Khi chúng tôi chào đời và lớn lên ở chốn thôn dã xa xôi này thì ngôi nhà thờ đã có đó, sớm chiều vang lên những hồi chuông, gửi tiếng ngân vang theo gió tỏa ra khắp những cánh đồng, những thôn trang hẻo lánh. Bên cạnh nhà thờ là các lớp học, nơi đã hun đúc bao nhiêu thế hệ con em của giáo xứ, ngay tại họ Trị Sở hoặc đến từ các giáo họ Cầu Mễ, Hải Nạp, Thổ Hoàng, Cội Gạo... để học chữ, học giáo lý, học kinh...

Ngôi nhà thờ nay vừa tròn 100 tuổi. Biết bao lớp người, trong khoảng thời gian dài dặc ấy, đã lãnh nhận các bí tích Thanh Tẩy, Thêm sức, Hôn nhân, Giải tội... tại ngôi thánh đường này, và đã giã từ người thân để đi vào lòng đất. Cũng từ nơi đây đã tỏa ra những dòng người bỏ xứ mà đi sau những biến cố đau thương, để nay tứ tán khắp ba miền đất nước và hải ngoại xa xăm. Theo với thời gian, gạch ngói cùng với con người, đã già nua, mòn lở, lại vì ảnh hưởng chiến tranh tàn phá, nên ngôi nhà Chúa cần được tu bổ để bảo tồn cho những thế hệ về sau.

Chính vì lý do này mà một chương trình đại tu thánh đường đã bắt đầu từ ngày 25 tháng 10 năm 2010, và hoàn thành kịp thời để được thánh hiến và mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng vào ngày 23 tháng 5 năm 2011. Trong tiến trình đại tu, khung nhà thờ vẫn giữ nguyên, vách tường hai bên được xây lại, mái ngói được lợp mới cùng với 2/3 gỗ trên mái được thay, trần nhà thờ được tân trang nhưng còn nguyên vòm cong nguyên thủy, các đầu cột cũng giữ được nét hoa văn của một thế kỷ trước. Phải nói đây là công lao khó nhọc của giáo dân, từ thanh niên nam nữ đến các bô lão, kẻ trộn hồ, người chuyển gạch..., có buổi lên đến 400 hay 500 người, đặc biệt là vì các vật liệu xây cất như gạch, được rỡ từ vách tường cũ để dùng lại, nên tốn rất nhiều công cũng như sự cẩn trọng để khỏi bể vỡ...

Kinh phí dự trù lúc ban đầu là 500 triệu đồng VN (tương đương với khoảng 25 ngàn US dollars), do sự đóng góp của giáo dân và phần nào do một số nhà hảo tâm đang sống tại hải ngoại hoặc ở Miền Nam biếu tặng, nhưng khi bắt tay vào sửa chữa, đã phát sinh ra những công trình mới cần thực hiện (như thay toàn bộ cửa mới, sửa và sơn lại tháp chuông…) nên số dự chi lúc đầu nay đã tăng lên gấp đôi: 1 tỷ đồng (50 ngàn US dollars). Để gánh bớt nợ nần cho giáo xứ, ước mong các vị ân nhân trong nước cũng như hải ngoại tiếp tục hỗ trợ cho công trình xây dựng nhà Chúa được hoàn thành viên mãn.

Điểm son trong ngôi thánh đường mới được đại tu là bàn thờ và bục giảng làm bằng đá Robi đỏ, một loại đá "đặc biệt" của Việt Nam lấy từ Quy Nhơn. Nền cung thánh làm bằng gỗ Pơ-mu, loại có vân đẹp thuộc nhóm gỗ quý, không bị đổi màu, êm và có mùi thơm dễ chịu.Tượng Chúa chịu nạn cũng làm bằng chất liệu gỗ này. Ngoài ra, ba toà trên cung thánh : toà Đức Mẹ, toà Thánh Giuse và toà Chúa Giêsu mở Trái Tim đều làm bằng gỗ "sơn son thếp vàng".

Đôi dòng lịch sử

Lần giở lại trang sử của giáo xứ vào thời điểm hiện nay là điều không dễ dàng. Những thế hệ cha ông từng xây dựng giáo xứ buổi đầu nay không còn nữa. Sử sách, sau bao năm chiến tranh loạn lạc, cũng không còn lại để tham khảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số sự kiện cốt yếu được truyền tụng cho đến ngày nay:

