết, nhưng là cả 100 lần.
2. Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm, dẫu thương nhau tha thiết, nhưng chưa có cam kết gì hết.
3. Khi Hàn Mạc Tử chết rồi, thì Mộng Cầm mới đi lấy chồng.
4. Hàn Mạc Tử không chết vào buổi chiều ; nhưng vào buổi sáng và được chôn cất vào buổi chiều.
5. Hàn mạc Tử không hứa hẹn với Mộng Cầm kiếp sau xin trọn đôi, vì Hàn Mạc Tử là một người công giáo rất đạo đức. Trong 50 ngày ở bệnh viện Quy Hòa, ngày nào ông cũng đi nhà thờ quỳ gối cầu nguyện ba lần.

Sau khi đã cải chính dăm ba điều về lời của bài hát như vậy, như để kết thúc lời khai mạc Ngày Văn Hóa « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » của mình, Đức cha Cosma đã đáp lời mời của cử tọa và của cha Đinh Đồng Thượng Sách, đã hát bài Chuyện tình « Hàn Mặc Tử » của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho cả hội trường nghe :

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.

Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân
Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn

Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.

Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.

Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào bíêt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia
Trơì đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng...


Tiếng hát vừa dứt, tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường. Trong khi đó, Đức cha giơ tay vẫy chào tạm biệt cộng đoàn.

Paris, ngày 20 tháng 04 năm 2012
Trần Văn Cảnh