XUÂN LỘC- Vào một ngày đầu năm mới 2012, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh chúng tôi có một chuyến đi chia quà tết cho người nghèo tại một giáo họ vùng sâu vùng xa thuộc huyện Định Quán, giáo phận Xuân Lộc.

Đây là một địa điểm do “Chúa chọn”. Vì sao lại như thế? Kính mời quí vị cùng dõi theo bước hành trình thú vị của chúng tôi.

Xem hình ảnh

Quãng đường đi ấn tượng!

Khi vừa có được 100 phần quà Tết “khá chất lượng”, chúng tôi định chọn một nơi phát quà cách Đà Lạt 30 km. Còn đang phân vân thì chúng tôi nhận được tin nhắn Chúc Mừng Giáng Sinh & Năm Mới của một linh mục ở vùng sâu Định Quán. Quá xúc động, chúng tôi gọi điện hỏi thăm và cha cho biết muốn vào giáo xứ Xuân Trường của cha phải đi ghe gần một giờ đồng hồ và muốn vào giáo họ nghèo Xuân Trung thì đi đường rừng thêm 6 km nữa. Nhóm chúng tôi “chuyên trị vùng sâu vùng xa” nên nghe như thế liền hớn hở chọn ngay giáo họ nhỏ bé này để phát quà. Thế là có một địa điểm Chúa chọn dùm, phải không ạ?

Trước khi xuống ghe vào vùng sâu, chúng tôi ghé vào một địa điểm, nơi có một số Sơ mong chúng tôi dừng chân chia sẻ cho một số gia đình có hoàn cảnh đáng thương trong cuộc sống. Mấy Sơ trẻ chở chúng tôi đi thăm một số nhà; mỗi nhà một hoàn cảnh, mấy Sơ mà chọn thì không “sai” vào đâu được! Sau đó trở về sân nhà dòng phát tập trung. Chúng tôi giăng băng rôn để việc phát quà ý nghĩa và lịch sự. Với 30 phần quà ở đây, ai cũng vui vẻ đón nhận mà không một chút mặc cảm. Dễ hiểu thôi: kia là chị bị té gãy tay mà không có tiền mua thuốc; này là anh bị bệnh tiểu đường ở nhà trông ba đứa con cho vợ đi làm thợ hồ; có hai cháu bị bệnh não cũng được mang đến….Thấy thương tâm quá, chúng tôi rút thêm tiền cho thêm.

Khi chúng tôi dùng cơm trưa tại nhà người quen thì Sơ phụ trách cộng đoàn đến trao đổi, nối kết tình thân để cùng làm bác ái nơi này. Chúng tôi vui vẻ đồng ý và nhận một thùng vừa ổi vừa xoài mà Sơ tặng giao lưu.

Ngay sau đó, chúng tôi đi trở về hướng cầu La Ngà để lên ghe. Chờ ghe ở một bãi đổ cát, chúng tôi sốt ruột. Một chuyến công tác chỉ đi về trong ngày thì thời gian phải quí từng giờ.

Ghe đến, tất cả quà được sáu bảy em thanh thiếu niên (có cả em giúp lễ của cha nữa) mang xuống ghe. Lòng sông rộng, cảnh hoang sơ làm chúng tôi rất thích. Gần đến bờ, có một chiếc xe máy cày đợi chúng tôi. Chúng tôi bật cười vì phương tiện cha đón Bông Hồng Xanh rất ….lãng mạn!!

Quà lại chất lên xe máy cày và chúng tôi cũng leo lên đi vào trong giáo xứ! Vừa đi vừa cười nghiêng ngả vì lạ mà dzui! Đến nhà thờ, chúng tôi vào nhà cha rửa mặt uống nước rồi đi tiếp vào giáo họ. Quà tiếp tục được xe máy cày mang đi còn chúng tôi phải đi Honda vào vì một nửa đoạn đường tráng nhựa, còn một nửa là đường đất màu cam nhạt gồ ghề, vào mùa mưa mà đi lại thì…vô cùng khốn khó!

