Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam mừng lễ thánh Tổ phụ

Sài Gòn - 9g sáng ngày thứ ba 4-10-2011, Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam mừng lễ Cha Thánh Phanxicô tại nhà thờ Giáo xứ thánh Phanxicô, Phường Đakao, Quận 1, Sài Gòn.

Lễ Giỗ Tổ năm nay diễn ra trong bầu khí Giáo hội toàn cầu vui mừng kỷ niệm 25 năm tinh thần Átxidi (Assisi) cầu nguyện cho hòa bình thế giới, và ngày 27-10 tới, ĐTC Biển Đức XVI cùng các lãnh đạo tôn giáo khác sẽ tham dự ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Átxidi lần nữa. Vì vậy, bầu khí mừng lễ hôm nay lại càng vui hơn.

Xem hình tỉnh dòng Phanxicô VN mừng lễ thánh tổ phụ

Tham dự lễ Giỗ Tổ năm nay, ngoài các khách mời là linh mục và tu sĩ thuộc các Dòng bạn, đông đảo giáo dân, còn có đủ thành phần trong Đại gia đình Phan sinh Việt Nam: các cha các thầy Dòng Nhất thuộc các cộng đoàn Đakao, cầu ông Lãnh, Quận 9, Học viện Phanxicô, các chị Dòng Nhì Clara Quận 9, các chị Dòng nữ Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ (FMM), các anh chị em Dòng Phan Sinh Tại Thế (tức Dòng Ba Phanxicô trước đây) miền Sài Gòn và các tỉnh lân cận, Giới trẻ Phan Sinh, và anh em Cựu Phan sinh (cựu chủng sinh Dòng Phanxicô).

Khi ca đoàn của hơn 40 thầy Học Viện Phan Sinh cất lên bài ca nhập lễ, đoàn rước đoàn đồng tế tiến bước lên nhà thờ, với sự có mặt của các anh chị đại diện đại gia đình Phan sinh Việt Nam, khoảng 40 linh mục, đi sau cùng là cha chủ tế, Giám tỉnh Phanxicô Xavier Vũ Phan Long. Các đại diện, đứng đầu là cha Giám tỉnh, thực hiện nghi thức niệm hương trước bàn thờ Cha Thánh Phanxicô. Cộng đoàn khoảng 700 người cùng vái ba lần trước tượng thánh Tổ phụ, theo cử chỉ của các đại diện.

Bài đọc I do một nữ tu Dòng Nhì Clara đọc, một thầy Học viện Phan Sinh hát phiên khúc thánh vịnh 15 và cộng đoàn phụng vụ hát điệp khúc, một nữ tu Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đọc bài đọc II. Cha Phaolô Nguyễn Đình Vịnh, Phó Giám tỉnh đọc bài Tin mừng, và cha Giám tỉnh giảng lễ.

Cha nói: “Năm nay, chúng ta muốn sống lễ Giỗ Tổ dưới ánh sáng của “25 năm Tinh thần Átxidi”, vì vào ngày 27-10-1986, ĐTC Gioan-Phaolô II đã về Átxidi cùng với một số vị đại diện các tôn giáo thế giới mà cầu nguyện cho hòa bình, nên tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ về nỗ lực của cha thánh Phanxicô trong việc kiến tạo hòa bình.

“Tại Đamiétta năm 1219, chẳng xảy ra một phép lạ nào cả ngoài cuộc gặp gỡ do cha thánh đã sẵn lòng đi ra khỏi thế giới của mình để đến bến bờ của Quốc vương Hồi giáo Al Kamil; tại đấy, đã xảy ra những cuộc đối thoại trong sự trân trọng của bên này đối với bên kia. Trong những Tổng Tu Nghị gần đây, anh em Dòng I được nhắc nhở, nhưng điều này hẳn cũng đúng cho cả Gia đình Phan sinh: người Phan sinh là người ra khỏi chính mình để đi đến với người khác; nhưng người Phan sinh cũng biết giữ một khoảng cách về con người, về văn hóa và địa lý để gặp được sự phong phú là chính người khác. Như con chiên giữa bầy sói (x. Mt 10,16), người ấy không đi bên lề, không đi trong thế đối lập, nhưng đến giữa những người khác để làm chứng về sự bình an của Thiên Chúa mà mình đang trải nghiệm. Anh đi đến với người khác, không phải là với một dự phóng về người khác, nhưng chỉ theo lời mời của Thiên Chúa, để sống với những người khác trong Thần Khí của Chúa, không quyền lực, hoàn toàn khiêm tốn và quy phục mọi thọ tạo.

“Thánh Phanxicô chiếm được lòng tin tưởng của người khác do ngài yêu mến Thiên Chúa. Chỉ nhờ chia sẻ kinh nghiệm đức tin cho nhau, người ta mới gặp nhau thực sự. Cha thánh khẳng định căn tính của mình, ngài tuyên xưng niềm tin cách rõ ràng và loan báo Lời Thiên Chúa khi Chúa muốn. Tại Đamiétta, ngài bị đánh động khi nhận ra người xa lạ kia là một tín hữu. Từ đó nỗi sợ hãi ban đầu biến thành lòng thương cảm. Cũng từ đó, ngài hiểu rằng sự tử đạo đích thật là khi phó thác bản thân cho Chúa, là khi sẵn sàng để cho Chúa sử dụng mình, khi hiến mình cho người khác và cho sứ mạng. Nếu dưới cái nhìn của con người, cuộc gặp gỡ Đamiétta là một thất bại, dưới cái nhìn thiêng liêng, đây lại là việc thông phần sâu sắc vào công trình của Đức Kitô. Khi chúng ta yêu thương cho đến cùng, trong thử thách, sứ mạng của chúng ta không dừng lại, nó tiếp tục đi sâu đi xa hơn nữa: khi đó những hoa trái bền vững sẽ xuất hiện.

