(Nhân kỷ niệm 70 năm nhà thơ Hàn Mặc Tử qua đời)
Với nhiều bút hiệu: Minh Duệ Thị, Phong Trần, rồi Lệ Thanh, và cuối cùng là Hàn Mặc Tử, Nguyễn Trọng Trí đã bước vào làng thơ. Đặc biệt dưới bầu trời thơ mới. Bên cạnh những vì sao như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ v.v … vì sao Hàn Mặc Tử đã tỏa ánh hào quang thi ca với màu sắc của riêng mình – một phong cách cá nhân. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta chìm đắm trong ánh sáng khát vọng, khắc khoải của tình yêu trần thế với những thiên tình cổ lụy; ánh sáng chơi vơi huyền hoặc của thiên nhiên, và để rồi cuộc đời bất hạnh, thơ ông đã hòa quyện vào thứ ánh sáng nhiệm mầu của Đấng Siêu Nhiên trong niềm Thanh Khí Diệu Kỳ.
“Đây thôn Vĩ Dạ” cùng với nhiều giai thoại, nhiều cái nhìn dưới những lăng kính khác nhau, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận nó là tiếng vọng của tình yêu của tâm trạng nhà thơ gửi gắm vào thế giới mông mơ xứ Huế.
“Đây thôn Vĩ Dạ” chỉ với tám mươi bốn bước thơ mà Hàn Mặc Tử đã đưa ta về với mảnh vườn thân thương, sông nước, mây trời, và con người xứ Huế. Những hình ảnh, màu sắc trong bài thơ được Hàn Mặc Tử điểm tô bằng những ngôn từ giản dị, trong sáng. Ta có thể dung tưởng đó là bức tranh với đôi nét chấm phá bằng những gam màu êm nhẹ của nghệ thuật hội họa mà chất nặng ân tình. Đến với “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta không thể đến bằng lối trực giao, mà phải cảm nhận bằng ngả thần giao. Tại sao? Bởi cái giản dị của ngôn từ lại là cái siêu thực với những “vườn ai”, “sông trăng đó”. “khách đường xa”, “trắng quá”, “mờ nhân ảnh”, và “ai biết tình ai”. Tất cà những cụm từ phiếm chỉ; thực - ảo, ta có thể nói đó là một Picaso của thi ca. Có ai đó đã so sánh thơ của Hàn Mặc Tử với tranh của Picaso, nhất là trong tập “Thơ điên” của ông. Nhưng chưa bao giờ “Đây thôn Vĩ Dạ” bị xếp vào loại thơ điên tuy nó có mặt trong tập thơ ấy. Nó là bài thơ trong sáng trong cái lập thể, siêu thực của Hàn Mặc Tử.
Có một bức tranh vẽ: một cái “pipe”, một cây đàn “guitar” đã vỡ, bộ râu mép của anh thợ máy, một nửa mặt nhìn nghiêng của người đàn bà, tất cả bị chằng chịt bởi những dây điện thoại, và bao trùm bởi ánh tà huy, thế mà dưới bức tranh ghi chú “Hoàng hôn trên Auteuil”.
“Đây thôn Vĩ Dạ” ta cũng có thể có một nhận xét tương đồng, Hàn Mặc Tử có nói đến sông, đến gió, đến trăng, lại có cả “hoa bắp lay”. Những hình ảnh này chẳng thấy gì gắn liền với một thôn Vĩ, cho dù thôn Vĩ có hình ảnh sông Hương, vườn bắp, với trăng, nước, mây trời, nhưng ta bảo nó là một miền sông nước nào đó cũng chẳng sao. Rồi đến tả tình, Hàn Mặc Tử có nói đến “đường xa” và “áo trắng” nhưng lại “mờ nhân ảnh”. Tất cả như chẳng có gì gắn với thôn Vĩ. Vậy mà Hàn Mặc Tử lại bảo: “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Thế nên khi đọc bài thơ, ta không nên đọc theo đề tài mà đọc bằng tâm thức theo ngả thần giao.
