Phnom Penh – Người ta có thể đến Cộng đồng Công Giáo Taom (Giáo phận Battambang, Angkor Wat) từ thành phố Siem Rap, sau khi đi nhiều giờ trên một con đường lầy lội. Cuộc sống cộng đồng này xoay quanh các hoạt động nhiệt thành của 29 thành viên và 2 nhà truyền giáo Dòng Tên người Indonesia.

Hãng tin AsiaNews gần đây đã đến thăm ngôi làng bé nhỏ nghèo khó, được tái sinh vào năm ngoái, sau 40 năm bị lãng quên và bỏ bê, khi 30 người dân địa phương được rửa tội.

Linh mục Stephanus Winarta, Dòng Tên (SJ), đến từ Java (Indonesia), phụ trách giáo xứ thánh Gioan ở Siem Reap, và đã giúp cộng đồng trẻ này một thời gian. Cha nói rằng khi cha đến làng Taom, nơi đây không có người Công giáo. Nhà thờ Giáo xứ Đức Bà Maria, do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20, đã bị hư hỏng nặng dưới chế độ Khmer Đỏ, được sử dụng luân phiên như một nhà kho và nơi ở cho nhiều người.

Vị linh mục kể lại: “Rồi vào một ngày nọ, phép lại xảy ra, khi một số người dân địa phương xin chịu phép Rửa tội. Trong ba năm, 30 người đã trở thành Công Giáo, tham gia các lớp giáo lý được tổ chức bởi linh mục Heribertus Bratasudarma, một linh mục dòng Tên người Indonesia, người đã sống ở Campuchia 11 năm. Trong năm 2010, Giám mục Giáo phận Battambang rửa tội cho họ, và bây giờ họ dẫn dắt cộng đồng”.

Cha Winarta nói rằng cha có ấn tượng tốt với sự nhiệt tình của họ. Chỉ trong một vài tháng, họ đã sửa chữa nhà thờ cũ, và yêu cầu vị linh mục dòng Tên trẻ đến dâng lễ mỗi tuần một lần.

Hiện nay chuông nhà thờ đã đổ tiếng kêu vang, và người Công giáo có thể rời cánh đồng để đi lễ. Trong Thánh lễ, người ta hát nhiều bài thánh ca, và cư dân từ các làng lân cận cũng đến dự lễ. Hai tình nguyện viên người Nhật của Trung tâm xã hội Dòng Tên chăm sóc cho các bệnh nhân, và dạy trẻ em đọc và viết, cũng tham dự thánh lễ.

Sự tái sinh tinh thần của làng đã giúp cha Winarta mời Đức Cha Giovanni D'Aniello, sứ thần tòa thánh tại Campuchia và Lào, đến thăm làng.

Giáo xứ Siem Reap có khoảng 500 thành viên, trong đó 40% là người gốc Việt Nam, cộng với một số người nước ngoài.

Tính chung, Campuchia có khoảng 20.000 người Công giáo (chiếm 0,15% dân số). Các nhà truyền giáo nước ngoài và khoảng mười linh mục địa phương phục vụ Giáo hội Campuchia.

Kể từ thập niên 1990, Giáo hội Campuchia đã trải qua một thời kỳ phục hưng. Khi Khmer Đỏ lên nắm chính quyền, tất cả các nhà truyền giáo nước ngoài đều bị trục xuất.

Các giáo sĩ địa phương đã bị xóa sổ, khi các linh mục, nữ tu và nam tu sĩ đã chết vì bị tra tấn hoặc quá thiếu thốn khổ cực. (AsiaNews 5-9-2011)