Quảng Nạp trước đây là một họ lẻ của giáo xứ Bạch Bát (nay là Bạch Liên). Bạch Bát, với ngôi nhà thờ đầu tiên xây năm 1701, được thành lập năm 1820 với 14 họ, trong đó có họ Quảng Nạp. Bạch Bát nổi tiếng với nhà dòng Mến Thánh giá, với cha phó xứ Laurensô Nguyễn Văn Hưởng lãnh phúc tử đạo và được tôn phong lên bậc hiển thánh, với những lần ghé qua trên đường rong ruổi truyền đạo của Cha Thánh tử đạo Lê Bảo Tịnh..., nên người giáo hữu Quảng Nạp cũng được thơm lây. Cùng với bao giáo hữu thời đó phải chịu đau thương vì Đạo Chúa, tổ tiên người giáo dân Quảng Nạp chắc cũng đã trải qua bao nhiêu gian lao thử thách - đặc biệt dưới thời Văn Thân hoạt động mạnh mẽ ở Ninh Bình đi tìm giết hại người Kitô giáo - mới giữ vững được đức tin và truyền lại cho con cháu mình cho đến ngày nay.

Theo các cụ cao niên kể lại và theo tương truyền của dòng họ Tạ Kim, thì ông Tạ Kim Nhượng là người đầu tiên được phúc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Sau dòng họ Tạ, còn có dòng họ Phạm và dòng họ Nguyễn Công, Nguyễn Đình cũng được nhận vào làm con Chúa.

Vào khoảng năm 1745 một cha thừa sai người Pháp cho thành lập giáo họ Quảng Nạp. Khi thành lập, giáo họ này có khoảng 200 nhân danh. Tất cả những người trong họ, dưới sự dẫn dắt của cha thừa sai, đã dựng một nhà thờ lợp bằng cỏ tại vườn Me.

Đến năm 1848 số nhân danh trong họ đã có khoảng hơn 500 người; với số giáo dân đông, nhà thờ cũ chật hẹp, không đủ chỗ để mọi người đến đọc kinh, chầu lễ. Do nhu cầu thực tế, nhà thờ được chuyển tới vị trí mới (vị trí của nhà thờ xứ hiện nay). Với biết bao công sức của giáo dân, ngôi nhà thờ bảy gian, theo hướng Đông–Tây lợp bằng cỏ được dựng lên trên mảnh đất mới, giáo dân lại quy tụ về đây để đọc kinh, cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Ngôi nhà thờ này tồn tại tới năm 1910, và một lần nữa, giáo dân lại đóng góp công của để xây dựng nhà thờ mới khang trang hơn.
Năm 1846 Giáo hội Tây Đàng Ngoài có 4 giáo phận: Hải Phòng, Bùi Chu, Vinh và Hà nội. Từ Hà Nội năm 1901 tách ra Giáo phận Phát Diệm, nên có thể nói giáo xứ Quảng nạp khởi thủy thuộc giáo phận Hà Nội, và từ năm 1901 thuộc Giáo phận Phát diệm cho đến ngày nay.

Là con dân giáo phận Phát diệm, xứ đạo Quảng Nạp đã ở dưới quyền chăm sóc mục tử của các giám mục:

Alexandre Marcou Thành (1902-1935)
Louis Cooman Hành (1917-1932)
Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1935-1943)
Gioan M. Phan Đình Phùng (1943-1944)
Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ (1945-1954)
Phaolô Bùi Chu Tạo (1956-1998)
Giuse Lê Quí Thanh (1964-1974)
Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (1977-1981)
Giuse Nguyễn Văn Yến (1988-2007)
Giuse Nguyễn Chí Linh (giám quản 2007-2009)
Giuse Nguyễn Năng (2009- )

- Được biết, ngôi thánh đường hiện nay do linh mục Phaolô Phạm hồng Thái xây dựng năm 1911. Kế tiếp ngài, một số linh mục quản xứ nay còn được ghi nhận như sau:

Cha Thái, Cha Tuyển, Cha Trung, Cha Tăng, Cha Hậu, Cha Vượng, Cha Giảng, Cha Chiểu, Cha Hội, Cha Tùng, Cha Nhung, Cha Đào, Cha Nghiễm, Cha Thuận, Cha Vũ, Cha Phúc, cha Dũng (không rõ tên thánh và tên họ).
. Phaolô Lê Nguyên Kỷ
. Phaolô Nguyễn Quang Thiều, cha chính địa phận, kiêm nhiệm nhiều giáo xứ.
. Phaolô Nguyễn Tất Ứng, kiêm nhiệm các xứ Bạch Liên, Quảng nạp và Hải Nạp.
Cha Nguyễn Tất Ứng, tuy một mình đảm nhiệm ba giáo xứ, nhưng đã tận tâm tận lực trong tiến trình đại tu nhà thờ, và làm việc không mệt mỏi để nâng cao trình độ của giáo dân về giáo lý và lòng đạo đức.