Bước vào khổ thơ thứ nhất:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hang cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Câu thơ đầu là lời trách móc, cố nhiên, nhưng rất nhẹ đối với người yêu của “ai” đó giữa lòng Thần Kinh vời vợi nhớ mong. Nó như một nỗi nhớ từ xa xôi trở lại, rất gợi cảm. Hình ảnh của thôn Vĩ ngày nào chợt sống dậy từ tiềm thức của nhà thơ. Đó là thôn Vĩ Dạ của những “hàng cau” tràn ngập “nắng mới”, thôn Vĩ có mảnh “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Hàn Mặc Tử không tả mà chỉ với đôi nét bằng ấn tượng: hàng cau tràn ngập ánh ban mai. Hình ảnh với khoảnh khắc thời gian nhưng là ấn tượng tiêu biểu đáng nhớ chẳng khác gì giọt sương đầu cành của Reverdy: “Giọt nước rung rinh ở đầu chiếc lá”, nhất thời nhưng mãi mãi vấn vương. Với mảnh vườn, thi sỹ họ Hàn cũng chẳng miêu tả cỏ cây, hoa lá, mà chỉ tập trung vào một màu xanh, rất xanh, vì là xanh mướt, mà lại “xanh như ngọc”, có một cái gì là lạ đối với người thưởng thức, một lối so sánh không mấy phổ biến. Nhưng nếu đọc bằng cảm giác, ta mới thấy không những chính xác mà lại còn hay. Bởi lẽ, không có thể thay ngọc bằng hình ảnh nào khác, vì “bích” chỉ sánh đôi với “ngọc”. Thế ra nó còn hàm chứa tình cảm nâng niu của Hàn Mặc Tử.
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Nếu đọc liền mạch hai câu thơ, ta mới cảm nhận được cái mướt xanh như ngọc. Ví có ánh nắng chiếu rọi xuống màu xanh của lá thì mới tạo được hồi quang của ngọc bích – XANH NHƯ NGỌC. Siêu thực và tuyệt diệu, câu thơ đã vươn tới sự kỳ diệu của nghệ thuật. Hàn Mặc Tử quả là một “nghệ sỹ nhiệm mầu”, ông có một tâm hồn rung động để cảm thông và cảm nhận một cách tế nhị những đường nét mong manh của hình sắc, những xao động êm đềm của âm thanh, một nét gì rất Tây phương – “The sound of silence”. Không, nhưng cũng rất Đông phương:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
“Trúc” biểu tượng người quân tử, “mặt chữ điền” muốn nói gương mặt của đấng nam nhi cương nghị. Hai hình ảnh này phù hợp với “sao anh” ở câu đầu. Một câu thơ rất tạo hình được đan kết bằng nghệ thuật ngôn ngữ hình tượng của thi ca. Vì chỉ có “anh” là “trúc”, “anh” với gương “mặt chữ điền”.
Sang đến khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử đưa ta vào một quĩ đạo khác của một hành tinh khác. Đã xa rồi “khuôn mặt” với “vườn ai”, mà chỉ còn lại:
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay,
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay.”
Khác với khổ thơ đầu được khai bằng vần trắc để phô diễn cái réo rắt, gọi mời; thì khổ thơ thứ hai được hòa âm với vần bằng, tạo nên một âm điệu man mác, chơi vơi, êm ái, nhẹ nhàng của không gian. Hàn Mặc Tử như muốn nhờ không gian nói lên tâm cảnh của mình. Hay nói một cách khác, đây là bức tranh tâm trạng. “Dòng nước” có “hoa bắp lay”, “bến sông” kia có “thuyền ai đậu”. Đó là dòng sông Hương bên thôn Vĩ thật đấy, nhưng cũng chỉ là những gợi nhớ một nỗi niềm xa xôi đã cuốn theo chiều gió. Vì đường mây cũng là lối gió. Để cuối khổ thơ, tác giả ngây ngất trong cảm giác mộng thực giao thoa:
“Có chở trăng về kịp tối nay”
Ánh trăng tràn ngập trong thi ca Hàn Mặc Tử. Với Hàn Mặc Tử, trăng là cõi mộng, trăng là tình si:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.”