Dọc con đường dài sáu cây số ấy chúng tôi thấy nhà dân sống hai bên đường, nhiều nhà còn bằng gỗ bằng tre đơn sơ. Chúng tôi còn gặp một vài người đang róc vỏ cây tràm bên bìa rừng. Cây tràm còn gọi là cây keo. Cây nhỏ để làm giấy, cây lớn được đưa vào nhà máy làm thùng gỗ đựng hoa quả, đồ dùng. Róc như thế người ta tính tiền theo từng mét khối, khoảng 70 ngàn đồng (3,5 Usd) nhưng róc xong một mét thì cũng mệt lắm.Nhưng không phải lúc nào cũng có việc vì nếu công ty nào đó bao thầu cả một phần rừng thì họ mướn công nhân ở chỗ khác về làm, còn dân địa phương ít khi được mướn. Thế nên giáo dân ở đây nói riêng và dân chúng quanh khu vực này thường vào rừng chặt cây lồ ô, chích cá, trồng củ khoai mì, làm rẫy, trồng đậu xanh đậu đen, ai khá hơn thì trồng xoài, trồng điều. Địa bàn đi lại khó khăn nên sinh hoạt của người dân có phần khó khăn.

Giáo họ Xuân Trung

Nhà thờ đơn sơ trên khu đất khô ráo hiện ra trước mắt chúng tôi. Đã có người đến đọc kinh trước thánh lễ. Chúng tôi lại giăng băng-rôn rồi chuẩn bị quà bên một cái “nhà” nhỏ cánh trái nhà thờ. Dù bận rộn bơm bong bóng, cho mì gói, đường, sữa, nước mắm, bánh và phong bì tiền vào túi đỏ,chúng tôi vẫn nhìn ra cái nhà dạy giáo lý “đáng thương” chưa từng thấy trên đời, ngay cạnh nơi chúng tôi soạn quà.

Soạn quà xong thì thánh lễ bắt đầu. Thánh lễ Chúa nhật thì đông đúc, nhưng tất cả thì rất đơn sơ, chỉ có cung thánh là khang trang, sạch sẽ. Sau lễ, thiếu nhi được phát bánh kẹo trong nhà thờ, còn người lớn xếp hàng ở bên ngoài.

Mọi việc diễn ra khá nhanh, không “màu mè hoa lá hẹ”. Trưởng nhóm phát biểu vài lời rồi chúc mừng năm mới, quà được phát ra trong ánh mắt vui của những người có phiếu. Rồi cha chánh xứ ra nói lời cảm ơn. Cả cái giáo họ vắng vẻ ấy bỗng rực rỡ sắc màu của bong bóng và tiếng cười. http://youtu.be/GyRfhR5sYdA

Giáo họ nhỏ bé này được thành lập từ năm 1990, trước đây là một giáo điểm, rồi thành một giáo họ biệt lập, đến năm 2008 là giáo họ thuộc giáo xứ Xuân Trường với 600 giáo dân. Ở đây có nhiều người dân tộc nên nhà nước cho kéo điện vào, rồi tráng nhựa con đường trong khi giáo xứ Xuân Trường thì phải kéo điện từ nơi này về dùng.

Trước đây, một năm (giáo điểm) chỉ có từ hai đến ba thánh lễ. Từ năm 2007, có cha phó của giáo xứ Xuân Trường đến dâng lễ hằng tuần. Nay cha chánh xứ Xuân Trường Antôn Phạm Văn Khải dâng bốn thánh lễ trong tuần. Giáo họ chỉ có bốn ông trong Ban hành giáo, giới Gia Trưởng và giới Hiền Mẫu, còn 120 thiếu nhi được bảy giáo lý viên và ba sơ dòng Mến Thánh Giá chăm sóc. Các thiếu nhi học giáo lý trong nhà thờ và cả ở hai cái “phòng” rách nát.

Trời chưa tối mà chúng tôi vội ra về, bỏ lỡ bữa cơm nhà cha đã nấu. Thấy chúng tôi mệt phờ, cha đưa một “ụ xôi” (mà đi đám cưới người ta cho) và mấy ổ bánh mì không để chúng tôi lên ghe ăn. Quả thật, ghe chạy thì gió lạnh buốt, nhấp nháp xôi và bánh mì sao mà ngon thế! Chúng tôi chạy thẳng về Sài Gòn mà không ghé nơi nào.

Nhóm Bông Hồng Xanh xin Chúc Mừng Năm Mới giáo họ nhỏ bé Xuân Trung và cả cái “nhà” giáo lý “đáng thương” ở đó nữa!