- Năm 1954, một số giáo dân Quảng Nạp di cư vào Miền Nam, sống rải rác ở nhiều địa phương trong đó có thành phố Saigon. Tuy nhiên, đa số họp nhau định cư tại giáo xứ Gia Yên thuộc xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng nai. Sau gần 60 năm có mặt trên miền đất mới, đa số các bậc trưởng thượng, trong đó có vị từng là chánh trương giáo xứ Quảng nạp như cụ Phạm Văn Thuyết, nhân sĩ như ông Nguyễn Đình Trị, ông Phạm Văn Hiến (thân sinh cố Hồng y Phạm đình Tụng)... nay đã ra người thiên cổ, cũng như cụ cựu chánh trương Nguyễn đình Hảo còn ở lại miền Bắc và lâm vào vòng lao lý. Lớp con cháu sau này, đa số sinh trưởng tại miền Nam, không có dịp biết đến quê cha đất tổ. Nay dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng thánh đường là cơ hội để thế hệ này hiểu biết về vùng đất quê hương của ông bà, cha mẹ.

- Biến cố 1975 và những hệ quả sau đó đã đưa một số người gốc Quảng Nạp đến những vùng đất xa xôi nơi hải ngoại, rải rác từ Úc châu, đến Hoa kỳ và một số quốc gia khác. Chìm vào môi trường sống tất bật nơi xứ lạ, hầu như đa số không có dịp trở lại quê hương. Một số người đã cố gắng về thăm thân nhân, viếng mồ mả ông bà, nhưng cảnh vật nay hoàn toàn đổi khác. Trí nhớ của họ vẫn còn mường tượng những Núi Cháy, Núi Hầu, Núi Phượng, Núi Me... khi ra đi nhiều chục năm trước, nhưng cảnh cũ không còn, khiến họ trở thành khách lạ ngay tại quê hương mình.

- Tuy là một giáo xứ nhỏ bé, nhưng Quảng Nạp đã và đang đóng góp cho Giáo hội Việt Nam nhiều ơn gọi: một vị Hồng y, nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ:

Đức Hồng Y Phaolô G. PHẠM ĐÌNH TỤNG (1919-2009)
Linh Mục Giuse Phạm Ngọc Đức (+)
Linh mục Trần Cao Đại (?) (+)
Linh Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Lâm (+)
Lm Giuse Phạm Ngọc Duy (Xuân Lộc)
Lm Phêrô Mai Đức Vượng (Long Xuyên)
Lm Giuse Phạm Cao Thanh (Xuân Lộc)
Lm Phêrô Nguyễn Công Tuấn (Dòng Vinh Sơn, Saigon)
Lm Phaolô Phạm Văn Tuyến (Dòng Vinh Sơn, Saigon)
Lm Gioan Bùi Văn Phước (Xuân Lộc)
Lm Giuse Phạm Văn Hùng (Dòng Đồng Công)
Nữ tu Phạm Thị Thu-Vân (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Xuân Lộc)
Nữ tu Anna Phạm Thị Thìn (Dòng Vincent De Paul, Saigon)
Nữ tu Teresa Vũ Thị Yến (Dòng MTG Khiết Tâm,Thủ Đức)
Nữ tu Teresa Phạm Thị Oanh (Dòng Daminh,Thủ Đức)
Nữ tu Teresa Phạm Ngọc Hà (Dòng MTG Khiết Tâm, Camly, Đàlạt)
Thày Bênađô Bùi Đức Chính (Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, Xuân Lộc)…

- Với sức sống tiềm ẩn đã từng hun đúc nên bao thế hệ cha anh, chúng tôi hy vọng Quảng Nạp sẽ mãi mãi còn phát triển, ngôi thánh đường sẽ lưu dấu dài lâu những nỗ lực của người con dân kính yêu Chúa với niềm ao ước được sống an hoà như tiền nhân còn ghi lại trên hai câu đối dưới tháp chuông nhà thờ:

Thánh đường cao Quảng Nạp càn khôn,
Bảo tháp ôn hoà khai thế giới.


Nhân dịp mừng nhà thờ 100 tuổi, chúng tôi còn hân hoan nhận được thêm một câu đối nữa:

Thánh đường trăm năm vững,
Tâm đạo mãi mãi bền.


Vài con số về xứ đạo Quảng Nạp:
Thành lập năm 1914
Nhà thờ xây cất năm 1911
Số giáo dân: 1178
Các giáo họ: Trị Sở, Cầu Mễ, Cội Gạo, Khai Khẩn.
Hai giáo họ Hải nạp và Thổ Hoàng trước kia thuộc giáo xứ Quảng Nạp nay tách ra thành lập giáo xứ Hải Nạp.
Thánh bổn mạng: Thánh Giuse, lễ kính 19 tháng 3.
Địa chỉ: Nhà Thờ Quảng Nạp, xã Yên Thắng, huyện Yên mô, tỉnh Ninh Bình.