Bốn câu thơ cuối cùng thấp thoáng, xa xôi màu bạc hạnh:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Lúc này tâm trạng nhà thơ không còn là trạng thái “mộng thực giao thoa” nữa, mà hoàn toàn rơi vào cõi mộng giữa những ảo ảnh. Tại sao không còn là “em” để ứng với “anh” trong lời thầm trách “sao anh không về” mà lại là “khách đường xa”. Ta liên tưởng đến “một khách má hồng” nào đó thấp thoáng một lần gặp gỡ để hôm nay lạc vào vùng hoài tưởng, dường như có một Thôi Hộ trong Hàn Mặc Tử:
“Khứ niên kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”
“Nhân diện “ của Thôi Hộ “bất tri hà xứ khứ”, chỉ còn lại “hoa đào tiếu đông phong”; “khách đường xa” của Hàn Mặc Tử thì lại “áo em trắng quá nhìn không ra”. Cả hai hình ảnh cùng xuất phát từ tâm tưởng. Màu trắng của Hàn Mặc Tử, hoa đào cười với gió đông của Thôi Hộ đều được phản chiếu từ tâm tưởng để cảm nhận hình ảnh ký ức, mà ký ức chỉ là ảnh ảo của ảnh thực. Từ cái thực của thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử khéo léo và kín đáo giới thiệu màu áo ấy, màu áo trắng đã phủ kín bài thơ bằng cảm xúc của ông, tình yêu chơi vơi nhưng da diết khôn nguôi.
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”
“Sương khói” của Hàn Mặc Tử là sương khói cực vi, cực diệu mà che cả “nhân ảnh”, cuốn theo bao kỷ niệm hay kỷ niệm tan thành sương khói. Ta có thể hiểu thao cả hai cách. Bằng cách nào thì cũng chỉ giãi bày tình yêu trên con đường một chiều không giao điểm trùng phùng.
Câu thơ đã đưa ta lạc vào vùng suy tưởng, chẳng còn là thôn Vĩ Dạ của xứ Huế nữa. Thứ “sương khói” của Hàn Mặc Tử không phải là thứ sương khói thiên nhiên của làng thôn nhỏ bé ấy. “Ở đây” phải chăng là cõi lòng Hàn Mặc Tử đang hoài tưởng và đắm đuối nhìn theo bằng ánh mắt vi huyền, vi diệu của tâm hồn: chơi vơi, bồng bềnh, xa vắng trước “nhân ảnh” đậm nét Đông phương.
Có thể nói, ba khổ thơ là ba hình ảnh giới hạn trong không gian, nếu nhìn từ một phía. Nhưng với không gian ba chiều, “Đây thôn Vĩ Dạ” là tác phẩm toàn bích về nội dung và nghệ thuật. Toàn bích đến độ trong sáng, dễ hiểu nếu chỉ đọc một lần. Nhưng càng phân tích, chúng ta càng đi sâu vào vẻ đẹp với nhiều khám phá sâu xa, thầm kín từ cõi lòng Hàn Mặc Tử.
“Đây thôn Vĩ Dạ” có thể nói là viên ngọc nhiều màu sắc tuyệt vời trong chuỗi ngọc thi ca Việt Nam. Bài thơ là cả vẻ đẹp thiên nhiên và con người đất Thần Kinh mơ mộng – huyền ảo, nên thơ. Vẻ đẹp được tạo nen từ một si mê, đắm đuối u hoài.
Bằng thi tài và nghệ thuật đặc biệt, Hàn Mặc Tử của một lịch sử và Hàn Măc Tử của một huyền sử sẽ muôn đời là một Phan-xi-cô Nguyễn Trọng Trí – một thi sỹ của sự Mặc Khải đã tạo bao sức hấp dẫn cho nhà thơ Công Giáo ấy.