Những ngày giáp Tết, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi tiếp tục đi chia quà Tết tại Bình Long (tỉnh Bình Phước) ở miền đông và Mộc Hóa (tỉnh Long An) của miền tây. Xin giới thiệu hai địa danh mà chúng tôi đã đến chia sẻ tình thương được gom góp từ độc giả Vietcatholic.

An Khương, giáo họ vùng sâu của đồng rừng Xem hình ảnh phát quà tại An Khương

Chúng tôi lên xe khi Sài Gòn đang rộn rã sắm Tết ở nhiều mức độc khác nhau: người giàu có, kẻ xa sỉ, người “vừa đủ xài”! Đến giáo họ An Khương lần này, chúng tôi chỉ có 80 phần quà nhưng cha xứ yêu cầu “ngắt” ra thành 110 phần để gia đình nào cũng có. Thế là một bạn trẻ Bông Hồng Xanh bù đắp vào, quà có đủ mà không cần “xén nhỏ” ra!

Thật ra, vào đầu tháng 12/ 2011, chúng tôi đã đến vùng đất đỏ khô khan làm cây lá ít xanh tươi này để dự lễ rửa tội của 200 anh chị em dân tộc ở đây; nhìn thấy vẻ chân thành của họ, chúng tôi “ấp ủ” một chuyến trở lại đây và điều này đã thành sự. Hôm đó, thật xúc động khi 200 con người được gia nhập Hội Thánh. Nhìn sâu vào mắt họ, chúng tôi đọc được một sự chân thành chứ không phải là điều gì khác. Dùng cơm trưa cùng với họ, trò chuyện với đội đánh chiêng cồng, chụp hình Đức Cha Tước với các em lễ sinh ở đây, chúng tôi càng thấy thương thương nơi này. (Xem video kênh mariavuloan)

Hôm nay, xe vừa đến nơi, chúng tôi được chứng kiến giáo dân đang dự thánh lễ sáng Chúa nhật trong một ngôi nhà nhỏ. Cuối thánh lễ, cha xứ giới thiệu nhóm chúng tôi với cộng đoàn và ca đoàn thanh niên múa tặng chúng tôi một bài. Sau đó cha mời mỗi gia đình một người đại diện ở lại nhận quà. Chúng tôi định chia quà bên vệ đường nhưng Ban Hành Giáo mời vào lòng nhà thờ tuy rất chật chội. Thiếu nhi nhận kẹo và bóng ở ngoài sân. Vì nắng gắt nên chúng tôi trao quà rồi các em về ngay, chẳng hát hò vui chơi gì cả. Mỗi người một việc, chỉ một thoáng là ổn định. Ông trùm chánh tuyên bố lý do, rồi trưởng nhóm Bông Hồng Xanh chúc mừng năm mới bà con cô bác và sau đó là phát quà theo danh sách. Mọi việc nhịp nhàng, tốt đẹp. Nghĩ cũng buồn cười, phát đến chuyến đi thứ ba là chúng tôi nhuần nhuyễn “nhà nghề” quá! Có một ông ăn xin ở đâu đến, may mà chúng tôi có mang thêm 50 cái áo pull người lớn và số bánh cố tình mua dư nên ông cũng có quà. Kinh nghiệm cho biết bao giờ cũng có người “xin thêm ngoài rìa!”

Đến thăm một số nhà giáo dân, chúng tôi mới hiểu thêm về đời sống dân chúng ở đây.

Giáo họ An Khương, thuộc giáo xứ Phú Lương chỉ có 500 giáo dân kể cả người lớn và trẻ em. Mỗi tuần có một thánh lễ sáng Chúa nhật, chiều thứ bảy giáo dân tụ tập lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa. Ban Hành Giáo chia thành bảy nhóm, có ông trưởng ông phó. Chỉ có một ca đoàn thanh niên do quí thầy của một tu đoàn, ở cách đó vài cây số, coi sóc. “Nhà nguyện” dã chiến của dân có từ ba năm nay, trước đó chẳng có lễ lạc gì ở khu này cả. Ở đây, đa số là dân tộc S’tiêng. Người dân làm lúa, trồng khoai mì, bắp. Lúa phơi khô xong là bán ngay (không bán gạo); nhổ củ khoai mì lên là bán tươi cho lái buôn; còn bắp thì tẽ hạt ra rồi mới bán. Số người có đất thì còn khá, những người không có đất chiếm khoảng 30% đi làm mướn ăn qua ngày. Những người này khi không có ai mướn thì lên suối kiếm cá, vào rừng tìm nấm, măng… Đặc sản của họ vẫn là cơm nấu trong ống tre. Trò chuyện với họ, vẻ chân thật toát ra pha lẫn sự hiếu khách làm chúng tôi xúc động. Cách đó 2 km có một thác tên là Thác số 4, ở trong một khu du lịch. Khi có dịp đến đây, quí vị có thể tham quan.

Cũng khá bất ngờ khi chúng tôi được dùng cơm trưa tất niên cùng với 60 em nam nữ trong nhóm ơn gọi của giáo hạt Bình Long do cha xứ Phú Lương phụ trách. Thật quí hóa cho một vùng đất đỏ!

Ra về khi trời còn nắng gắt, chúng tôi tạm biệt nhiều nụ cười vì chuyến đi này, cả cái giáo họ nhỏ bé ấy ai cũng có quà, từ quí ông trùm khu đến ca đoàn và cả quí thầy nữa. Niềm vui chan hòa cho một chuyến đi.

