Vào lúc 17g30 chiều Thứ Năm Tuần Thánh ngày 5 tháng 4 năm 2012, Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – đã chủ tế thánh lễ Tiệc Ly và Rửa Chân tại Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, thuộc Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận, số 23 Lý Thường Kiệt, P.6, Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang. Đồng tế với Đức Cha có Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Tổng Đại Diện (TĐD) Phaolô Trần Kỳ Minh cũng là Cha Sở Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, và Cha Giuse Nguyễn Tuấn Hải. Tham dự Thánh lễ có quí nữ tu thuộc Dòng MTG Chợ Quán, Dòng MTG Tân An, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, và rất đông giáo dân của Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình.

Xem hình ảnh

Trong lúc ca đoàn và cộng đoàn đoàn hát ca nhập lễ, đoàn đồng tế được thánh giá đèn hầu rước từ tiền đàng Nhà thờ lên cung thánh. Sau khi làm dấu thánh giá đầu thánh lễ, Đức Cha chào quí Cha quí tu sĩ và toàn thể anh chị em giáo dân. Kế đến Đức Cha nói rằng, ngài thấy vui khi tự nguyện đến dâng thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đông đảo anh chị em giáo dân ở đây. Sau cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng sám hối để hiệp dâng thánh lễ sốt sắng.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha mở đầu như sau: “Chiều hôm nay, tôi tự nguyện đến cử hành Thánh lễ cho anh chị em, để có cơ hội cùng anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Muốn hiểu bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá của Chúa. Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ta được ơn giải thoát, được cứu sống và được phục sinh.

Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời”. “Như Ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người, thì được sống đời đời”. Thánh giá của Chúa Giêsu biểu lộ Tình yêu trao ban của Thiên Chúa Cha, tình yêu dâng hiến của Chúa Con, và Sức Mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Đó là điều chúng ta tuyên xưng mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Sau đó, Đức Cha nói đến ý nghĩa việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể là để minh hoạ tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ, và để ở lại với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Đức Cha nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Giêsu không đơn giản chỉ là một cái chết lịch sử, nhưng là cái chết cứu độ, một cái chết siêu lịch sử, tức là Chúa Giêsu vượt qua thế gian này để về cùng Chúa Cha, là cái chết mang lại sự sống cho loài người chúng ta.

Tiếp đến, Đức Cha liên hệ đến việc Giáo hội cử hành Hy tế của Chúa qua Thánh Lễ là cùng nhau đón Chúa đến trong mầu nhiệm cái chết và sự sống lại. Đức Cha nêu dẫn chứng rằng: “Sau khi truyền phép, làm cho bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa, chủ sự lớn tiếng tung hô “Đây là mầu nhiệm đức tin”, và toàn thể cộng đoàn đáp: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.

Trong phần cuối của bài giảng, Đức Cha nêu lên cử chỉ yêu thương đặc biệt của Chúa Giêsu khi rửa chân cho các môn đệ để nhắc lại giới răn yêu thương của Người. Cử chỉ của Chúa quan trọng đến nỗi nếu các Tông đồ không được rửa chân thì không được chung phần với Người.

Qua những điểm vừa nêu, Đức Cha kết luận bài giảng và đưa ra áp dụng vào cuộc sống như sau: “Việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ càng làm nổi bật ý nghĩa của hy tế thập giá và bí tích Thánh Thể: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…”, sẵn sàng phục vụ và hy sinh mạng sống cho mọi người. Đó là điều mà mỗi người chúng ta hãy cố gắng noi theo trong thân phận yếu đuối tội lỗi của mình.”

Sau bài giảng thì đến nghi thức Rửa Chân. Đức Cha cởi áo lễ bên ngoài ra, và tiến đến chỗ ngồi đã được chuẩn bị sẵn trên cung thánh cho 12 ông trong HĐMVGX, tượng trưng cho 12 Tông Đồ. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên đích thân Đức Cha rửa chân cho 12 “Tông Đồ”; những lần trước thì thường là một linh mục đồng tế với Đức Cha cử hành nghi thức này.

Sau khi Đức Cha rửa chân cho các “Tông Đồ” xong, Thánh lễ tiếp diễn như thường lệ trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.

Sau lời nguyện hiệp lễ thì đến phần kiệu Mình Thánh Chúa long trọng sang bàn thờ phụ. Đức Cha và quí Cha đồng tế tiến ra quỳ gối trước bàn thờ có đặt bình đựng Mình Thánh Chúa ở giữa. Cha TĐD phụ trách phần kiệu này, Cha xông hương Mình Thánh Chúa trong lúc ca đoàn hát các bài hát về Thánh Thể. Xông hương xong, Cha TĐD nhận áo choàng rồi tiến đến bàn thờ nâng Mình Thánh Chúa lên cao để bắt đầu đi kiệu. Thứ tự đoàn kiệu như sau: Thánh giá đèn hầu, 12 “Tông Đồ” vừa được rửa chân, giúp lễ, Mình Thánh Chúa, Đức Cha và quí Cha. Đoàn kiệu đi thẳng ra tiền đàng nhà thờ, vòng sang hành lang bên nam và trở về cung thánh. Trên đường kiệu có 3 chặng dừng lại để tôn thờ Thánh Thể: ở giữa Nhà thờ, ở tiền đàng Nhà thờ, và ở giữa hành lang bên nam.

Khi Mình Thánh Chúa được rước đến cung thánh và tiến đến Nhà Tạm phụ đã được chuẩn bị hoa nến rất đẹp, Cha TĐD đặt Mình Thánh Chúa, xông hương, và cộng đoàn cùng thờ lạy. Sau đó, Cha đặt Mình Thánh Chúa vào trong Nhà Tạm, đóng của lại; đoàn đồng tế và cộng đoàn quỳ gối thinh lặng cầu nguyện trong giây lát.

Khi Đức Cha và quí Cha đi vào Phòng Thánh kết thúc nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, thì khăn bàn thờ được xếp lại, bàn thờ để trống. Thánh lễ kết thúc vào lúc 18g35, Đức Cha ở lại ăn cơm tối với quí Cha tại Trung tâm Mục vụ.

Tại Nhà thờ thì cộng đoàn theo phiên Chầu lượt đầu tiên: Ca đoàn, giúp lễ, giới trẻ, và thiếu nhi. Sau đó, theo thứ tự đã được phân công, các hội đoàn (Hội Các Bà Mẹ Công giáo, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Legio Mariae), và cộng đoàn cùng thay phiên nhau chầu Thánh Thể, cùng canh thức với Chúa tới khuya.