“Nhưng để có thể là con người của gặp gỡ, thánh Phanxicô đã luôn luôn là người của Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Chính Lời này, mà ngài lắng nghe với tất cả sự quý trọng, đã biến đổi ngài và hướng dẫn ngài hành động. Chính Bí tích bàn thờ này nuôi dưỡng ngài, làm cho ngài trở thành một Kitô đi vào giữa lòng thế giới, hoàn toàn tay trắng mà rất vững dạ an tâm.

Kết thúc bài giảng, cha nói: “Với những chia sẻ này, xin hiệp thông với toàn thể anh chị em để đi vào lễ Giỗ Tổ và mừng Ngân khánh “Tinh thần Átxidi”. Cầu chúc anh chị em đại lễ cha thánh Phanxicô vui tươi, chan hòa tình huynh đệ và sẵn sàng ra đi để đổi mới thế giới không phải bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu. Sứ mạng trước tiên là sứ mạng đối với bản thân, khi chúng ta hoán cải, rồi cũng là sứ mạng đối với người khác để giúp họ yêu thương trong một nỗ lực thi đua tiến đến với sự Thiện là chính Thiên Chúa”.

Phần đọc lời nguyện giáo dân và dâng lễ vật đượm tính chất Đại gia đình Phan sinh: mỗi gia đình đều có đại diện, nói lên tình thương mến, hòa hợp nhau giữa các thành phần trong đại gia đình,

Cuối thánh lễ, Cha Giám tỉnh cám ơn mọi người đến tham dự thánh lễ, cám ơn Cha xứ Giuse Phạm Văn Bình cùng Ban mục vụ Giáo xứ và các đoàn thể đã giúp đỡ cho buổi lễ được tốt đẹp mọi mặt, cám ơn ca đoàn Học viện Phan Sinh hát vừa khỏe lại vừa có lửa, giúp cộng đoàn phụng vụ thờ phượng Chúa cách trang trọng và sốt sắng.

Mọi người xuống sân nhà thờ nói chuyện râm ran, vui vẻ, và nhận phần lộc thánh của Cha Thánh để lót dạ, trước khi chào tạm biệt nhau ra về.

Mấy ngày trước đó, Giáo xứ Phanxicô, do chọn vị thánh Khó Nghèo này làm Bổn mạng của mình, đã tổ chức ba ngày tĩnh tâm, với các chủ đề liên quan đến Cha Thánh. Chiều ngày 29-9, lúc 17g30, cha chánh xứ Phạm Văn Bình giảng đề tài: Chàng trai Phanxicô và Niềm vui thế gian. Cũng giờ này, ngày 30-9, cha Bình giảng đề tài: Thánh Phanxicô và Niềm vui của Chúa. Và chiều 1-10, Cha Gioan Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh giảng đề tài: Niềm vui Phan Sinh cho con người hôm nay. Số người tham dự ba buổi tĩnh tâm nói chung là đông hơn thường lệ nhiều. Cả thời gian giảng và thánh lễ kéo dài gần 2g, nhưng ai nấy vẫn không hề mệt chút nào, và nguyện cố gắng thực hiện một vài điều gợi ý của cha giảng lễ trong cuộc sống thường ngày của mình..

Ngày chủ nhật 2-10, giáo xứ mừng long trọng lễ bổn mạng. Bốn thánh lễ trong ngày đều mừng lễ cha Thánh. Riêng lễ đồng tế lúc 6g30 sáng do cha Giám tỉnh chủ tế và giảng. Cuối mỗi lễ, đều có việc phóng sinh một đàn chim sẻ ở trong lồng. Hai em bé đại diện mở cửa lồng chim cho các chú chim bay ra, trước sự vỗ tay hân hoan của mọi người có mặt. Cử chỉ phóng sinh này nhằm nhắc đến tình thương của cha thánh với các loài vật nói riêng, và cả vạn vật nói chung. Và sau mỗi thánh lễ, các tín hữu đều nhận mỗi người một quà nhỏ làm kỷ niệm, đó là dây đeo chìa khóa có ảnh thánh Phanxicô một bên, với dòng chữ “25 năm tinh thần Átxidi 1986-2011”, và một bên là ảnh tượng đài Đức Mẹ ở sân nhà thờ.

Được biết ngày 27-10 tới, tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận, Đại Gia đình Phan Sinh Việt Nam và Ban Đối thoại liên tôn giáo phận sẽ mừng 25 năm tinh thần Átxidi. Nhiều lãnh đạo tôn giáo đã nhận lời tham dự buổi lễ này.

Hiện nay, Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam có 236 thành viên, chưa kể 28 em thỉnh sinh: gồm 163 tu sĩ khấn trọng, 46 tu sĩ khấn tạm, 97 linh mục, 60 tu sĩ không linh mục, một hiến sĩ và 26 tập sinh.

Nguyễn Trọng Đa