Xóm người Việt hồi hương ở Mộc Hóa, Long An Xem hình ảnh phát quà tại Mộc Hóa

Rồi lại một ngày giáp Tết, chúng tôi đến thị trấn Mộc Hóa, cách Sài Gòn 130 km để tặng 100 phần quà. Như những chiến sĩ “du kích” của Chúa, chúng tôi sắn tay áo chia quà ngay trước sân nhà thờ. Quà bày dưới đất, “bạt” giăng trên cây. Cha sở tuyên bố lý do rồi chúc mừng năm mới, sựviệc diễn ra nhanh gọn. Ai có phiếu là lãnh quà. Chúng tôi hỏi một chị còn trẻ, chị trả lời giọng rặt miền Nam: “Con đi lãnh dùm cho bố chồng con. Ổng bị liệt, yếu lắm, con mang dzìa cho tía con dzui!”. Cha sở giải thích vì ở đây cha biết từng gia cảnh nên “chọn rất kỹ!”

Dùng cơm trưa xong, chúng tôi lên ghe đi trên sông Vàm Cỏ Tây vào khu nghèo của nhà dân. Cái ghe nhỏ quá làm chúng tôi sợ nên tất cả đều mặc áo phao. Có nhiều sự việc “đáng tiếc” khi người ta “coi thường” sông nước, có đúng không? Có chỗ bèo mọc đầy ven sông nên vào khu này khá khó khăn cho người điều khiển ghe, dù là ghe máy. Dọc hai bên bờ là những ngôi nhà lá che chắn tạm bợ. Trên một bãi đất bồi ven sông, một đại gia đình kia có đến 22 người gồm cả ông bà, cha mẹ, dâu rể, con cháu sống quanh khu đó. Cả đoàn chúng tôi thăm nhà ông bố, nhìn thấy mà thương. Nhà con rể ông treo một con cá khô bên hiên nhà, thấy lạ, chúng tôi bèn chụp hình. Một gia đình khác cũng thuộc đại gia đình ấy chỉ sống trên ghe, cạnh đám bèo già.

Những người sống ở đây làm lòng chúng tôi trĩu nặng khi ghe quay đầu đi, rẽ vào Kinh Cầu Cá Rô, để cho quà một vài gia đình khác ở sâu bên trong.

Và thật là ngạc nhiên, sau đó chúng tôi được đến thăm khu những người Việt hồi hương từ Biển Hồ Campuchia về, sống trong một khu đất ruộng với những căn nhá lá nghèo nàn dựng trên cọc. Cây cầu gỗ miếng vuông miếng nhọn chắp vá đưa chúng tôi vào thăm một phần khu này. (Phần ở bên ngoài cầu là những nhà lá dọc theo con đường nhựa, có phần nhỉnh hơn một chút). Tính từ sau chiếc cầu, chỉ có nhà ông trùm khu là xây sạch đẹp, còn lại thì chỉ nhà lá nhà gỗ chắp vá mà thôi. Khoảng hai mươi đứa trẻ chạy ùa ra. Chúng đưa hai bàn tay nhỏ nhận kẹo và bóng. Những bàn tay không được sạch vì lấm đất bùn, có đứa mặt mũi tèm lem, mặc quần rách. Mùi hôi quanh đó bốc lên làm chúng tôi muốn nín thở, thế mà họ hít thở quanh năm bầu khí ô nhiễm của một nơi bùn lầy thế này! Không ô nhiễm sao được khi họ tắm táp giặt giũ bằng nước sông. Ai bảo đảm được “chất thải” của họ không “chan hòa” nơi này? Mùa nước nổi thì họ khốn khổ hơn, đi lại bằng ghe, sống chung với nước ngập… Chúng tôi chia làm hai ba tốp để tặng quà, hỏi thăm, chụp hình.

Xin giới thiệu với tất cả những ai quan tâm đến những kẻ khốn cùng, một khu người Việt hồi hương từ Biển Hồ Campuchia, gồm 160 gia đình - trong đó có 60 gia đình Công giáo - đang sống ở vũng ruộng lầy thuộc xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng vì con em họ không được đi học khi không có hộ khẩu và giấy khai sinh (ban ngày chúng chơi loanh quanh ở đó hoặc đi mò cua bắt ốc với cha mẹ); vì những người Việt này chưa xin nhập tịch lại để được sống “đầy đủ giấy tờ” trên đất Việt Nam. Nói chung, việc dân trí dân sinh của họ rất cần được chú ý. Nhóm chúng tôi chỉ gặp gỡ ở mức an ủi và “khám phá” dùm cho những tổ chức từ thiện lớn hơn và những ai có quan tâm đến vùng sâu vùng xa. (Mùa chay, Bông Hồng Xanh chúng tôi sẽ trở lại đây để an ủi yêu thương và sẵn sàng làm cầu nối cho những ai có tấm lòng với khu này).

Cả mấy chuyến đi, chúng tôi đều mua “nhu yếu phẩm” làm quà Tết. Thật tình mà nói, Tết Nguyên Đán mà không có bánh mứt thịt thà sẽ chẳng gọi là ngày Tết. Thôi thì nhận quà Tết để biết rằng mùa xuân đã đến, tiết trời mát mẻ hoa cỏ tươi vui, bắt đầu một năm mới. Dẫu bận rộn và mệt một chút, chúng tôi thấy vui. Chưa bao giờ chúng tôi thấy câu nói từ bục giảng trong thánh lễ hay như thế này: “Có hai con đường ngắn nhất lên thiên đàng là TỬ ĐẠO và LÀM VIỆC BÁC ÁI”.